TÓM TẮT:
Tổ chức công tác kế toán là công việc quan trọng, liên quan đến tất cả các khâu của quá trình xử lý thông tin kế toán trong doanh nghiệp. Việc tổ chức công tác kế toán một cách hợp lý sẽ ảnh hưởng quyết định đến chất lượng công tác kế toán và chất lượng thông tin kế toán trong doanh nghiệp. Do đó, bài viết này tập trung phản ánh thực trạng tổ chức công tác kế toán trong doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tỉnh Hưng Yên, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức công tác kế toán.
Từ khóa: tổ chức công tác kế toán, công tác kế toán, kế toán, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỉnh Hưng Yên.
1. Đặt vấn đề
Kế toán có vai trò quan trọng trong hệ thống công cụ quản lý của doanh nghiệp, là một bộ phận không thể thiếu trong mỗi doanh nghiệp. Thông tin do bộ phận kế toán cung cấp rất cần thiết cho nhà quản trị đưa ra các chiến lược và quyết định kinh doanh. Trong những năm qua, khung pháp lý về kế toán cho DNNVV luôn được hoàn thiện, đã tạo hành lang pháp lý tương đối thống nhất, thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về tài chính cũng như tổ chức công tác kế toán (TCCTKT) trong các DNNVV. Song thực tế hiện nay, TCCTKT trong DNNVV trên địa bàn tỉnh Hưng Yên còn nhiều hạn chế như tổ chức hệ thống chứng từ, tài khoản, sổ kế toán, kiểm tra kế toán, việc ghi nhận, đo lường kế toán thường dựa vào qui định của quản lý thuế, nhiều trường hợp, kế toán được vận dụng như là phương tiện để kê khai thuế theo quy định của Nhà nước. Vì vậy, bài viết này sẽ phân tích rõ hơn về TCCTKT trong DNNVV của tỉnh Hưng Yên, các biện pháp để hoàn thiện bộ máy tổ chức kế toán khoa học và hoạt động hiệu quả hơn.
2. Tổ chức công tác kế toán trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Doanh nghiệp nhỏ và vừa là một bộ phận doanh nghiệp chiếm vai trò lớn trong nền kinh tế chung của Việt Nam và trên toàn thế giới. Hiểu một cách đơn giản, DNNVV là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa trong nền kinh tế. Theo tiêu chí của Nhóm Ngân hàng Thế giới, doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có số lượng lao động dưới 10 người, doanh nghiệp nhỏ có số lượng lao động từ 10 đến dưới 200 người và nguồn vốn 20 tỷ đồng trở xuống, còn doanh nghiệp vừa có từ 200 đến 300 lao động với nguồn vốn từ 20 đến 100 tỷ đồng. Ở Việt Nam, doanh nghiệp vừa có từ 200 đến 300 nhân công lao động, từ 10 đến 20 người lao động là doanh nghiệp nhỏ và dưới 10 người được coi là doanh nghiệp siêu nhỏ. Như vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật được chia thành 3 cấp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy mô tổng nguồn vốn hoặc số lao động bình quân sử dụng theo năm.
Ở Việt Nam, tiêu chuẩn về DNNVV quy định theo Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ, DNNVV được định nghĩa: “DNNVV là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật, được chia thành 3 cấp; siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy mô tổng nguồn vốn (tổng nguồn vốn tương đương tổng tài sản được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp) hoặc số lao động bình quân năm (tổng nguồn vốn là tiêu chí ưu tiên)”.
Như vậy, DNNVV là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ về vốn, lao động hay doanh thu. Tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của mỗi quốc gia việc áp dụng các tiêu chí để xác định DNNVV có khác nhau. Tuy nhiên, khi xác định DNNVV, các quốc gia đã dựa chủ yếu vào các tiêu chí: Số lượng lao động thường xuyên; Số lượng vốn góp; Doanh thu hàng năm; Đặc điểm ngành nghề kinh doanh.
