Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay

Nghiên cứu "Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay" do TS. Vũ Thị Như Hoa (Khoa Chính trị học và Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị Khu vực I) thực hiện.

Tóm tắt:

Trong thời gian qua, hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc đã tích cực phát huy vai trò, triển khai nhiều hoạt động cụ thể, mang lại kết quả tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo lập được niềm tin trong quần chúng nhân dân và đội ngũ cán bộ, khẳng định được uy tín của Đảng trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Bài viết nghiên cứu về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: hoạt động giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

1. Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là chủ thể có vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội với mạng lưới rộng khắp, là nơi quy tụ và tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đây cũng là chủ thể thực hiện việc giám sát mang tính nhân dân, hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước. Do đó, Mặt trận có điều kiện và cơ sở để thực hiện hiệu quả vai trò giám sát trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và phối hợp trong công tác giám sát tại cơ sở, khuyến khích tinh thần chủ động, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong nhân dân.

Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hoạt động đặc thù mang tính xã hội; là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; là phương thức để nhân dân góp sức, hiến kế cho Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách, quyết sách, là một trong những hoạt động quan trọng nhằm ngăn ngừa nguy cơ suy thoái trong Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Thông qua hoạt động giám sát, Mặt trận Tổ quốc mới khẳng định được vai trò trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh rõ yêu cầu phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong mọi lĩnh vực, từ xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng và hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách đến các vấn đề về kinh tế - xã hội liên quan đến đời sống nhân dân.

Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong thời gian tới, cần tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa với phát hiện, xử lý nghiêm minh; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần tiếp tục phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để góp phần nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, trong công tác cán bộ nói riêng.

Vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng được quy định tại điều 23, Luật Mặt trận Tổ quốc năm 2015. Cụ thể những nội dung đó là: (1) Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; (2) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí; xác minh vụ việc tham nhũng, lãng phí; xử lý người có hành vi tham nhũng, lãng phí; (3) Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ, khen thưởng đối với người có công phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí. Từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã ban hành gần 30 văn bản về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… hình thành cơ chế đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng đồng bộ, chặt chẽ.

2. Một số nhận diện và hậu quả của tham nhũng, tiêu cực

Tham nhũng, tiêu cực là căn bệnh xã hội nguy hiểm, không chỉ làm cản trở sự phát triển của đất nước, làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội, mà nguy hiểm hơn, đó còn là mầm mống của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, dẫn tới làm suy yếu bộ máy của Đảng và Nhà nước, đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tham nhũng, tiêu cực là hành vi của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân. Các nghiên cứu về tham nhũng, tiêu cực ở các nước trên thế giới và Việt Nam cho thấy, tham nhũng, tiêu cực là hiện tượng xã hội gắn với sự xuất hiện chế độ tư hữu, sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của bộ máy Nhà nước và các quyền lực công cộng khác. Tham nhũng, tiêu cực tồn tại ở mọi chế độ với những mức độ khác nhau, gây ra nhiều hệ lụy phức tạp trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, tìm ra được “phương thuốc đặc trị”, hiệu quả cho căn bệnh trầm kha này đang là vấn đề không đơn giản đối với các quốc gia. 

