Giá tiêu cao nhất đứng ở mức 66.000 đồng/kg
Cụ thể, tại khu vực Tây Nguyên, giá tiêu Gia Lai không đổi, giao dịch ở mức 63.000 đ/kg; giá tiêu Đắk Lắk, Đắk Nông giữ ở mức 64.000 đ/kg.
Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu thu mua tại Đồng Nai tiếp tục ổn định ở mức 63.500 đ/kg; giá tiêu Bình Phước vẫn giao dịch ở mức 65.000 đ/kg; giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu đứng ở ngưỡng cao nhất khu vực là 66.000 đ/kg.
Thời điểm này, các vùng trồng hồ tiêu trọng điểm đang bước vào giai đoạn thu hoạch cuối vụ; lượng hàng mới bán ra thị trường nhiều nhưng sức mua ổn định nên giá tiêu cũng không có biến động lớn.
Giá tiêu Indonesia tiếp tục tăng
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch ngày 14/4 (giờ địa phương), Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết mức giá tiếp tục tăng với tiêu Indonesia, trong khi giá tiêu của các nước khá giữ ổn định so với ngày 13/4.
Theo đó, giá tiêu đen Lampung (Indonesia) tăng 0,85%, lên mức 3.663 USD/tấn trong khi giá tiêu trắng Muntok của nước này tiếp tục tăng thêm 0,84%, lên mức 6.155 USD/tấn.
Giá tiêu đen Kuching ASTA của Malaysia duy trì ổn định ở mức 4.900 USD/tấn; còn hạt tiêu trắng ASTA của quốc gia này vẫn có giá 7.300 USD/tấn. Đối với thị trường Brazil, giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ổn định ở mức 2.950 USD/tấn.
Trong khi đó, giá tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam giao dịch ở 3.225 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550g/l mức 3.275 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 4.780 USD/tấn.
Quý I, xuất khẩu tiêu sang một số thị trường lớn giảm
Thống kê bộ sơ bộ của Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPA) cho thấy, lũy tiến từ 1/1 đến hết tháng 3/2023, Việt Nam xuất khẩu được 76.727 tấn, trong đó tiêu đen đạt 70.222 tấn, tiêu trắng đạt 6.505 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 235,9 triệu USD, tiêu đen đạt 205,4 triệu USD, tiêu trắng đạt 30,5 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng 40,5% tương đương 22.112 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu giảm 7,3% tương đương 18,5 triệu USD.
Về thị trường, xuất khẩu 3 tháng đầu năm sang Trung Quốc đạt 25.919 tấn so với 2.138 tấn cùng kỳ. Xuất khẩu tăng đột biến được cho là Trung Quốc mua bù cho lượng hàng thiếu hụt sau 3 năm đóng cửa vì Covid-19.
Trái ngược với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan, Anh, Ấn Độ trong Quý I/2023 lại có sự sụt giảm. Nguyên nhân có thể do kinh tế khó khăn, lạm phát cao nên các thị trường hạn chế mua hàng. Một số thị trường khác ghi nhận xuất khẩu tăng như Iran tăng 461%; Thổ Nhĩ Kỳ tăng 331,3%; Ai Cập tăng 218,4%; Senegal tăng 148,8%… Riêng với mặt hàng hạt tiêu trắng, các thị trường xuất khẩu hàng đầu bao gồm: Đức, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hà Lan…
Số liệu của VPA cũng cho thấy, Công ty cổ phần Tập đoàn Trân Châu vẫn là doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất Việt Nam 3 tháng đầu năm 2023 đạt 5.393 tấn, tuy nhiên lượng xuất khẩu giảm 29,2% so với cùng kỳ trước. Tiếp theo là các doanh nghiệp, cá nhân như: Lý Hoàng Sơn 5.180 tấn, Đăng Nguyên Ls 4.892 tấn; Nedspice Việt Nam 4.214 tấn, giảm 19,1%; Olam Việt Nam 3.851 tấn, giảm 41,8%….
Khối các doanh nghiệp trong VPA xuất khẩu chiếm 56,8% và giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu trắng hàng đầu bao gồm: Trân Châu, Nedspice Việt Nam, Olam Việt Nam, Liên Thành, Phúc Sinh…