Hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các triều đại phong kiến Việt Nam và gợi mở cho nước ta hiện nay

Hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các triều đại phong kiến Việt Nam và gợi mở cho nước ta hiện nay do ThS. Cao Việt Thăng (Viện Nhà nước và Pháp luật) thực hiện.

TÓM TẮT:

Phòng, chống tham nhũng đang được Đảng, Nhà nước Việt Nam quyết liệt chỉ đạo, thực hiện rốt ráo. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi và có tính tổ chức cao. Trong phạm vi bài viết, tác giả giới thiệu một số kinh nghiệm của các triều đại phong kiến Việt Nam khi tiến hành ứng phó hiệu quả đối với tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, tạo nên những triều đại phong kiến hùng mạnh trong lịch sử dân tộc ta.

Từ khóa: tham ô; tham nhũng; tiêu cực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nhà nước phong kiến; kiểm soát quyền lực.

1. Tội phạm tham nhũng và những quy định về phòng, chống tham nhũng của các triều đại phong kiến Việt Nam

1.1. Nhận diện về tội tham nhũng của các nhà nước phong kiến Việt Nam

Các triều đại phong kiến Việt Nam coi tham nhũng là một trong những tội danh nguy hiểm nhất đe doạ nghiêm trọng đến uy tín, địa vị tối thượng của nhà vua, đến sự tồn vong của chế độ và trật tự, kỷ cương, sự ổn định của xã hội. Nhiệm vụ phòng, chống tệ tham nhũng luôn được các nhà vua và các triều đại quan tâm, giải quyết.

Tội tham nhũng được các triều đại phong kiến Việt Nam nhận diện một cách khá đầy đủ và tương đối đồng nhất như nhận thức của chúng ta hiện nay, cho dù có những cách thức đối phó khác nhau. Các dấu hiệu của các tội này đều được xác định là các tội phạm về chức vụ. Nhìn chung các triều đại phong kiến Việt Nam phản ứng khá mạnh mẽ đối với các tội phạm tham nhũng ở nhiều lĩnh vực đời sống khác nhau. Họ đă đặt ra nhiều quy định pháp lý chặt chẽ để ngăn chặn các hiện tượng tham nhũng xảy ra. Có thể kể đến các quy định nghiêm cấm các hành vi mà quan lại không được làm như: không được tham lam, vơ vét của cải của dân; không được nhận hối lộ, nếu nhận thì tùy theo số lượng tiền mà trị tội; quan thu thuế không được ẩn lậu; không được phép lợi dụng việc công để mưu lợi việc riêng; nghiêm cấm việc vì tình riêng, vì nhận hối lộ mà tiến cử người kém tài, kém đức; các quan xét xử phải giữ phép công bằng, không được nhận đút lót mà làm sai, để có người bị oan uổng…

1.2. Các quy định về phòng, chống tham nhũng trong các triều đại phong kiến Việt Nam

Việc pháp lý hóa các hành vi tham nhũng được các triều đại phong kiến nước ta hết sức quan tâm. Dưới triều Lý, lần đầu tiên một nhà nước quân chủ phong kiến ban hành đạo luật thành văn đầu tiên đó là: Hình thư, đây được coi là bộ luật thành văn đầu tiên trong lịch sử pháp lý Việt Nam. Trong bộ luật này có quy định về mười tội nặng (thập ác). Trong đó, tội tham nhũng cũng được pháp luật đặc biệt quan tâm và có những chế tài rất nghiêm khắc. Năm 1042, Lý Thái Tông đã: “Xuống chiếu về việc phú thuế của trăm họ, cho phép người thu, ngoài 10 phần phải nộp quan được lấy thêm 1 phần nữa, gọi là hoành đầu làm tiền giấy, bút. Lấy quá bị xử theo tội ăn trộm, trăm họ có người tố cáo được tha phú dịch cho cả nhà 3 năm, người ở kinh thành mà cáo giác (nạn nhũng nhiễu, tham ô) thì thưởng cho bằng hiện vật thu được”. Đến năm Minh Đạo thứ ba (1044), nhà vua “Xuống chiếu cho Quyến khố ty (ty coi việc kho lụa), ai nhận riêng một thước lụa thì xử 100 trượng, từ 1 đến 10 tấm trở lên thì phạt trượng theo số tấm, gia thêm khổ sai 10 năm”...

