Kỳ vọng biên lợi nhuận phục hồi trong nửa cuối năm
Bảo Việt Securities vừa có trao đổi với Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã cổ phiếu DPM – sàn HoSE) về triển vọng kinh doanh cuối năm nay. Theo lãnh đạo Đạm Phú Mỹ, biên lãi gộp của doanh nghiệp có thể cải thiện trong nửa cuối năm 2023 nhờ giá bán phân bón phục hồi và Đạm Phú Mỹ có thể nhận mức tỷ trọng khí giá rẻ ở mỏ Sư Tử Trắng và Rồng Đồi Mồi cao hơn trong nửa cuối năm.
Hiện giá phân ure được nhận định đã qua đáy và phục hồi nhẹ trong quý 3 này. Cụ thể, trên thị trường thế giới, giá phân ure thế giới đã có dấu hiệu phục hồi khi tăng liên tục từ trung tuần tháng 6/2023 đến nay với mức tăng lên đến 24 - 50% tại các thị trường khác nhau. Hiện giá phân ure thế giới đã về mức tương đương như thời điểm tháng 1-2/2023.
Đà tăng của giá phân ure thế giới chủ yếu đến từ tình trạng khan hiếm nguồn cung đột ngột khi sản lượng của các quốc gia sản xuất phân bón lớn như Ai Cập, Malaysia... đồng loạt giảm. Trong khi đó, kỳ vọng nhu cầu sử dụng phân bón sẽ tăng lên, đặc biệt là trong bối cảnh giá các loại ngũ cốc như gạo, lúa mì… tăng cao trong thời gian gần đây.
Đáng chú ý, lượng tồn kho của các hãng sản xuất phân bón ở Trung Quốc đã giảm hơn 75% so với mức 1,16 triệu tấn vào đầu tháng 6/2023. Hiện một số thông tin cho biết Trung Quốc có thể xem xét siết chặt hoạt động xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
Theo đánh giá mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường Argus, giá phân ure ở các khu vực chủ chốt trên thế giới dự báo dao động từ 330-380 USD/tấn trong quý 4/2023, tăng 20% so với quý 3/2023.
Đối với thị trường trong nước, giá phân ure được dự báo sẽ tăng nhẹ trở lại vào khoảng từ quý 3 đến đầu quý 4 năm nay do cả nước sẽ bước vào cao điểm mùa vụ, nhất là ở phía Bắc sẽ bước vào vụ Đông và vụ Chiêm Xuân - là thời điểm tiêu thụ phân bón lớn nhất trong năm. Bên cạnh đó, việc giá gạo xuất khẩu tăng cao kỷ lục sẽ thúc đẩy nông dân mở rộng diện tích canh tác (lúa gạo vốn chiếm hơn 50% tổng diện tích gieo trồng tại Việt Nam), kéo theo đó là nhu cầu nhập khẩu phân bón.
Giá phân ure thế giới tăng nhanh hơn giá thị trường nội địa Việt Nam, do đó Đạm Phú Mỹ nói riêng, các doanh nghiệp phân bón Việt Nam nói chung đã đẩy mạnh xuất khẩu trong tháng 7. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, Đạm Phú Mỹ đã hoàn thành 60% kế hoạch sản lượng xuất khẩu cả năm.
Tiềm lực tài chính mạnh, cổ phiếu DPM bật tăng 32% từ đáy
Trong quý 2 vừa qua, Đạm Phú Mỹ ghi nhận lãi ròng đạt 105 tỷ đồng, giảm 92% so với mức nền cao của cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức lãi thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây của doanh nghiệp sản xuất phân bón này.
Ban lãnh đạo Đạm Phú Mỹ cho biết, giá các loại phân bón đều giảm mạnh, đặc biệt giá phân ure giảm hơn 41%, giá phân NPK giảm hơn 13%; trong khi đó, giá khí đầu vào đạt trung bình 9,96 USD/mmBtu, tăng 5,4% so với quý 2/2022. Giá khí đầu vào của Đạm Phú Mỹ trong quý 1/2023 là trung bình 10,02 USD/mmBtu.
Điểm sáng là sản lượng phân ure và phân NPK của Đạm Phú Mỹ đã tăng lần lượt 31% và 21% nhờ vụ mùa cao điểm bắt đầu từ quý 2/2023 và tình hình kinh tế của các hộ nông dân thuận lợi phục vụ cho việc nhập hàng.
Đồng thời, Đạm Phú Mỹ đang sở hữu tiềm lực tài chính mạnh mẽ với tỷ lệ tiền mặt cao, chiếm 52% tổng tài sản, đạt gần 8.000 tỷ đồng vào cuối quý 2/2023. Trong khi đó, nợ vay của doanh nghiệp này liên tục giảm, giúp tỷ lệ đòn bẩy tài chính D/E xuống còn mức 5% - mức thấp nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Điều này cho phép Đạm Phú Mỹ chi trả cổ tức tiền mặt hấp dẫn và ổn định 3.000–4.000 đồng/cổ phiếu trong giai đoạn 2023 – 2028, theo BVSC. Hiện Đạm Phú Mỹ dự kiến chi trả cổ tức tiền mặt 2023 là 40%.
Ngoài ra, rủi ro chiếm dụng vốn của Đạm Phú Mỹ ở mức thấp do khách hàng chủ yếu là hộ nông dân và đại lý quy mô nhỏ. Số ngày phải thu của doanh nghiệp này giảm dần qua các năm trong giai đoạn 2018 – 2022 cho thấy dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tốt và sức mạnh mặc cả với khách hàng của Đạm Phú Mỹ khá cao, nhất là trong bối cảnh ngành phân bón bão hòa, cạnh tranh gay gắt.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 17/8, giá cổ phiếu DPM đạt 41.000 đồng/cổ phiếu. So với mức đáy hồi cuối tháng 5 vừa qua, thị giá cổ phiếu DPM hiện đã tăng gần 32%. Tuy nhiên, cổ phiếu DPM đang chịu áp lực bán mạnh quanh vùng giá 42.000 đồng trong 2 phiên giao dịch trở lại đây với thanh khoản tương đối cao.