Kế toán là một trong những công cụ quản lý kinh tế quan trọng của các đơn vị, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đến nay, đã có nhiều quan điểm đưa ra những khái niệm khác nhau về tổ chức công tác kế toán trong doanh nghiệp.
Theo đó, nội dung TCCTKT trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa là tổng hợp các mặt, các yếu tố cấu thành nên hệ thống thông tin kế toán, bao gồm các vấn đề cơ bản sau:
*) Tổ chức mô hình bộ máy kế toán và lao động kế toán
Tổ chức bộ máy kế toán là lựa chọn mô hình bộ máy kế toán phù hợp với đơn vị, xác lập và phân công nhiệm vụ cho các phần hành kế toán và người làm kế toán, đảm bảo sự phối hợp tốt nhất để cùng thực hiện chức năng của kế toán. Theo phân cấp quản lý bộ máy kế toán của DN được tổ chức theo 3 mô hình là tổ chức bộ máy kế toán tập trung, tổ chức phân tán và vừa tập trung vừa phân tán.
Cùng với việc xác định mô hình tổ chức bộ máy kế toán, DNNVV cần phải xác định số lượng nhân viên kế toán và tổ chức phân công hợp lý, khoa học nhân sự kế toán. Để xác định số lượng nhân viên kế toán, trước hết tổ chức phân tích quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), loại hình, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, chiến lược SXKD, trình độ khoa học kỹ thuật, môi trường kinh doanh, tổ chức sản xuất cũng như quản lý trong DNNVV, để xác định các phần hành kế toán và khối lượng công việc kế toán cần thực hiện trong doanh nghiệp, qua việc phân tích công việc, lập bản mô tả công việc cho từng chức danh và bộ phận kế toán trong doanh nghiệp.
*) Tổ chức lựa chọn chính sách kế toán
Theo chuẩn mực kế toán số 21, Chính sách kế toán (CSKT) là các nguyên tắc, cơ sở và phương pháp kế toán cụ thể được doanh nghiệp áp dụng trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính (BCTC). CSKT áp dụng ở mỗi doanh nghiệp được chuẩn mực kế toán cho phép lựa chọn phù hợp với đặc điểm SXKD của doanh nghiệp đó. Như vậy, lựa chọn CSKT là việc lựa chọn có cân nhắc các nguyên tắc, cơ sở, phương pháp kế toán và ước tính kế toán cụ thể trong khuôn khổ các quy định về kế toán mà doanh nghiệp có thể áp dụng trong các trường hợp khác nhau để đạt mục đích của doanh nghiệp.
*) Tổ chức thu nhận thông tin kế toán
Đây là khâu đầu tiên và có ý nghĩa rất lớn trong chu trình công tác kế toán của đơn vị. Đó là việc tổ chức lập và tiếp nhận chứng từ kế toán, tổ chức kiểm tra và hoàn chỉnh chứng từ kế toán, tổ chức lưu trữ và hủy bỏ chứng từ kế toán. Hệ thống chứng từ kế toán của DNNVV đều là hướng dẫn. Do vậy, cần vận dụng phù hợp với yêu cầu quản lý của từng DN, là khâu quan trọng vừa đảm bảo tính kịp thời và chất lượng của TTKT vừa đảm bảo các nguyên tắc về lập, ký, luân chuyển, kiểm tra và lưu trữ chứng từ kế toán theo quy định của chế độ kế toán (CĐKT).
