Hình thành các tuyến du lịch ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An

NGUYỄN MINH NGUYỆT (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu khái quát các địa điểm du lịch tại huyện Tân Kỳ, tỉnh  Nghệ An, từ đó đánh giá việc kết nối các điểm du lịch để hình thành tuyến, tour du lịch tại đây, nhằm góp phần giúp chính quyền nhìn nhận rõ tiềm năng các điểm du lịch và có các kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý nguồn lực tiềm năng này, đồng thời tăng ngân sách và nâng cao đời sống của người dân.

Từ khóa: tuyến du lịch, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, du lịch.

1. Đặt vấn đề

Tân Kỳ nằm ở phía Tây của Nghệ An, là nơi có nhiều thế mạnh du lịch từ tiềm năng tự nhiên đến các giá trị văn hóa, lịch sử. Chính vì thế, du lịch được lựa chọn là một trong những trọng tâm để phát triển kinh tế bền vững của Tân Kỳ trong những năm tới. Tuy nhiên, những năm qua, hoạt động du lịch của địa phương còn nhiều hạn chế, doanh thu du lịch thấp. Khách du lịch trong và ngoài huyện mới chỉ biết đến các điểm du lịch đơn lẻ, như: Cột mốc Km số 0 - đường Hồ Chí Minh, du lịch cộng đồng bản Thái Minh,… Sự liên kết giữa các điểm du lịch còn lỏng lẻo, chưa hấp dẫn đối với du khách; các tuyến du lịch hình chưa có sự liên kết chặt chẽ, chưa có sự kết hợp du lịch văn hóa và du lịch tự nhiên. Do vậy, việc kết nối các điểm du lịch ở Tân Kỳ để hình thành các tuyến, tour du lịch trong huyện là rất cần thiết, vừa góp phần khai thác và sử dụng hợp lý tiềm năng của địa phương, vừa tăng ngân sách và nâng cao đời sống của người dân.

2. Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

2.1. Dữ liệu

- Nguồn dữ liệu thứ cấp được thu thập từ các báo cáo về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, tình hình phát triển, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tân Kỳ, các loại bản đồ nền gồm bản đồ hành chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất của huyện Tân Kỳ,… Các dữ liệu sau khi được xử lý, được phân tích, đánh giá để tạo thành các lớp thông tin nền ở khu vực nghiên cứu.

- Nguồn dữ liệu sơ cấp được thu thập từ quá trình khảo sát thực địa theo các tuyến, các điểm du lịch,… nhằm xem xét khả năng thu hút thị trường khách, khả năng tiếp cận tham quan du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật (CSVCKT) du lịch,… của từng điểm du lịch, từ đó lựa chọn các chỉ tiêu phân tích, đánh giá tài nguyên du lịch.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

* Phương pháp thu thập số liệu, dữ liệu thứ cấp: các dữ liệu thứ cấp liên quan đến vấn đề nghiên cứu được thu thập từ UBND huyện Tân Kỳ,… để có những thông tin ban đầu về lãnh thổ và nội dung nghiên cứu.

* Phương pháp đánh giá tài nguyên du lịch: phương pháp đánh giá tài nguyên du lịch trong bài báo được tiến hành theo thang điểm tổng hợp với các bước sau đây:

- Lựa chọn và phân cấp các chỉ tiêu đánh giá theo 4 bậc.

- Lập thang đánh giá thành phần tương ứng với thang điểm 4, 3, 2, 1 và thang đánh giá tổng hợp.

- Đánh giá tổng hợp theo bài toán cộng và phân hạng mức độ thuận lợi của các điểm du lịch có thể liên kết các điểm du lịch Tân Kỳ theo khoảng cách đều để làm cơ sở thiết kế tuyến du lịch.

* Phương pháp thiết kế các tuyến du lịch: được xác định bằng việc nối các điểm du lịch dựa trên hệ thống giao thông đường bộ hoặc đường thủy trên lãnh thổ nghiên cứu. Một tuyến du lịch được đánh giá là hấp dẫn nếu như nó bao gồm được nhiều điểm du lịch được đánh giá ở mức độ thuận lợi và có khả năng liên kết với nhau cao. Quá trình thiết kế tuyến du lịch chỉ giới hạn theo mạng lưới giao thông đường bộ.

