Chốt phiên giao dịch ngày 23/7 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent tiếp tục tăng 0,4% lên 74,10 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng nhẹ 0,2% lên 72,07 USD/thùng. Trong phiên giao dịch ngày 22/7, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã tăng lần lượt 2,2% và 2,3%.
Tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent đã tăng 0,7% - xác lập tuần tăng đầu tiên sau 3 tuần giảm giá liên tiếp. Giá dầu thô WTI cũng tăng 0,4% sau 2 tuần giảm giá liên tục.
Trong phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 19/7), giá dầu thô đã lao dốc giảm đến gần 7% khi thị trường hoảng loạn, lo ngại nguồn cung dầu thô sẽ tăng cao trong khi sự bùng phát của biến chủng Covid-19 Delta lan rộng sẽ khiến nhu cầu sử dụng sụt giảm. Tuy nhiên, giá dầu thô dần phục hồi trở lại trong các phiên giao dịch cuối tuần nhờ dòng tiền bắt đáy đổ mạnh vào thị trường và tâm lý giới đầu tư dần bình tĩnh trở lại.
Thị trường hiện kỳ vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu sẽ vẫn ở mức tốt nhờ việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đang được triển khai tại nhiều nơi trên thế giới. Đồng thời, các dữ liệu mới cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại nhiều nền kinh tế lớn vẫn đang sụt giảm đã củng cố niềm tin của thị trường.
Tập đoàn tài chính Commerzbank (Đức) cho biết sự lo ngại về nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ sụt giảm đã bị phóng đại quá mức và cho dù liên minh OPEC+ tăng sản lượng khai thác thì thị trường vẫn trong trạng thái thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm nay. Cuối tuần trước, liên minh OPEC+ đã đạt thoả thuận tăng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng 8 – tháng 12/2021.
Bộ phận phân tích của tập đoàn tài chính ANZ (Australia) cũng nhận định rằng thị trường đang dần nhận ra rằng việc liên minh OPEC+ tăng sản lượng khai thác sẽ không đủ để đảm bảo cân bằng cung – cầu và lượng tồn trữ dầu thô tại nhiều quốc gia trong khối OECD, bao gồm cả Hoa Kỳ đang sụt giảm.
Trong khi đó, tập đoàn tài chính Bank of America (Hoa Kỳ) cho biết “Chúng tôi cho rằng việc giá dầu thô và giá các sản phẩm chưng cất từ dầu sụt giảm sau khi liên minh OPEC+ thông báo tăng sản lượng là cơ hội mua vào và giá dầu thô Brent có thể tăng đến mức 100 USD/thùng trong năm tới”.
Hãng dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co. (Hoa Kỳ) cho biết số giàn khoan dầu hoạt động tại Hoa Kỳ đã tăng thêm 7 giàn khoan lên mức 387 giàn khoan trong tuần này, đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Đây là chỉ báo cho thấy nguồn cung dầu thô sẽ tăng lên trong tương lai. Tuy nhiên, hãng Baker Hughes Co. cho biết sự phục hồi hoạt động khai thác năng lượng tại Hoa Kỳ vẫn ở mức thấp khi các hãng sản xuất siết chặt việc đầu tư mở rộng.