Bảo vệ môi trường: Cần những giải pháp mang tính đột phá

Ô nhiễm môi trường đang là điều bức xúc trong đời sống xã hội, đặc biệt, tại các lưu vực sông, khu công nghiệp, đô thị và làng nghề; vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn đang ngày càng tinh vi v
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã nhấn mạnh: BVMT trong thời gian tới có ý nghĩa sống còn, là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải đổi mới tư duy, đổi mới cách làm và cần những giải pháp mang tính đột phá. Theo Bộ trưởng, để bảo đảm phát triển bền vững kinh tế - xã hội và cuộc sống, an sinh của nhân dân, công tác BVMT cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Đó là:
(1) Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội với BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH); xây dựng năng lực nội sinh nhằm sử dụng và phát triển các công nghệ tiết kiệm tài nguyên, nguyên liệu, năng lượng, thân thiện với môi trường, phát triển kinh tế xanh.
(2) Cần đẩy mạnh cơ chế kinh tế hóa trong quản lý tài nguyên và BVMT, chuyển đổi cơ chế “bao cấp”, “xin – cho”, nặng về kiểm soát hành chính sang cơ chế thị trường; khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ sạch; hạn chế đầu tư vào các ngành khai thác tài nguyên, sử dụng nhiều đất, tiêu hao nhiều năng lượng; không chấp nhận những dự án đầu tư công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT và phát triển các dịch vụ môi trường.
(3) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, hình thành hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành theo hướng thống nhất, công bằng, hiện đại và hội nhập. Trước mắt, cần bổ sung, hoàn thiện các quy định và cơ chế quản lý về BVMT khu - cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, làng nghề, các lưu vực sông, môi trường nông thôn, miền núi, biển và hải đảo.
(4) Nâng cao nhận thức về nguy cơ ô nhiễm môi trường, BĐKH và nước biển dâng đối với sự phát triển bền vững, thể hiện rõ trong quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng vùng lãnh thổ, từng ngành, địa phương trong từng dự án, với tầm nhìn dài hạn; tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động có tính toàn cầu này.
(5) Tiếp tục kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về môi trường theo hướng hiện đại, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ ngày càng phức tạp, nặng nề, đáp ứng yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, tạo cơ chế phối hợp, hợp tác để huy động mọi thành phần kinh tế và tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế cho công tác BVMT, ứng phó với BĐKH.
(6) Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, trong đó, đặt trọng tâm đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước và việc thực hiện nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.
(7) Xây dựng một chiến lược vận động các nước, các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ Việt Nam ưu tiên giải quyết các vấn đề về môi trường và ứng phó với BĐKH, nhằm tranh thủ các nguồn lực này phục vụ mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
(8) Xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, xây dựng các chuẩn mực, hình thành ý thức, hành vi ứng xử thân thiện với thiên nhiên, môi trường. Môi trường phải trở thành tiêu chí cơ bản trong các hoạt động bình chọn, xét thi đua, khen thưởng...