Đến triều Lê, với sự ra đời của bộ Luật Hồng Đức càng cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật đối với các tội phạm về tham nhũng,chỉ tham ô một quan tiền là mất chức, 20 quan tiền là bị tử hình. Hay đối với việc lạm dụng chức vụ Luật cũng quy định những hình phạt khá nặng như: Điều 1 quy định “các chức quan lại có số lượng nhất định, nếu tự ý bổ dụng hay tuyển chọn quá hạn định thì cứ thừa 1 người, phạt người đứng đầu cho 60 trượng, “biếm” 2 tư (hạ chức 2 bậc), hoặc bãi chức, thừa 2 người thì xử tội “đồ” (hình phạt lao dịch khổ sai ở nhiều mức độ)”. Một số quy định khác về tội tham nhũng như: Điều 138 có đoạn quy định rõ như sau:“Quan lại mà tham nhũng, nhận hối lộ, làm sai phép nước thì bị phạt: tham ô từ 1 đến 9 quan tiền, bị cách chức. Từ 10 đến 19 quan bị đánh trượng, đi đày. Từ 20 quan trở lên, bị chém. Các ngươi ăn lễ từ 1 đến 9 quan, phải phạt 50 quan. Từ 10 đến 19 quan, phạt từ 60 đến 100 quan. Từ 20 quan trở lên, phạt tội làm phu. Của hối lộ bỏ vào kho một phần, một phần trả lại chủ”.Việc xử phạt này không phân biệt giàu nghèo hay chức vụ đảm trách.

Đến thời nhà Nguyễn, Bộ luật Gia Long ra đời, trong 400 điều, có 79 điều quy định về các tội liên quan đến tham nhũng và bị trừng trị rất nghiêm khắc. Trong đó, Điều 31 quy định quan lại nhận hối lộ phải chịu hình phạt thấp nhất là 70 trượng, cao nhất là treo cổ. Hay như: Điều 111 quy định: Quan lại dùng uy thế (chức vụ) vô cớ bắt trói người và tra khảo họ nơi tư gia (không kể có thương tích hay không thương tích) thì tăng hơn người thường hai bậc tội. Nếu nạn nhân chết, người ấy bị xử treo cổ. Hay như quy định tại Điều 392: “Người nào dùng các thủ đoạn biển thủ, lấy trộm tiền lương, vật tư ở kho, cũng như mạo phá vật liệu đem về nhà. Nếu tang vật lên đến 40 lượng thì bị chém”. Người phụ trách việc xây dựng, không được lợi dụng quyền để mượn vật tư, tiền công dù rất nhỏ, nếu bị phát giác sẽ bị quy tội nặng. Các quan cậy thế hoặc dùng sức ép để buộc người khác cho mình mượn hàng hóa, vật tư, tiền công thì tùy theo giá trị hiện vật để xử phạt, nhẹ thì mỗi thứ hàng hóa phạt 100 trượng, bị lưu 3.000 dặm, thu hồi hết tang vật, nếu nặng thì tử hình.

Nhìn lại các bộ luật cũng như các văn bản pháp luật của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam trước đây, có thể thấy những quy định rất khắt khe của pháp luật đối với các tội tham nhũng. Điều này thống nhất với tư tưởng trị quốc là nêu gương và trách nhiệm phụ mẫu của quan lại với xã hội, xử nghiêm các hành vi mà quan lại không được làm. Đó là không được tham lam, vơ vét của cải của dân; không được nhận hối lộ, nếu nhận thì tùy theo số lượng tiền mà trị tội; không được ẩn lậu khi thu thuế; không được phép lợi dụng việc công để mưu lợi việc riêng; nghiêm cấm vì tình riêng, vì nhận hối lộ mà tiến cử người kém tài, kém đức; các quan xét xử phải giữ lẽ công bằng, không được nhận đút lót mà làm sai, để có người bị oan uổng.

2. Các biện pháp kiểm soát quyền lực nhà nước để thực hiện phòng, chống tham nhũng của các triều đại phong kiến Việt Nam

2.1. Các biện pháp kiểm soát quyền lực bằng các cơ quan chuyên trách của các triều đại phong kiến Việt Nam

Trong thời Trần, Ngự sử đài được xác nhận là cơ quan giám sát cao nhất có nhiệm vụ khuyến cáo những lỗi lầm của nhà vua và đàn hặc các quan lại phạm tội. Việc ra đời Ngự sử đài, được cho là cơ quan giám sát tối cao đối với quyền lực nhà nước nói chung và đối với việc phòng, chống tham nhũng nói riêng.