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

3.1. Khái quát các điểm du lịch ở Tân Kỳ

3.1.1. Các điểm du lịch tự nhiên

* Thác Hồng Sơn (người dân địa phương còn gọi thác Hồng Sơn là thác Bồn) là một thắng cảnh đẹp thuộc xóm Hồng Sơn, xã Tân Hợp. Đây là thác nước tự nhiên mang vẻ đẹp nguyên sơ, nhìn trên cao xuống như một dải lụa trắng mềm mại vắt trên thảm xanh. Thác có độ cao trên 120m với 4 bậc đá gối lên nhau, tung bọt nước trắng xóa. Vào mùa hè, du khách có thể ngâm mình dưới dòng nước mát lạnh, tinh khiết, hòa mình vào thiên nhiên mây trời, xua tan mệt nhọc thường ngày. Từ thị trấn Lạt đến địa điểm này khoảng 29 km qua QL48E, đường đi khá thuận lợi (chỉ có tầm 1km đường đất khó đi), tiếp cận vị trí thác nước khá dễ dàng. Tuy nhiên, xung quanh địa điểm này hiện chưa có các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng phù hợp, nên du khách chỉ có thể đi về trong ngày. Thác Hồng Sơn là địa điểm đang được đầu tư phát triển và được du khách trong và ngoài huyện quan tâm.

* Cây Sanh ngàn năm tuổi: là 1 trong 3 cây di sản Việt Nam tại Nghệ An, thuộc bản Kẻ Mui, xã Giai Xuân. Cây Sanh cao 27m, tán rộng khoảng 35m, gốc và thân cây ôm trọn 2 khối đá hoa cương có hình thù tượng trưng cho sự tích bánh chưng, bánh dày. Đây được xem là cây Sanh có tuổi đời hàng nghìn năm, đẹp và độc đáo nhất Việt Nam. Từ thị trấn Lạt đến địa danh này khoảng 21 km theo QL48E, đường đi khá thuận lợi. Hiện, đây cũng là điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài huyện.

* Thác Vình: thuộc xóm Xuân Tiến, xã Giai Xuân. Thác Vình được tạo nên từ các mó nước, thác chảy theo triền núi thoải rồi đổ vào đập nước lớn. Giữa dòng thác tạo thành một bậc nước rộng có thể thỏa thích vùng vẫy, bơi lội. Địa điểm này còn khá hoang sơ và chưa được nhiều người biết tới. Đây cũng là điểm du lịch lý thú vào ngày hè, từ khoảng tháng 5 đến tháng 8. Từ thị trấn Lạt đến Thác Vình  khoảng 22km qua QL48E, tuy nhiên tiếp cận đến vị trí thác nước khá khó khăn vì đường vào đây chủ yếu là đường đất và dốc núi, do đó hạn chế trong việc khai thác phát triển du lịch.

* Hang Mó: nằm trong một dãy núi đá vôi ở thuộc bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ và còn giữ nguyên vẹn hiện trạng hệ sinh thái tự nhiên. Đây là một kiểu hang động catxtơ nhiệt đới với các khối thạch nhũ, vú đá,... mang nhiều hình dáng độc đáo. Vào mùa hè, du khách sẽ được thưởng thức không khí và chiêm ngưỡng nét độc đáo, kỳ thú của các khối thạch nhũ muôn hình muôn vẻ. Đi sâu vào hang, không gian được mở rộng đáng kể, thêm vào đó du khách còn bắt gặp những mạch ngầm trong lòng đất đá, với dòng nước tinh khiết mát lạnh. Chính vì thế, từ khoảng tháng 4 đến tháng 8, hang Mó rất hấp dẫn du khách vào ngày hè. Từ thị trấn Lạt đến hang Mó khoảng 27km qua đường 345, tuy nhiên đường đi khó khăn, để vào được hang Mó cần có người dân bản địa hoặc người đã từng khám phá dẫn đường. Xung quanh hang Mó, các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi chưa có nên du khách muốn nghỉ qua đêm phải tá túc ở nhà dân hoặc di chuyển cách đó tầm 7-8km.

* Suối Khe Thần: nằm ở xã Nghĩa Bình, được tạo nên từ các mó nước, thác chảy dài theo triền núi thoải, rồi uốn lượn quanh co qua. Khác với những dòng suối chảy từ Tây sang Đông, riêng suối Thần lại chảy theo hướng ngược lại. Đây cũng là điểm du lịch kết hợp tham quan và tâm linh, đặc biệt vào dịp lễ Khai hạ, Tết đến. Từ thị trấn Lạt đến địa điểm khoảng 17km qua QL15, tuy nhiên tiếp cận đến vị trí suối cũng còn khó khăn. Mặc dù cơ sở vật chất kỹ thuật suối Khe Thần chưa được đầu tư, nhưng khu vực này đang được du khách trong và ngoài huyện quan tâm.

