Giải pháp tăng cường liên kết trong tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp, thủy sản chủ yếu tại tỉnh Ninh Bình

TS. NGUYỄN THỊ DƯƠNG NGA (Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn - Học viện Nông nghiệp Việt Nam)

TÓM TẮT:

Tiêu thụ nông sản là khâu quyết định tới hiệu quả và sự phát triển của ngành hàng. Nghiên cứu tại Ninh Bình cho thấy đã xuất hiện một số mô hình liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, tuy nhiên vi phạm trong các liên kết vẫn xảy ra, gây thiệt hại cho các bên và suy giảm niềm tin khi tham gia liên kết. Nguyên nhân và các giải pháp nhằm tăng cường liên kết trong tiêu thụ nông sản tỉnh Ninh Bình đã được tác giả nghiên cứu và đề xuất trong bài viết này.

Từ khóa: Tiêu thụ nông sản, thủy sản, hộ nông dân, tư thương, tỉnh Ninh Bình.

1. Mở đầu

Liên kết trong tiêu thụ sản phẩm là một vấn đề thiết yếu trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Sản xuất nông nghiệp nước ta đã đạt được những thành tựu đáng kể, tuy nhiên tiêu thụ sản phẩm là một cản trở quan trọng mà hiệu ứng được mùa - mất giá vẫn thường xuyên xảy ra. Bài viết đánh giá liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thủy sản tỉnh Ninh Bình, đề xuất một số giải pháp chủ yếu góp phần tăng cường liên kết trong tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới.

2. Phương pháp nghiên cứu

Số liệu thứ cấp được thu thập từ điều tra hộ nông dân, phỏng vấn cán bộ xã và hợp tác xã ở 19 xã của 6 huyện/thị trong tỉnh (Yên Khánh, Kim Sơn, Gia Viễn, Nho Quan, thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp) đặc trưng cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh như: rau, lúa chất lượng cao, cây công nghiệp, lợn và cá. Ngoài ra, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được lựa chọn để phỏng vấn sâu. Số liệu điều tra (số liệu thứ cấp và số liệu sơ cấp) được phân tích bằng phương pháp thống kê mô tả và thống kê so sánh.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Ninh Bình

3.1.1. Tổng quan tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình

Theo niên giám thống kê tỉnh Ninh Bình, tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình là 8.684,18 tỷ đồng vào năm 2016, trong đó cơ cấu ngành Trồng trọt là 61,2%, ngành Chăn nuôi chiếm 31,4% và dịch vụ chiếm 7,4%. Ngành Chăn nuôi được đánh giá có tốc độ tăng trưởng khá nhất trong ba năm qua với tốc độ bình quân là 5,1%. Nhóm cây lương thực chiếm cơ cấu chủ đạo với 76,8% diện tích, chủ yếu là lúa. Cây công nghiệp chiếm khoảng 5,3% với sản phẩm chủ yếu là mía, cói, lạc và đậu tương. Diện tích cây ăn quả của tỉnh năm 2016 đạt 5.433 ha; trong đó, dứa và chuối là hai cây trồng chủ lực trong nhóm cây ăn quả của tỉnh. Ngành Chăn nuôi với các sản phẩm chủ yếu là lợn, gia cầm, với 44.750 tấn thịt lợn và 8.296 tấn thịt gia cầm năm 2016. Nuôi trồng thủy sản chủ yếu là tôm, ngao, cá với tỷ trong chiếm 90,1% tổng giá trị ngành thủy sản năm 2016.

3.1.2. Liên kết trong tiêu thụ sản phẩm lúa, khoai và dưa

Tỷ trọng sản phẩm hàng hóa bán ra thấp đối với lúa (37%), khoai lang (65%), do phần để dành tiêu dùng nội bộ cho người và chăn nuôi. Đa phần các hộ bán sản phẩm của mình cho thương lái với nhiều lý do. Tuy nhiên có thể thấy chưa có liên kết chặt chẽ với người thu mua, thậm chí bán cho thương lái vì không còn sự lựa chọn nào khác. Bởi vậy nguy cơ bị ép giá là có thể xảy ra, đặc biệt với các loại sản phẩm dễ hỏng như dưa bở. Địa phương chưa liên kết được với bất cứ doanh nghiệp hay tư thương nào trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm lạc.

Liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ lúa mới chỉ xuất hiện với phương thức sản xuất lúa giống tại huyện Yên Khánh bởi Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang. Trong mô hình liên kết này, Công ty Hồng Quang thực hiện cung ứng đầu vào bao gồm giống gốc, phân bón, thuốc sâu, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho hộ nông dân, tạo điều kiện cho hộ nông dân yên tâm sản xuất lúa giống. Theo đó, giá trị sản xuất tính trên 1 ha canh tác tăng và ổn định hơn so với sản xuất lúa thương phẩm trước đây, thu nhập trung bình cao hơn 15-25% so với sản xuất lúa thương phẩm, tạo được lượng nông sản hàng hóa khá lớn, đồng nhất; nông dân yên tâm sản xuất do được bao tiêu sản phẩm.

3.1.3. Liên kết trong tiêu thụ sản phẩm rau, cây công nghiệp, cây ăn quả

Diện tích gieo trồng rau các loại của tỉnh Ninh Bình có xu hướng tăng lên trong thời gian qua, những huyện có diện tích rau đậu các loại lớn như Gia Viễn, Yên Khánh, Yên Mô. Trên địa bàn tỉnh hiện có một số doanh nghiệp tham gia chế biến rau như Công ty Đồng Giao, Công ty Á Châu, Công ty Việt Xanh, Công ty Hoàng Lê. Tuy nhiên, việc liên kết giữa các vùng sản xuất nguyên liệu với cơ sở chế biến trong những năm gần đây không được chặt chẽ, các cơ sở chế biến hiện không có vùng nguyên liệu ổn định. Tính hàng hóa trong sản xuất rau khá cao với tỷ suất hàng hóa cao trên 95% (trừ hành do có để lại gia đình sử dụng) (Bảng 2). Đã có một số liên kết với doanh nghiệp thu mua dưa chuột, hành, cà chua, ớt, với tỷ trọng sản phẩm đạt cao nhất 44%, song phần thu mua của doanh nghiệp còn hạn chế và nông dân vẫn phụ thuộc nhiều vào thương lái, ở đây cũng đã hình thành các thỏa thuận không chính thức với thương lái (dưa chuột, hành, ớt). Tại Khánh Thành đã có các tổ hợp sản xuất rau và ký được hợp đồng tiêu thụ ớt với tư thương ở chợ đầu mối Bắc Qua (Hà Nội); ở xã Khánh Nhạc đã có hợp đồng tiêu thụ cà chua và dưa chuột bao tử, tuy nhiên hợp đồng chưa thật sự ổn định, giá cả trong hợp đồng không linh hoạt. Khảo sát tại một số siêu thị (Hapro mart, Đông Thành Plaza) nhìn chung rau bán ở đây rất ít và nhiều loại có nguồn gốc từ các tỉnh khác.

Cây công nghiệp được điều tra chủ yếu là mía, chè búp tươi và lạc. Sản lượng mía cũng dao động khá lớn trong khoảng từ 18 tấn/hộ lên 210 tấn/hộ. Mía được bán cho Nhà máy Đường Việt -– Đài (Thanh Hóa). Nhà máy có hợp đồng với nông dân về trồng mía. Theo hợp đồng, Nhà máy Đường Việt - Đài cung ứng vật tư giống, phân bón cho nông dân và đến cuối vụ mua lại mía. Tuy nhiên, theo ý kiến của người dân địa phương, việc mua mía của nhà máy đường thời gian gần đây có nhiều vấn đề như thu mua muộn làm giảm khối lượng, mạng lưới tư thương khống chế giá mua mía và việc thanh toán tiền mua mía thường chậm (20 ngày đến 2 tháng sau khi bán mía) làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất vụ mía tiếp theo của nông dân.

Chè xanh được sản xuất nhiều tại xã Quang Sơn (thị xã Tam Điệp). Hiện nay, sản xuất chè ở địa phương rất manh mún, đang phấn đấu dồn 5 - 8 mảnh/hộ nông dân cũng chỉ bán chè cho thương lái và đại lý thu gom (Bảng 3), nên cũng bị ép giá. Dứa được trồng nhiều ở vùng Tam Điệp và Nho Quan. Hiện nay, giữa Công ty Đồng Giao và các hộ nhận khoán đã có hợp đồng chính thống bằng văn bản trong thời hạn 20 năm.

3.1.4. Liên kết trong tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản

Sản lượng cá bình quân hộ của nhóm qui mô nhỏ đạt 1,3 tấn/hộ còn của nhóm qui mô lớn đạt 2,27 tấn/hộ với các loại cá nuôi chủ yếu là cá trắm đen, cá trắm trắng, cá chép, cá trôi, cá mè. Mặc dù cá của địa phương có chất lượng cao, an toàn nhưng chưa được xây dựng thương hiệu, chưa có đơn vị hay tư thương nào về ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm mà các hộ vẫn phải bán cá cho các thương lái là người địa phương và các xã lân cận. Tương tự như vậy, tôm và thịt lợn vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thương lái, mặc dù đã có thỏa thuận nhưng tỷ lệ rất ít (cao nhất đạt khoảng 1/3 số hộ) và chỉ là thỏa thuận miệng.

Diện tích nuôi thủy sản mặn lợ tại huyện Kim Sơn không ngừng tăng lên cho tôm, cua và ngao. Cho đến nay, chưa có doanh nghiệp hay tư thương nào có liên kết với hộ nông dân trong nuôi tôm, ngao. Giống như rau, khảo sát tại các siêu thị như Đông Thành Plaza, BigC. Các loại thực phẩm (thịt lợn, thịt gà, trứng gà, cá, tôm,…) bán ở siêu thị đều không xuất xứ ở tỉnh Ninh Bình. Điều này đặt ra câu hỏi cho tỉnh và các nhà phân phối cần phải ngồi lại với nhau để cùng tháo gỡ vấn đề này.

3.2. Một số tồn tại và nguyên nhân trong liên kết tiêu thụ nông sản tỉnh Ninh Bình

3.2.1. Tồn tại

Nghiên cứu cho thấy liên kết trong tiêu thụ nông sản còn rất hạn chế, đa phần nông dân bán sản phẩm cho tư thương, chỉ bán cho công ty chế biến với các nguyên liên liệu đầu vào cho họ. Mặc dù có thỏa thuận, song tất cả các thỏa thuận với tư thương đều không bằng văn bản, hợp đồng, nên việc phá vỡ thỏa thuận là thường xuyên xảy ra. Một số sản phẩm sản xuất quy mô lớn, đặc thù như nuôi trồng thủy sản ven biển (ngao, cá nước lợ) cũng chưa tìm được doanh nghiệp/đối tác để liên kết. Vi phạm hợp đồng giữa nông dân đối với các doanh nghiệp vẫn xảy ra, mà sự không tin tưởng nhau giữa hai bên là vấn đề đáng lo ngại cho liên kết bền vững. Việc phá vỡ hợp đồng xảy ra với tất cả các trường hợp lúa giống, dứa, mía. Mặc dù tiềm năng sản xuất các nông sản của tỉnh còn nhiều song một số doanh nghiệp vẫn không ký hợp đồng với nông dân được mà phải sang các địa phương khác.

3.2.2. Nguyên nhân

a. Về phía người nông dân

Niềm tin của nông dân với doanh nghiệp còn thấp, sợ mất quyền lợi khi các điều kiện hoặc biến động thị trường, thời tiết ảnh hưởng tới điều kiện hợp đồng. Ngoài ra nhận thức của nông dân hạn chế, coi trọng lợi ích trước mắt, sợ bị ràng buộc khi tham gia liên kết. Trên thực tế, có một tỷ lệ các hộ hợp đồng sản xuất dứa cho công ty Đồng Giao và có tới 14% hộ ký hợp đồng sản xuất lúa giống cho Công ty Hồng Quang vẫn bán đủ sản phẩm lại cho công ty. Một trong các lý do chủ yếu là nông dân bán ra ngoài với giá cao hơn, ví dụ như trường hợp các hộ liên kết với doanh nghiệp Hương Nam (sản xuất nấm). Ngoài ra, năng lực sản xuất của hộ nông dân còn hạn chế, nhất là tuân thủ các quy trình đảm bảo chất lượng và sản lượng. Một nguyên nhân sâu xa vẫn do sản xuất qui mô nhỏ, do ruộng đất manh mún.

b. Về phía doanh nghiệp

Cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong thu mua nguyên liệu xảy ra là một trong những nguyên nhân, mặc dù đã ký hợp đồng song khi đến vụ thu hoạch thì doanh nghiệp khác vào mua với giá cao hơn so với hợp đồng ký kết, nông dân bán ngay cho doanh nghiệp đó, khiến nhiều công ty vừa không mua được sản phẩm vừa mất luôn cả số tiền đầu tư ban đầu. Thực hiện điều khoản hợp đồng bất lợi với nông dân cũng là hoạt động mà doanh nghiệp cần xem xét. Doanh nghiệp không giữ chữ tín với nông dân là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến hợp đồng sản xuất, phá vỡ mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp cho rằng, vì bà con chưa xây dựng được ý thức kỷ luật lao động và nghiêm chỉnh thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa, khiến doanh nghiệp có nguy cơ vỡ hợp đồng với đối tác.

c. Cơ chế, chính sách và quản lý nhà nước

Theo phỏng vấn các doanh nghiệp, Luật HTX hiện nay có nhiều bất cập vì tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu HTX chưa được quy định rõ trong khi ký kết các hợp đồng với doanh nghiệp. Vai trò của các HTX vẫn chưa phát huy được trong tổ chức sản xuất, ký kết hợp đồng và tổ chức thực hiện hợp đồng đã ký giữa doanh nghiệp với nông dân. Ngoài ra, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực tiêu thụ sản phẩm của Ninh Bình còn ít và chưa mạnh. Chính sách của Chính phủ được ban hành nhưng nguồn lực để thực hiện chính sách còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng chất lượng giống, phân bón chưa đảm bảo, ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng nông sản.

d. Điều kiện về cơ sở hạ tầng

Trong sản xuất dứa, nấm, lúa giống, nếu ruộng của hộ có lối đi để phương tiện vận chuyển của công ty có thể vào được đến tận ruộng vận chuyển sẽ tiết kiệm chi phí cho hộ gia đình, đồng thời chất lượng sản phẩm cũng được đảm bảo hơn. Mặc dù đã được đầu tư nâng cấp nhưng nhìn chung hệ thống thủy lợi nội đồng của địa phương mới chỉ đáp ứng được yêu cầu của sản xuất lúa chứ chưa đáp ứng được yêu cầu của cây trồng cạn. Ngoài ra, giao thông ra ruộng chỉ mới phù hợp với phương tiện vận chuyển thô sơ chứ chưa thích hợp cho vận chuyển bằng ô tô nhất là trong mùa mưa lũ.

3.3. Giải pháp tăng cường liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thủy sản của tỉnh Ninh Bình

Thứ nhất, cần tổ chức thực hiện nghiêm túc qui hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp của tỉnh đã được phê duyệt hình thành các vùng sản xuất tập trung tại các địa phương, đi kèm với đó là hạ tầng giao thông, thủy lợi.

