Chính phủ Trung Quốc vừa công bố tăng trưởng GDP quý I/2023 của nước này đạt 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng kinh tế này cao hơn mức tăng 2,9% ghi nhận trong quý IV/2022 và vượt mức dự báo tăng 4% của giới phân tích. Với đà phục hồi ấn tượng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhiều khả năng có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay.
"Số liệu này khá hợp lý với Trung Quốc, giúp họ bám sát mục tiêu tăng trưởng 5% năm nay. Nó cũng giúp vực dậy niềm tin tại châu Á. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại số liệu quý vừa qua chỉ là sự hào hứng nhất thời của nền kinh tế sau khi nước này tái mở cửa. Đà tăng này có thể chậm lại trong quý II và III/2023", nhà phân tích cấp cao Matt Simpson tại hãng tư vấn đều tư City Index (Anh) nhận định.
Các dữ liệu công bố cũng cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc chưa diễn ra đồng đều. Cụ thể, trong tháng 3/2023, doanh thu bán lẻ tăng 10,6%, cao hơn mức dự báo tăng 7,4%; sản lượng công nghiệp tăng 3,9%, thấp hơn một chút so với mức dự báo tăng 4%; kim ngạch xuất khẩu tăng 14,8% và thặng dư thương mại lên tới 88 tỷ USD, vượt xa mức dự báo 39 tỷ USD được đưa ra trước đó.
Tuy nhiên, đầu tư tài sản cố định quý I/2023 của Trung Quốc chỉ tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo là 5,7%. Đồng thời, lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân Trung Quốc trong hệ thống ngân hàng tăng vọt làm dấy lên các lo ngại về nhu cầu trong thời gian tới.
Nhà kinh tế trưởng Wen Bin của ngân hàng China Mingsheng Bank (Trung Quốc) nhận định: “Sau giai đoạn lạc quan về việc chính sách phòng chống COVID-19 được dỡ bỏ, hoạt động sản xuất về cơ bản đã hồi về mức trước đại dịch, nhưng đà phục hồi của nhu cầu vẫn còn yếu”.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là một vấn đề thu hút sự chú ý của nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế toàn cầu kể từ khi nước này tuyên bố từ bỏ chính sách Zero Covid-19 sau gần 3 năm áp dụng và tái mở cửa hoàn toàn nền kinh tế. Nhiều tổ chức kinh tế hàng đầu thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay.
Trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ đạt 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 5,5% mà chính phủ nước này đề ra và cũng là mức tăng trưởng thấp nhất trong hàng chục năm qua.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng mặc dù quá trình tái mở cửa của nền kinh tế Trung Quốc đến thời điểm hiện tại tương đối thuận lợi nhưng quá trình phục hồi có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến.
Khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy phần lớn các chuyên gia nhận định Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ không thay đổi lãi suất điều hành. Tuy nhiên, một số cho rằng PBOC có thể giảm nhẹ lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm nếu lạm phát ở Trung Quốc tiếp tục suy yếu.
Giới chức Trung Quốc hiện cam kết tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế. Trong tháng trước, PBOC đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng nước này cũng như công bố một số biện pháp hỗ trợ tài khoá. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định Trung Quốc không còn nhiều dư địa chính sách do lo ngại các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế sẽ khiến áp lực nợ gia tăng.