Hiệu quả từ việc ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý vận hành Trạm biến áp không người trực và lưới điện tỉnh Lai Châu

Đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số sẽ đáp ứng hoàn thành khối lượng lớn yêu cầu công việc ngày một cao hơn, đồng thời sẽ góp phần tăng năng suất lao động cho đơn vị là mục tiêu mà Công ty Điện lực Lai Châu đặt ra trong năm 2023.

Hiện Công ty Điện lực Lai Châu đang quản lý vận hành gần 440 km đường dây 110kV, 04 trạm biến áp 110kV với tổng dung lượng đặt 148MVA; hơn 2300 km đường dây trung áp, cấp điện cho hơn 112.000 khách hàng trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Áp dụng công nghệ 4.0 vào công tác quản lý và điều hành lưới điện, năm 2020 Công ty Điện lực Lai Châu đã đưa vào vận hành trung tâm Điều khiển xa Lai Châu, cải tạo thay mới hệ thống điều khiển, nâng cấp kênh truyền SCADA theo giao thức IEC 60870-5-104 cho toàn bộ các trạm biến áp 110 kV và chuyển sang chế độ thao tác xa không người trực tại trạm. H

ệ thống này giúp giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị, rút ngắn thời gian bảo trì bảo dưỡng, xử lý sự cố trạm biến áp... Từ đó, giảm tối đa nhân lực vận hành, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí vận hành hệ thống, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và bảo đảm vận hành lưới điện an toàn, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý vận hành và giảm tổn thất điện năng; đồng thời đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Công ty Điện lực Lai Châu
Trung tâm Điều khiển xa Lai Châu

Bên cạnh đó Công ty Điện lực Lai Châu cũng đã ứng dụng hệ thống quản lý lưới điện phân phối DMS (Distribution Management System) và chương trình tự động hóa mạch vòng lưới điện trung áp DAS (Distribution Automation System) vào vận hành trên lưới điện. Đến nay Công ty Điện lực Lai Châu đã hoàn thiện 06 Mạch vòng lưới điện trung áp, đưa tín hiệu của toàn bộ recloser, LBS về Trung tâm điều khiển.

Trong khi DMS được sử dụng để hỗ trợ người quản lý cái nhìn toàn diện về lưới điện để từ đó có các kế hoạch, lộ trình phát triển thì chương trình DAS được sử dụng để tự động hóa công tác xử lý sự cố trên lưới điện. Ứng dụng DAS được lập trình nhằm phát hiện và xử lý sự cố xảy ra dựa trên các điều kiện như: sự thay đổi bất thường của các tín hiệu cảnh báo, bảo vệ rơ le, chỉ báo sự cố và trạng thái của máy cắt tại trạm 110kV hoặc các Recloser, LBS, RMU trên lưới điện. Khi sự cố xảy ra chương trình thực hiện cô lập khu vực bị sự cố và khôi phục khu vực không bị sự cố bằng cách đóng/cắt tự động các thiết bị trên lưới có liên quan.

Việc ứng dụng chương trình DMS và DAS giúp cho người vận hành nắm bắt chính xác và cụ thể hơn về trạng thái của lưới điện và có thể cô lập sự cố và khôi phục cấp điện nhanh chóng khi có sự cố xảy ra, giúp tăng độ tin cậy lưới điện, giảm chỉ số SAIDI, SAIFI, v.v.

Triển khai tự động hóa lưới điện phân phối là một chương trình quan trọng nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện đồng thời cũng dần tiệm cận được các chỉ số lưới điện thông minh (SGI) mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang dự kiến áp dụng cho các Công ty điện lực.

Với quyết tâm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Tổng công ty Điện lực miền Bắc về đảm bảo tiến độ các dự án tự động hóa lưới điện trung áp Công ty Điện lực Lai Châu tiếp tục nỗ lực triển khai đồng bộ tự động hóa các mạch vòng trung áp trên lưới điện toàn Tỉnh, đáp ứng mục tiêu làm tăng sự hài lòng của khách hàng sử dụng điện và an toàn trong công tác vận hành nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyễn Lựu – PC Lai Châu