*) Tổ chức hệ thống tài khoản kế toán và ghi chép xử lý các giao dịch
Hệ thống tài khoản kế toán (TKKT) gồm các TKKT cần sử dụng. Mỗi đơn vị kế toán chỉ được sử dụng một hệ thống TKKT cho mục đích KTTC theo quy định. Hệ thống TKKT dùng để phản ánh thông tin về sự vận động, thay đổi của từng loại tài sản, nguồn vốn và các quá trình hoạt động của đơn vị nhằm phục vụ cho các yêu cầu quản lý cụ thể. Thực chất tổ chức hệ thống TKKT là doanh nghiệp xây dựng một hệ thống tài khoản phù hợp, đủ để phản ánh các đối tượng của hạch toán, quản lý các đối tượng đó và tổ chức ghi chép các giao dịch phát sinh trên cơ sở nghiên cứu vận dụng chế độ TKKT đã ban hành.
*) Tổ chức lựa chọn hình thức kế toán và tổ chức hệ thống sổ kế toán
Lựa chọn hình thức kế toán. Hình thức kế toán là những hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức hệ thống sổ kế toán. Căn cứ quy mô, đặc điểm SXKD, yêu cầu quản lý, trình độ nghiệp vụ của nhân viên kế toán và khả năng trang bị phương tiện kỹ thuật tính toán, doanh nghiệp xây dựng hình thức kế toán phù hợp. Theo quy định có 4 hình thức kế toán được áp dụng là, nhật ký chung; nhật ký chứng từ; chứng từ ghi sổ và nhật ký sổ cái.
Tổ chức hệ thống sổ kế toán. Sổ kế toán dùng để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh theo nội dung kinh tế và theo trình tự thời gian có liên quan đến doanh nghiệp.
Hình thức tổ chức sổ kế toán là biểu hiện của việc tổ chức hệ thống sổ kế toán để thực hiện các công việc kế toán trong một đơn vị hạch toán bao gồm số lượng, kết cấu, mẫu sổ, nội dung các mẫu sổ, trình tự phương pháp ghi sổ và mối quan hệ giữa chứng từ và sổ sách, giữa sổ sách với sổ sách, giữa sổ sách và báo cáo kế toán.
Tổ chức hệ thống sổ kế toán là việc lựa chọn các loại sổ dùng để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo nội dung kinh tế và theo thời gian, kế toán thủ công, sổ kế toán tồn tại dưới hình thức trang sổ được đóng thành quyển, kế toán ứng dụng công nghệ thông tin, sổ kế toán tồn tại dưới dạng các tập tin hoặc cơ sở dữ liệu gắn với những phần mềm tính toán và xử lý cơ sở dữ liệu.
*) Tổ chức hệ thống báo cáo tài chính
Để tổng hợp và phản ánh các thông tin kinh tế đã được ghi chép trên hệ thống sổ kế toán theo các đối tượng kế toán và theo các chỉ tiêu kinh tế cần thiết đáp ứng yêu cầu quản lý doanh nghiệp và các cơ quan quản lý, các kế toán viên phải lập BCTC. Việc tổ chức hệ thống BCTC cần đảm bảo các nguyên tắc sau: tuân thủ các yêu cầu, chỉ tiêu trong chuẩn mực kế toán trình bày BCTC, mẫu biểu BCTC phải được thiết kế đơn giản, thuận tiện cho việc ghi chép bằng thủ công; sử dụng kỹ thuật hiện đại đảm bảo các yêu cầu và nguyên tắc cơ bản của kế toán theo quy định của CĐKT đối với DNNVV; đáp ứng yêu cầu có thể so sánh được, hệ thống các chỉ tiêu tài chính trong BCTC phải thiết thực, phản ánh đúng nội dung, bản chất của các đối tượng kế toán, phù hợp với đặc điểm SXKD và tổ chức quản lý của doanh nghiệp, được sắp xếp theo một trình tự khoa học, có hệ thống trong mối quan hệ cân đối, đáp ứng được nhu cầu thông tin hữu ích cho các đối tượng sử dụng, lập và tổ chức công khai báo cáo đúng thời hạn.
