Vào lúc 11h30 sáng nay ngày 16/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent tiếp tục giảm còn 73,43 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm về mức 71,63 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày 15/7, giá dầu thô Brent đã giảm 1,7% và giá dầu thô WTI giảm tới 2,2%. Đà lao dốc của giá dầu thô bắt đầu tư phiên giao dịch ngày 14/7 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu ngưng lại.
Tính từ đầu tuần đến nay, giá dầu thô Brent đã giảm hơn 3% và giá dầu thô WTI giảm hơn 4%, hướng đến tuần giảm giá mạnh nhất kể từ hồi tháng 3/2021 đến nay.
Thị trường rơi vào trạng thái hỗn loạn khi giới đầu tư ồ ạt chốt lời và đẩy mạnh bán tháo các hợp đồng kỳ hạn dầu thô sau khi Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và Ả-rập Xê-út đạt đồng thuận về việc nâng sản lượng khai thác vào ngày 14/7, mở đường cho việc liên minh OPEC+ tăng nguồn cung dầu thô ra thị trường trong thời gian tới.
Tập đoàn tài chính RBC Capital (Canada) cho biết: "Tất cả các dấu hiệu đều cho thấy liên minh OPEC+ đang hướng đến một thoả thuận có khả năng cho phép UAE nâng sản lượng khai thác. Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ khiến các quốc gia thành viên khác trong liên minh OPEC+ tìm cách để đạt được thoả thuận tương tự và có khả năng khiến các bất đồng trong nội bộ liên minh này kéo dài đến trước phiên họp tháng 8/2021”.
Trong hơn 1 tuần qua, giá dầu thô đã dao động trong biên độ rộng khi thị trường lo ngại các bất đồng nghiêm trọng giữa UAE và Ả-rập Xê-út về việc nâng sản lượng khai thác dầu thô có thể khiến liên minh OPEC+ tan vỡ. Đầu tuần trước, Ả-rập Xê-út đã buộc phải tuyên bố huỷ phiên họp điều hành chính sách khai thác dầu thô tháng 8/2021 của liên minh OPEC+ khi UAE kiên quyết đòi được nâng sản lượng khai thác thay vì tiếp tục duy trì ở mức thấp như hiện nay.
Giới phân tích nhận định việc UAE kiên quyết đòi nâng sản lượng phản ánh sự bất đồng trong việc đảm bảo lợi ích quốc gia sau thời gian dài cắt giảm mạnh sản lượng khai thác với việc cân bằng giá dầu thô khi nhu cầu toàn cầu bùng nổ trở lại. Đây cũng là phép thử lớn đối với Ả-rập Xê-út trong việc duy trì sự đoàn kết vốn lỏng lẻo trong liên minh OPEC+ để kiểm soát thị trường dầu mỏ.
Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga dẫn đầu, hiện nắm giữ hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu. Trong đó, UAE là quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn thứ ba trong khối OPEC và là quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ 7 thế giới.
Trong ngày 15/7, OPEC cho biết nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu được dự báo sẽ tăng lên mức khoảng 100 triệu thùng/ngày, tương đương với mức nhu cầu trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra; trong đó, nhu cầu sử dụng dầu thô của Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tăng cao.