Giá vàng đồng loạt giảm, tụt về mốc 55,17 triệu đồng/lượng

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 12/4, giá vàng trong nước đồng loạt giảm ngay sau khi mở cửa phiên giao dịch, tụt về mốc 55,17 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới cũng trượt khỏi mốc 1.740 USD/ounce khi các thông tin tích cực về nền kinh tế toàn cầu lấn át lo ngại về lạm phát.

Vào lúc 12h30 trưa nay ngày 12/4, giá vàng SJC tại khu vực Hà Nội được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết tại mức 54,75 triệu đồng/lượng (mua vào) – 55,17 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 50.000 đồng ở chiều mua vào và giảm 100.000 đồng ở chiều bán ra so với mức giá cuối phiên giao dịch ngày 10/4.

Tại khu vực TP.Hồ Chí Minh, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng tại mức 54,75 triệu đồng/lượng (mua vào) – 55,15 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 50.000 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với mức giá chốt phiên giao dịch cuối tuần trước. Mức chênh lệch giữa giá mua và bán vàng tại phần lớn các đơn vị kinh doanh vàng bạc lớn hiện vẫn được giữ ở khoảng 400.000 đồng/lượng.

Diễn biến giá vàng
 Diễn biến giá vàng thế giới giao ngay trong các phiên giao dịch 09, 11 và 12/4/2021 (Ảnh: Kitco)

Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới giao ngay trong sáng nay được giao dịch quanh mức 1.737,28 USD/ounce, giảm 6,72 USD/ounce so với mức giá đầu phiên giao dịch. Quy đổi theo tỷ giá USD do ngân hàng Vietcombank niêm yết (1 USD = 23.155 VNĐ), giá vàng thế giới hiện tương đương 48,49 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí), thấp hơn khoảng 6,7 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Giá vàng thế giới chịu áp lực giảm trở lại trong bối cảnh Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) ông Jerome Powell phát biểu tại một sự kiện kinh tế với sự tham dự của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rằng mối đe doạ lớn nhất hiện nay đối với nền kinh tế thế giới là diễn biến của đại dịch Covid-19 chứ không phải lạm phát.

Theo ông Jerome Powell, trọng tâm lớn nhất hiện nay là làm sao để đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 và duy trì giãn cách xã hội hiệu quả chứ không phải là kiềm chế lạm phát.

Trong tuần trước, sự lo ngại về lạm phát sẽ tăng cao đã phần nào nâng đỡ giá vàng bật tăng mạnh. Các dữ liệu kinh tế mới cho thấy chỉ số giá sản xuất tại Hoa Kỳ và Trung Quốc trong tháng 3 vừa qua đã có tốc độ tăng cao kỷ lục. Điều này kết hợp cùng với sự gia tăng mạnh của hầu hết giá các loại hàng hoá, nguyên liệu thô như kim loại đồng, dầu thô và quặng sắt đã khiến một số nhà đầu tư lo ngại nguy cơ lạm phát tăng cao.

FED cũng đã quyết định vẫn tiếp tục giữ mức lãi suất cơ sở ở mức siêu thấp gần bằng 0% và tiếp tục kế hoạch thu mua trái phiếu Chính phủ trị giá 120 tỉ USD mỗi tháng. Điều này cho thấy FED vẫn kiên định rằng lạm phát chỉ là hiện tượng nhất thời và không kéo dài, qua đó giảm sức hấp dẫn của vàng. Giới đầu tư có xu hướng chọn lựa vàng nhằm bảo đảm tài sản, chống lại các biến động của đồng tiền.

Bên cạnh đó, FED nhận định kinh tế Mỹ cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ hơn những dự đoán trước đây như dự báo GDP Mỹ 2021 tăng 6,5%; tỷ lệ thất nghiệp có thể giảm xuống 4,5% vào cuối năm. Điều này có thể kích thích lợi suất trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ và đồng USD đi lên, khiến giá vàng đối mặt áp lực giảm mạnh hơn.

Theo khảo sát của chuyên trang tin tức về vàng Kitco News, khoảng 60% giới đầu tư chuyên nghiệp và các nhà đầu tư nhỏ lẻ dự báo giá vàng sẽ tăng lên trong tuần này sau khi giá vàng đã giữ được ngưỡng kháng cự quan trọng trong tuần trước. Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cảnh báo nếu giá vàng trượt xuống ngưỡng 1.728 USD – 1.730 USD/ounce thì sẽ tiếp tục rơi xuống còn 1.700 – 1.710 USD/ounce.

Quang Đặng