Giá thu mua lợn hơi thấp nhất ở mức 49.000 đồng/kg
Theo ghi nhận, giá lợn hơi ngày 17/4 tại khu vực miền Bắc không có biến động mới, dao động trong khoảng 50.000 - 52.000 đồng/kg.
Trong đó, mức giao dịch cao nhất khu vực là 52.000 đồng/kg được ghi nhận tại các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình. Thấp hơn một giá ở mức 51.000 đồng/kg ghi nhận tại các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Ninh Bình. Giá lợn hơi tại các tỉnh, thành còn lại đang được thu mua ở mức 50.000 đồng/kg.
Cùng xu hướng, giá lợn hơi mới nhất ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên tiếp tục chững trong khoảng 49.000 - 52.000 đồng/kg. Trong đó, giá thu mua cao nhất khu vực ghi nhận tại tỉnh Quảng Ngãi là 52.000 đồng/kg; trong khi giá thu mua lợn hơi thấp nhất khu vực ở mức 49.000 đồng/kg ghi nhận tại các tỉnh Thừa Thiên Huế và Đắk Lắk. Các tỉnh còn lại tiếp tục duy trì giao dịch lợn hơi ổn định với mức giá 50.000 - 51.000 đồng/kg.
Ở khu vực phía Nam, giá lợn hơi cũng ổn định trên diện rộng so với cuối tuần trước, dao động trong khoảng 50.000 - 52.000 đồng/kg. Theo đó, lợn hơi tại hầu hết các tỉnh trong khu vực đang được thu mua ở mức giá từ 50.000 - 51.000 đồng/kg. Giá thu mua cao nhất khu vực ở mức 52.000 đồng/kg ghi nhận tại các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cà Mau và Bạc Liêu.
Nghệ An thúc đẩy các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học
Nghệ An là một trong những địa phương có quy mô chăn nuôi lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Theo Cục Thống kê tỉnh Nghệ An, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh trong quý I/2023 tại ước đạt 958.633 con, tăng 2,87% (+26.751 con) so với cùng kỳ năm ngoái. Chăn nuôi lợn ổn định và tiếp tục có bước phát triển hơn so với cùng kỳ năm trước cả về số lượng và sản lượng thịt hơi xuất chuồng. Việc tái đàn và phát triển đàn chăn nuôi đang tiếp tục được thực hiện, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, tổng đàn trâu của tỉnh tại thời điểm tháng 3/2023 ước đạt 267.582 con, giảm 0,38% (-1.013 con) so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi trâu giảm do giá thịt hơi giảm, hiệu quả kinh tế từ việc chăn nuôi trâu thấp, đồng cỏ chăn thả ngày càng bị thu hẹp. Tổng đàn bò ước đạt 521.712 con, tăng 3,66% (+18.408 con) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó đàn bò sữa ước đạt 78.906 con, tăng 11,11% (+7.892 con). Chăn nuôi bò sữa tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Số lượng bò sữa tập trung chủ yếu ở các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại, được đầu tư bài bản của Công ty CP Thực phẩm sữa TH và Vinamilk.
Trong khi đó, tổng đàn gia cầm ước đạt 33.701 nghìn con, tăng 7,95% (+2.481 nghìn con) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó tổng đàn gà ước đạt 27.942 nghìn con, tăng 8,27% (+2.134 nghìn con).
Tính chung quý I/2023, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của tỉnh Nghệ An ước đạt 30.291 tấn, tăng 5,17% (+1.489,1 tấn) so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thịt lợn ước đạt 6.243 tấn, tăng 3,39%; thịt trâu ước đạt 1.474 tấn, tăng 2,08%; thịt bò ước đạt 419 tấn, tăng 2,72% và thịt gia cầm ước đạt 22.155 tấn, tăng 5,94%.
Tỉnh tiếp tục khuyến khích các cơ sở chăn nuôi áp dụng có hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; ưu tiên đẩy mạnh phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng liên kết chuỗi từ sản xuất, giết mổ đến tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, các ngành chăn nuôi, thú y của tỉnh chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan triển khai công tác rà soát, đăng ký nhu cầu vắc-xin để tổng hợp và lựa chọn loại phù hợp; tổ chức tiêm cho đàn gia súc, gia cầm vụ Xuân năm 2023, đảm bảo tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm. Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm, nhằm khống chế dịch bệnh lây lan, đặc biệt là dịch cúm gia cầm; tiếp tục thực hiện xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, kiểm soát giết mổ tập trung. Đồng thời phát động nhân dân thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1/2023, nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh.
Nhờ thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng chuồng trại nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh, nên hiện nay bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh ổn định, các ổ dịch đã qua 21 ngày không phát sinh tiêu hủy và công bố hết dịch. Các dịch bệnh khác xảy ra rải rác ở một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đã được phát hiện sớm, khống chế và xử lý kịp thời không để lây lan ra diện rộng.