Giá xăng dầu hôm nay 22/9: Bất chấp Nga tạm ngưng xuất khẩu, giá nhiên liệu sẽ khó neo cao?

Giá xăng dầu hôm nay trên thế giới đã tăng nhẹ, thị trường phản ứng thận trọng trước thông tin Nga tạm ngưng xuất khẩu nhiên liệu. Một số nhà phân tích cho rằng mặc dù nguồn cung bị siết chặt nhưng giá xăng dầu sẽ khó neo cao trong trung và dài hạn.

Giá xăng dầu hôm nay ngày 22/9/2023 tại thị trường thế giới

Trong sáng nay ngày 22/9, giá xăng dầu thế giới đã tăng nhẹ trở lại trong bối cảnh thị trường phản ứng thận trọng trước thông tin Nga tạm thời cấm xuất khẩu xăng dầu.

Cụ thể, vào lúc 7h15 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 93,30 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 89,75 USD/thùng. Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô đã có lúc bật tăng hơn 1 USD/thùng, tương đương mức tăng hơn 1%, sau thông tin Nga ngưng xuất khẩu nhiên liệu. Tuy nhiên, thị trường nhanh chóng hạ nhiệt; chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent đã giảm nhẹ 0,2%.

Giá xăng dầu hôm nay Tạp chí Công Thương
Xu hướng giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)

Như Tạp chí Công Thương đã thông tin, Bộ Năng lượng Nga đã chính thức cấm xuất khẩu các sản phẩm xăng và dầu diesel đến tất cả các quốc gia nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa. Biện pháp này sẽ được loại trừ đối với các thoả thuận cung ứng xăng và dầu diesel liên chính phủ được ký kết giữa Chính phủ Nga với 4 quốc gia thuộc Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU), gồm: Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan.

Theo các phân tích ban đầu, biện pháp này sẽ tác động tiêu cực đến nguồn cung nhiên liệu của Liên minh châu Âu (EU). Mặc dù EU đã cấm nhập khẩu các sản phẩm nhiên liệu tinh chế từ dầu thô có nguồn gốc từ Nga kể từ tháng 2/2023, tuy nhiên giới phân tích chỉ ra rằng Nga đã tăng xuất khẩu các sản phẩm tinh chế lên 50% trong quý đầu tiên sang châu Phi - sau đó các lô hàng này lại được tái xuất sang EU.

Do đó việc Nga cấm xuất khẩu nhiên liệu sẽ buộc EU và các đối tác đang nhập khẩu nhiên liệu từ Nga phải tìm kiếm nguồn cung từ nơi khác, đặc biệt là khi thị trường chuẩn bị bước vào mùa Đông - nhu cầu sử dụng dầu FO, nhiên liệu đốt lò, sẽ tăng vọt. Giá dầu FO trên thị trường giao kỳ hạn đã tăng vọt 5% sau thông tin trên.

Ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch hãng phân tích thị trường năng lượng Ritterbusch & Associates, nhận định trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới đang neo ở mức cao, việc Nga tạm ngưng xuất khẩu nhiên liệu sẽ đẩy giá xăng dầu lên cao hơn nữa, từ đó kéo theo giá dầu thô trên thị trường.

Xem thêm: "Nga tạm thời cấm xuất khẩu xăng dầu, EU có thể thiếu nhiên liệu nghiêm trọng" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo việc Nga tạm ngưng xuất khẩu nhiên liệu đẩy giá xăng dầu lên quá cao sẽ khiến áp lực lạm phát tại các nước phương Tây gia tăng trở lại, buộc các ngân hàng trung ương lớn phải duy trì mức lãi suất cao như hiện nay trong thời gian dài hơn, thậm chí tiếp tục tăng lãi suất. Môi trường lãi suất cao sẽ tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu.

Đồng thời, việc giá xăng dầu neo quá cao sẽ càng thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng thay thế. Do đó, giá xăng dầu thế giới khó có thể duy trì mức cao trong trung và dài hạn.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản trong phiên họp chính sách tháng 9/2023 nhưng phát tín hiệu cho thấy sẵn sàng tăng lãi suất thêm 01 lần nữa trong năm nay. Đồng thời, Fed cho biết sau khi lãi suất đạt đỉnh, cơ quan này sẽ thực hiện ít đợt cắt giảm lãi suất hơn so với dự kiến trước đó.

Điều này cho thấy Fed vẫn đang muốn neo giữ lãi suất ở mức cao nhằm xử lý triệt để các rủi ro liên quan đến lạm phát khi lịch sử cho thấy việc dừng tăng lãi suất quá sớm có thể khiến lạm phát tăng nhanh trở lại.

Ngân hàng Trung ương Na Uy vừa nâng lãi suất cơ bản và cho biết có thể tiếp tục nâng lãi suất lên cao hơn vào tháng 12/2023. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh vừa tạm ngưng nâng lãi suất khi lạm phát tại Anh bất ngờ giảm đáng kể trong tháng 8 vừa qua; tuy nhiên, mức lãi suất cơ bản tại nước này đang ở mức cao kỷ lục.

Theo dõi giá xăng dầu hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây. 

Giá xăng dầu hôm nay ngày 22/9/2023 tại thị trường trong nước

Trong hôm qua (21/9), giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh theo diễn biến của thị trường thế giới. Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn đối với dầu mazut; chi sử dụng Quỹ Bình ổn đối với 2 mặt hàng xăng, dầu diesel, dầu hỏa.

Như vậy, giá xăng tiêu dùng phổ biến trên thị trường từ ngày 21/9/2023 như sau:

- Giá xăng E5RON92 tăng 726 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, ở mức không cao hơn 24.197 đồng/lít;

- Giá xăng RON95-III tăng 877 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, ở mức không cao hơn 25.748 đồng/lít;

- Giá dầu diesel 0.05S tăng 539 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành, ở mức không cao hơn 23.594 đồng/lít;

- Giá dầu hỏa tăng 628 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, ở mức không cao hơn 23.816 đồng/lít;

- Giá dầu mazut 180CST 3.5S tăng 143 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, ở mức không cao hơn 17.847 đồng/kg.

Tường Vy