Vị thế quốc tế của đồng USD và Euro không còn là điều hiển nhiên
Vị thế đồng tiền dự trữ quốc tế của đồng USD đang ngày càng bị nhiều chuyên gia kinh tế, chính trị nghi ngờ trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đến hoạt động kinh tế toàn cầu ngày càng tăng, khối nợ của Hoa Kỳ lớn dần và phương Tây đang đối mặt với nhiều thách thức địa chính trị phức tạp, bao gồm cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine.
Vừa qua, phát biểu tại tổ chức nghiên cứu chính sách Council on Foreign Relations (Hoa Kỳ), Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho rằng Hoa Kỳ và Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) không nên coi vị thế quốc tế của đồng USD và đồng Euro là điều hiển nhiên khi Nga và Trung Quốc đang nỗ lực tạo ra cơ chế riêng.
Bà Christine Lagarde cho biết “một bản đồ toàn cầu mới” đang được vẽ ra khi một số quốc gia đang tìm đồng tiền thay thế trong thanh toán quốc tế, như tăng cường sử dụng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc hay đồng Rupee của Ấn Độ thay vì đồng USD và đồng Euro như thông thường hoặc thiết lập hệ thống thanh toán riêng. Ngoài ra, nhiều quốc gia cũng đang tăng cường dự trữ vàng nhằm đa dạng hoá dự trữ ngoại hối với tốc độ thu mua vàng ở mức cao nhất trong lịch sử.
"Những diễn biến này không có nghĩa đồng USD hay đồng Euro sắp mất vị thế thống trị. Đến nay, các số liệu chưa cho thấy sự thay đổi đáng kể nào trong việc sử dụng các loại tiền tệ trên toàn cầu. Tuy nhiên, nó cho thấy vị thế tiền tệ quốc tế của hai đồng tiền này không nên được coi là điều hiển nhiên", bà Christine Lagarde nhấn mạnh.
Giới chức Hoa Kỳ cho đến nay vẫn phủ nhận nguy cơ đồng USD mất vị trí thống trị trên toàn cầu. Họ cho rằng vai trò này có thể còn được củng cố nhiều hơn nếu Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) phát hành đồng USD kỹ thuật số. ECB hiện cũng kỳ vọng việc phát hành đồng Euro điện tử có thể giúp đồng tiền này trở nên phổ biến ở các quốc gia ngoài khối Eurozone. Tuy nhiên, việc sử dụng các đồng tiền điện tử sẽ đi kèm các rủi ro như nạn rửa tiền.
Dữ liệu của ECB cho thấy khoảng 60% dự trữ ngoại hối và nợ quốc tế hiện niêm yết bằng đồng USD, đồng Euro đứng thứ hai với tỷ trọng 20%.
Trong tuần trước, khi đến thăm Trung Quốc, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã kêu gọi các quốc gia khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) nên tìm kiếm 1 đồng tiền thay thế đồng USD để phục vụ hoạt động thương mại nội khối. Xu hướng phi đô la hoá đang phản ánh rõ nét những rạn nứt trong hệ thống tiền tệ quốc tế trong bối cảnh địa chính trị phức tạp.
Đồng Nhân dân tệ dần chiếm ưu thế
Với vị thế chiếm 18,3% tỷ trọng GDP toàn cầu, Trung Quốc đang tận dụng ưu thế thương mại của mình để đẩy mạnh việc đưa đồng Nhân dân tệ vào thanh toán với các đối tác thương mại lớn, từ đó thách thức vị thế của đồng USD.
Điển hình, vào tháng 2/2023, Brazil và Trung Quốc đã đạt được thoả thuận chấp nhận sử dụng đồng Nhân dân tệ cho thanh toán thương mại và đầu tư giữa hai nước. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil và Brazil là đối tác cung cấp quặng sắt, đậu nành cùng nhiều loại nguyên liệu thô hàng đầu của Trung Quốc.
Tính đến cuối năm 2022, đồng Nhân dân tệ đã vượt qua đồng Euro để trở thành đồng ngoại tệ có tỷ lệ giao dịch cao thứ 2 tại Brazil, chiếm 5,37% tổng giá trị giao dịch ngoại tệ. Đồng USD vẫn giữ vị trị thống trị trong hoạt động ngoại thương của Brazil nhưng bắt đầu có dấu hiệu suy giảm. Brazil hiện là nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới (theo quy mô GDP) và lớn nhất khu vực châu Mỹ - Latinh.
Hãng tin Bloomberg cho biết, trong tháng 3 vừa qua, đồng Nhân dân tệ chính thức vượt đồng USD để trở thành đồng ngoại tệ được giao dịch chính tại Nga trong bối cảnh phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga, bao gồm cả các hạn chế trong thanh toán quốc tế. Trước khi cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ tại Nga gần như không đáng kể.
Các chuyên gia quan sát cho biết Trung Quốc hiện đang tích cực vận động để đồng Nhân dân tệ trở thành đồng tiền chính trong giao dịch dầu thô giữa Trung Quốc và các nước khu vực Trung Đông. Trung Quốc hiện là khách hàng nhập khẩu dầu thô lớn nhất của khu vực Trung Đông. Nếu điều này xảy ra thì đây sẽ là đòn giáng mạnh vào vị thế của đồng USD, trực tiếp thách thức khái niệm Petrodollar - hệ thống thanh toán dầu thô bằng đồng USD trên toàn cầu.
Giữ năm 2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng tỷ trọng của đồng Nhân dân tệ từ mức 10,92% lên 12,28% trong rổ tiền tệ Special Drawing Rights (SDR - Quyền rút vốn đặc biệt). Đây là lần xem xét định kỳ đầu tiên kể từ khi đồng tiền của Trung Quốc được đưa vào rổ SDR vào năm 2016. Việc đồng Nhân dân tệ gia nhập SDR đưa loại tiền này trở thành một trong năm đồng tiền dự trữ toàn cầu vào năm 2016, sau nhiều năm nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền này trên toàn cầu.