Giải pháp triển khai hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp ERP tại các doanh nghiệp Việt Nam

ThS. MAI HẢI AN và ThS. LÊ VIỆT HÀ (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới hiện nay, doanh nghiệp đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức với những biến chuyển mạnh mẽ của thời đại để hội nhập, hợp tác và cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Để có thể nâng cao hiệu quả quản trị kinh doanh, doanh nghiệp cần chủ động đi tắt đón đầu áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, ứng dụng hệ thống thông tin, thương mại điện tử cho các hoạt động nghiệp vụ của mình. Việc ứng dụng một hệ thống thông tin hỗ trợ hiệu quả các hoạt động giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, nâng cao năng suất lao động và tạo cơ hội mở rộng phát triển kinh doanh. Trong bài báo này, chúng tôi đề xuất một giải pháp triển khai ERP nhằm nâng cao hiệu quả quản trị kinh doanh trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới hiện nay.

Từ khóa: Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, doanh nghiệp, công nghệ thông tin.

1. Mở đầu

Hiện nay, công nghệ thông tin (CNTT) có một vai trò ngày càng to lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Với chính sách đầu tư kịp thời của nhà nước, công nghệ thông tin đã có bước phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng vào việc phát triển toàn diện nền kinh tế - xã hội nước ta, trong đó nổi bật là việc nghiên cứu, ứng dụng và triển khai hệ thống thông tin (HTTT) trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng thành công một số phần mềm tiên tiến như hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP- Enterprise Resource Planning), quản lý mối quan hệ khách hàng (CRM- Customer Relationship Management), quản lý chuỗi cung ứng (SCM - Supply Chain Management) [3]... giúp cho hoạt động quản lý được tiến hành hiệu quả hơn. Sự phát triển của các phần mềm này tác động tới từng cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan tổ chức và cả chính phủ. Việc triển khai ERP tại các doanh nghiệp Việt Nam mới bắt đầu được chú ý nhiều từ năm 2003. Theo Tạp chí PCWorld Việt Nam (2017) và [3], doanh nghiệp triển khai sớm các dự án ERP ở Việt Nam tiêu biểu như Bảo Minh, Thép Miền Nam, Vinatex. Trong năm 2016, nhiều dự án ERP quy mô lớn được đồng loạt triển khai tại Saigon Coop, Bibica, Savimex, Tổng Công ty Lương thực miền Nam, Vinamilk. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã bắt đầu đưa ra những giải pháp ERP nội địa "đóng gói", tiêu biểu như công ty AZ Software, Diginet, FPT, Khả Thi, Lạc Việt, Misa, Pythis, Fast, Effect... Các doanh nghiệp nhỏ hơn cũng bắt đầu tạo được quy trình quản lý phù hợp với đơn vị mình. Tuy nhiên, nhìn chung các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn bắt đầu triển khai các ứng dụng loại này, hầu hết các dự án đều chỉ tập trung vào các chức năng tài chính kế toán và một vài phân hệ hậu cần - kho vận như vật tư, mua hàng và rất ít khi triển khai phân hệ sản xuất [3]. Nhận thức được tầm quan trọng của HTTT trong quá trình hội nhập kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam đang có những chiến lược tích cực trong việc triển khai hệ thống này vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Qua quá trình khảo sát thực tế [6], nhóm nghiên cứu nhận thấy tình hình triển khai ERP còn hạn chế, chưa được ứng dụng trên quy mô lớn, chưa có hiệu ứng lan truyền cao và ít mang lại hiệu quả kinh doanh như mong đợi. Trong bài báo này, chúng tôi đề xuất giải pháp triển khai ERP nhằm nâng cao hiệu quả quản trị kinh doanh tại các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới hiện nay.

