Chốt phiên giao dịch ngày 28/7 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tương lai tăng 0,4% lên 74,74 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) tăng mạnh 1% lên 72,39 USD/thùng. Đà tăng của giá dầu thô được củng cố sau khi dữ liệu của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho thấy lượng tồn trữ dầu thô trong tuần trước tại Hoa Kỳ đã giảm 4,1 triệu thùng, chủ yếu do lượng dầu thô nhập khẩu cũng như sản lượng khai thác dầu thô của nước này giảm.
Dữ liệu cũng cho thấy lượng tồn trữ xăng dầu tại Hoa Kỳ giảm, tiệm cận mức tương đương trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Hiện nguồn cung xăng dầu tại Hoa Kỳ đạt mức trung bình 9,5 triệu thùng/ngày trong vòng 4 tuần trở lại đây – mức cao nhất kể từ tháng 10/2019. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ đang ở mức cao.
Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô quốc tế đã tăng 45% nhờ nhu cầu sử dụng nhiên liệu phục hồi mạnh trên toàn cầu, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn cũng như việc liên minh OPEC+ tiếp tục duy trì sản lượng khai thác ở mức thấp hơn thông thường. Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Mặc dù liên minh OPEC+ đã đạt thoả thuận nâng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày kể từ tháng 8 – 12/2021 nhưng giới phân tích cho rằng con số này quá nhỏ so với nhu cầu sử dụng nhiên liệu đang tăng mạnh trên toàn cầu. Giới đầu tư kỳ vọng thị trường dầu mỏ sẽ tiếp tục thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm nay. Đây cũng là động lực chính giúp giá dầu thô neo trên ngưỡng 74 USD/thùng.
Tính đến thời điểm hiện tại, sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ vẫn chưa tăng mạnh cho dù giá dầu thô đã lên khá cao. Điều này phần nào khiến giới đầu tư yên tâm nguồn cung dầu thô trên toàn cầu sẽ vẫn ở mức thấp trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, giới đầu tư cũng đang tập trung quan sát diễn biến đại dịch Covid-19 và lo ngại làn sóng lây nhiễm mới với biến chủng virus Delta đang bùng phát nghiêm trọng tại nhiều nơi có thể đe doạ đến đà phục hồi nhu cầu sử dụng nhiên liệu. Một số dấu hiệu sớm cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ và Châu Âu bắt đầu chững lại.
Một số chuyên gia phân tích nhận định nhu cầu sử dụng nhiên liệu toàn cầu sẽ khó có thể đạt ngưỡng như trước khi đại dịch xảy ra cho đến năm sau nếu như tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 diễn ra chậm.