Hợp tác Việt Nam - Ba Lan: hôm qua, hôm nay và ngày mai

Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Ba Lan bắt đầu từ giữa những năm 50 của thế kỷ XX. Hiệp định cấp Chính phủ đầu tiên được ký kết vào năm 1956, khởi đầu cho sự hợp tác giữa hai nước. Trong năm này, Việ

Trong lĩnh vực kinh tế, Ba Lan đã cung cấp tín dụng cũng như cho vay không hoàn lại để xây dựng 10 công trình công nghiệp mang tính chiến lược cho Việt Nam: Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Nhà máy Bê tông Thịnh Liệt, Nhà máy Gạch Silicát Lĩnh Nam, Nhà máy Gạch Cổ Đàm, Nhà máy Đóng tầu Hạ Long, Nhà máy Gạch Giếng Đáy, Nhà máy Đường Văn Điển, Nhà máy Công cụ Hải Phòng, Bệnh viện Vinh. Ngoài ra, Ba Lan còn giúp Việt Nam phát triển các đồn điền cà phê, chè, cao su, cũng như cung cấp nhiều vật tư thông dụng thiết yếu khác. Cho đến nay, các thiết bị máy móc của Ba Lan được lắp đặt tại các nhà máy trên vẫn hoạt động tốt, tạo nên ấn tượng tốt đẹp về Ba Lan.

Trong quá trình khôi phục và phát triển kinh tế, Việt Nam đã nỗ lực thanh toán toàn bộ các khoản nợ từ trước năm 1990 theo đúng kỳ hạn, trong đó, Chính phủ Ba Lan đã tặng Việt Nam khoảng 1 triệu Frăng dùng vào việc trùng tu các di tích lịch sử ở thành phố Huế.

Trong nửa sau những năm 80 của thế kỷ XX, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt khoảng 60 triệu Rúp mỗi năm. Kể từ năm 1991, sau khi hiệp định tự do tiền tệ được ký kết, trao đổi hàng hóa giữa hai nước đã được thanh toán bằng đô la Mỹ. Việc ký kết hiệp định trên đã dẫn tới sự suy giảm lớn trong thương mại giữa hai nước trong những năm 1991-92, đặc biệt là xuất khẩu của Ba Lan sang Việt Nam

Từ năm 1993 đến nay,  trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng dần, trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Ba Lan tăng nhanh hơn xuất khẩu từ Ba Lan sang Việt Nam. Trong thời kỳ này, Ba Lan đã cung cấp dây chuyền sản xuất a xít sun phu ríc cho Nhà máy Hóa chất Lâm Thao, dây chuyền sản xuất bánh kẹo cho Nhà máy Thực phẩm Hà Đông, cần trục di động cho cảng Hải Phòng, các máy móc, thiết bị mỏ cho Tổng Công ty Than Việt Nam, trang thiết bị tầu thuyền cho Tổng Công ty Tầu thủy Việt Nam  (Vinashin) v.v...

Năm 2002, trao đổi thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 143 triệu USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Ba Lan đạt 124 triệu USD, từ Ba Lan sang Việt Nam đạt 19 triệu USD. 7 tháng đầu năm 2003, trao đổi thương mại hai chiều giữa hai nước có nhiều tiến triển và đạt 99 triệu USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan đạt 77 triệu USD và ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của Ba Lan sang Việt Nam đạt 22 triệu USD. Các mặt hàng của Ba Lan xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là phụ tùng máy móc khai thác mỏ, đóng tầu, tân dược và các sản phẩm từ sữa. Kim ngạch xuất khẩu của Ba Lan sang Việt Nam tăng 72,6% so với cùng kỳ năm 2002, trong đó, các mặt hàng như thép, phụ tùng máy móc phục vụ công nghiệp đóng tầu đạt 14,56 triệu USD, tăng 340% và 483% so với cùng kỳ năm 2002. Đây cũng là những mặt hàng chiếm thị phần lớn nhất (65,99%) trong tổng số kim ngạch xuất khẩu của Ba Lan sang Việt Nam. Tiếp đến là các sản phẩm từ sữa như sữa bột, sữa nước v.v...với kim ngạch xuất khẩu đạt 20,19% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Ba Lan sang Việt Nam. 7 tháng đầu năm 2003, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng từ sữa đạt 4,46 triệu USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2002. Mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Ba Lan sang Việt Nam là các loại thuốc tân dược, với kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2003 đạt 1,53 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2002 và chiếm 6,95% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ba Lan sang Việt Nam.

