Giá dầu thô 5/5: Thị trường dần cân bằng trở lại, kỳ vọng OPEC+ sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng

Trong phiên giao dịch chiều nay ngày 5/5, giá dầu thô thế giới dần cân bằng trở lại sau những phiên giảm giá mạnh gần đây. Thị trường hiện kỳ vọng liên minh OPEC+ sẽ tiếp tục cắt giảm thêm sản lượng khai thác nhằm nâng đỡ giá dầu, cũng như FED sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong thời gian tới.
Diễn biến giá dầu thô thế giới
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 15h00 chiều nay, giá dầu thô Brent đạt 73,45 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 69,41 USD/thùng. Giá dầu thô đang có dấu hiệu cân bằng trở lại sau khi chịu áp lực giảm mạnh trong những phiên giao dịch gần đây.

Tính từ đầu tuần đến nay, giá dầu thô Brent đã giảm hơn 8% và giá dầu thô WTI mất gần 10%. Qua đó, hướng đến tuần giảm giá thứ ba liên tiếp.

Thị trường hiện đang chịu tác động từ nhiều thông tin, bao gồm cả lo ngại cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Hoa Kỳ chưa chấm dứt khi ngân hàng PacWest Bancorp đang trong tình trạng căng thẳng. Đại diện PacWest Bancorp cho biết ngân hàng này đang tìm kiếm những lựa chọn chiến lược, bao gồm cả phương án chuyển nhượng cho một tổ chức tín dụng khác. Động thái này đã kích hoạt làn sóng bán tháo cổ phiếu của PacWest Bancorp, khiến cổ phiếu ngân hàng này giảm hơn 36% chỉ trong 3 phiên giao dịch. Đồng thời, tác động dây chuyền đến các ngân hàng khác tại Hoa Kỳ.

Nhiều ngân hàng khu vực quy mô nhỏ tại Hoa Kỳ đang đối mặt với rủi ro cao do tình trạng dòng tiền gửi bị rút ra “bất thường” trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất ở mức nhanh và mạnh nhất kể từ những năm 1980. Trong vòng 2 tháng qua, đã có 4 ngân hàng tại Hoa Kỳ phá sản, bao gồm 3 ngân hàng khu vực, khiến thị trường tài chính Hoa Kỳ nói riêng và thị trường tài chính thế giới nói chung đối mặt các rối loạn.

Thậm chí, trong biên bản họp tháng 3 vừa qua, FED cảnh báo Hoa Kỳ có thể rơi vào một đợt suy thoái nhẹ trong năm nay do các rối loạn từ hệ thống ngân hàng nước này.

Bên cạnh đó, giá dầu thô còn chịu áp lực từ việc đồng USD lên giá sau khi FED tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp, thêm 0,25 điểm phần trăm. Đồng USD tăng giá khiến các loại hàng hoá, nguyên liệu thô được định giá bằng đồng tiền này trở nên “đắt hơn” đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ loại tiền tệ khác.

Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu thô đã được kìm hãm khi thị trường kỳ vọng liên minh OPEC+ có thể sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác trong thời gian tới nhằm giữ giá dầu thô ở mức hợp lý với tình hình tài chính của các quốc gia khai thác dầu thô. Theo đánh giá mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Saudi Arabia - quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất liên minh OPEC+ cần giá dầu thô ở mức 80,9 USD/thùng để cân bằng ngân sách trong năm nay.

Bên cạnh đó, thị trường kỳ vọng FED sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong thời gian tới để đánh giá tác động của chính sách tiền tệ hiện nay đối với lạm phát cũng như nền kinh tế Hoa Kỳ.

Tường Vy