Chốt phiên giao dịch cuối tuần này ngày 13/8 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 10/2021 giảm 1,01% xuống còn 70,59 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2021 cũng giảm 0,94% xuống mức 68,44 USD/thùng. Sau khi bật tăng mạnh trong 3 phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu thô quay đầu lao dốc trở lại trong các phiên giao dịch cuối tuần khi các thông tin tiêu cực về triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô xuất hiện.
Tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent đã giảm 1%; trong tuần trước, giá dầu thô Brent đã giảm tới 6% - xác lập tuần giảm giá mạnh nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây. Trong ngày 12/8, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ bắt đầu giảm xuống kể từ tháng 7/2021 và kéo dài cho đến cuối năm nay trong bối cảnh đại dịch Covid-19 với biến chủng Delta bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia.
Hiện tại, giá dầu thô vẫn đang được nâng đỡ bởi nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu vẫn đang ở mức tốt tại Hoa Kỳ và một số quốc gia khác vốn có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cao. Bên cạnh đó, thị trường vẫn đang đối mặt với khả năng thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các ngân hàng đầu tư lớn như Goldman Sachs và JPM Commodities Research đều có nhận định tiêu cực về triển vọng giá dầu thô trong thời gian tới.
Tập đoàn Goldman Sachs đã giảm dự báo mức thiếu hụt nguồn cung dầu thô trên thị trường toàn cầu trong ngắn hạn xuống còn 1 triệu thùng/ngày so với mức dự báo 2,3 triệu thùng được đưa ra trước đây. Nguyên nhân chủ yếu do dự báo nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trên thế giới sẽ giảm xuống trong tháng 8 và tháng 9 tới đây. Goldman Sachs cũng kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ tiếp tục phục hồi khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine tăng lên tại các nền kinh tế.
Ông Jim Ritterbusch, chủ tịch hãng tư vấn tài chính và năng lượng Ritterbusch & Associates LLC (Hoa Kỳ), nhận định các dữ liệu kinh tế vĩ mô của Hoa Kỳ hiện ở mức tốt là chỉ báo cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu sẽ bật tăng nếu như sự lây lan của biến chủng Covid-19 Delta được kiểm soát.
Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn cho rằng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ tăng trưởng tốt trong năm nay cũng như trong năm 2022 bất chấp các lo ngại về diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.