Tình hình xuất khẩu từ Việt Nam sang Ba Lan  nhìn chung vẫn ổn định.Việt Nam xuất khẩu sang Ba Lan các mặt hàng chủ yếu là giầy dép, quần áo, các mặt hàng nông sản như gạo, chè, cà phê v.v...7 tháng đầu năm 2003, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan đạt 77 triệu USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2002. Các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang Ba Lan là giầy dép, quần áo, thực phẩm chế biến (mỳ ăn liền, gia vị) đều giảm so với cùng kỳ năm 2002, cụ thể là các mặt hàng.dệt-may đạt 9,47 triệu USD, giảm 10,2%; giầy dép đạt 24,5 triệu USD, giảm 23,2%; các mặt hàng thực phẩm chế biến như mỳ ăn liền, gia vị đạt 33,13 triệu USD, giảm 27,1%. Trong khi đó, các mặt hàng khác đều có kim ngạch xuất khẩu tăng. Đáng kể nhất là sản phẩm cao su, đạt 2,44 triệu USD, tăng 95,3% so với cùng kỳ năm 2002, tiếp đến là các mặt hàng nông sản như gạo, chè, cà phê...với kim ngạch xuất khẩu đạt 28,07 triệu USD, tăng 43,3% so với cùng kỳ năm 2002.

Năm 1999, Hiệp định cấp tín dụng trị giá 70 triệu USD của Ba Lan nhằm xây dựng và phát triển công nghiệp tầu thủy của Việt Nam đã được đi vào thực hiện. Đến năm 2002, các hợp đồng sử dụng khoản tín dụng nói trên đã được hai bên thỏa thuận và ký kết. Việc thực hiện hợp đồng sẽ được kéo dài đến hết năm 2005. Việt Nam đã sử dụng khoản tín dụng nói trên để hiện đại hóa Nhà máy Đóng tầu Hạ Long, lắp đặt dây chuyền sản xuất tầu đánh cá bằng nguyên liệu composit, đóng mới 4 tầu công-ten-nơ, xây bể thử mô hình và trung tâm thử nghiệm tầu thuỷ quốc gia. Hiện nay, theo đánh giá của Tông Công ty Tầu Thủy Việt Nam (Vinashin), phía Ba Lan đã cung cấp khoảng 34 triệu USD các loại máy móc, vật liệu phục vụ các hợp đồng nêu trên.

Tín dụng hỗ trợ xuất khẩu phần nào đã điều chỉnh tình trạng mất cân đối trong thương mại giữa hai nước, tức là làm giảm những bất lợi trong cán cân mậu dịch của Ba Lan. Ba Lan hiện cũng đang tìm kiếm những biện pháp và khả năng để khắc phục tình trạng hiện nay, bằng cách tiếp tục cung cấp tín dụng hỗ trợ xuất khẩu và tiếp cận với các lĩnh vực đang phát triển tại Việt Nam mà Ba Lan đã có nhiều kinh nghiệm. Trong năm qua, hai nước đã trao đổi nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, khai thác mỏ...Chính phủ Ba Lan sẵn sàng cung cấp tín dụng mới cho Việt Nam, phục vụ phát triển công nghiệp khai thác than tại Việt Nam. Theo thông tin ban đầu, khoản tín dụng mới này có giá trị 92 triệu USD. Về phía Ba Lan, việc ký hợp đồng sẽ do Công ty Kopex SA đảm nhận và phía Việt Nam, là Tổng Công ty Than (Vinacoal) đảm nhận. Hiện nay, hai bên đang trong quá trình thương lượng về  các điều kiện cũng như mục đích sử dụng khoản tín dụng mới này.

Những tiềm năng hiện có trong trao đổi hàng hóa còn lớn hơn kết quả thực tế nhiều. Việt Nam là thị trường khả quan và hấp dẫn, được các doanh nghiệp Ba Lan ngày càng đánh giá cao. Các doanh nghiệp Ba Lan sẵn sàng thảo luận với các doanh nghiệp Việt Nam để tìm ra các giải pháp mới, hình thức hợp tác mới trong kinh doanh để đẩy mạnh thương mại cho phù hợp với tiềm năng của hai nước. Với mục đích này, năm 2003, đoàn đại biểu Thượng nghị viện Ba Lan, đứng đầu là Chủ tịch Thượng nghị viện Longin Pastusiak và Phòng Thương mại Ba Lan đã tổ chức 1 đoàn gồm 29 doanh nghiệp Ba Lan hoạt động trong nhiều lĩnh vực sang thăm và làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam. Trong buổi tọa đàm giữa hai bên, các doanh nghiệp Ba Lan đã rất hài lòng về sự quan tâm nhiệt tình của các công ty Việt Nam và nhiều doanh nghiệp Ba Lan đã bầy tỏ ý định đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam.

Tháng 10/2003, Chủ tịch nước Trần Đức Lương cùng với đại diện của 40 doanh nghiệp đã có chuyến thăm chính thức CH.Ba Lan. Các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực đóng tầu, khai thác mỏ, dệt-may,  giầy dép,  hàng không, đường sắt...Trong chuyến thăm và làm việc này, một lần nữa, các doanh nghiệp Việt Nam và Ba Lan lại có cơ hội gặp mặt, trao đổi thêm về khả năng hợp tác, đầu tư trong tương lai.

Trên nền tảng hợp tác sẵn có của hai nước, chúng ta tin tưởng rằng, triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Ba Lan ngày càng phát triển tốt đẹp./.

  • Tags: