Chủ tịch CISA ông He Wenbo cũng nhấn mạnh CISA sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến phục hồi hoạt động sản xuất thép trên toàn cầu nhằm điều chỉnh sản lượng thép của Trung Quốc.
Đồng thời, ông He Wenbo cho biết các biện pháp kiểm soát sản xuất thép của Chính phủ Trung Quốc không phải là giải pháp trong dài hạn, thay vào đó các nhân tố trên thị trường, quy định của pháp luật và quá trình hội nhập quốc tế sẽ là những điều kiện cơ bản quyết định sản lượng thép của nước này.
Các thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh sản lượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 9 vừa qua chỉ đạt 73,75 triệu tấn, giảm 11,4% so với hồi tháng 8 trước đó và giảm tới 21,2% so với cùng kỳ năm 2020. Đây được xem là mức sản lượng thép theo tháng thấp nhất của nước này kể từ hồi tháng 12/2017. Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng và Chính phủ Trung Quốc siết chặt kiểm soát ô nhiễm trong hoạt động sản xuất thép.
Lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 9/2021 cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Hầu hết lượng thép được xuất khẩu trong tháng 9 vừa qua là đến từ các đơn hàng giao ngay được ký kết hồi tháng 7 và đầu tháng 8. Dự kiến lượng thép xuất khẩu của nước này trong tháng 10 sẽ tiếp tục giảm xuống do nguồn cung thép nội địa suy yếu.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá thép thanh giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) giảm 18 Nhân dân tệ xuống mức 4.889 Nhân dân tệ/tấn. Chính phủ Trung Quốc hiện vẫn giữ mục tiêu sản lượng thép năm nay bằng mức năm 2020.
Giữa tháng 10, hàng loạt nhà máy sản xuất thép tại 28 tỉnh, thành phố phía Bắc Trung Quốc được yêu cầu phải cắt giảm công suất từ ngày 15/10/2021 đến 15/03/2022 nhằm giảm ô nhiễm không khí trong bối cảnh nước này sẽ tổ chức Thế Vận hội mùa Đông năm 2022 vào đầu tháng 2 năm sau. Các sự kiện chính của Thế Vận hội mùa Đông năm 2022 sẽ diễn ra tại Bắc Kinh và tỉnh Hà Bắc – một trong những trung tâm sản xuất thép lớn nhất nước này.