Giai đoạn 2015-2020, 80% đề tài nghiên cứu ngành Công Thương gắn với nhu cầu thị trường

Hưởng ứng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5, sáng 14/5, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị "Định hướng đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ ngành Công Thương giai đoạn 2015-2020".

Hội thảo có sự tham gia của đại diện 24 viện và các doanh nghiệp thuộc Bộ. Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo của Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2010-2014, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) của ngành Công Thương đã và đang có những chuyển biến tích cực, phù hợp với tình hình mới. Trong giai đoạn này, kinh phí của Nhà nước đầu tư cho hoạt động KHCN của Bộ Công Thương đều tăng (trừ năm 2014 giảm so với 2013), từ 214,208 tỉ đồng năm 2010 lên 304,43 tỉ đồng năm 2014. Theo thống kê, cơ cấu kinh phí phân bổ theo hướng tăng mạnh vào các chương trình, đề án cấp quốc gia do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện, không tăng cho các nhiệm vụ độc lập cấp quốc gia và tăng rất thấp cho các nhiệm vụ KHCN cấp Bộ. Bộ Công Thương đã chỉ đạo sát sao hoạt động KHCN của ngành theo hướng đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chuyển đổi mô hình phù hợp nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả nghiên cứu, triển khai của các tổ chức KHCN.

Tại Hội nghị, vấn đề mà các đại biểu quan tâm được đưa ra bàn luận, mổ xẻ, bao gồm cơ chế chính sách cho các đơn vị hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KHCN, chế độ đãi ngộ với nhà khoa học, tính ứng dụng của các đề tài nghiên cứu… Nhiều đại biểu cho rằng, chính sách Nhà nước rất hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng hệ thống văn bản dưới Luật chưa tốt, nên các doanh nghiệp KHCN mới lúng túng trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, việc Luật Đấu thầu ban hành ngày 26/11/2013 và có hiệu lực ngày 1/7/2014 nhưng chưa có văn bản hướng dẫn khiến cho đơn vị khó khăn trong vận dụng Luật.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Đình Hậu - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN các ngành kinh tế kỹ thuật cho rằng, điều quan trọng là các đơn vị phải chứng minh được tính hiệu quả của các nhiệm vụ KHCN và gắn nó với các địa chỉ cụ thể nhằm phát huy tính ứng dụng của các nhiệm vụ. Bộ Khoa học và Công nghệ luôn ủng hộ các đơn vị ngành Công Thương trong công tác nghiên cứu khoa học, cũng như tích cực đổi mới cơ chế hoạt động để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị.

Toàn cảnh hội nghị

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định, trong thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới KHCN theo hướng tập trung vào các đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao, tránh hiện tượng dàn trải. Các nhiệm vụ phải tạo ra những sản phẩm có tính đột phá, có giá trị thực sự để tăng hiệu quả nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tăng cường công tác quản lý để đảm bảo nguồn vốn được đầu tư đúng địa chỉ, phát huy hiệu quả. Bộ cũng khuyến khích các doanh nghiệp tích cực trao đổi các vướng mắc nảy sinh trong quá trình hoạt động để cùng nhau tháo gỡ khó khăn và trên cơ sở đó, Bộ tập hợp kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền giải quyết theo cách vướng đâu gỡ đó.

Thứ trưởng cũng tuyên dương các đơn vị trong ngành Công Thương đã năng động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt các qui định của Luật để triển khai nhiệm vụ, hoàn thành kế hoạch được giao. Đồng thời động viên các đơn vị khắc phục các tồn tại, phấn đấu giai đoạn 2015-2020, có 70-80% đề tài nghiên cứu của ngành Công Thương xuất phát từ nhu cầu thị trường, phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, tăng 15% số công trình đạt giải thưởng sáng tạo KHCN và các giải thưởng cao quý khác so với giai đoạn 2005-2010.