Xách làn đi chợ mới thương người nghèo

Một điều thật trớ trêu, trái ngược với quy luật tự nhiên là cứ khi Nhà nước bắt đầu rục rịch tăng lương người dân lại thấy lo lắng. Và càng đến gần ngày hiệu lực ấy được thực thi, người ta càng thấy

Mãi đến tận tháng 1-5-2011 này, người lao động mới được hưởng tiền lương tăng từ 730.000đồng lương tối thiểu lên 830.000đồng. Tính trung bình một người lao động (đã tốt nghiệp Đại học), đang hưởng ở bậc lương 3.0, thì được hưởng thêm số tiền lương tăng là 300.000đồng/tháng. Khoản tăng này đối với ngân sách Nhà nước là một sự nỗ lực rất lớn nhưng nếu tính với người lao động thì lại chẳng thấm vào đâu so với cơn “bão giá” ngoài thị trường. Lo lớn là điện, nước, xăng dầu đến nhỏ như cái kim sợi chỉ cũng tăng giá. Không cần sự giám sát nào cũng biết sẽ chẳng có mặt hàng nào chịu “lọt lưới” trong đợt tăng giá này. Đó là chưa kể, trước đó người tiêu dùng đã phải oằn vai chịu thêm nỗi oan tăng giá khi “rò rỉ” thông tin “lương sẽ tăng”...

Đấy là mới chỉ nói tới bộ phận công nhân viên chức Nhà nước, còn rất nhiều người lao động không nằm trong diện được tăng lương nhưng vẫn phải sống chung cùng tăng giá.

Đi chợ sợ “vượt định mức” 

Tại TP. Hồ Chí Minh mặc dù có nhiều chương trình bình ổn giá, trợ giá tuy nhiên trong “cơn bão giá” như hiện nay khiến đời sống công nhân bị đảo lộn.

17 giờ chiều ngày 1-3, công nhân tại khu chế xuất Tân Thuận ùn ùn đổ về chợ chợ tạm Bùi Văn Ba để đi chợ chuẩn bị cho bữa tối. Đây cũng chính là thời gian cao điểm trong ngày đối với chợ công nhân. Dạo quanh chợ một vòng nhìn vào các sạp rau, cá để lựa chọn cuối cùng chị em Nguyễn Thanh Thảo (công nhân công ty Nidec Copal, khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) dừng lại trước hàng cá. Sau khi hỏi giá cả, chủ sạp cá cho biết, 35.000 đồng/kg cá điêu hồng. Biết rau củ quả và thực phẩm cái gì cũng tăng giá nên sau một hồi dạo chợ chị em Thảo quyết định mua một quả bầu nhỏ cùng 4 miếng đậu hũ về chiên xả ớt.

Lo ngại về bữa ăn đạm bạc, Thảo cho biết: “Mấy ngày nay hai chị em chủ yếu ăn rau và trứng. Chiều nay làm về sớm tính mua con cá điêu hồng về chiên nhưng đắt quá. Mấy bữa trước chỉ có 28.000-30.000 đồng/kg nay đã tăng lên chóng mặt. Giá càng tăng cao bao nhiêu, công nhân càng khổ bấy nhiêu. Giá tăng trong khi đó lương vẫn giậm chân tại chỗ hoặc nếu có tăng cũng chỉ tăng thêm chút ít không đáng kể.

Sau một ngày làm việc, đến chiều tối khu nhà trọ gần chợ Tạm Bùi Văn Ba trở nên yên ắng hơn. Hầu hết các phòng đang chuẩn bị cho bữa tối đạm bạc. Cầm rổ rau mùng tơi trên tay, chị Hồng Nga công nhân may khu chế xuất Tân Thuận phàn nàn: “10 năm trước lương công nhân hơn 1 triệu đồng thì rau muống chỉ 2.000 đồng/kg. Nay lương công nhân lên đến 2 triệu đồng, rau muống đã ở mức 8.000 đồng/kg. Thử hỏi với đà này công nhân sống sao nổi?”. Được biết, một tháng 4 người ở cùng phòng chị Nga bỏ vào quỹ chung 4 trăm ngàn gọi là quỹ tiền ăn một tháng. Để có thể quản lý được khoản chi đúng định mức trên nhiều người trong phòng không dám đi chợ vì đi không biết mua gì, mà mua thì chỉ lo “vượt định mức” đã quy định.

Những công nhân nghèo tại các khu chế xuất, khu công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh không chỉ bị đảo lộn vì đợt tăng giá “chóng mặt” đối với hàng tiêu dùng thiết yếu, mà còn phải “đau đầu” vì giá tiền phòng và tiền điện tiếp tục tăng. Tính đến thời điểm này, tất cả các khu nhà trọ đều đã có bảng giá thông báo tăng giá phòng, giá điện sinh hoạt.