* Khe Sanh: nằm ở xã Tân An là một dòng suối độc đáo, có màu sắc xanh trong. Con suối này được hình thành từ 3 mạch nước tuôn lên từ lòng đất, dóng nước mùa hè mát lạnh, dòng nước mùa đông ấm nóng. Chính vì thế, địa điểm này thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài xã. Vào mùa hè, du khách chủ yếu là người địa phương thường tìm đến tắm mát ở con suối độc đáo này. Đây cũng là điểm du lịch kết hợp tham quan danh thắng và đi lễ đền Khe Xanh. Ngôi đền này thờ Đức ông Lê Mạnh -- một trong 12 vị tướng giỏi của vua Mai Hắc Đế. Từ thị trấn Lạt đến địa điểm này khoảng 12km qua QL15 và ĐT545. Việc di chuyển thuận lợi, gần trung tâm của thị trấn Lạt là điểm cộng rất lớn cho điểm du lịch này. Khe Sanh hiện đang được du khách trong và ngoài huyện quan tâm.

3.1.2. Các điểm du lịch văn hóa - lịch sử

* Km số 0 - đường Hồ Chí Minh: được công nhận là “Di tích Quốc gia đặc biệt”, nằm ngay tại thị trấn Lạt của huyện Tân Kỳ. Đây là nơi đặt cột mốc "Km số 0" cho con đường Trường Sơn huyền thoại vào tháng 9/1964. Hiện nay, cột mốc Km số 0 được xây dựng, sửa sang lại với khuôn viên có diện tích 600 m2 với nhà truyền thống trưng bày hiện vật của thời chiến tranh [9]. Hằng năm, nơi đây phục vụ hàng chục nghìn lượt người dân, khách du lịch trong, ngoài nước cùng kiều bào đến tham quan, tìm hiểu. Tượng đài với chủ đề “Hậu phương hướng về tiền tuyến” được xây dựng, tạo điểm nhấn trong quần thể khu di tích cột mốc Km số 0 để tưởng nhớ những cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong Trường Sơn đã chiến đấu, hy sinh trên con đường huyền thoại. Địa danh này nằm ở thị trấn Lạt - là đầu mối giao thông đi các xã và các huyện lân cận - nên có thể chọn nơi đây là điểm khởi đầu cho các tuyến nối các điểm du lịch của huyện.

* Bản văn hóa Thái Minh: là nơi hội tụ của cảnh quan tự nhiên và những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở xã Tiên Kỳ. Đến đây, du khách được trải nghiệm cảnh sắc núi rừng hùng vĩ, khám phá hang động nguyên sơ, thác nước tuyệt đẹp (Hang Mó bản Thái Minh, bản Kẻ Ỏn) và các phong tục độc đáo của đồng bào dân tộc Thái với nhiều nét đặc sắc, như: nghề dệt thổ cẩm, hàng mây tre đan, lễ hội khao quân, lễ hội Bươn Xao; các nhạc cụ truyền thống (Pí nhuôn, khèn bè, sáo,...), các trò chơi dân gian (ném còn, kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo,...), với nhiều món ăn hấp dẫn (cơm lam, cá nướng, canh bồi, măng loi.) Tiên Kỳ hiện được lựa chọn là địa điểm phát triển du lịch cộng đồng của UBND huyện Tân Kỳ với mục tiêu đón 8.000 khách du lịch năm 2025, đạt doanh thu 5.000 triệu đồng [7]. Chính vì thế, huyện đang huy động mọi nguồn lực, kêu gọi đầu tư cải tạo, xây dựng các hang động; nâng cấp các tuyến đường liên xã, thôn bản; củng cố lại các đội văn nghệ xã; khôi phục các trò chơi dân gian truyền thống,... để đẩy mạnh phát triển du lịch ở Tiên Kỳ. Từ thị trấn Lạt đến Bản văn hóa Thái Minh khoảng 28km, qua đường 345, nhiều đoạn đường còn gập ghềnh. Điểm cộng ở địa điểm này là các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi đã được đầu tư, phát triển, thuận lợi cho du khách muốn nghỉ lại qua đêm.

