Goldman Sachs: Giá dầu thô sẽ đạt 90 USD/thùng vào cuối năm nay, thậm chí 110 USD/thùng trong quý 1/2022

Tập đoàn ngân hàng Goldman Sachs (Hoa Kỳ) vừa cho biết giá dầu thô Brent có thể đạt mức 90 USD/thùng vào cuối năm nay trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu tăng mạnh. Giá dầu thô được nhận định có thể tăng tới 110 USD/thùng để thị trường đạt điểm cân bằng.

Theo đó, tập đoàn Goldman Sachs dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu sẽ sớm phục hồi về mức 100 triệu thùng/ngày tương đương mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Trong đó, nhu cầu sử dụng dầu thô tại khu vực Châu Á sẽ phục hồi đáng kể khi nhiều nền kinh tế tại đây tái mở cửa trở lại. Điều này sẽ là yếu tố cơ bản đẩy giá dầu thô Brent lên mức 90 USD/thùng vào cuối năm nay. 

Bên cạnh đó, Goldman Sachs cũng nhấn mạnh xu hướng các nhà máy sản xuất điện chuyển dịch từ sử dụng khí tự nhiên sang sử dụng dầu nhiên liệu khi giá khí tự nhiên đạt mức cao kỷ lục có thể khiến nhu cầu sử dụng dầu thô tăng thêm ít nhất 1 triệu thùng/ngày trong thời gian tới.

Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 27/9 - 25/10/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Tình trạng nguồn cung dầu thô toàn cầu ở mức yếu trong khi nhu cầu sử dụng dầu thô phục hồi mạnh đã đẩy giá dầu thô thế giới lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong phiên giao dịch tối ngày 25/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 12/2021 đã có lúc bật tăng mạnh tới 1,3% lên 86,63 USD/thùng – mức cao nhất kể từ hồi tháng 10/2018; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 1,7% lên 85,22 USD/thùng – mức cao nhất kể từ hồi tháng 10/2014.

Tính chung cả tuần trước, giá dầu thô Brent tăng 1%, xác lập tuần tăng giá thứ 7 liên tiếp và giá dầu thô WTI tăng 1,7%, ghi nhận tuần tăng giá thứ 9 liên tiếp.

Goldman Sachs cho biết “Giá dầu thô sẽ cần phải tăng tới mức 110 USD/thùng để thị trường đạt trạng thái cân bằng trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ còn kéo dài cho đến quý 1/2022 nếu như liên minh OPEC+ tiếp tục lộ trình chỉ nâng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày trong các tháng cuối năm nay”.

Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Trong đầu tháng này, liên minh OPEC+ kiên quyết giữ nguyên kế hoạch chỉ nâng sản lượng khai thác dầu thô tháng 11/2021 thêm 400.000 thùng/ngày như lộ trình đã đề ra từ hồi tháng 7/2021 bất chấp sức ép kêu gọi gia tăng sản lượng khai thác từ các quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn như Hoa Kỳ và Ấn Độ.

Quang Đặng