Trước tình hình thị trường thóc, gạo trong nước đang có diễn biến tăng giá, để thực hiện công tác bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung thóc, gạo, kiểm soát mức tăng giá lương thực trong nước, ngày 3/8/2023 Bộ Công Thương có Công văn hỏa tốc đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn có phương án về nguồn hàng thóc, gạo để bảo đảm cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.
Chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết; thực hiện việc thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước, tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá thóc, gạo trong nước tăng bất hợp lý.
Theo thông tin được Lãnh đạo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ tại Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp tổ chức ngày 4/8/2023, tính đến ngày 01/8/2023, cả nước đã thu hoạch 24,2 triệu tấn thóc, gồm vụ đông xuân khoảng 20 triệu tấn, vụ hè thu khoảng 4,2 triệu tấn. Từ nay đến cuối năm, còn khoảng 18-19 triệu tấn thóc chờ thu hoạch.
Theo dự báo cung - cầu dựa trên tính toán cho 100 triệu dân thì mỗi tháng, bình quân 1 người Việt Nam tiêu thụ 7,5kg gạo. Mỗi năm 1 người Việt tiêu thụ 90kg gạo; số lượng giống dự báo khoảng 1 triệu tấn và 15,7 triệu tấn thóc làm thức ăn chăn nuôi.
Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 7/2023 chỉ số giá tiêu dùng nhóm gạo tăng 0,24% (Gạo tẻ thường tăng 0,28%; gạo tẻ ngon tăng 0,14%; gạo nếp tăng 0,1%) do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, các quốc gia tích cực thu mua gạo nhằm bảo đảm an ninh lương thực khi hiện tượng El Nino được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp trên toàn cầu.