* Đình Dương Hạp: là một ngôi đình khá đẹp, nằm ở trong vùng đồng bào dân tộc Thái thuộc xã Nghĩa Dũng với hơn 260 năm tuổi, được bảo tồn khá nguyên vẹn. Đình Dương Hạp thờ thần Cao Sơn, Cao Các, Đức Thánh Mẫu, Thái bảo quận công, Đức ông họ Ngô có công lập làng. Đình được xây dựng từ thế kỷ XVIII, có 3 gian 2 hồi văn, dài 14m, rộng 7m, có 4 vi kèo với 14 cột gỗ lim kê trên chân đá tảng màu xanh hình vuông. Trên đỉnh nóc có hình lưỡng long chầu nguyệt theo thể thức đăng đối, 2 đỉnh đầu, 4 mái đao là hình các con sấu, lưng chừng bờ giải là hình con nghê, con sư tử. Tại Đình Dương Hạp, người dân cũng tổ chức lễ hội dân gian vào rằm tháng 2 (âm lịch) và rằm tháng 6 (âm lịch) [8]. Từ km số 0 - thị trấn Lạt đến Đình Dương Hạp khoảng 9km theo QL15, đường đi thuận lợi.

* Đình Song Đồng Ngọc Nữ: được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, nằm tại xã Nghĩa Hợp. Đây là một trong những ngôi đền thiêng của huyện Tân Kỳ, đền thờ con gái cụ Trần Đắc Tiến, hậu duệ đời thứ 5 dòng họ Trần thuộc làng Tri Lễ, xã Dương Hạp, tổng Cự Lâm, huyện Nghĩa Đường, phủ Quỳ Châu (nay là xã Nghĩa Hợp và Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ). Đến thời Hậu Lê, đền chính thức được xây dựng; thời Tự Đức được Lý trưởng lập bản khai đề nghị; đến năm 1851, Triều Nguyễn chính thức ban là đạo sắc “Nhị vị Thành hoàng Song Đồng Ngọc Nữ”.Trong chiến tranh, đền nằm ngay cạnh Phà Sen của tuyến giao thông huyết mạch phục vụ cho chiến trường miền Nam nên nhiều lần bị bom Mỹ đánh phá [10], sau đó được bà con xã Nghĩa Hợp và con cháu dòng họ Trần góp công góp sức tu bổ, tôn tạo. Đình Song Đồng Ngọc Nữ cách thị trấn Lạt khoảng 16 km theo QL15, việc di chuyển khá thuận lợi, tuy nhiên các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng xung quanh điểm di tích này còn hạn chế, du khách chỉ có thể đi về trong ngày.

* Đình Sen: được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh từ năm 2012 thuộc xã Nghĩa Đồng. Đây là ngôi đình lớn và có ý nghĩa về mặt kiến trúc vào loại hiếm so với tất cả các đình làng nằm ven sông Hiếu còn lưu giữ cho đến nay. Đình Sen được xây dựng năm Bính Dần 1926, dân làng tự chặt gỗ, tự nung gạch ngói để xây nên ngôi đình này. Nơi đây thường diễn ra các buổi sinh hoạt văn hóa làng xã đặc sắc trong những ngày hội. Không chỉ mang ý nghĩa to lớn về truyền thống văn hóa của địa phương, di tích đình Sen còn ghi lại tinh thần đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường của nhân dân Nghệ Tĩnh. Từ km 0 đến Đình Sen là khoảng 20km qua QL15, đường đi cũng khá thuận lợi. Tuy nhiên, các dịch vụ ăn uống và nghỉ ngơi xung quanh điểm di tích này hiện chưa có, thêm vào đó công trình này đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng theo thời gian nên khả năng thu hút khách du lịch còn rất hạn chế.

3.2. Đánh giá khả năng liên kết các điểm du lịch tại Tân Kỳ

* Xác định đối tượng và phạm vi đánh giá: Với mục đích đánh giá tài nguyên phục vụ cho việc thiết kế tuyến du lịch thì đối tượng đánh giá là 11 điểm du lịch ở huyện Tân Kỳ với điểm đầu mối là km số 0 - đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Lạt (Tân Kỳ).

* Lựa chọn và phân cấp các chỉ tiêu đánh giá: Có 5 chỉ tiêu được lựa chọn để đánh giá từ những nhân tố có ảnh hưởng thực sự đến việc thiết kế tuyến và tour du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng ở khu vực nghiên cứu. Việc đánh giá các điểm du lịch được thực hiện theo thang đánh giá 4 bậc với số điểm tương ứng là 4, 3, 2, 1. Cụ thể như sau:

- Khả năng thu hút thị trường khách (CT1) được phân thành 4 cấp: Lớn (thu hút khách trong và ngoài huyện), khá lớn (thu hút khách trong huyện), trung bình (thu hút khách ở 1 vài địa phương lân cận) và nhỏ (thu hút khách tại địa phương).

