Chốt phiên giao dịch ngày 29/7 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tương lai tăng mạnh 1,75% lên 76,05 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng 1,7% lên 73,62 USD/thùng.
Giá dầu thô bật tăng mạnh khi hãng dữ liệu thị trường hàng hoá Genscape (Hoa Kỳ) cho thấy lượng dầu thô tồn trữ tại cảng chứa dầu Cushing (tiểu bang Oklahoma, Hoa Kỳ) tiếp tục suy giảm, xuống mức 36,299 triệu thùng – mức thấp nhất kể từ tháng 1/2020.
Cảng chứa dầu Cushing là cảng dầu thương mại lớn nhất Hoa Kỳ và là điểm chuyển giao dầu thô WTI cho các hợp đồng giao kỳ hạn. Các dữ liệu của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã giảm 4,1 triệu thùng.
Các dữ liệu này cho thấy nhu cầu sử dụng dầu thô tại Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang phục hồi ở mức tốt. Trong khi đó, các dự báo đều cho thấy nguồn cung dầu thô trên toàn cầu sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp và thị trường sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm nay.
Bên cạnh đó, giá dầu thô còn được hỗ trợ bởi việc đồng USD suy yếu xuống mức thấp nhất trong gần 1 tháng trở lại đây, giúp các loại hàng hoá được định giá bằng đồng tiền này như dầu thô trở nên “rẻ hơn” đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Mặc khác, thị trường cũng hưng phấn hơn khi các dấu hiệu mới nhất cho thấy Iran khó có thể sớm đạt được một thoả thuận hạt nhân mới với các cường quốc trên thế giới, khiến khả năng Iran gia tăng nguồn cung dầu ra thị trường quốc tế giảm thấp.
Trong tháng 6 vừa qua, giá dầu thô Brent đã lần đầu tiên sau hơn 2 năm trở lại đây vượt ngưỡng 75 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu thô nhanh chóng giảm xuống khi thị trường lo ngại việc đại dịch Covid-19 với biến chủng Delta tái bùng phát nghiêm trọng tại nhiều khu vực trên thế giới sẽ làm suy giảm đà phục hồi nhu cầu sử dụng nhiên liệu. Ngoài ra, tình trạng bất đồng kéo dài về phương án khai thác dầu thô trong nội bộ liên minh OPEC+ cũng khiến thị trường bị dao động mạnh.
Kết thúc phiên họp chính sách kéo dài 2 ngày 27 – 28/7, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) cho biết nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn đang trong tiến trình phục hồi bất chấp sự gia tăng trở lại của số ca nhiễm Covid-19. FED cũng tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức 0% - 0,25% cũng như duy trì chương trình mua trái phiếu nhằm hỗ trợ nền kinh tế Hoa Kỳ phục hồi vững chắc hơn.
Tập đoàn tài chính Citi (Hoa Kỳ) nhận định nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn trong thời gian tới mặc dù thị trường đối mặt với rủi ro đà phục hồi nhu cầu sử dụng nhiên liệu sẽ chậm lại khi ngày càng nhiều quốc gia tại khu vực Châu Âu siết chặt hơn việc tập trung nơi công cộng khi số ca nhiễm mới Covid-19 tăng cao trở lại.