Trước căn phòng trọ nằm sâu trong con hẻm bên cạnh công ty PouChen (khu công nghiệp Tân Tạo), chị Trần Thị Thuý Mai, công nhân công ty PouChen, đang chất những bao đồ lỉnh kỉnh lên chiếc xe cà tàng để chuyển đi ở ghép. “Chủ nhà trọ vừa tăng tiền phòng mỗi tháng từ 500.000 đồng lên 700.000 đồng, tiền điện, nước cũng tăng trong khi lương của tôi vẫn giậm chân ở mức 2 triệu đồng/tháng nên phải dọn đi ở chung với bạn”- chị Mai than thở. Đồng cảnh ngộ với chị Mai, anh Hoà (công nhân, ngụ trên đường Trương Minh Giảng, phường 7, quận Gò Vấp) “tá hoả” khi nhận được “hung tin” chủ nhà tăng giá tiền phòng từ 1 triệu lên 1,2 triệu đồng, tiền điện cũng tăng từ 3.500 đồng lên 4.000 đồng/kw.

Để “bù lỗ” các khoản tiền trọ, công nhân buộc phải “nhảy cóc” từ công ty này sang công ty khác với mong muốn cải thiện đồng lương, tăng thêm thu nhập còn không thì tìm thêm người ở chung, tăng ca ngày chủ nhật, làm thêm trong ngày lễ...

“Khéo co thì ấm” 

Đầu năm 2011 này, mức lương tối thiểu đối với lao động tại các doanh nghiệp đã được điều chỉnh tăng lên nhưng như nhiều nhà nghiên cứu đánh giá, mức lương cơ bản do Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội đề ra vẫn quá thấp so với nhu cầu của người lao động. Đây là một điểm để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài “lấy cớ” hạ thấp lương công nhân của ta. Lương không đủ sống làm sao nâng cao được đời sống người lao động?

TS Đặng Quang Điều (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - một cán bộ đã có nhiều năm nghiên cứu về chính sách tiền lương nhận định: Phải nói rằng tiền lương của cán bộ công nhân viên trong thời gian qua đã được cải thiện một bước. Tuy nhiên nếu so sánh với một số mặt hàng thiết yếu như giá thuê nhà, giá điện, giá lương thực, thực phẩm thì với mức độ tăng lương tối thiểu như trên, đời sống của người lao động cũng không được cải thiện là bao. Nói cách khác, đồng lương của người lao động cứ mãi phải chạy đuổi theo thời “bão giá”.

Dư luận đặt câu hỏi: Để xảy ra tình trạng mức lương tối thiểu chung của nước ta chưa thể “đuổi kịp”, đáp ứng đời sống của người lao động với tình trạng trượt giá của nền kinh tế như hiện nay, phải chăng là do mỗi khi xác định mức lương tối thiểu, các nhà làm chính sách thường căn cứ khả năng chi trả của ngân sách đối với người lao động khu vực nhà nước hơn là nhìn vào thực tế đời sống người lao động?

Và câu trả lời của một chuyên gia trong lĩnh vực này là: Đúng! Vị chuyên gia này cho rằng, đáng lẽ khi xác định và điều chỉnh mức lương tối thiểu phải căn cứ vào mức độ chi phí tối thiểu để người lao động có thể tái tạo sức và tái tạo sức lao động mở rộng bao gồm các chi phí cho lương thực, thực phẩm, nhà ở, đi lại, học hành, khám chữa bệnh, nuôi con... Tuy nhiên trong điều kiện nước ta hiện nay việc xác định và điều chỉnh mức lương tối thiểu chủ yếu vẫn dựa vào hai yếu tố là mức độ trượt giá hay nói cách khác là chỉ số CPI và khả năng chi trả của ngân sách. Với cách điều chỉnh lương tối thiểu như vậy có thể nói là lương tối thiểu chỉ có thể đảm bảo cho người lao động tái tạo sức lao động chứ chưa nói gì đến tái tạo sức lao động mở rộng của họ.

Nói vậy, có nghĩa là đồng lương hiện nay của công nhân, viên chức nhà nước chưa đảm bảo để họ sống một cuộc sống “đủ” chứ đừng nói đến cuộc sống “đầy”. Hay nói cách khác, lương tối thiểu hiện nay đang mang nặng tính bình quân, cào bằng, không đủ để một người lao động sống bằng chính đồng lương mình làm ra.

Thời buổi lương chạy theo giá , người lao động chẳng còn cách nào khác là phải “sống chung với lũ”. Với nhiều gia đình, để chống chọi với quy luật ấy, họ đã phải tiết giảm những chi tiêu không cần thiết, cắt bỏ những sở thích cá nhân, tính toán chi tiết hơn cho thực đơn mỗi bữa ăn hàng ngày, miễn làm sao để “khéo co thì ấm”.