- Khoảng cách từ thị trấn Lạt đến điểm du lịch (CT2) được phân thành 4 cấp: Gần (< 8 km), khá gần (8 - 15,9 km), trung bình (16 - 23,9 km) và xa (> 24 km).

- Tính nguyên vẹn của điểm du lịch (CT3): được chia thành 4 cấp: Nguyên vẹn, khá nguyên vẹn, trung bình và ít nguyên vẹn.

- Khả năng tiếp cận tham quan du lịch(CT4) được phân thành 4 cấp.

+ Dễ dàng (quốc lộ kết hợp tỉnh lộ, huyện lộ).

+ Khá dễ dàng (quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ kết hợp với đường liên xã, liên thôn).

+ Trung bình (tỉnh lộ, huyện lộ kết hợp với đường liên xã, liên thôn, nội đồng).

+ Khó (đường liên xã, liên thôn kết hợp với đường nội đồng).

- CSVCKT du lịch (CT5)được phân thành 4 cấp: Tốt (CSVCKT đồng bộ); Khá tốt (SVCKT tương đối đồng bộ); Trung bình (CSVCKT chưa đủ tiện nghi); Kém (CSVCKT du lịch còn thiếu hoặc yếu kém, mang tính tạm thời).

* Thang đánh giá: Từ 5 chỉ tiêu đánh giá như đã phân cấp thang đánh giá thành phần của các điểm du lịch như ở trên để tiến hành thành lập thang đánh giá tổng hợp. Điểm đánh giá tổng hợp là tổng số các điểm đánh giá riêng từng thành phần. Số điểm đánh giá của từng điểm du lịch sẽ dao động từ 5 - 20. Vì vậy, việc phân loại điểm du lịch dựa vào thang đánh giá như ở Bảng 1.

Bảng 1.Thang đánh giá tổng hợp của các điểm du lịch

Thang đánh giá tổng hợp của các điểm du lịch

* Kết quả phân loại điểm du lịch: Trên cơ sở đặc điểm của các điểm du lịch có khả năng liên kết các điểm du lịch ở Tân Kỳ theo các chỉ tiêu đánh giá, tiến hành so sánh đặc điểm của các điểm du lịch với thang đánh giá thành phần và thang đánh giá tổng hợp (Bảng 1) thì sẽ có kết quả đánh giá như ở Bảng 2.

Bảng 2.  Kết quả đánh giá các điểm du lịch

Kết quả đánh giá các điểm du lịch

Từ Bảng 2, có thể tổng hợp kết quả phân loại điểm du lịch như ở Bảng 3.

Bảng 3. Kết quả phân loại mức độ thuận lợi của các điểm du lịch để liên kết thành tuyến du lịch ở huyện Tân Kỳ

Kết quả phân loại mức độ thuận lợi của các điểm du lịch để liên kết thành tuyến du lịch ở huyện Tân Kỳ

3.3. Thiết kế các tuyến và tour du lịch liên kết các điểm du lịch của huyện Tân Kỳ

* Các chỉ tiêu để thiết kế tuyến, tour du lịch

- Đường giao thông: Để xây dựng một tuyến hoặc tour du lịch thì các điểm du lịch phải nối liền với nhau bằng mạng lưới giao thông.

- Tính liên kết của các loại hình điểm du lịch trong tuyến, tour được thể hiện ở sự kết hợp giữa các điểm du lịch khác loại để hình thành tuyến, tour du lịch tổng hợp.

* Kết quả thiết kế các tuyến, tour du lịch

Từ cột mốc số 0 (thị trấn Lạt) triển khai các tuyến du lịch theo hướng như sau:

- Tuyến 1: Từ km số 0 - Đình Dương Hạp - Đền Song Đồng Ngọc Nữ - Suối Khe Thần.

- Tuyến 2: Từ km số 0 - Cây Sanh ngàn năm - Thác Hồng Sơn.

- Tuyến 3: Từ km số 0 - Khe Sanh - Bản văn hóa Thái Minh - Hang Mó.