2. Cơ sở lý luận về hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp

2.1. Khái niệm hệ thống ERP

Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP - Enterprise Resource Planning) là hệ thống quản lý tổng thể doanh nghiệp trên máy tính tự động hóa các tác nghiệp của đội ngũ nhân viên của doanh nghiệp nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động và hiệu quả quản lý toàn diện của doanh nghiệp [3]. Thay vì việc sử dụng các cơ sở dữ liệu tách biệt của các bộ phận, phòng ban khác nhau để quản lý thông tin như nhân sự, dữ liệu khách hàng, đơn đặt hàng, tài chính-kế toán, lưu kho... mọi người trong doanh nghiệp đều dựa vào một cơ sở dữ liệu tập trung. Điều này cho phép các nhân viên ở các bộ phận khác nhau có thể cùng truy cập tới các nội dung thông tin của công ty, tổ chức mình theo một quyền truy cập thông tin được xác định trước bởi người quản trị. Theo [2], hệ thống ERP là hệ thống tin học hóa toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ trong doanh nghiệp, gồm: quản lý tài chính, quản lý chuỗi cung ứng, quản lý nguồn nhân lực, quản lý khách hàng, quản lý sản xuất kinh doanh và lập kế hoạch sản xuất như hình vẽ dưới đây.

Hình 1: Mô hình hệ thống hoạch định nguồn lực trong doanh nghiệp

Về hình thức, một giải pháp ERP là tập hợp các phân hệ quản lý toàn bộ công đoạn trong quy trình sản xuất của doanh nghiệp, gồm: tiếp thị, quản trị nguồn nhân lực, tài chính-kế toán, kế hoạch sản xuất, hoạch định nguyên vật liệu, quản trị sản xuất, điều khiển dự trữ, bán hàng...

2.2. Vai trò hệ thống ERP trong các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam

Theo [3] doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi ích khi ứng dụng ERP. Với hệ thống quản trị hiện đại này, năng suất lao động sẽ tăng do dữ liệu đầu vào chỉ phải nhập một lần cho mọi giao dịch có liên quan; các báo cáo được thực hiện với tốc độ nhanh hơn, chính xác hơn. Hệ thống giúp doanh nghiệp khả năng kiểm soát tốt hơn các hạn mức về tồn kho, công nợ, chi phí, doanh thu, lợi nhuận, cũng như khả năng tối ưu hóa các nguồn lực như nguyên vật liệu, nhân công, máy móc thi công, thông tin được tập trung đầy đủ, kịp thời và có khả năng chia sẻ cho mọi đối tượng cần sử dụng, như khách hàng, đối tác, cổ đông. Việc triển khai ERP sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin cho rằng, ứng dụng ERP là xu thế tất yếu, giúp doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn các tiêu chuẩn quốc tế. Theo [1,3,5] ERP có vai trò:

- Tích hợp thông tin tài chính: Các bộ phận kinh doanh khác nhau có thể có các phương thức hoạt động khác nhau. ERP sẽ tạo ra một hệ thống chung duy nhất giữa các bộ phận kinh doanh trong toàn doanh nghiệp.

- Tích hợp thông tin về đơn đặt hàng: Với ERP, doanh nghiệp có thể kiểm soát các đơn đặt hàng dễ dàng hơn khi các đơn đặt hàng rải rác ở các hệ thống khác nhau mà không được kết nối.

- Chuẩn hóa và cải tiến quá trình sản xuất: ERP sẽ chuẩn hóa các quy trình và phương thức hoạt động để tự động hóa một số bước trong quá trình sản xuất nhằm tiết kiệm được thời gian và nâng cao năng suất cho doanh nghiệp.

- Giảm bớt hóa đơn: ERP giảm bớt hóa đơn thông qua việc giúp người sử dụng lập kế hoạch phân phát sản phẩm tới khách hàng tốt hơn, giảm khâu đánh giá sản phẩm cuối cùng ở kho và nơi nhận hàng.