*) Tổ chức lưu giữ tài liệu kế toán
Luật Kế toán năm 2015 quy định về bảo quản và lưu giữ tài liệu kế toán cụ thể là: “Tài liệu kế toán phải được đơn vị kế toán bảo quản đầy đủ, an toàn trong quá trình sử dụng và lưu trữ. Trường hợp tài liệu kế toán bị tạm giữ, bị tịch thu phải có biên bản kèm theo bản sao chụp tài liệu kế toán đó; nếu tài liệu kế toán bị mất hoặc bị hủy hoại phải có biên bản kèm theo bản sao chụp tài liệu hoặc bản xác nhận, Tài liệu kế toán phải đưa vào lưu trữ trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm hoặc kết thúc công việc kế toán. Tài liệu kế toán phải được lưu trữ theo thời hạn: ít nhất là 5 năm đối với tài liệu kế toán dùng cho quản lý, điều hành của đơn vị kế toán, gồm cả chứng từ kế toán không sử dụng trực tiếp để ghi sổ kế toán và lập BCTC; lưu trữ ít nhất 10 năm đối với chứng từ kế toán sử dụng trực tiếp để ghi sổ kế toán và lập BCTC, sổ kế toán và BCTC năm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; lưu trữ vĩnh viễn đối với tài liệu kế toán có tính sử liệu, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng”.
*) Tổ chức kiểm tra kế toán
Tổ chức kiểm tra kế toán là một trong những nội dung của TCCTKT của doanh nghiệp. Tổ chức kiểm tra kế toán nhằm đảm bảo cho công tác kế toán được thực hiện đúng qui định, có hiệu quả và cung cấp được thông tin phản ánh kịp thời, đúng hiện trạng của doanh nghiệp. Kiểm tra kế toán sẽ tăng cường tính đúng đắn và hợp lý, trung thực, khách quan của quá trình hạch toán kế toán ở đơn vị. Đồng thời, cũng là công việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, CĐKT, tài chính của đơn vị. Do đó, kiểm tra kế toán do đơn vị kế toán chủ động thực hiện hoặc do cơ quan chủ quản, cơ quan chức năng thực hiện theo quy định về kiểm tra kế toán. Ở Việt Nam, Luật Kế toán năm 2015 quy định, “Kiểm tra kế toán là việc xem xét, đánh giá tuân thủ pháp luật về kế toán, sự trung thực, chính xác của thông tin, số liệu kế toán”.
3. Thực trạng tổ chức công tác kế toán trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
3.1. Đặc điểm tình hình hoạt động của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
Những năm gần đây, DNNVV trên địa bàn tỉnh tăng nhanh cả về số lượng, quy mô, loại hình và chất lượng hoạt động, có nhiều đóng góp trong quá trình phát triển công nghiệp của tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có hơn 9 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó có gần 90% là DNNVV. Chia theo loại hình doanh nghiệp, trong số đó có khoảng 25% công ty cổ phần, 65% công ty TNHH và 10% doanh nghiệp tư nhân. Qua phân loại ngành nghề kinh doanh của ngành chức năng, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực công nghiệp, sản xuất, chế biến, chế tạo chiếm 30%; doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 3%; doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ chiếm trên 50%; còn lại là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác. Các DNNVV đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; góp phần thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Ngoài việc đóng góp cho ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp vào các quỹ từ thiện, hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học.
3.2. Thực trạng TCCTKT trong các DNNVV trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
Thông qua việc khảo sát công tác kế toán tại các DNNVV trên địa bàn tỉnh của tác giả năm 2022 cho thấy các doanh nghiệp đã quan tâm đến hệ thống TCCTKT, nhưng vẫn còn tồn tại một số nội dung chưa đồng bộ, phù hợp
Thứ nhất, về mô hình tổ chức bộ máy kế toán
Căn cứ vào quy mô SXKD, đặc điểm ngành nghề kinh doanh cụ thể mà các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tổ chức bộ máy kế toán thích hợp. Qua khảo sát các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hưng Yên lựa chọn mô hình bộ máy kế toán tập trung thường là các doanh nghiệp chỉ có 1 địa điểm kinh doanh chiếm tỷ lệ khá cao tới 85%; doanh nghiệp áp dụng bộ máy kế toán phân tán là các doanh nghiệp xây lắp, thương mại dịch vụ địa bàn kinh doanh phân tán, được tổ chức theo đội hay cửa hàng chiếm tỷ lệ 12%; còn lại là các doanh nghiệp áp dụng bộ máy kế toán vừa tập trung vừa phân tán tập trung vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng, kinh doanh thương mại có nhiều địa điểm kinh doanh khác nhau.