Những hệ lụy từ tham nhũng, tiêu cực tác động xấu đối với nhiều lĩnh vực của đời sống đất nước, cả về chính trị, kinh tế, xã hội, kỷ cương, kỷ luật,… dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Về chính trị, tham nhũng, tiêu cực là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới đất nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Tham nhũng, tiêu cực nếu không sớm loại trừ sẽ gây nguy hại về nhiều mặt, như: làm hư hỏng đội ngũ cán bộ; làm cho bộ máy nhà nước ngày càng trở nên quan liêu, xa dân, xuống cấp và hoạt động kém hiệu lực. Ở một phương diện khác, tham nhũng, tiêu cực có thể dẫn đến khủng hoảng chính trị, trực tiếp đe dọa đến sự tồn vong của chế độ hiện hành. Về kinh tế, nó gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước, tiền của, thời gian, công sức của nhân dân; làm chậm nhịp độ phát triển nền kinh tế. Đồng thời, phá vỡ chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; hạn chế các nhà đầu tư thâm nhập thị trường; làm suy giảm uy tín, năng lực cạnh tranh; trực tiếp tác động xấu đến các chính sách an sinh xã hội; làm cạn nguồn đầu tư nội địa, gây trở ngại cho hoạt động kinh tế vĩ mô, kìm hãm hoạt động của các ngành kinh tế vi mô. Về xã hội, tham nhũng, tiêu cực làm tha hóa nhân cách con người, xói mòn các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Tình trạng chạy theo lợi ích vật chất, vì đồng tiền sẵn sàng chà đạp lên luân thường, đạo lý, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước, hủy hoại các dịch vụ công, gây nên những bức xúc trong đời sống xã hội. Đồng thời, làm méo mó, lệch chuẩn các quy tắc, nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức; gây tê liệt hệ thống hành pháp, mất đoàn kết nội bộ và đó sẽ là cơ hội cho kẻ thù lợi dụng chống phá. Về kỷ cương, kỷ luật, tham nhũng, tiêu cực làm rối loạn kỷ cương, phép nước, gây đảo lộn các quan hệ xã hội, làm giảm niềm tin của nhân dân vào công lý, lẽ phải và lối sống có tình nghĩa. Thậm chí, nếu không ngăn chặn triệt để, đối tượng tham nhũng, tiêu cực có thể còn liên kết với các tội phạm khác, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm kinh tế, tội phạm tẩy rửa tiền làm đảo lộn xã hội, xâm hại nền tảng đạo đức và công lý, cũng như sự phát triển toàn diện của con người. Hiện nay, nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực, trong đó có cả trọng án có quy mô lớn được phát hiện, điều tra, xử lý cho thấy xuất hiện xu hướng liên kết, hình thành tổ chức phạm tội trong các khu vực, lĩnh vực kinh tế, có yếu tố nước ngoài với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp.

Nguy hiểm hơn, tham nhũng, tiêu cực dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là một nguy cơ đối với Đảng ta, nhưng đó là nguy cơ từ bên ngoài tấn công vào nội bộ Đảng, Nhà nước. Với tham nhũng, tiêu cực, đó là quá trình diễn ra từ bên trong. Đây là kẻ thù nội sinh rất nguy hiểm, bởi nó liên quan đến cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn, trực tiếp gây nên những bức xúc, hoài nghi trong nội bộ Đảng và các tầng lớp nhân dân. Sự kết hợp giữa yếu tố bên ngoài và nhân tố bên trong sẽ gây sự rối loạn xã hội, làm cho Đảng suy yếu dần và cuối cùng dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tự đánh mất vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội. Và như vậy, chúng ta sẽ rơi vào cái “bẫy” chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tạo điều kiện cho chúng thực hiện mưu đồ “không đánh mà thắng”.

Có thể khẳng định, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây. Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2022 và định hướng hoạt động cho giai đoạn tới đã thống nhất đánh giá: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả rất quan trọng, cho chúng ta thêm nhiều bài học quý, góp phần nâng cao uy tín của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mở rộng quan hệ đối ngoại.

Những thành quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua có sự đóng góp vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên tăng cường giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, gây nhiều bức xúc trong nhân dân; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý các thông tin do báo chí nêu về tiêu cực, tham nhũng; tích cực tham gia phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Đảng ta cũng thẳng thắn thừa nhận công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn những hạn chế. Đó là: một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu.

Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vẫn còn diễn biến phức tạp; tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội. “Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”…

Thực tiễn quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã cho chúng ta thêm nhiều bài học quý, trong đó là phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên. Đồng thời, đang đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp. Đây cũng là chủ đề của nhiều cuộc Hội thảo do Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, đã đi đến thống nhất cao: lĩnh vực công tác này phải bảo đảm quyền lãnh đạo của Đảng: vì Đảng và vì nhân dân; khẳng định trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong lãnh đạo và chịu trách nhiệm cuối cùng về giám sát, phản biện xã hội.