- Giảm hàng hóa tồn kho: ERP giúp tiến trình sản xuất diễn ra trôi chảy và phát huy tầm nhìn của quá trình thực hiện đơn hàng trong công ty. Điều đó có thể dẫn tới việc giảm lượng nguyên vật liệu tồn kho (bán thành phẩm tồn kho) và giúp người sử dụng hoạch định tốt hơn kế hoạch giao hàng cho khách, giảm thành phẩm tồn kho tại kho và bến tàu.

- Chuẩn hóa thông tin nhân sự: Đối với các doanh nghiệp vừa và lớn có nhiều đơn vị kinh doanh, ERP có thể cung cấp một phương thức đơn giản, thống nhất để thực hiện hoạt động quản lý nhân sự sao cho hiệu quả và tiết kiệm.

- Hệ thống ERP có thể xử lý và hợp lý hóa các thông tin tài chính về hoạt động doanh nghiệp - để giúp doanh nghiệp xây dựng các kế hoạch kinh doanh tốt, kêu gọi tài trợ, duy trì nguồn tiền mặt và vốn chảy để doanh nghiệp có thể tiếp tục đầu tư. Và với những công ty có kế hoạch mở rộng quy mô, họ hoàn toàn có thể sử dụng phần mềm này để hợp nhất và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. ERP cũng như những ứng dụng doanh nghiệp khác đều rất quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp hòa nhập vào môi trường kinh doanh toàn cầu.

2.3. Tổng quan tình hình nghiên cứu

Theo khảo sát từ Panorama Consulting [3] cho thấy sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, có trên 60% doanh nghiệp trả lời rằng họ tiếp tục đầu tư và phát triển hệ thống mới ERP, khoảng 8% là nâng cấp các hệ thống hiện tại của mình trong năm tới và khoảng 23% có kế hoạch thực hiện việc cải tiến hệ thống hiện tại.

Trào lưu triển khai ERP tại các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu vào năm 2007, khi Việt Nam đã chính thức gia nhập WTO. Tuy nhiên, ERP là một hệ thống phức tạp, có nhiều quy trình trừu tượng không dễ dàng trong việc quyết định triển khai. Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang có nhu cầu về dịch vụ tư vấn nhiều hơn so với việc triển khai ngay hệ thống ERP. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) [1], hiện nay chỉ có 1,1% doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng giải pháp ERP.

Tại Việt Nam, vài năm gần đây, doanh nghiệp trong nước đã triển khai ứng dụng ERP, tuy nhiên số lượng chưa nhiều và số đơn vị áp dụng thành công là rất ít. Các doanh nghiệp liên doanh hoặc 100% vốn đầu tư nước ngoài với doanh số từ vài trăm tỉ đồng trở lên là những đơn vị đầu tiên ứng dụng ERP[6]. Với ngân sách hàng năm dành cho phát triển hệ thống không nhỏ, các chuyên gia công nghệ thông tin tại những doanh nghiệp này luôn nắm rõ đặc điểm nghiệp vụ tại công ty mình. Khi triển khai một phân hệ mới, họ có điều kiện mời chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm lâu năm về chuyên môn, biết cách ứng dụng những thông lệ tốt nhất được sử dụng trên thế giới vào giải pháp chuyên ngành tại doanh nghiệp. Hầu hết các công ty này đều sử dụng các giải pháp hàng đầu thế giới như SAP và Oracle. Đây là hai giải pháp có thị phần lớn nhất thế giới và đã được triển khai hiệu quả tại nhiều quốc gia.

2.4. Phương pháp nghiên cứu

Tác giả thực hiện kết hợp cả nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng, đồng thời phân tích số liệu thứ cấp từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và website của các doanh nghiệp về thực trạng triển khai hệ thống ERP.

Tất cả thông tin thu thập được trong quá trình khảo sát được nhóm nghiên cứu chọn lọc, thống kê, tổng hợp để phân tích thực trạng, ưu nhược điểm và nguyên nhân mà hoạt động triển khai hệ thống ERP chưa thực sự hiệu quả. Trên cơ sở đó, bằng phương pháp suy luận logic, nhóm nghiên cứu đề xuất giải pháp triển khai ERP phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp Việt Nam.

