Chốt phiên giao dịch ngày 27/7 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tương lai giảm nhẹ 2 cents xuống mức 74,48 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giảm tới 26 cents tương ứng 0,4% xuống còn 71,65 USD/thùng. Đây cũng là phiên giao dịch đầu tiên trong vòng 6 phiên giao dịch gần nhất ghi nhận giá dầu thô Brent giảm trở lại.
Hiện thị trường đang tập trung quan sát tác động của làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới đang bùng phát nghiêm trọng tại nhiều quốc gia đến đà phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô. Hoa Kỳ vừa cho biết sẽ không dỡ bất kỳ hạn chế đi lại nào hiện có, trong bối cảnh lo ngại về biến chủng Delta của virus Covid-19 có tốc độ lây lan nhanh và số ca nhiễm mới ở nước này cũng như tại nhiều quốc gia khác đang tăng mạnh.
Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, vừa ghi nhận một số ổ dịch Covid-19 cộng đồng mới. Trong khi đó, khu vực miền Trung và miền Đông nước này đang phải vật lộn với đợt mưa lũ và bão nghiêm trọng, khiến nhiều hoạt động sản xuất bị ngưng trệ. Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc đang siết chặt việc sử dụng hạn ngạch nhập khẩu dầu thô của các nhà máy lọc hoá dầu tư nhân tại nước này.
Lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 6 vừa qua đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013. Giới phân tích nhận định lượng dầu thô được Trung Quốc nhập khẩu trong năm nay sẽ đạt trung bình 11 triệu thùng/ngày. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu dầu thô của nước này trong năm 2021 sẽ chỉ ở mức 2%, mức thấp nhất kể từ năm 2001.
Dữ liệu mới nhất cho thấy các quỹ đầu tư phái sinh hàng hoá tại Hoa Kỳ đang xả bán các hợp đồng dầu thô trên thị trường tương lai ở mức nhanh nhất kể từ hồi năm 2013 đến nay trong bối cảnh số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh trên toàn cầu và liên minh OPEC+ sẽ nâng sản lượng khai thác dầu thô từ tháng 8 tới đây.
Giá dầu thô hiện đang được nâng đỡ chủ yếu nhờ kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm nay và nhu cầu sử dụng dầu thô tại Hoa Kỳ đang ở mức cao.
Ông Stephen Brennock, chuyên gia phân tích thị trường tại hãng môi giới giao dịch dầu mỏ PVM (Anh), nhận định “Thị trường dầu mỏ sẽ vẫn ở trong trạng thái thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung dầu thô bất chấp việc liên minh OPEC+ đồng ý nâng sản lượng khai thác từ tháng sau. Điều này sẽ giúp thiết lập mức đáy đối với giá dầu thô trong bối cảnh thị trường đang lo ngại về các tác động của đại dịch Covid-19 đối với đà phục hồi nhu cầu sử dụng nhiên liệu”.
Khảo sát của hãng tin Retuers cho thấy hầu hết các nhà kinh tế học được hỏi nhận định nền kinh tế toàn cầu sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt; tuy nhiên, các nhà kinh tế học cũng bày tỏ lo ngại về tác động của biến chủng virus Covid-19 Delta tới tiến trình phục hồi kinh tế.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiếp tục giữ nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay ở mức 6% và lạc quan hơn về triển vọng kinh tế của các nước phát triển nhưng lại điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của nhiều nền kinh tế đang phát triển vốn đang phải chống đỡ làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới.