Hưng Yên nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh

Thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều đổi mới trong chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính (CCHC). Đồng thời, chú trọng xây dựng đội ngũ CB,CC,VC chuyên nghiệp; duy trì nền nếp văn hóa công sở theo quy định. Qua khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về thái độ phục vụ của cán bộ, công chức làm việc tại trung tâm cho thấy tỉ lệ đánh giá rất hài lòng và hài lòng đạt 99,98%.

Sau khi Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hằng năm được công bố, tỉnh đều khai thác, phân tích dữ liệu đánh giá của trung ương, tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia nhằm tìm giải pháp khắc phục điểm yếu; phát động các phong trào thi đua, tạo chuyển biến trong tư duy, hành động của các cá nhân, tổ chức để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh vì mục tiêu phát triển của tỉnh.

Không để việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh theo kiểu “trên nóng, dưới lạnh”, ngày 23/9/2021, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 12/CT-CTUBND về việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ, chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức nhằm cải thiện chỉ số  năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Hưng Yên. Hàng loạt hoạt động cụ thể được triển khai như: Lập, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khởi công xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; xúc tiến đầu tư; đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), số hóa dữ liệu hồ sơ doanh nghiệp; rút ngắn thời gian giải quyết TTHC từ 15 ngày xuống còn 7 ngày đối với thủ tục điều chỉnh thời hạn thuê đất; giảm từ 30 xuống 20 ngày với thủ tục giao đất, thuê đất... Quy trình giải quyết TTHC được công khai, minh bạch đã tạo sức hấp dẫn các nhà đầu tư.

Là đầu mối thực hiện việc tiếp nhận, hướng dẫn, giám sát việc giải quyết TTHC, thời gian qua, Trung tâm Phục vụ hành chính công và kiểm soát TTHC tỉnh (Trung tâm) đã được tỉnh đầu tư hệ thống trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp. 4 năm hoạt động, Trung tâm đón tiếp gần 300 nghìn lượt công dân, đại diện tổ chức, doanh nghiệp; tiếp nhận 220 nghìn hồ sơ TTHC. Tỉ lệ hồ sơ TTHC giải quyết đúng, trước hạn đạt 98,9%. Đồng chí Đỗ Cao Công, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công và kiểm soát TTHC tỉnh cho biết: Trung tâm luôn chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị rà soát TTHC mới được UBND tỉnh công bố để niêm yết và thực hiện theo quy định. Đồng thời, chú trọng xây dựng đội ngũ CB,CC,VC chuyên nghiệp; duy trì nền nếp văn hóa công sở theo quy định. Qua khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về thái độ phục vụ của cán bộ, công chức làm việc tại trung tâm cho thấy tỉ lệ đánh giá rất hài lòng và hài lòng đạt 99,98%.

Hưng Yên
Giờ sản xuất tại Công ty Cổ phần Ống đồng Toàn Phát (KCN Phố Nối A)

Hưởng ứng phong trào thi đua cải thiện môi trường đầu tư, huyện Văn Lâm thường xuyên rà soát, bổ sung nội quy, quy chế làm việc; quán triệt, triển khai đến CB,CC,VC chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Với cách làm này mà 5 năm liên tục huyện xếp thứ nhất trong 10 huyện, thị xã, thành phố về chỉ số CCHC và là một trong những địa phương có sức hấp dẫn nhất về công nghiệp - dịch vụ của tỉnh.

Các phong trào thi đua đẩy mạnh CCHC nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư đã phát huy được vai trò của mỗi CB,CC,VC, nhất là người đứng đầu các cơ quan hành chính cống hiến trí tuệ cho sự phát triển của tỉnh. Theo kết quả Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tháng 4 vừa qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Hưng Yên tăng 25 bậc so với năm 2021, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chỉ số đo lường hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (Sipas) xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (Papi) xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố. Đồng chí Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) cho biết: Năm 2022, tỉnh Hưng Yên thay đổi tích cực ở chỉ số tiếp cận đất đai, tăng 36 bậc và đứng thứ 5 cả nước; chỉ số tính năng động của chính quyền tăng 19 bậc; chỉ số chi phí không chính thức tăng 41 bậc... Những nỗ lực cải thiện, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh đã có hiệu quả và được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn 16,32% người dân chưa hài lòng về việc công chức cung cấp thông tin; 15,29% người dân cho rằng kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị chưa được thông báo kịp thời.

Năm 2023 là năm cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, việc quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số và thứ hạng PCI là giải pháp quan trọng để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, giải pháp hữu hiệu là tập trung nâng cao chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ CB,CC,VC; nâng cao chất lượng tham mưu và chấm dứt tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; nghiêm túc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, chấm dứt tình trạng gây phiền hà, khó dễ cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công và kiểm soát TTHC, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC một cửa cấp huyện, xã; thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là chính sách tín dụng... Như vậy sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, góp phần cùng với tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

PV