3. Phân tích thực trang triển khai ERP tại các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam

3.1. Kết quả phân tích

Qua kết quả phân tích trên, có thể thấy doanh nghiệp đã nhận thức rõ những ưu điểm, hạn chế và thách thức khi triển khai hệ thống. Mặc dù hầu hết doanh nghiệp đều trang bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tốt, tuy nhiên các ứng dụng hệ thống ERP rất khiêm tốn.

- Đối với những doanh nghiệp mới thành lập hoặc có quy mô nhỏ, không có đơn vị hoạch toán phụ thuộc, không có chi nhánh hoặc ít lĩnh vực hoạt động và chỉ quan tâm tới việc hỗ trợ một số thao tác tính toán nghiệp vụ đơn giản, chi phí đầu tư cho ứng dụng tin học không lớn (thường nhỏ hơn 200 triệu đồng/năm) thì họ có xu hướng lựa chọn triển khai một số phần mềm đơn giản như phần mềm kế toán, quản lý nhân sự... Những phần mềm này hỗ trợ quản lý, tạo báo cáo thống kê một số chỉ tiêu kinh tế theo từng mặt cụ thể.

- Đối với doanh nghiệp có quy mô hoạt động lớn, nhiều chi nhánh con hoặc lĩnh vực hoạt động đa dạng và quan trọng hơn là có kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ, có chiến lược tin học hóa toàn bộ hoạt động nghiệp vụ kế toán thì họ có xu hướng triển khai hệ thống ERP. Theo kế quả thống kê, những doanh nghiệp này thường quan tâm tới yếu tố đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (86,85%), quy trình chuẩn hóa dữ liệu (45,21%) mà ít quan tâm tới việc đổi mới công nghệ (55,26%) và đào tạo người sử dụng (42,57%).

3.2. Những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai ERP

Theo [5], 80% khối lượng công việc trong quá trình triển khai ERP là tư vấn, chỉ có 20% khối lượng là lập trình. Hầu hết các dự án ERP không thành công là do việc tư vấn chưa tốt. Đặc biệt ở Việt Nam, ERP vẫn đang là khái niệm mới, chưa có những chuyên gia tư vấn giỏi, có kinh nghiệm triển khai. Đó chính là lý do một loạt các doanh nghiệp đã thất bại trong việc ứng dụng triển khai ERP trong các hoạt động nghiệp vụ của mình.

Hơn nữa, một phần mềm ERP tốt cũng chỉ quyết định chưa đến 50% sự thành công của dự án triển khai ERP cho doanh nghiệp. Yếu tố chủ quan của từng doanh nghiệp (như nhận thức và quyết tâm của ban lãnh đạo doanh nghiệp, hệ thống quản lý, trình độ đội ngũ nhân viên...) quyết định tới trên 50% sự thành bại của dự án. ERP là hệ thống phần mềm có phạm vi quản lý rộng trên toàn doanh nghiệp, do đó thời gian triển khai dự án có thể kéo rất dài (thường là từ 6 tháng đến vài năm). Tất cả những yếu tố trên đây đẩy chi phí ERP lên rất cao để có thể hoàn thành việc triển khai dự án cho doanh nghiệp. Do đó giá cả của các hệ thống ERP cao hơn nhiều so với việc trang bị nhiều phần mềm đơn lẻ cộng lại.

Ngoài ra, trình độ quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam chưa cao, quy trình sản xuất chưa được chuẩn hóa dẫn tới giải pháp ERP phải “gò ép” hệ thống theo phương pháp đã có của doanh nghiệp và không mang lại hiệu quả mong muốn. Có nhiều doanh nghiệp đã triển khai nhưng không vận dụng hết năng lực của hệ thống, đa phần chỉ dừng lại ở mức độ kiểm soát, chưa triển khai được tính năng kế hoạch hóa - là điểm nổi bật của ERP.