Dưới triều nhà Lê, Ngự sử đài vẫn được xác nhận vị trí cơ quan giám sát tối cao, Vua Lê Thánh Tông đã đặt ra 6 khoa (lục khoa) để kiểm soát việc của 6 bộ (bộ Lại, Thị, Lễ, Binh, Hình, Cung) gồm; 1. Trung thư khoa; 2. Hải khoa; 3. Đông khoa; 4. Tây khoa; 5. Nam Khoa: 6. Bắc khoa. Lục khoa là cơ quan thanh tra ở sáu bộ, có trách nhiệm tâu hặc quan lại sai trái và các việc không đúng thể thức ở mỗi bộ. Ở địa phương, triều đình lập ra cơ quan Giám sát Ngự sử để đi xem xét công việc ở cấp đạo trở xuống. Mỗi đạo lại có Hiến sát sứ ty để thanh tra quan lại tránh sự nhũng nhiễu dân chúng, đồng thời còn để kịp thời phát giác và hạch tội các quan, làm rõ những điều uẩn khuất trong dân chúng.

Vào năm 1804, dưới triều Nguyễn, ngay sau khi lên ngôi, Vua Gia Long đặt các chức Đô ngự sử và Phó đô ngự sử. Năm 1827, vua Minh Mạng đặt thêm các chức Cấp sự trung và Giám sát ngự sử. Đến năm 1832, Ngài chính thức đặt Đô Sát viện với một quy chế đầy đủ bao gồm Lục khoa và Giám sát ngự sử các đạo. Đô Sát viện với một đội ngũ Ngôn quan được phép có lời nói thẳng, nói thật, khuyên ngăn việc nước. Chức năng của Đô Sát viện được xác định là: “Phàm hoàng thân quốc thích, quan viên lớn nhỏ có điều làm bất công, bất pháp, thực trạng tham nhũng hay liêm khiết, hay hoặc dở của quan chức trong ngoài, cùng các chương tấu có ý kiến không theo công lý đều được tham hặc…”1. Nhiệm vụ của Đô Sát Viện là giám sát hành vi của các quan lại trong triều kể cả hoàng thân quốc thích để phát hiện ra những hành vi khuất tất, không công bằng, không giữ phép, dối trá, bưng bít, chuyên quyền đều phải tham hặc. Đô Sát Viện còn giám sát cả việc thi cử tuyển chọn nhân tài nhằm đảm bảo sự công bằng trong thi tuyển, lựa chọn được người hiền tài giúp nước, giúp vua.

Để thi hành công vụ, Đô Sát Viện có một hệ thống giám sát đoàn, Giám sát ngự sử 16 đạo trong Đô Sát Viện có nhiệm vụ giám sát dưới địa phương để phát hiện quan lại có tệ tham ô, tham hặc, những việc không công bằng, không giữ phép. Các quan chức trong Đô Sát Viện và các giám sát đoàn cũng có quyền “hặc tấu lẫn nhau”.

Đô Sát viện là cơ quan độc lập ở Trung ương chịu trách nhiệm trực tiếp trước Hoàng đế. Đó là cơ quan giám sát có quyền lực lớn nhất trong lịch sử tổ chức ngành Giám sát thời phong kiến. Có thể nói, Đô Sát Viện là cơ quan giám sát cao nhất và hoàn chỉnh nhất của triều Nguyễn, tạo nên một hệ thống giám sát chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, vừa tăng cường hiệu lực của cơ chế quân chủ tập quyền, vừa đảm bảo sự minh bạch, góp phần làm trong sạch bộ máy cai trị.

2.2. Các biện pháp kiểm soát quyền lực bằng các quy định pháp lý trong các triều đại phong kiến Việt Nam

Có thể thấy các quy định pháp luật nhằm kiểm soát quyền lực nhà nước phong kiến đối với các quan lại khá hà khắc và chặt chẽ. Theo cách nhìn của các triều đại phong kiến Việt Nam, người làm quan không chỉ phải tuân thủ pháp luật thông thường họ còn phải là tấm gương cho người dân thực hiện. Bên cạnh đó, các nhà nước phong kiến coi các loại tội danh này là một trong những tội danh nguy hiểm nhất đe dọa nghiêm trọng đến uy tín, địa vị tối thượng của nhà vua, đến sự tồn vong của chế độ và trật tự, kỷ cương, sự ổn định của xã hội phong kiến. Đồng thời, kết hợp với truyền thống cát cứ hàng ngàn năm, gây nên bao nạn binh đao do mất kiểm soát quyền lực của trung ương đối với địa phương nên việc xây dựng những quy định pháp lý ngăn chặn tình trạng này triệt để cũng được các triều đại phong kiến nước ta hết sức chú trọng.

