Gia Lai hướng tới xây dựng thương hiệu “Thuốc lá lá Krông Pa”

Sản xuất thuốc lá lá nguyên liệu được coi là thế mạnh của huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, chiếm 1/3 tỷ trọng giá trị sản lượng nông nghiệp.

Thuốc lá là một trong những cây trồng thế mạnh của huyện Krông Pa (Gia Lai), do vậy, để nâng cao hiệu quả kinh tế, hướng đến sản xuất bền vững, UBND huyện đã nộp hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu chứng nhận “Thuốc lá lá Krông Pa-Gia Lai”.

Sản xuất thuốc lá lá nguyên liệu được coi là thế mạnh của huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, chiếm 1/3 tỷ trọng giá trị sản lượng nông nghiệp, là loài cây trồng chủ lực của huyện mang lại nguồn thu nhập cho người nông dân và nguồn thu ngân sách lớn.

Theo số liệu thống kê, vụ Đông Xuân hàng năm, huyện Krông Pa gieo trồng hơn 2.000 ha thuốc lá, năng suất bình quân đạt 2,8-3 tấn/ha. Mỗi ha trồng cây thuốc lá, người nông dân cần đầu tư khoảng 80-90 triệu đồng gồm: giống, phân bón, công chăm sóc, thu hoạch. Với giá bình quân 50-55 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, nông dân có lợi nhuận 60-80 triệu đồng/ha.

“Không chỉ cho thu nhập cao hơn nhiều so với cây mì, mè và lúa, thuốc lá còn có đầu ra ổn định”, ông Nguyễn Đức Nguyên-Chủ tịch UBND xã Uar, huyện Krông Pa chia sẻ và cho biết, hàng năm, người dân trong xã canh tác khoảng 250 ha thuốc lá. Người dân ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đã chủ động nghiên cứu chuyển đổi, sử dụng công nghệ sấy điện, sấy bằng trấu thân thiện với môi trường thay thế cho việc sử dụng củi để sấy thuốc lá như trước kia.

Thương hiệu thuốc lá Krông Pa
Nếu thương hiệu “Thuốc lá lá Krông Pa- Gia Lai" được xây dựng thành công sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống người dân

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Nguyên, thực tế hiện nay chưa có tiêu chuẩn chung về chất lượng thuốc lá nguyên liệu được áp dụng trên thế giới, các nhà sản xuất thuốc lá điếu tuỳ thuộc vào yêu cầu cụ thể của từng mác thuốc, từng gout thuốc điếu mà chấp nhận các loại nguyên liệu khác nhau để phối chế.

Đối với thuốc lá lá sản xuất ở huyện Krông Pa, yếu tố chất lượng được các nhà thu mua, các đơn vị sản xuất thuốc lá điếu đánh giá rất cao, thể hiện ở các chỉ tiêu cảm quan, lý hoá, tinh chất hút tạo hương thơm đặc trưng, vị tương đối êm dịu, cháy tốt, tàn trắng xám.

Do vậy, để tạo điều kiện cho các nhà sản xuất, kinh doanh có thể kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, áp dụng quy trình kỹ thuật đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc xác định các tiêu chí chứng nhận và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “thuốc lá lá Krông Pa - Gia Lai” là điều hết sức cần thiết.

Ông Võ Ngọc Châu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pa, cho biết, để nâng cao giá trị sản phẩm thuốc lá lá, ngày 7/6/2021, thông qua đại diện là Công ty Sở hữu trí tuệ quốc tế T&T Invenmark, UBND huyện đã nộp đơn lên Cục Sở hữu trí tuệ  đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Thuốc lá lá Krông Pa-Gia Lai”.

Ngày 7/7/2022, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định số 58184/QĐ-SHTT về việc chấp nhận đơn hợp lệ. Hiện tại, UBND huyện đã có văn bản đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ sớm thẩm định và cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu chứng nhận “Thuốc lá lá Krông Pa-Gia Lai và sẽ công bố trong thời gian sớm”.

“Trong kế hoạch phát triển thương hiệu của huyện, lãnh đạo huyện chủ trương xây dựng nội dung đề xuất bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm chủ lực của địa phương trong đó có sản phẩm “Thuốc lá lá Krông Pa- Gia Lai. Nếu thương hiệu này được xây dựng thành công sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống người dân”, ông Châu thông tin và cho rằng, trước mắt, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư, hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật cho người sản xuất để cây thuốc lá có chỗ đứng ổn định hơn trên thị trường thuốc lá.

Với những định hướng này, hàng năm, diện tích trồng thuốc lá của huyện Krông Pa được điều chỉnh theo hướng tăng quy mô. Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Krông Pa lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025), đến năm 2025, huyện phát triển diện tích cây thuốc lá đạt khoảng 2.300-2.500 ha. Đồng thời, tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…

Linh Đan