Giá đường tinh luyện 45i của Thái Lan chứa trong các container và giao hàng ngay tháng 5/2020 hiện đã cao hơn 88 USD/tấn so với giá đường No.5 giao tháng 8/2020 trên Sàn giao dịch ICE London, đây cũng là mức chênh giá cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Hồi đầu năm 2020, mức chệnh giá giữa đường tinh luyện 45i của Thái Lan với giá đường giao tương lai trên sàn ICE London chỉ ở mức 21 USD/tấn.
Mức chênh giữa giá đường Thái Lan trên thị trường hàng hoá vật chất với giá đường trên thị trường tương lai quốc tế ngày càng được nới rộng chủ yếu do nguồn cung đường từ Thái Lan trong năm nay được dự báo sẽ giảm mạnh trong bối cảnh hạn hán diễn ra nghiêm trọng tại nhiều tỉnh thành của nước này.
Một thương nhân giao dịch đường tại Singapore cho biết “Hiện Thái Lan không có đủ đường để xuất khẩu do tình hình hạn hán tồi tệ. Trong bối cảnh giá đường trên thị trường tương lai giảm xuống mức thấp như hiện nay thì người bán chỉ có cách nới mức chênh lệch giữa giá đường trên thị trường hàng hoá vật chất với giá đường trên thị trường tương lại để phù hợp với diễn biến thực tế”.
Bên cạnh đó, một thương nhân giao dịch đường quốc tế khác cũng cho biết “Hiện có rất ít người bán đường trên thị trường quốc tế, thậm chí các nhà sản xuất Thái Lan không có dư đường để bán vì vậy rất khó cho chúng tôi để bảo đảm có được các lô đường Thái Lan”.
Giá đường trên thị trường tương lại hiện đang chịu áp lực giảm mạnh trong bối cảnh giá dầu thô sụp đổ, chạm mức thấp kỷ lục. Thị trường lo ngại giá dầu thô ở mức thấp sẽ làm giảm sức hấp dẫn của nhiên liệu sinh học ethanol, kéo theo đó là các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học sẽ chuyển qua sử dụng mía để sản xuất đường thay vì sản xuất ethanol, gia tăng nguồn cung đường trên toàn cầu trong thời gian tới.
Một số thương nhân lo ngại việc Brazil bắt đầu thu hoạch mía vào tháng 5 tới đây có thể khiến nguồn cung đường trên toàn cầu tăng cao, khiến giá đường trên thị trường lai sụt giảm hơn nữa. Cùng với Thái Lan, Brazil hiện là một trong những quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới và các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol tại nức này có thể linh hoạt chuyển đổi sang sản xuất đường.
Bên cạnh đó, hai hãng phân phối ethanol lớn nhất của Brazil đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng vào cuối tháng 3/2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát khiến các doanh nghiệp này không tiêu thụ được hàng và buộc phải cắt giảm lượng ethanol thu mua do nhu cầu về nhiên liệu sụt giảm mạnh trên toàn cầu.
Hãng tư vấn thị trường Platts Analytics cho biết, tỷ lệ đường/ethanol tại Brazil hiện ở mức khoảng 44% - 46%, đồng nghĩa với việc có khoảng 44% - 46% lượng mía tại nước này được dùng để sản xuất đường; số còn lại được dùng để sản xuất ethanol. Con số này tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và tỷ lệ đường/ethanol của Brazil khả năng tăng lên mức 47% sau khi nước này thu hoạch xong mía vào tháng 8 – 9/2020.
Mặc dù sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu đường trong khu vực Đông Nam Á khi nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp phong toả và cách ly xã hội, mức chênh lệch giá giữa giá đường Thái Lan trên thị trường hàng hoá vật chất so với giá đường trên thị trường tương lai quốc tế vẫn liên tục tăng lên.
Các thương nhân giao dịch đường cho biết giá đường thô và đường tinh luyện của Thái Lan sẽ còn tiếp tục tăng trong quý 2 và quý 3/2020 trong bối cảnh nguồn cung đường của nước này sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, nhiều nhà mua hàng sẽ phải đổ xô nắm giữ các nguồn cung đường có mức giá rẻ hơn so với đường Thái Lan.
Ví dụ, các nhà mua hàng từ Indonesia và Trung Quốc hiện đang quan tâm đến đường thô và đường tinh chế của Ấn Độ. Giá đường tinh luyện 45i của Ấn Độ hiện chỉ cao hơn khoảng 30 USD/tán so với giá đường No.5 giao tháng 8/2020 trên sàn ICE London; mức giá FOB từ bờ phía Tây Ấn Độ cho các lô đường xuất khẩu của nước này hiện thấp hơn từ 60 – 70 USD/tán so với loại đường cùng chất lượng của Thái Lan.