Khó khăn đến từ lực lượng triển khai quá mỏng, đội ngũ tư vấn thiếu kiến thức quản trị, thời gian khảo sát doanh nghiệp quá ngắn, chỉ chú trọng đầu tư thiết bị, đi thẳng vào cài đặt chương trình mà không xây dựng kế hoạch tổng thể [3]. Bên cạnh đó còn là sự cả nể, chiều theo ý doanh nghiệp của chuyên gia tư vấn trong quá trình phân tích... Ngoài ra, quy trình mới khi triển khai ERP lại gặp sự phản đối từ các đơn vị cơ sở vì họ buộc phải thay đổi hàng loạt quy trình đã làm lâu nay, số liệu theo ERP lại không khớp với số liệu của cách làm cũ.

Giá cả của các hệ thống ERP cao hơn nhiều so với việc trang bị nhiều phần mềm đơn lẻ cộng lại do tính tích hợp trên phần mềm. Thêm nữa, một phần mềm ERP tốt cũng chỉ quyết định chưa đến 50% sự thành công của dự án triển khai ERP cho doanh nghiệp. Yếu tố chủ quan của từng doanh nghiệp (như nhận thức và quyết tâm của ban lãnh đạo doanh nghiệp, hệ thống quản lý, trình độ đội ngũ nhân viên...) quyết định tới trên 50% sự thành bại của dự án. ERP là hệ thống phần mềm có phạm vi quản lý rộng trên toàn doanh nghiệp, do đó thời gian triển khai dự án có thể kéo rất dài (thường là từ 6 tháng đến vài năm). Tất cả những yếu tố trên đây đẩy chi phí lên rất cao khi hoàn thành việc triển khai dự án cho doanh nghiệp.

4. Giải pháp triển khai hệ thống ERP

Đối với doanh nghiệp Việt Nam lần đầu tiên triển khai một hệ thống ứng dụng CNTT cao cấp ERP, họ cần xây dựng một hệ thống hoạt động hiệu quả dựa trên nền tảng đang có. Để thực hiện được điều này, doanh nghiệp không tránh khỏi việc tái cơ cấu, hướng tới mô hình doanh nghiệp quản lý theo qui trình. Tái cơ cấu giờ đây không còn là một thách thức mạo hiểm, nếu doanh nghiệp biết thiết kế một kiến trúc qui trình tốt trước khi triển khai. Trách nhiệm thiết kế thường được giao cho một tổng công trình sư thực sự hiểu biết, là người nắm vững nhất hiệu quả của từng qui trình, hoạch định được qui mô của doanh nghiệp sau cải tổ.

Khi quyết định lựa chọn một trong những giải pháp ERP của các nhà cung cấp hàng đầu (Oracle, SAP hay Microsoft) cho doanh nghiệp của mình - các giải pháp này đều được xây dựng trên những mô hình kinh doanh hiệu quả trên thế giới, doanh nghiệp sẽ bị áp đặt những tiêu chuẩn mới nhất về quản lý tài chính, phân phối, sản xuất... Theo các chuyên gia CNTT, muốn ứng dụng ERP cần nhiều điều kiện, như nhận thức và quyết tâm cao của ban lãnh đạo doanh nghiệp, xác định đúng mục tiêu, phạm vi và các bước triển khai, lựa chọn giải pháp phù hợp... Dựa trên kinh nghiệm từ việc triển khai ERP ở Việt Nam trong những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy để áp dụng thành công ERP doanh nghiệp cần phải:

a. Khảo sát hiện trạng và xu hướng tương lai

Hầu hết doanh nghiệp lấy ngay quy trình ISO làm kết quả cho giai đoạn khảo sát hệ thống. Việc khảo sát này thực tế chỉ thu được 60% các nhu cầu cần giải quyết mà thôi. Do đó, ban giám đốc doanh nghiệp cần quyết định đưa ra các yêu cầu khác biệt so với các yêu cầu từ hiện trạng của các phòng ban chức năng. Cách thức khảo sát tốt nhất nên bắt đầu từ chiến lược phát triển doanh nghiệp cùng các yêu cầu vĩ mô. Sau đó cần khảo sát hệ thống phần cứng và hạ tầng CNTT có đáp ứng được khi triển khai ERP hay không. Ngoài ra cũng cần khảo sát theo yêu cầu phát triển của doanh nghiệp để đánh giá được chính xác hơn. Kết quả của giai đoạn khảo sát là đưa ra được báo cáo hiện trạng doanh nghiệp, trong đó sẽ bao gồm phần kỹ thuật và phần nghiệp vụ chức năng. Đây sẽ là tiền đề để doanh nghiệp đưa ra các yêu cầu cho giải pháp ERP.

b. Xây dựng tiêu chí nghiệp vụ, kỹ thuật, kinh phí rõ ràng

Đây là phần quan trọng doanh nghiệp sẽ xác định được rất sát thực xem hệ thống ERP có thể giải quyết được các bài toán mà mình đặt ra hay không. Đi kèm với khả năng giải quyết bài toán là các câu hỏi cho đơn vị tư vấn triển khai xem việc triển khai sẽ được thực hiện ra sao. Thời gian, số lượng người thực hiện, các yêu cầu của đơn vị triển khai với doanh nghiệp.

Phần hạ tầng CNTT thường được yêu cầu cụ thể và rõ ràng, trong đó bao gồm hiệu năng hệ thống cho hiện tại và tương lai, giải pháp, số lượng thiết bị, chủng loại, xuất xứ, các chi phí kèm theo như bản quyền phần mềm, bảo mật, cơ sở dữ liệu khác… Điều quan trọng nhất của phương án tài chính là lịch trình thanh toán hợp lý. Nó sẽ giải quyết được bài toán dòng tiền của doanh nghiệp trong việc quản lý chi tiêu cho việc mua hệ thống ERP.

c. Qui trình hóa rõ ràng các giai đoạn thực hiện

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự thành bại của quá trình tin học hóa nói chung và vấn đề triển khai, ứng dụng ERP nói riêng cho một doanh nghiệp đó là tính hợp lý của các bước thực hiện. Qui trình hóa một cách rõ ràng các giai đoạn thực hiện là một yêu cầu hết sức cần thiết để có thể đạt được những kết quả như mong muốn. Tùy theo từng nhà tư vấn giải pháp, tùy theo hiện trạng của từng doanh nghiệp mà các bước đi có thể mang những đặc trưng riêng và cách thức thực hiện tương đối khác nhau.

d. Tìm nhà tư vấn giải pháp

Tiếp cận các phần mềm mà nhà tư vấn giới thiệu hoặc tự mình tìm hiểu được.

Đánh giá, so sánh và lựa chọn phần mềm: Đây là những công việc hết sức quan trọng, liên quan đến rất nhiều yêu cầu: chi phí, chất lượng, khả năng thích ứng. Thương lượng với các nhà cung cấp giải pháp. Quyết định sẽ sử dụng phần mềm nào thích hợp với doanh nghiệp mình nhất.

e. Triển khai, thử nghiệm

Việc triển khai ERP cần: (1) sự quan tâm từ trên xuống dưới, đòi hỏi sự phối hợp trên toàn doanh nghiệp và sự hợp tác giữa nhiều người ở các cương vị khác nhau trong doanh nghiệp; (2) chỉ định quản trị dự án phù hợp vì dự án ERP là một dự án đổi mới toàn diện doanh nghiệp nên việc điều hành triển khai các thay đổi đòi hỏi những kỹ năng không hoàn toàn giống với những kỹ năng điều hành hoạt động; (3) trang bị kiến thức cho nhóm triển khai ERP của doanh nghiệp: hiểu rõ hoàn toàn kế hoạch và chiến lược kinh doanh của công ty, các thành viên của nhóm phải có đầy đủ các kiến thức trong lĩnh vực chịu trách nhiệm của mình và hơn thế nữa họ cần có sự hiểu biết xuyên suốt các phòng, ban. Chia sẻ kiến thức của nhiều chức năng khác nhau là một bắt buộc trước khi chọn phần mềm ERP, vì tất cả các giải pháp ERP được tích hợp chặt chẽ với nhau, một thay đổi nhỏ ở phân hệ này có thể làm tổn hại đến các chức năng của phân hệ khác.

