Cổ phiếu OCB bứt phá ấn tượng
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần này, cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông (Ngân hàng OCB) giảm 0,5% xuống 21.700 đồng/cổ phiếu – neo quanh vùng giá cao nhất 15 tháng trở lại đây.
Đáng chú ý, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần giao dịch trở lại đây (từ ngày 21/8 – 11/9/2023), cổ phiếu ngân hàng này đã tăng gần 18%, vượt trội so với mức tăng của các cổ phiếu ngân hàng khác. Đồng thời, thiết lập mạch tăng giá dài nhất trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu này; thanh khoản của cổ phiếu OCB cũng cao hơn đáng kể so với mức thông thường.
Sức nóng của cổ phiếu OCB xuất hiện trong bối cảnh, vào ngày 21/9 tới đây, Ngân hàng OCB sẽ chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền nhận cổ phiếu phát hành (tỷ lệ 2:1) để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Theo đó, cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu OCB sẽ được 01 quyền, cứ 02 quyền sẽ được nhận 01 cổ phiếu OCB mới. Với 1,369 tỷ cổ phiếu OCB đang được lưu hành trên thị trường hiện nay, Ngân hàng OCB dự kiến sẽ phát hành gần 685 triệu cổ phiếu cho đợt tăng vốn cổ phần lần này. Sau phát hành, vốn điều của ngân hàng này sẽ tăng từ 13.699 tỷ lên 20.548 tỷ đồng.
Lần phát hành này được xem là đem lại lợi ích cho cả cổ đông lẫn ngân hàng. Cụ thể, cổ đông sẽ được nhận cổ phiếu thưởng khi thị giá cổ phiếu OCB được nhiều tổ chức tài chính đánh giá còn khá hấp dẫn so với tiềm năng tăng trưởng. Trong khi đó, phía ngân hàng sẽ tăng được vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh, có sức cạnh tranh tốt hơn trên thị trường, từ đó hứa hẹn các kết quả kinh doanh tích cực hơn trong tương lai.
Dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng 33,9%
Xét về kết quả kinh doanh, luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, thu nhập thuần từ lãi của Ngân hàng OCB tăng nhẹ 4,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, các hoạt đồng ngoài lãi lại ghi nhận tăng trưởng đột biến, cụ thể: đầu tư chứng khoán tăng gần 5 lần và ngoại hối tăng gần 6 lần.
Điều này đã giúp tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh (TOI) và lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2023 của Ngân hàng OCB lần lượt tăng 16,8% và tăng 47,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Tương tự các ngân hàng khác, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của ngân hàng này trong nửa đầu năm giảm nhẹ về mức 3,8%, chủ yếu do chi phí sử dụng vốn tăng cao. Theo đánh giá mới nhất của MBS Research, NIM của Ngân hàng OCB trong cả năm nay sẽ được cải thiện lên mức 4% trong bối cảnh lãi suất huy động đã liên tục giảm đáng kể từ quý 2/2023.
Dự kiến thu nhập thuần ngoài lãi (NOI) của ngân hàng này sẽ tăng tới 42,3% trong cả năm nay nhờ lợi nhuận từ hoạt động đầu tư trái phiếu chính phủ phục hồi, giúp lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 có thể tăng 33,9% so với năm 2022.
Về tăng trưởng tín dụng, trong nửa đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng OCB đạt 4,7% - ngang bằng mức trung bình tăng trưởng tín dụng toàn ngành. Theo MBS Research, với nhu cầu tín dụng yếu như hiện tại, mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành dự báo ở mức 10-11% cho cả năm 2023.
Đối với Ngân hàng OCB, chiến lược của ngân hàng này tập trung vào các doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công, kinh doanh hộ gia đình và cho vay bán lẻ. Đây đều là các lĩnh vực kinh doanh được Ngân hàng Nhà nước khuyến khích giải ngân, do đó kì vọng hoạt động cho vay của Ngân hàng OCB sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm, có thể đạt 12,5% trong cả năm nay – cao hơn mặt bằng chung toàn ngành.
Ngoài ra, theo Vietcombank Securitis (VCBS), việc Ngân hàng OCB chủ động đầu tư vào hệ thống ngân hàng số đã bắt đầu đem lại “trái ngọt”. Ngân hàng này đã tích hợp các sản phẩm cho vay cá nhân trên nền tảng giao dịch online hướng đến tập khách hàng đại chúng và nhu cầu cấp thiết.
Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo Ngân hàng OCB, ngân hàng số OCB OMNI trong nửa đầu năm nay đã tăng trưởng ấn tượng với số lượng giao dịch tăng gần 60% so với cùng kỳ. Hiện ngân hàng này đang hợp tác với một số công ty công nghệ tài chính để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số theo mô hình ngân hàng hợp kênh.