Giá gạo xuất khẩu tăng “từng ngày”, lên mức cao nhất 15 năm
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, tính đến cuối tuần này, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đạt 618 USD/tấn, tăng vọt so với mức 525 USD/tấn hồi trung tuần tháng 7/2023. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ cơn sốt giá gạo lịch sử năm 2008.
Theo một thương nhân xuất khẩu gạo tại TP.Hồ Chí Minh, gạo xuất khẩu của Việt Nam đang “tăng lên theo từng ngày”. Điển hình, giá gạo cuối tuần này đã tăng thêm tới 20 USD/tấn so với thời điểm giữa tuần. Nhận định về triển vọng giá gạo, nhiều doanh nghiệp đều chung nhận định “chưa biết giá sẽ tăng đến mức nào”.
Không chỉ ở Việt Nam, giá gạo xuất khẩu tại các quốc gia khác cũng liên tục tăng mạnh trong 2 tuần trở lại đây sau khi Ấn Độ đột ngột cấm xuất khẩu gạo vào ngày 20/7 vừa qua. Giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan hiện đạt 625 USD/tấn, so với mức 545 USD/tấn vào trung tuần tháng 7/2023.
Giá gạo xuất khẩu 25% tấm của Thái Lan hiện ở mức cao nhất 15 năm, đạt 570 USD/tấn. Tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 598 USD/tấn của loại gạo Việt Nam cùng phẩm cấp.
Một thương nhân xuất khẩu gạo tại Bangkok (Thái Lan) cho biết giá gạo tăng cao cũng khiến lực mua giảm xuống. Đồng thời, thị trường đang chờ đợi nguồn cung gạo mới trên thị trường nội địa Thái Lan, dự kiến sẽ được tung ra vào cuối tháng này.
Đáng chú ý, hãng tin Reuters vừa dẫn một nguồn tin “có tính tin cậy cao” cho biết, tính đến ngày 1/8/2023, lượng gạo dự trữ của Ấn Độ hiện đạt 24,6 triệu tấn gạo, cùng với đó là 13 triệu tấn thóc đang được tồn trữ tại các kho. Con số này cao gấp 3 lần so với mức mục tiêu dự trữ mà Chính phủ Ấn Độ đề ra.
Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (AIREA), B.V. Krishna Rao, dự kiến lượng gạo dự trữ của Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng cao lên hơn nữa khi vụ thu hoạch Hè bắt đầu từ giữa tháng 9 – tháng 10 tới đây.
Bộ Nông nghiệp Ấn Độ cho biết, diện tích lúa vụ Hè tính tới nay đạt 23,7 triệu ha, tăng 1,71% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, những cơn mưa đến muộn vào tháng 7 này được kỳ vọng sẽ giúp nông dân Ấn Độ đẩy nhanh tiến độ gieo sạ.
Ông B.V. Krishna Rao cho biết thêm, lệnh cấm xuất khẩu gạo hiện nay của Ấn Độ sẽ làm tăng nguồn cung trong nước và hạ giá lúa gạo xuống ngang mức giá hỗ trợ do Chính phủ Ấn Độ quy định hoặc mức giá đảm bảo, là 2.183 rupee (26,4 USD)/100 kg, buộc Chính phủ Ấn Độ phải mua thêm và càng khiến lượng dự trữ gạo của nước này “phình to thêm”.
Vào ngày 31/7, AIREA đã gửi thư yêu cầu lên Chính phủ Ấn Độ, đề xuất cho phép xuất khẩu 1 triệu tấn gạo tẻ cao cấp, loại được người Ấn Độ ở nước ngoài ưa chuộng với mức giá ấn định là 1.000 USD/tấn.
Tăng cường xuất khẩu gạo nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực
Trước cơ hội xuất khẩu gạo lớn chưa từng có của Việt Nam khi Ấn Độ để lại khoảng trống trên thị trường thế giới, ngày 4/8, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP.Cần Thơ tổ chức Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đây là thời cơ để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo trong điều kiện có thể, nhằm mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất cho người sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là thời cơ để mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu Gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là ở các thị trường mới. Tuy nhiên, bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo để tận dụng thời cơ, chúng ta vẫn phải bảo đảm được an ninh lương thực cho đất nước trong mọi tình huống.
"Tuy nhiên, trong bối cảnh chung, trước những động thái của các nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan,... chúng ta cũng cần rất thận trọng, tránh lợi thế người đi đầu quay đầu thành người đi sau", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên lưu ý.
Ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Theo Chỉ thị, để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật; theo dõi sát tình hình thị trường, thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu, kịp thời thông tin đến các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các cơ quan liên quan triển khai các chương trình, hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu Gạo Việt Nam, xúc tiến thương mại gạo phù hợp với tình hình mới để nâng cao giá trị sản phẩm gạo của Việt Nam; khai thác hiệu quả cơ chế ưu đãi của các FTA mà nước ta là thành viên nhằm đa dạng hóa, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam. Hướng dẫn, hỗ trợ các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả tranh chấp thương mại quốc tế, nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.