5. Kết luận

Ứng dụng ERP là xu thế tất yếu, là công cụ quan trọng để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời nó cũng giúp doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với các tiêu chuẩn quốc tế. Một doanh nghiệp nếu ứng dụng ngay từ khi quy mô còn nhỏ sẽ có thuận lợi là dễ triển khai.Tuy nhiên, ứng dụng ERP không phải dễ, cần hội tụ nhiều điều kiện để có thể ứng dụng thành công như: nhận thức và quyết tâm cao của ban lãnh đạo doanh nghiệp; cần xác định đúng đắn mục tiêu, phạm vi và các bước triển khai; lựa chọn giải pháp phù hợp. Doanh nghiệp không nên chuẩn bị một cách bị động, hạn hẹp theo ngân sách định sẵn hay dựa quá nhiều vào các đơn vị tư vấn. Với việc chuẩn bị thật kỹ lưỡng quá trình xem xét giải pháp ban đầu, doanh nghiệp đã có tiền đề để ứng dụng ERP thành công.

Triển khai ERP là một cuộc hành trình gian nan, phức tạp với tầm tác động ảnh hưởng ở mức toàn doanh nghiệp. Ứng dụng ERP không chỉ là vấn đề tiêu tốn một khoản chi phí lớn, nó còn tốn thời gian triển khai, đặc biệt là nguồn lực công nghệ thông tin và văn hóa doanh nghiệp sẽ thay đổi hoàn toàn. Cách duy nhất cho một dự án thành công là sự chuẩn bị chi tiết, sẵn sàng thay đổi và chấp nhận thay đổi. Triển khai ERP không phải là một quy trình tiến hóa thụ động, nó là một cuộc cách mạng về quản lý doanh nghiệp ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Các báo cáo tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam http://www.vcci.com.vn/

2. Daniel Leary, Enterprise Resource Palanning Systems, ISBN 0 521 79152 9, 2014.

3. Hệ thống ERP trong các doanh nghiệp http://panorama-consulting.com/weeklypoll.html

4. Marc Schniederjans, Gyu Kim, Implementing enterprise resource planning systems with total quality control and business process reengineering, 418 - 429, ISSN: 0144-3577, 2013.

5. Todor Stoilov, Krasimira Stoilova, Functional Analysis of Enterprise Resource Planning Systems, CompSysTech’08, 2016.

6. Phạm Gia Túc, Giải pháp phát triển của doanh nghiệp sau khủng hoảng, Hội thảo Hướng tới các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Hà Nội, 2009.

SOLUTIONS TO DEPLOY ERP RESOURCE PLANNING

SYSTEM IN VIETNAMESE ENTERPRISES

● MA. MAI HAI AN

● MA. LE VIET HA

Thuongmai University

ABSTRACT:

In the context of economic integration in the world today, businesses are facing many opportunities and challenges with a strong shift of the times to integrate, cooperate and compete in the global economy. To improve the efficiency of business management, businesses need to actively leapfrog the application of advanced technology solutions, application of information systems and e-commerce for their activities. The application of information systems to support efficient operations of the company will help companies save costs, improve productivity and expand opportunities for business development. In this paper we propose a comprehensive management solution ERP to improve efficiency of business administration in the context of economic integration in the world today.

Keywords: Enterprise resource planning, business management, enterprise, information technology.