Giá khí tự nhiên khu vực Châu Á giảm nhiệt

Giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) trên thị trường Châu Á trong tuần này đã giảm xuống. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo giá khí sẽ còn tiếp tục neo ở mức cao cho đến khi rủi ro về thời tiết mùa đông giá lạnh chấm dứt.
Khí LNG
 Nhu cầu sử dụng khí LNG tại Trung Quốc đang tăng lên khi các đợt không khí lạnh đến sớm hơn thường lệ (Ảnh: WattPress) 

Hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin thị trường cho biết giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) giao tháng 12/2021 tại khu vực Đông Bắc Á đạt khoảng 34,50 USD/mmBtu trong tuần này, giảm 3,90 USD/mmBtu so với tuần trước. Giá các lô khí LNG giao tháng 11/2021 cũng giảm 4,50 USD xuống còn 34 USD/mmBtu.

Một hãng môi giới giao dịch khí LNG tại Anh cho biết “Các yếu tố cơ bản trên thị trường khí LNG khu vực Châu Á hiện đang được giữ ổn định. Sự sụt giảm nhu cầu của Nhật Bản hiện đang được cân bằng bởi sự gia tăng nhu cầu từ phía Trung Quốc. Một số dấu hiệu thời tiết hiện cho thấy mùa đông năm nay sẽ lạnh hơn thông thường tại khu vực Châu Á do đó sự gia tăng về nhu cầu sử dụng khí đốt cho sưởi ấm sẽ đến sớm hơn so với thông thường. Trong khi đó, khu vực Châu Âu vẫn đang đối mặt rủi ro thiếu hụt nguồn cung. Vì thế, giá khí LNG trên toàn cầu sẽ còn tiếp tục neo ở mức cao cho đến khi nào các rủi ro về thời tiết giá lạnh giảm xuống”.

Các nguồn tin trên thị trường cũng cho biết Tập đoàn Khí đốt Trung Quốc đang tìm mua một lô khí giao khoảng từ tháng 12/2021 đến tháng 1/2022. Một số tỉnh và thành phố phía Bắc và miền Trung Trung Quốc đang trải qua đợt giá lạnh đầu tiên. Đợt không khí lạnh sớm này đã khiến nhiệt độ giữa tháng 10 tại Bắc Kinh rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1969.

Trong khi đó, Cơ quan Sản xuất Điện Thái Lan (EGAT) đã mua vào 2 lô khí giao từ tháng 11 đến tháng 12/2021. Tập đoàn Điện Tohoku (Nhật Bản) cũng mua vào 6 lô khí giao trong nửa đầu năm 2022. Tình trạng căng thẳng nguồn cung và giá khí tăng cao đang khiến Singapore đối mặt với rủi ro thiếu điện diện rộng.

Hãng tư vấn năng lượng hàng đầu thế giới Rystad Energy (Na Uy) cảnh báo các đợt ngưng sản xuất hiện tại và trong thời gian tới có thể khiến nguồn cung khí LNG ra thị trường hàng tháng giảm khoảng 4% tương đương 20 lô khí trong giai đoạn từ tháng 11/2021 đến tháng 2/2022. Bên cạnh đó, tình trạng giá cước vận tải biển tăng cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ tháng trước có thể đẩy giá khí tiếp tục tăng lên.

Quang Đặng