Thứ hai, liên kết sản xuất giữa các hộ nông dân (liên kết ngang) tạo vùng sản phẩm có khối lượng lớn đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp, các thương lái đến mua sản phẩm. Xây dựng và tăng cường củng cố các hợp tác xã: Lấy hợp tác xã làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp, thương lái.

Thứ ba, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đang đóng trên địa bàn tỉnh về đất đai, tín dụng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng vùng nguyên liệu.

Thứ tư, cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước, chú trọng vai trò của chính quyền cấp xã trong việc giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong thực hiện hợp đồng. Ngoài ra, tăng cường kiểm soát chất lượng các loại vật tư đầu vào đảm bảo quyền và lợi ích cho nông dân góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thứ năm, tăng cường kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cung ứng đầu vào cho sản xuất, thu mua và chế biến nông sản.

Thứ sáu, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân. Nhiều sản phẩm của địa phương có truyền thống sản xuất nhiều năm, có chất lượng tốt nhưng chưa được xây dựng thương hiệu nên tiêu thụ khó khăn như khoai sọ Yên Quang, khoai lang ở Phú Sơn, chuối tiêu hồng ở Phú Long, cá trắm đen, cá chép ở Gia Minh.

4. Kết luận

Sản xuất của hầu hết sản phẩm nông nghiệp, thủy sản ở Ninh Bình vẫn là qui mô nhỏ, chỉ có một số sản phẩm đã có liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp/thương lái ở các mức độ khác nhau ví dụ tiêu thụ lúa, nấm ăn, mía, ớt. Một số sản phẩm cũng có quy mô lớn như tôm, cá, ngao vẫn chưa có liên kết, nông dân chủ yếu và phụ thuộc vào thương lái. Vi phạm trong thực hiện hợp đồng vẫn xảy ra. Ngoài ra là các nguyên nhân từ phía nông dân, doanh nghiệp, cơ chế chính sách và quản lý nhà nước và cơ sở hạ tầng. Để tăng cường liên kết trong tiêu thụ nông sản, các giải pháp bao gồm thực hiện các qui hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng cường liên kết giữa các hộ nông dân để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa; các chính sách ưu tiên, tạo thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào thu mua chế biến nông sản. Tăng cường vai trò của hợp tác xã trong làm trung gian liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đỗ Kim Chung (2005), Chính sách và phương thức chuyển giao kỹ thuật tiến bộ trong nông nghiệp ở miền núi và trung du phía Bắc, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội.

2. Trần Văn Hiếu (2002). Liên kết kinh tế giữa các hộ nông dân với các doanh nghiệp nhà nước (Qua khảo sát mô hình nông trường Sông Hậu, Công ty Mê Kông và Công ty Mía đường Cần Thơ). Luận án tiến sĩ kinh tế. Bộ Giáo dục và Đào tạo - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

3. Niên giám thống kê tỉnh Ninh Bình (2016).

4. Hồ Quế Hậu (2012). Liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp chế biến nông sản với nông dân ở Việt Nam. Luận án tiến sĩ. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

SOLUTIONS TO ENHANCE LINKAGES IN CONSUMPTION

OF KEY AGRICULTURAL AND FISHERY PRODUCTS

IN NINH BINH PROVINCE

● PhD. NGUYEN THI DUONG NGA

Faculty of Economics and Rural Development,

Vietnam National University of Agriculture

ABSTRACT:

Consumption of agricultural products is the decisive factor to the efficiency and development of the agriculture. Research in Ninh Binh Province shows that there are some models associated with enterprises in the production and consumption of agricultural products, but violations in these linkages still occur, causing damage to partivipated parties and reduced the sense of belief when cooperating. Causes and solutions to strengthen links in consumption of agricultural products in Ninh Binh Province has been researched and proposed in this article.

Keywords: Agricultural products, fishery products, farmer households, traders, Ninh Binh Province.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây