Kể từ đầu năm đến nay, ngành vận tải toàn cầu đã liên tục bị gián đoạn nghiêm trọng và chịu áp lực lớn trong việc duy trì các chuỗi cung ứng. Nhu cầu mua sắm bùng nổ tại nhiều quốc gia sau thời gian dài bị kìm nén vì đại dịch Covid-19 đã gây ra tình trạng thiếu hụt container rỗng nghiêm trọng trên toàn cầu, sự quá tải và tắc nghẽn tại các cảng biển lớn. Điều này đã đẩy giá cước vận tải biển lên mức cao lịch sử, kéo theo đó là giá của nhiều loại hàng hoá.
Trong tháng 4 vừa qua, sự cố siêu tàu container Ever Green mắc kẹt tại kênh đào Suez (Ai Cập) đã làm tê liệt dòng chảy thương mại từ Châu Á sang Châu Âu trong gần 1 tuần. Sự cố này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mạng lưới vận tải toàn cầu do 12% thương mại toàn cầu di chuyển qua kênh đào này.
Đồng thời, sự cố này khiến tình trạng ùn ứ hàng hoá tại các cảng biển Châu Âu trở nên nghiêm trọng hơn trong các tháng tiếp theo khi hàng loạt chuyến tàu cùng lúc cập cảng sau khi kênh đào Suez được lưu thông trở lại.
Đến tháng 6, một số tỉnh phía Nam Trung Quốc ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 cộng đồng mới đã khiến chính quyền tại các tỉnh này áp dụng các biện pháp phong toả cứng rắn, bao gồm ngưng hoặc giảm công suất hoạt động một số cảng biển quốc tế quan trọng như cảng Yantian, Shekou và Nansha khiến hàng hoá bị tắc nghẽn.
Nhiều hãng vận tải đường biển buộc phải huỷ đến các cảng phía Nam Trung Quốc, gây tắc nghẽn dây chuyền đến các cảng biển khác trong khu vực cũng như xáo trộn mạnh các tuyến vận chuyển. Giá cước vận tải, đặc biệt là trên các tuyến Đông Bắc Á, Đông Nam Á đi Bắc Mỹ đã tăng vọt vì sự cố này.
Hiện tại, tình trạng mưa lũ nghiêm trọng tàn phá nhiều khu vực Tây Âu, trong đó Đức và Bỉ chịu ảnh hưởng nặng nhất. Điều này khiến các hãng vận tải toàn cầu lo ngại các chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục bị đứt gãy trong thời gian tới.
Ông Tim Huxley nhận định "Chuỗi cung ứng chắc chắn sẽ bị gián đoạn do hệ thống đường sắt tại Châu Âu bị hư hỏng”. Trong đó, tuyến đường sắt từ Séc và Slovakia tới các cảng Rotterdam và Hamburg của Đức đang bị gián đoạn nghiêm trọng.
Nhiều doanh nghiệp tại Châu Âu bắt đầu báo cáo tình trạng gián đoạn nguồn cung và sản xuất. Trong đó, hãng sản xuất thép lớn của Đức là Thyssenkrupp cho biết sẽ không thể nhập nguyên liệu thô vì lũ lụt. Điều này sẽ khiến hoạt động của nhiều ngành công nghiệp vốn sử dụng nhiều thép như sản xuất ô tô, chế tạo máy và thiết bị gia dụng bị đình trệ.
Tình trạng ngập lụt tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) cũng khiến các hoạt động vận chuyển tại đây bị đình trệ, bao gồm nhiều hệ thống giao thông đường sắt quan trọng. “Điều này sẽ khiến giá cước vận tải biển tăng lên”, theo ông Tim Huxley. Hà Nam là một trong những khu vực cung cấp lúa mì và than đá lớn nhất Trung Quốc do đó giới quan sát nhận định Trung Quốc có thể phải tăng cường nhập khẩu lúa mì và than đá trong ngắn hạn đề bù đắp sự sụt giảm sản lượng nội địa.