Khi nhà Lý ra đời, họ đã ngay lập tức ban hành bộ Hình thư, đây cũng được coi là bộ luật thành văn đầu tiên trong lịch sử pháp lý Việt Nam. Trong bộ luật này, tội tham nhũng cũng được pháp luật đặc biệt quan tâm và có những chế tài rất nghiêm khắc. Cụ thể, hình phạt chính, các quan ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan tiền bị phạt 50 quan; từ 10 đến 19 quan thì bị phạt 60 đến 100 quan. Của hối lộ một phần trả lại chủ, một phần sung vào kho quỹ của triều đình.

Đến triều Trần, việc giữ gìn phép nước và trật tự xã hội nhằm phát triển sản xuất, thống nhất quốc gia..., lại rất nghiêm khắc.

Tới triều nhà Lê, với sự ra đời của Luật Hồng Đức và các văn bản pháp lý khác đã chứng tỏ sự nhận thức rất rõ và có tính phòng ngừa rất cao về các nguy cơ của tệ tham ô, tham nhũng và khả năng mất kiểm soát quyền lực của chính quyền trung ương. Cụ thể, Bộ luật Hồng Đức có 722 điều, trong đó có trên 40 điều liên quan việc phòng, chống tham nhũng2. Trong số các quy định này có rất nhiều quy định có tính ràng buộc, kiểm soát đối với những người có chức vụ, quyền hạn như quy định về việc đưa tiền hối lộ để không phải đi lính (Điều 170), để được tuyển dụng (Điều 174). Trong luật cũng đưa ra các quy định như: không đưa quan lại về quê hương bản quán trị nhậm; không được tậu ruộng vườn, đất đai, nhà cửa tại nơi cai quản; không được đưa người cùng quê làm giúp việc; không cho những người có quan hệ thầy trò, bạn bè làm việc cùng một nơi 2. Trong thời gian này, ngoài các quy định trong Bộ luật Hồng Đức, pháp luật nhà Lê còn có sự đồng hành của các văn tự pháp lý ghi chép lại các lệ (các bản án điển hình phản chiếu cách phán xử hồi xưa)3, bình luận các bản án tiêu biểu để làm căn cứ áp dụng chung cho cả nước, trong đó nổi bật như sách Hồng Đức Thiện Chính Thư. Với các nội dung phản ánh trong đó cũng đề cao việc kiểm soát quyền lực nhà nước như quy định về việc chuyển vị trí công tác, hôn sự tại nơi quản lý: Quan chức đến chỗ ly sở, không có cớ gì không được ra khỏi đó và không được lấy vợ trong bản hạt. Ai trái lịnh này sẽ bị phạt tội trượng tám chục và khép vào tội đồ4. Sách cũng diễn giải rõ hơn phương án xử lý các quan lại vi phạm các quy định này: Rông rỡ làm càn. Đã là quan phụ mẫu, mà làm trái phép nước lấy con gái ở bản hạt hạ làm vợ, thật chẳng sợ hiền chương. Ngặt làm việc bất thiện, bất công, thì không thể trị dân, trị nước. Theo luật khép y vào tội trượng và bãi chức. Quốc triều không tha…5 Với các quy định như vậy, có thể thấy thời phong kiến việc ngăn ngừa khả năng vận động quyền lực và cát cứ để xây dựng các thế lực quyền lực cũng như khả năng lạm dụng quyền lực của quan lại đã được triều đình trung ương hết sức chú trọng. Đặc biệt, trong kỹ thuật lập pháp và áp dụng pháp luật thời Lê không chỉ xây dựng được một Bộ luật hoàn chỉnh (Luật Hồng Đức) được đánh giá là:một mẫu mực về trình độ, kỹ thuật lập pháp6, khi mà các điều luật khá rõ ràng, cấu thành khá đầy đủ có giả định, quy định và chế tài mà còn kịp thời ban hành các bản án điển hình làm căn cứ áp dụng thống nhất trong toàn quốc như Hồng Đức Thiện Chính Thư đã trình bày ở trên.

Đến thời vua Gia Long với sự ra đời của Luật Gia Long, trong số 400 điều của bộ luật này, có 79 điều quy định về các tội liên quan đến tham nhũng và có những điều rất hà khắc2. Một trong những biện pháp rất được các triều đại tin dùng đó là luật (hoặc lệ) hồi ty, kế thừa các tư tưởng trước đây Luật Gia Long cũng hướng tới việc kiểm soát quyền lực đối với đội ngũ quan lại. Theo đó, một viên quan đứng đầu một địa hạt không được phép nhậm chức tại quê hương mình, không được lấy vợ là người sở tại, không được phép có nhà cửa, ruộng vườn, ao đầm trên địa hạt mình cai quản, không được có người cấp phó là đồng hương, và điều quan trọng là các quan lại này đều được dịch chuyển địa hạt cai quản theo một chu trình nhất định. Năm 1831, vua Minh Mạng cho ban hành Luật Hồi tỵ, quy định các việc phải kiêng kỵ, tránh né, buộc bộ các chức sắc trong bộ máy từ triều đình đến nơi thôn dã phải triệt để chấp hành. Luật này quy định, khi sắp xếp, bố trí bộ máy quan lại, phải triệt để tránh (không bố trí) những nơi quê gốc (quê nội), vì ở đó có quan hệ họ tộc gần gũi từng sinh sống nhiều đời sinh sống…; không bố trí ở quê ngoại (bao gồm quê mẹ, quê vợ và cả những nơi trước đây đã từng theo học), dù chỉ ngắn ngày. Đến đời vua Thiệu Trị, nhà vua bổ sung thêm một số điều của luật xử án, trong đó có các quy định ngăn ngừa, loại bỏ các mối quan hệ thân tộc, gia đình, đồng hương, bè cánh, tránh tình trạng bao che, thông đồng để thực hiện những hành vi tham nhũng, hối lộ, trù dập, ức hiếp người tố cáo, làm sai lệch cán cân công lý 2.

3. Kết luận

Trong pháp luật phong kiến Việt Nam, việc ra đời các hình phạt nghiêm khắc khiến tình trạng lạm dụng quyền lực của các quan lại cũng bị hạn chế rất nhiều. Việc quy định các hình phạt nặng làm cho các quan lại không dám tham nhũng hoặc lạm quyền. So sánh với thời kỳ hiện nay, tình trạng tham nhũng tràn lan cũng có nguyên nhân một phần do các hình phạt còn nhẹ. Đối chiếu với pháp luật của các nhà nước phong kiến trước đây họ đã có những quy định khá hiệu quả hạn chế tình trạng này như quy định cấm làm quan nơi quê nội, quê ngoại, cấm lấy vợ nơi địa hạt mình quản lý (triều Lê), áp dụng luật Hồi tỵ triều Nguyễn..., đây cũng là một trong những vấn đề cần tham khảo.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Các biện pháp chế tài để điều tiết cực quyền của bộ máy nhà nước tập quyền triều Nguyễn. Nguồn www.hue.vnn.vn

2https://dangcongsan.vn/tieu-diem/phong-chong-tham-nhung-nhung-bai-hoc-lich-su-va-hanh-dong-cua-chung-ta-hom-nay-488572.html

3Vũ Văn Mẫu, Lời tựa Hồng Đức Thiện Chính Thư, do Nguyễn Sĩ Giác dịch, Nam Hà ấn quán, Sài Gòn 1959, tr. XIII

4Hồng Đức Thiện Chính Thư, mục số 53.

5Hồng Đức Thiện Chính Thư, mục số 292.

6https://phaply.net.vn/tim-hieu-gia-tri-cua-luat-hong-duc-duoi-goc-nhin-duong-dai-a160971.html

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ luật Hồng Đức.
  2. Hồng Đức thiện chính thư.
  3. Bộ luật Gia Long.
  4. Lê triều chiều lịnh Thiện chính.
  5. PGS. TS. Đỗ Đức Minh (tháng 8/2023), Vận dụng tư tưởng, kinh nghiệm về kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng trong thời kỳ phong kiến Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Quan điểm, định hướng về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam; Đề tài Khoa học cấp độc lập quốc gia, Mã số: ĐTĐL.XH-05/21, “Kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam”.
  6. Lê Đức Tiết (2010), Bộ luật Hồng Đức di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam, NXB Tư pháp Hà Nội.
  7. GS. Vũ Khiêu - PGS.TS. Thành Duy (2000), Đạo đức và pháp luật trong triết lý phát triển ở Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội.

ANTI-CORRUPTION AND ANTI-NEGATIVITY

MEASURES OF VIETNAMESE FEUDAL DYNASTIES

AND LESSONS LEARNED

• Master. CAO VIET THANG

Institute of State and Law

Vietnam Academy of Social Sciences

ABSTRACT:

The Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam have strictly directed and implemented anti-corruption measures. However, corruption and negativity are becoming more and more complex. This paper introduces some experiences of Vietnamese feudal dynasties in preventing and fighting corruption and negativity, creating powerful feudal dynasties in Vietnam's history.

Keywords: corruption, negative, corruption and negativity prevention, feudal state, power control.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23 tháng 10 năm 2023]

Tạp chí Công Thương