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm xây dựng và ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; ban hành cơ chế, bố trí cán bộ, kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Các hoạt động này đóng góp quan trọng, thúc đẩy thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp, còn nhiều bất cập, như: tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết, quy chế, quy định của Đảng trong lĩnh vực này vẫn chưa thật sự bài bản, nền nếp; nhiều nơi, nhiều lúc chưa phát huy được một cách hiệu quả nhất sức mạnh của các tổ chức thành viên; thậm chí còn lúng túng trong xác định đối tượng, nội dung và phương thức thực hiện; nhiều nội dung giám sát, phản biện xã hội còn chung chung, thiếu cụ thể, thiếu tính chuyên sâu nhất là trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; một số cấp ủy còn có nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về giám sát, phản biện xã hội; sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy còn nhiều hạn chế, bất cập; việc giám sát tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của đảng viên ở nơi cư trú còn mang tính hình thức hạn chế đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhiều vụ việc vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cấp ủy và người đứng đầu địa phương thời gian qua cho thấy vai trò kiểm tra, giám sát của cấp ủy; các cơ quan chức năng; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị cùng cấp, của nhân dân không được phát huy, mờ nhạt, thậm chí bị vô hiệu hóa, dẫn đến sai phạm kéo dài, có hệ thống, ngày càng trầm trọng, gây bức xúc trong nhân dân.

3. Một số giải pháp góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay

Trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và nhân dân với các trọng tâm, như: quán triệt, triển khai các nghị quyết, quy định của Đảng; giám sát, kiểm tra việc thực hiện của cơ quan cấp ủy về sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp dưới; thể chế nghị quyết, quy định của Đảng về giám sát, phản biện xã hội thành cơ chế, quy định của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương; quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở địa phương trong giám sát, phản biện xã hội; công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ; cấp ủy, chính quyền bảo đảm các điều kiện để hoạt động giám sát, phản biện xã hội được thuận lợi, thông suốt gắn liền với việc tiếp thu của cấp ủy, chính quyền, chỉ đạo giải quyết phản ánh, kiến nghị, góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội…

Thứ hai, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần tiếp tục lựa chọn nội dung, đổi mới phương pháp; xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm cách tiến hành giám sát, phản biện xã hội, tập trung cho chủ đề, nội dung là những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân.

Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tiếp tục phát huy các hình thức giám sát, giám sát theo chuyên đề, giám sát đột xuất, liên thông giữa 4 cấp. Kinh nghiệm hay mới đây của Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương cho thấy, để phát huy vai trò giám sát của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần nhiều hình thức để vận động nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội. Qua đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp ghi nhận, tổng hợp những ý kiến đóng góp, phản ánh của nhân dân, có văn bản kiến nghị cơ quan có thẩm quyền và chức năng cùng cấp xem xét giải quyết.

Đồng thời, định kỳ đi vào đánh giá làm rõ ưu điểm, hạn chế, vai trò nỗ lực chủ quan của Mặt trận Tổ quốc, từng tổ chức chính trị - xã hội với tư cách là chủ thể trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị (trong đó có nội dung tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực).

Thứ tư, đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận các cấp đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ theo hướng trẻ hóa, có trình độ năng lực công tác, nhiệt tình, năng động, sáng tạo, biết cách vận động, thuyết phục các tầng lớp nhân dân, dám đấu tranh với cái xấu, bảo vệ cái tốt, cái đúng. Đổi mới nội dung và hình thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội. Nâng cao toàn diện về chất lượng hoạt động của Mặt trận theo hướng hiệu quả, thiết thực, khắc phục triệt để tình trạng hình thức, hành chính hóa, xa dân.

Tóm lại, có thể khẳng định công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc trong thời gian qua đã được quan tâm, chú trọng và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thông qua giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc đã có tác động tích cực đến việc mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, thi hành pháp luật, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Chính trị (2013). Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 về ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
  2. Bộ Chính trị (2013). Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 về ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  4. Quốc hội (2015). Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.

 

Supervision activities of the Vietnamese Fatherland Front

for preventing corruption and negativity  in Vietnam now

Ph.D Vu Thi Nhu Hoa

Faculty of Politics and International Relations,

Regional Political Academy I

ABSTRACT:

In recent years, the supervision activities of the Vietnamese Fatherland Front have actively promoted their role and brought positive results in the fight against corruption and negativity, creating trust among the people and cadres and affirming the prestige of the Communist Party of Vietnam in the current fight against corruption and negativity.

Keywords: monitoring activities, preventing corruption, negativity, Vietnamese Fatherland Front.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18 tháng 8 năm 2023]