Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương: Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt nguồn nguyên liệu, công nghệ từ Vương quốc Anh
Với Hiệp định UKVFTA, khi theo dõi các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh, có thể nói đa số các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh tăng trưởng rất tốt, có những mặt hàng tăng trưởng đến gần 100%. Ví dụ như cà phê, hạt tiêu, cao su, rau quả, may mặc, giày dép,… là những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam đều tăng trưởng rất tốt, cho thấy các doanh nghiệp cũng đã hướng đến Vương quốc Anh như một kênh để đa dạng thị trường xuất khẩu.
Còn một điểm thú vị nữa khi nhìn vào kim ngạch nhập khẩu từ Vương quốc Anh thì có thể thấy đây là một trong những thị trường được các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng về nguồn nguyên liệu khá tốt.
Đơn cử, kim ngạch nhập khẩu vải từ Vương quốc Anh tăng cho thấy có một số doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng vải nhập từ Vương quốc Anh về để đáp ứng quy tắc xuất xứ cho sản phẩm may mặc cuối cùng, qua đó nâng cao được giá trị sản phẩm.
Ngoài ra, trong khi nhập khẩu các nguyên phụ liệu cho da giày, dệt may, nguyên phụ liệu, dược phẩm, thức ăn gia súc,… tăng, tức là phần lớn các mặt hàng nhập khẩu sử dụng làm đầu vào tăng, thì kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt các mặt hàng xa xỉ, từ Vương quốc Anh giảm. Ví dụ ô tô giảm, điện thoại, linh kiện điện tử, máy tính giảm...
Như vậy, Vương quốc Anh đang trở thành một nguồn cung cấp nguyên vật liệu giá trị cao, công nghệ tốt cho chúng ta thông qua tận dụng UKVFTA. Đây là một điểm tôi thấy rằng cần nên phát huy trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Đừng quá lo lắng việc quy tắc xuất xứ
Nói đến tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trong CPTPP, chúng ta nghĩ ngay đến câu chuyện quy tắc xuất xứ của Hiệp định này và dường như đây đang là một trong những rào cản lớn nhất khiến doanh nghiệp của chúng ta chưa thể tận dụng ưu đãi thuế quan.
Tuy nhiên, theo dõi một cách sâu hơn thì không hẳn như vậy. Trước CPTPP, Việt Nam đã có FTA với 7/10 thị trường trong Hiệp định, mặc dù nhìn tổng thể tỷ lệ hàng hóa trong biểu thuế được cắt giảm và loại bỏ thuế quan thấp hơn hẳn CPTPP nhưng lại đã có hiệu lực từ 10 năm trước. Trong khi đó, lộ trình thực thi CPTPP mới chỉ ở giai đoạn đầu, rõ ràng là ưu đãi thuế quan chưa thể so sánh được với ưu đãi thuế quan mà các hiệp định khác đang có.
Mặt khác, quy tắc xuất xứ trong CPTPP chặt chẽ hơn so với một số Hiệp định chúng ta đã có, nhưng nó lại cho doanh nghiệp nhiều lựa chọn hơn. Đơn cử như hàm lượng giá trị khu vực (RVC) trong hầu hết các hiệp định khác chỉ có một quy tắc tính thôi, còn CPTPP chặt chẽ hơn nhưng có đến 3 - 4 cách tính và doanh nghiệp có thể lựa chọn cách tính nào phù hợp nhất với mình.
CPTPP cũng cho phép doanh nghiệp tính RVC theo cách cộng gộp toàn phần, nghĩa là trong từng công đoạn sản xuất, nguyên phụ liệu chúng ta sử dụng có thể không đáp ứng được quy tắc xuất xứ, nhưng nếu có phần trăm giá trị gia tăng trong khu vực nào đó thì sẽ được cộng gộp vào con số RVC cuối cùng của sản phẩm. Như vậy, rõ ràng về mặt quy tắc xuất xứ, CPTPP chặt chẽ hơn nhưng nhiều lựa chọn hơn, linh hoạt hơn và doanh nghiệp vì thế có nhiều cơ hội hơn trong việc đáp ứng.
Chỉ còn vài tháng nữa là sẽ hết năm thứ tư Việt Nam thực thi CPTPP, chúng ta đang tiến dần đến năm thứ năm và tốc độ cắt giảm thuế quan cũng rất nhanh, khi chạm tới các mốc quan trọng trong lộ trình cắt giảm thì mức ưu đãi thuế quan trong CPTPP sẽ hấp dẫn hơn nhiều những FTA mà chúng ta đã có với các đối tác trong CPTPP. Vậy nên, rất mong các doanh nghiệp đừng quá lo ngại về quy tắc xuất xứ của CPTPP, chúng ta có thể tận dụng ưu đãi thuế quan trong CPTPP nếu chúng ta có nhận diện tốt và sự chuẩn bị sẵn sàng.
Bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam: Hiểu văn hóa tiêu dùng để chinh phục thị trường
Để tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu, bên cạnh việc tìm hiểu về FTA, doanh nghiệp cần hiểu về văn hóa, hành vi, cách mà người tiêu dùng tại các thị trường đối tác mua hàng.
