Chốt phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 24/4), giá dầu thô Brent giao tương lai (LCOC1) đã tăng 11 cents tương ứng 0,5% lên mức 21,44 USD/thùng; trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai (CLC1) đã tăng 44 cents tương ứng 2,7% lên mức 16,94 USD/thùng.
Giá dầu thô gần như được giữ không đổi trong suốt phiên giao dịch ngày hôm qua và chỉ bật tăng lên vào buổi chiều sau khi hãng dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co. cho biết số lượng giàn khoan dầu tại Hoa Kỳ bị ngưng hoạt động trong tháng 4/2020 đạt mức cao nhất kể từ năm 2015. Bên cạnh đó, số lượng giàn khoan dầu và khí tự nhiên tại Canada cũng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Mặc dù giá dầu thô đã bật tăng trở lại trong 2 phiên giao dịch gần đây nhưng tính chung cả tuần giao dịch này (20/4 – 21/4), giá dầu thô Brent đã giảm 24% và giá dầu thô WTI đã giảm khoảng 7%; đánh dấu tuần thứ ba liên tiếp, giá dầu thô quốc tế giảm xuống.
Trong đầu tuần này, giá dầu thô WTI lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống dưới ngưỡng 0 USD/thùng, tạo nên cú sốc mạnh đối với giới đầu tư và sự hoảng loạn không chỉ trên thị trường dầu mỏ tương lai mà còn lan sang các thị trường tài chính khác trên toàn cầu.
Các nhà giao dịch hiện dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu sẽ giảm mạnh hơn so với mức sụt giảm nguồn cung dầu thô, tạo ra tình trạng dư cung trên thị trường trong vài tháng tới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế trên toàn cầu.
Thị trường lo ngại các quốc gia khai thác dầu thô lớn trên thế giới có thể không kịp giảm hoặc mức cắt giảm không theo kịp sự sụt giảm về nhu cầu sử dụng dầu thô, đặc biệt trong bối cảnh GDP toàn cầu được dự báo giảm 2% trong năm nay, cao hơn so với thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra hồi năm 2008.
Việc các kho dầu thô trên toàn cầu đang bị lấp đầy nhanh chóng đòi hỏi các quốc gia khai thác dầu thô phải cắt giảm sản lượng mạnh ngay cả khi liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước khai thác dầu thô (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh bao gồm Nga đã đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng lên tới 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6 tới đây. Đây là mức cắt giảm cao nhất lịch sử liên minh OPEC+ và tương đương 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Trong ngày 24/4, Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài nguyên thiên nhiên Angola Diamantino Azevedo cho biết “Bất chấp các biện pháp cắt giảm sản lượng của OPEC, các hãng khai thác dầu thô ở các quốc gia khác nhau nên biết rằng họ có thể bị yêu cầu thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn”. Angola là thành viên của OPEC.
Nga, quốc gia khai thác dầu thô lớn thứ ba thế giới, hiện đang lên kế hoạch giảm 50% lượng dầu thô xuất khẩu của nước này qua các cảng ven biển Baltic và Biển Đen trong tháng 5/2020. Trước đó, Nga đã yêu cầu các hãng khai thác dầu thô của nước này giảm sản lượng khai thác 20%.