GSP mới của EU: Ưu đãi và thách thức

Ngày 31/10/2012, EU thông qua quy chế GSP mới có hiệu lực 10 năm, áp dụng kể từ ngày 01/01/2014.

Mục đích của GSP là hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua việc tạo thuận lợi cho các nuớc này xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu. Quy chế được thực hiện dưới hình thức giảm thuế cho hàng hóa của các nước đang phát triển khi xuất khẩu sang thị trường EU. Về phần mình, các nước EU không đòi hỏi được đối xử có đi có lại. Hệ thống GSP mới tập trung ưu đãi cho các nước kém phát triển nhất và các nền kinh tế nghèo không được hưởng bất kỳ kênh ưu đãi nào khi tiếp cận thị trường EU.

Theo phân loại của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam được xếp là nước có thu nhập trung bình - thấp, do đó ở trong diện được hưởng GSP của EU. Cụ thể, theo chương trình GSP mới của EU, Việt Nam thuộc nhóm các nước được hưởng “ưu đãi thuế quan phổ cập GSP (standard GSP)”. Như vậy, Việt Nam được hưởng GSP đối với tất cả các mặt hàng, kể cả những mặt hàng trước đã từng bị xếp vào nhóm hàng đã “trưởng thành” như giày dép, nón, ô dù… trong giai đoạn 2014 - 2016. Điều này giúp Việt Nam tiếp cận thuận lợi hơn thị trường EU, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh những thuận lợi trên, GSP cũng có thể mang theo nhiều thách thức. Trước tiên, việc GSP mới giúp Việt Nam tăng xuất khẩu vào EU có thể sẽ khiến các nhà sản xuất tại EU lo ngại mất thị trường, tạo áp lực buộc EU tăng các biện pháp bảo hộ và áp đặt thêm những rào cản kỹ thuật phi thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu.

Ngoài ra, do Việt Nam đang là nền kinh tế chủ yếu dựa vào gia công, chế xuất, để hưởng các lợi ích từ hiệp định thương mại và giảm thuế quan, Việt Nam phải đạt được các quy định về xuất xứ hàng hóa. Hệ thống GSP mới của EU quy định về xuất xứ hàng hóa như sau: Hàm lượng xuất xứ nguyên phụ liệu nhập khẩu không < 50% (trước là <40%):

- Quy tắc cộng gộp tỷ lệ xuất xứ: đối với nguyên phụ liệu nhập khẩu từ các nước cùng được hưởng GSP của EU.

- Quy tắc cộng gộp ASEAN: đối với nguyên phụ liệu sản xuất nhập khẩu từ các nước ASEAN cùng được hưởng GSP của EU: Brunei, Campuchia, Indonessia, Lào, Philipin, Thái Lan và Việt Nam (Malaysia đã “trưởng thành” và Singapore đã ký FTA với EU nên 2 nước này không được hưởng GSP nữa).

- Quy tắc cộng gộp tỷ lệ xuất xứ mở rộng: đối với nguyên phụ liệu nhập khẩu từ các nước đã có FTA với EU (ví dụ: Hàn Quốc đã có FTA với EU).

Về lý thuyết, EU muốn Việt Nam được hưởng GSP nhưng các nước như Hàn Quốc hay Trung Quốc có thể thông qua việc xuất hàng sang Việt Nam rồi được xuất ngược sang EU. Như vậy, các nước này lại được hưởng lợi thông qua hình thức cộng gộp xuất xứ của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có thể cộng gộp với các nước ASEAN được hưởng GSP còn lại. (Claudio Dordi, 2014).

Hơn nữa, Việt Nam khó đạt được tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa như dệt may, hóa chất... do phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như đã đề cập ở trên. Theo quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hệ thống GSP mới, Việt Nam sẽ được phép nhập khẩu cộng gộp lên tới dưới 50% nguyên liệu đầu vào từ các quốc gia ASEAN cho hàng hóa được xuất vào EU. Năm 2014, Malaysia không được hưởng GSP, nếu Việt Nam nhập nguyên liệu của Malaysia thì sẽ không được cộng gộp xuất xứ của nước này nữa.

Ngoài ra, Việt Nam cần tìm cách tận dụng GSP mới để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng truyền thống sang EU cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh để chuẩn bị cho khả năng những mặt hàng đã đạt mức "trưởng thành" sẽ không được hưởng ưu đãi GSP tại thị trường EU trong thời gian tới. Với Việt Nam, ngoài các sản phẩm hiện đang được hưởng ưu đãi thuế quan GSP của EU, sẽ có thêm hai nhóm hàng khác được hưởng ưu đãi thuế quan này từ ngày 1/1/2014, là giày dép, và mũ, ô,…

Theo cơ chế “trưởng thành (graduation)” trong GSP của EU, khi một sản phẩm nhập khẩu từ một nước được hưởng GSP vượt quá 17,5% (hàng dệt may là 14,5%) tổng nhập khẩu của sản phẩm này từ tất cả các nước được hưởng GSP, trong thời gian 3 năm liền, thì sẽ bị loại ra khỏi danh sách mặt hàng được hưởng ưu đãi GSP (theo GSP cũ là 15% và dệt may là 12,5%). Các lĩnh vực sản phẩm áp dụng quy tắc “trưởng thành” tăng từ 21 (cũ) lên 32 lĩnh vực. Do số nước hưởng GSP mới giảm đi (nên thời gian mặt hàng đạt tỷ lệ “trưởng thành” sẽ nhanh hơn.

Theo chương trình GSP cũ, một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam, như da giày bị đưa vào danh mục “trưởng thành (graduation)”, tức là đã xuất khẩu sang EU chiếm tỷ lệ cao nên không được hưởng GSP. Theo GSP mới, quy tắc “trưởng thành” được áp dụng cho 32 lĩnh vực mặt hàng (GSP cũ là 21 lĩnh vực) khi tổng nhập khẩu vào EU của một mặt hàng của nước thụ hưởng GSP vượt quá 17,5% (GSP cũ là 15%) trên tổng nhập khẩu mặt hàng tương tự từ tất cả các nước hưởng GSP của EU, trong vòng 3 năm liền. Riêng đối với hàng dệt may, tỷ lệ “trưởng thành” là 14,5% (GSP cũ là 12,5%). Quy tắc “trưởng thành” chỉ áp dụng đối với sản phẩm nhập khẩu từ nhóm nước hưởng GSP tiêu chuẩn, không áp dụng đối với các nhóm EBA và GSP+.

Một thách thức lớn khác đối với các doanh nghiệp là khả năng xảy ra những vụ kiện chống bán phá giá liên quan đến gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, những mặt hàng xuất khẩu sang EU, nhất là một loạt mặt hàng của Trung Quốc đang bị chống bán phá giá và loại ra khỏi diện hưởng GSP, nhiều khả năng các doanh nghiệp tại Việt Nam (như doanh nghiệp FDI) sẽ nhập khẩu nguyên liệu, sản phẩm hoặc bán thành phẩm từ Trung Quốc về Việt Nam, lợi dụng khe hở của pháp luật để biến thành hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nhằm đáp ứng quy định về xuất xứ của EU. Sau đó họ xuất sản phẩm sang EU để được hưởng ưu đãi từ GSP. Khi đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU sẽ có số lượng tăng đột biến, dẫn đến nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá.
Duy Nghĩa