Cụ thể như với thị trường Đức, đúng là người tiêu dùng Đức rất kỹ tính, nhưng họ lại rất trung thành với các sản phẩm có thương hiệu và họ có nhu cầu rất cao trong việc tìm hiểu về sản phẩm được sản xuất ở đâu, có thực sự an toàn, có thân thiện với môi trường, có yếu tố về bảo vệ người lao động trong quá trình sản xuất không, thậm chí là những yếu tố đó được thể hiện trên bao bì, đóng gói thế nào,… Đó là những vấn đề doanh nghiệp cần lưu tâm để có thể chinh phục được người tiêu dùng Đức nói riêng và châu Âu nói chung.
Doanh nghiệp cần hiểu những điều này và phải có chiến lược phát triển thị trường, chiến lược bài bản về marketing, về truyền thông, để ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng thì có đầy đủ hành trang về thông tin để đưa sản phẩm sang những thị trường lớn. Một ví dụ nhỏ với mặt hàng gạo, tại nhiều siêu thị ở châu Âu và Đức chúng ta thấy những gói gạo của Việt Nam có trọng lượng tới 10kg, 20kg, thậm chí là 50kg. Với người Đức hay người châu Âu, gạo không phải thực phẩm hàng ngày hay ăn thường xuyên. Vì vậy, nếu muốn họ thử sản phẩm gạo của Việt Nam, thì chúng ta chỉ nên đóng những gói nhỏ thôi, 2-5kg, để bản thân người tiêu dùng cảm thấy dễ dàng hơn trong việc đưa ra quyết định mua sản phẩm.
Ngoài ra, trong hai năm gần đây, sau đại dịch thì nhu cầu của của các kênh mua hàng của người Đức đã có sự thay đổi. Nếu như trước đây người Đức chủ yếu đến với các siêu thị lớn thì bây giờ họ sử dụng rất nhiều thương mại điện tử, họ mua rất nhiều hàng online trên Amazon, Ebay,… Doanh nghiệp chúng ta cũng nên tìm hiểu cách tiếp cận những kênh phân phối này, sẽ là một cánh cửa mới để thâm nhập vào thị trường Đức.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam: Liên kết tham gia chuỗi - Không chỉ là bán chung mà còn cả mua chung
Trải qua 3 năm đại dịch, nhưng ngành điện tử vẫn duy trì được kim ngạch xuất khẩu, trong đó xuất siêu sang các thị trường có FTA với Việt Nam, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Chile, Peru,… Điều này có nỗ lực cực kỳ lớn của các doanh nghiệp.
Một trong những kinh nghiệm của các doanh nghiệp điện tử nội địa (đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ) là rất là sẵn sàng chia sẻ với nhau, kể cả về những kinh nghiệm sản xuất và thậm chí là các đơn hàng lớn để cùng tham gia cung ứng. Chúng tôi không chỉ bán chung, mà còn mua chung. Tức là có những đơn hàng nguyên vật liệu nếu mua số lượng ít thì giá cao, nên chúng tôi đã đưa ra các doanh nghiệp có nhu cầu cùng đăng ký mua chung để được giảm giá.
Cần thẳng thắn nhìn nhận, ngành điện tử trong nước hầu hết là gia công và OEM, còn những thương hiệu xuất khẩu trực tiếp hầu như không có, tuy nhiên, giá trị xuất khẩu vẫn khởi sắc và điều này không có gì đang xấu hổ. Bởi ngành điện tử Việt Nam phát triển từ con số 0, trong khi các nước khác đã đi bước tiến rất dài trước khi chúng ta hội nhập. Vì thế, khi thực thi các FTA, chúng ta phải tham gia dưới góc độ OEM để từng bước có thể điều chỉnh năng lực sản xuất, năng lực quản trị và đầu tư thiết bị, đi cùng theo chuỗi và hưởng lợi khá nhiều từ quy trình công nghệ, kỹ năng quản trị, tiếp cận thị trường một cách bài bản và chuyên nghiệp theo chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu.
Con số gia tăng về tỷ lệ nội địa trong xuất khẩu điện tử cũng ngày càng lớn hơn, ngày càng nhiều doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng, đơn cử như khi mới vào Việt Nam, Samsung chỉ có 1-2 nhà cung ứng nội địa, nhưng đến nay đã có trên 200 nhà cung ứng là doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có 51 doanh nghiệp cung ứng cấp 1 trực tiếp cho Samsung.
Hiện nay, chúng ta chỉ có thể nhìn tỷ lệ tận dụng FTA trên số liệu xuất khẩu sản phẩm cuối cùng, có lẽ sẽ cần có thêm một thống kê đầy đủ để cho thấy được giá trị gia tăng mà các doanh nghiệp nội địa làm ra trong sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường FTA thời gian tới.
Ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro): Chúng ta không thể đi bằng một phương tiện thô sơ trên đường cao tốc
Nói đến đi xúc tiến thương mại tại Tây Ban Nha, người ta chủ yếu đến các điểm như Madrid hay Barcelona. Nhưng khi tôi sang đến đó, anh Nguyễn Đức Thương - khi ấy là Tham tán Thương mại Việt Nam tại Tây Ban Nha - có trao đổi với tôi nên tổ chức một buổi giao thương tại Sevilla - một tỉnh phía nam Tây Ban Nha, cách Madrid tới 400km - và mời các doanh nghiệp cùng tham gia. Đại sứ Việt Nam tại Tây Ban Nha Ngô Tiến Dũng cũng ngay lập tức đồng ý tham gia. Chúng tôi đi tàu cao tốc xuống đó từ sáng sớm, anh Dũng chỉ có thời gian phát biểu, trả lời truyền hình trong 5 phút rồi lại tự bắt tàu cao tốc đi về.
Nội dung của anh Dũng phát biểu rất giống những phát biểu bình thường, giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam và giới thiệu về doanh nghiệp đang giao thương, nhưng sự bình thường ấy lại mang đến hiệu ứng rất tốt.
Sau này, khi khách hàng ký hợp đồng với chúng tôi, họ nói rằng một doanh nghiệp dám sang đến khu vực đó để xúc tiến thì cũng là doanh nghiệp có uy tín như thế nào mới được Thương vụ hỗ trợ tổ chức hội nghị giao thương. Thứ hai là Đại sứ đã đứng ra giới thiệu thì chắc chắn là có bảo chứng, nên họ chấp nhận mua những lô hàng đầu tiên để thử xem uy tín của doanh nghiệp thế nào.
Rõ ràng, vai trò của người đại diện thương mại và đại diện ngoại giao ở nước ngoài rất quan trọng và đó là sự hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp chúng tôi để có thể thâm nhập được thị trường.
Nhà nước, các cơ quan chức năng, Chính phủ đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp rất tốt khi xây dựng con đường cao tốc FTA đến với các thị trường, nhưng ở khía cạnh khác doanh nghiệp chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề chúng ta không thể đi bằng một phương tiện thô sơ trên đường cao tốc được, mà chúng ta cũng phải có phương tiện mà được chấp nhận, ít nhất là cũng phải có một xe ô tô đảm bảo tốc độ đi trên đường cao tốc.
Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp phải chịu đầu đầu tư thì mới có thể xâm nhập được thị trường, làm thương hiệu mà không sang đến tận nơi là không thể làm được và cũng không thể chỉ dựa vào đại sứ và thương vụ được.
Ông Nguyễn Hồng Hiệp - Giám đốc Khối Nội chính - Truyền thông - Đối ngoại, Tập đoàn PAN: Lợi thế cạnh tranh khi vào thị trường khó tính
Việc Việt Nam có những hiệp định thương mại tự do như CPTPP, hay EVFTA đã giúp những doanh nghiệp như chúng tôi có được cơ hội để đi sâu hơn vào các thị trường như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, Canada hay Australia.
Khi thâm nhập các thị trường khó tính như vậy thì phải đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng an toàn vệ thực phẩm, ngoài ra là yêu cầu rất cao liên quan đến các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội cộng đồng. Tất cả những điều đó đều được Tập đoàn Pan thực hiện rất nghiêm túc ngay từ năm 2012.
Rõ ràng ra thế giới, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh lớn. Như mặt hàng tôm xuất sang Hoa kỳ, chúng tôi đang phải cạnh tranh rất vất vả với các nước ở gần khu vực Bắc Mỹ. Chẳng hạn như Ecuador hiện nay là đối thủ chính của Việt Nam chúng ta về mảng tôm. Và với thị trường Mỹ rõ ràng họ có lợi thế cạnh tranh rất nhiều về khoảng cách địa lý. Vậy nên, trong giai đoạn dịch bệnh, khi logistics là một rào cản lớn, thì chúng tôi chuyển hướng sang Nhật Bản - một thị trường có tiềm năng lớn hơn vì cùng nằm trong Hiệp định CPTPP với Việt Nam, cộng thêm vị trí địa lý cũng khá gần, giúp cho chúng tôi có được nhiều lợi thế hơn với các đối thủ khác.
Hay đối với mảng hạt, trước năm 2015 chúng tôi chủ yếu xuất thô, nhưng từ năm 2018 đến nay chúng tôi đã thành công trong việc chuyển đổi đơn vị thành viên của Tập đoàn là Lafooco sang xuất hàng có giá trị gia tăng và đặc biệt là có thương hiệu của riêng. Hiện nay Lafooco đang là một trong những mặt hàng hạt thuộc top bán chạy nhất trên nền tảng Amazon ở Bắc Mỹ, bao gồm cả Mỹ và Canada. Trong năm 2022, Lafooco cũng đã tiếp cận sâu hơn thị trường Nhật Bản thông qua việc hợp tác với AEON để đưa sản phẩm của Lafooco vào hệ thống tại Nhật Bản. Đó có thể coi là một trong những thành quả chúng tôi đã đạt được bước đầu để thâm nhập vào các thị trường thuộc CPTPP.