Từ kết quả nghiên cứu ở trên, các tour du lịch được thiết kế cụ thể, phù hợp với nhu cầu thời gian cũng như khả năng của du khách như sau:

* Tour 1 ngày - 1 đêm: có 4 lựa chọn như sau:

 - Từ km số 0 - Đình Dương Hạp - Đền Song Đồng Ngọc Nữ - Suối Khe Thần

- Từ km số 0 - Cây Sanh ngàn năm - Thác Hồng Sơn.

- Từ km số 0 - Khe Sanh - Hang Mó.

- Từ km số 0 - Bản văn hóa Thái Minh.

* Tour 2 ngày - 1 đêm: có 3 lựa chọn như sau:

Lựa chọn 1:

Ngày 1: Từ km số 0 - Đình Dương Hạp - Đền Song Đồng Ngọc Nữ - Suối Khe Thần (nghỉ đêm tại thị trấn Lạt).

Ngày 2: Từ km số 0 - Cây Sanh ngàn năm - Thác Hồng Sơn.

Lựa chọn 2:

Ngày 1: Từ km số 0 - Cây Sanh ngàn năm - Thác Hồng Sơn (nghỉ đêm tại thị trấn Lạt).

Ngày 2: Từ km số 0 - Khe Sanh - Hang Mó.

Lựa chọn 3:

Ngày 1: Từ km số 0 - Khe Sanh - Bản văn hóa Thái Minh (nghỉ đêm tại Bản văn hóa Thái Minh).

Ngày 2: Bản văn hóa Thái Minh - Hang Mó.

4. Kết luận

Tân Kỳ có nhiều cảnh quan tự nhiên và văn hóa đặc sắc, thuận lợi cho việc xây dựng các tuyến du lịch tự nhiên kết hợp với văn hóa, lịch sử hấp dẫn ở phía Tây tỉnh Nghệ An.

Với hệ thống 5 chỉ tiêu được lựa chọn, tiến hành đánh giá cho 11 điểm du lịch tự nhiên và văn hóa, lịch sử để xem xét khả năng liên kết các điểm du lịch ở Tân Kỳ. Kết quả đánh giá cho thấy, có 9 điểm du lịch được phân hạng ở mức độ thuận lợi và khá thuận lợi trong việc hình thành tuyến hoặc tour du lịch tại Tân Kỳ nên được đưa vào thiết kế thành 3 tuyến du lịch, từ đó xây dựng 4 tour du lịch được thiết kế theo nhu cầu 1 ngày - 1 đêm và 3 tour du lịch 2 ngày - 1 đêm. Đây chính là cơ sở khoa học giúp cho các nhà quản lý xây dựng các tuyến du lịch hấp dẫn, nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch và nâng cao đời sống của người dân địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đặng Duy Lợi, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Đức Hoa Cương, Nguyễn Thục Nhu (2013). Xác định hệ thống tiêu chí của điểm khu du lịch sinh thái ở Việt Nam, Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Địa lý toàn quốc lần thứ 7, Thái Nguyên, Tr. 39 - 46.
  2. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2005), Luật Du lịch.
  3. Bùi Thị Thu và cs. (2012), Xây dựng cơ sở khoa học phục vụ cho việc xác định các tuyến du lịch ở tỉnh Quảng Trị, Đề tài cấp Bộ, mã số: B2010 - DHH01 - 91, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.
  4. Nguyễn Duy (2018), Thác nước cao 120m đẹp đến mê hồn ở xứ Nghệ, https://dantri.com.vn/du-lich/thac-nuoc-cao-120m-dep-den-me-hon-o-xu-nghe-20180103084216312.htm
  5. Thành Châu, Hà An (2019), Huyền thoại ở “Km số 0”, https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/huyen-thoai-o-km-so-0-358139
  6. Nguyễn Hải (2018), Đền Song Đồng Ngọc Nữ (Tân Kỳ) được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, https://baonghean.vn/den-song-dong-ngoc-nu-tan-ky-duoc-xep-hang-di-tich-lich-su-cap-tinh-211745.html
  7. https://tanky.nghean.gov.vn

DEVELOPING TOURISM ROUTES

IN TAN KY DISTRICT, NGHE AN PROVINCE

• NGUYEN MINH NGUYET

Academy of Journalism and Communication

ABSTRACT:

This paper presents an overview about tourist sites in Tan Ky District, Nghe An Province and evaluates the connection of these tourist destinations to form tourism routes. This paper is expected to help the local government increase its budget and improve local people’s living standards by exploiting the local tourism potential effectively.

Keywords: tourist route, Tan Ky District, Nghe An Province, tourism.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1, tháng 1 năm 2022]