Trước một số thông tin về việc Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã quá hạn kiểm định chất lượng giáo dục, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã thông tin chính thức về vấn đề này.
Theo đó, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã được đánh giá bởi HCÉRES vào năm 2017. Trên cơ sở đánh giá này, Hội đồng thẩm định của HCÉRES đã quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định không điều kiện trong 5 năm cho Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Như vậy, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội sẽ hết hạn kiểm điểm chất lượng vào tháng 6/2022.
Phía Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã liên hệ với HCÉRES để thực hiện tái đánh giá và kiểm định cho trường trước thời hạn. Tuy nhiên, do một số lý do, HCÉRES không thể thực hiện tái đánh giá cho các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam. HCÉRES đã gia hạn công nhận kết quả kiểm định thêm 01 năm, có hiệu lực cho đến tháng 6/2023 đối với Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Đến tháng 6/2023, HCÉRES đã có thư gửi đến Trường Đại học Xây dựng Hà Nội về việc quyết định gia hạn hiệu lực kiểm định cho trường đến cuối năm 2023. Phía HCÉRES cũng cho biết công tác kiểm định chất lượng giáo dục sẽ được tổ chức trong năm 2023.
Như vậy, tính đến nay, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội được công nhận đạt chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn của HCÉRES.
Bên cạnh đó, HCÉRES cũng gia hạn hiệu lực kiểm định cho Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đến cuối năm 2023.
HCÉRES là tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học độc lập có nhiệm vụ đánh giá các cơ sở đào tạo đại học, các tổ chức nghiên cứu và các chương trình đào tạo.
HCÉRES là thành viên chính thức của Hiệp hội Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Châu Âu (ENQA) và Bộ tiêu chuẩn và Hướng dẫn về đảm bảo chất lượng (ESG) trong hệ giáo dục đại học Châu Âu (EHEA).
Ngoài các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Pháp, HCÉRES còn tham gia đánh giá các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của các quốc gia thuộc EHEA.
Bộ tiêu chuẩn của HCÉRES dùng cho đánh giá các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu ở nước ngoài gồm 6 lĩnh vực: Chiến lược và quản trị (sứ mạng, chiến lược phát triển, tổ chức thực hiện chiến lược, truyền thông); đào tạo và nghiên cứu khoa học (chính sách đào tạo, nghiên cứu, các loại hình đào tạo đáp ứng nhu cầu của người học); quá trình đào tạo và định hướng hội nhập nghề nghiệp (môi trường học tập và quản lý đào tạo); quan hệ đối ngoại; quản lý và điều hành (hệ thống tài chính, tài sản, nhân lực, hệ thống thông tin); chất lượng và đạo đức (chính sách đảm bảo chất lượng, đạo đức trong đào tạo và nghiên cứu).