Thứ hai, về tổ chức nhân sự kế toán
Hầu như các ý kiến đánh giá là bộ máy kế toán không tổ chức phân tích công việc kế toán trong doanh nghiệp (90%), mà việc xác định số lượng nhân viên kế toán, cũng như yêu cầu về trình độ chuyên môn của nhân viên kế toán là dựa trên kinh nghiệm của chủ doanh nghiệp và kế toán trưởng, các tiêu chuẩn của kế toán trưởng, kế toán viên do Nhà nước quy định, đồng thời căn cứ vào yêu cầu thực tế khi có phát sinh các nghiệp vụ kinh tế tài chính thì doanh nghiệp bổ sung. Nếu có thực hiện phân tích đánh giá thì chưa được tổ chức bài bản, khoa học, mà chủ yếu là dựa trên kết quả thảo luận qua một số hội nghị nội bộ về nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, 75% các doanh nghiệp cũng chưa xây dựng bản mô tả công việc kế toán trong doanh nghiệp, mà chỉ là các quy định bằng lời của chủ doanh nghiệp, hoặc kế toán trưởng đối với nhân viên kế toán về các công việc của từng kế toán viên phải làm. Một số doanh nghiệp đã có bản mô tả công việc nhưng chỉ tập trung chủ yếu phần hành kế toán tổng hợp, kế toán thuế, còn các phần hành kế toán khác thì không mô tả, hoặc nếu có cũng chỉ khái quát không chi tiết.
Thứ ba, tổ chức hệ thống chứng từ và quy trình luân chuyển chứng từ kế toán
Về tổ chức quá trình tiếp nhận và lập chứng từ, tất cả các doanh nghiệp đều lập chứng từ kế toán là hợp pháp có đầy đủ chữ ký của những người có liên quan và dấu của doanh nghiệp.
Về tổ chức lưu trữ chứng từ kế toán ở các DNNVV được đánh số theo thứ tự và đóng thành từng tập theo tháng, do phòng kế toán của doanh nghiệp cất giữ. Sau khi BCTC được xét duyệt, toàn bộ chứng từ được phòng kế toán đưa vào lưu trữ tại kho lưu trữ của doanh nghiệp trong thời hạn quy định, chỉ có một số ít doanh nghiệp có kho lưu trữ tư liệu còn phần nhiều các doanh nghiệp thường lưu trữ tại phòng kế toán của doanh nghiệp.
Thứ tư, tổ chức vận dụng hệ thống tài khoản kế toán
Đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ vẫn tồn tại nhưng sai sót về mặt sử dụng TKKT theo quy định cũ, nguyên nhân mà doanh nghiệp không tự thực hiện ghi chép các giao dịch phát sinh vào TKKT, vẫn phiên ngang từ Quyết định số 48 là do trình độ của kế toán viên còn hạn chế, để dễ thống nhất phương pháp ghi chép, quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế. Đối với doanh nghiệp quy mô vừa chủ yếu là do chưa đủ thời gian để chuyển đổi.
Thứ năm, tổ chức lựa chọn hình thức kế toán và tổ chức hệ thống sổ kế toán
Hình thức kế toán chủ yếu các doanh nghiệp đang áp dụng là hình thức Nhật ký chung chiếm tỷ trọng cao tới 92%, theo ý kiến đánh giá của kế toán trưởng các doanh nghiệp hình thức này dễ sử dụng, còn lại các doanh nghiệp áp dụng hình thức Chứng từ ghi sổ, không có doanh nghiệp nào áp dụng hình thức Nhật ký sổ cái và Nhật ký chứng từ. Các DNNVV đều tổ chức xây dựng đủ các mẫu sổ tổng hợp và sổ chi tiết để theo dõi các chỉ tiêu cần theo dõi chi tiết.
Thứ sáu, về tổ chức hệ thống báo cáo kế toán tài chính
Về thực hiện nguyên tắc tổ chức hệ thống báo qua mẫu khảo sát, cho thấy, tất cả các DNNVV đều tuân thủ theo đúng nguyên tắc lập và trình bày các chỉ tiêu kinh tế, tài chính phản ánh trên BCTC, mẫu biểu được thiết kế đơn giản, thuận tiện, đảm bảo các yêu cầu và nguyên tắc cơ bản của kế toán theo quy định của CĐKT đối với DNNVV, đáp ứng yêu cầu có thể so sánh được. Tuy nhiên, riêng bản Thuyết minh BCTC tại các DNNVV tỉnh Hưng Yên hiện nay vẫn còn khoảng 70% các doanh nghiệp lập sơ sài, không giải thích rõ các chỉ tiêu trên các báo cáo tài chính chưa thể hiện được.
Thứ bảy, về tổ chức lưu giữ tài liệu kế toán
Các DNNVV lưu trữ các chứng từ kế toán được đánh số theo thứ tự và đóng thành từng tập theo trình tự thời gian và nội dung kinh tế, do phòng kế toán của doanh nghiệp cất giữ ở phòng kế toán, sau đó đưa vào lưu trữ tại kho lưu trữ của doanh nghiệp trong thời hạn quy định rồi thực hiện tiêu hủy. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số ít các doanh nghiệp thực hiện quy trình lưu trữ và bảo quản chứng từ kế toán còn tùy tiện.
Thứ tám, tổ chức kiểm tra kế toán
Nội dung kiểm tra kế toán của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Hưng Yên chủ yếu tập trung kiểm tra sự thật và tính hợp pháp của nội dung kinh tế tài chính trên chứng từ và sổ kế toán. Còn việc kiểm tra các nội dung khác ít được quan tâm, đặc biệt là kiểm tra việc phân công, phân nhiệm, lề lối làm việc của bộ máy kế toán.
4. Giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức công tác kế toán trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
4.1. Hoàn thiện tổ chức bộ máy kế toán
Căn cứ trên tình hình thực tế đã phản ánh, để hoàn thiện tổ chức bộ máy kế toán của DNNVV, tác giả đề xuất hướng hoàn thiện cụ thể là hoàn thiện tổ chức xây dựng bản mô tả công việc kế toán. Một trong các hạn chế của DNNVV trên địa bàn Hưng Yên là chưa xây dựng hoàn chỉnh bản mô tả công việc và tiêu chuẩn thực hiện công việc kế toán, đây là cơ sở quan trọng để bố trí nhân sự kế toán phù hợp, đồng thời là cơ sở để tổ chức kiểm tra giám sát, sự tuân thủ các quy trình thực hiện các nghiệp vụ kế toán đảm bảo tính khoa học, chính xác, cũng như tính chuyên nghiệp trong công tác kế toán của kế toán viên, nâng cao chất lượng và hiệu suất công việc, cũng như để lựa chọn, tuyển dụng, tổ chức đào tạo kế toán viên, đáp ứng yêu cầu công việc. Vì vậy, các DNNVV cần tổ chức xây dựng chi tiết công việc và xác định trách nhiệm, tiêu chuẩn cho từng kế toán viên về công việc các nhân viên đó đang phụ trách, khi đã gắn rõ trách nhiệm, từng thành viên sẽ phải cố gắng trong công việc được phân công, qua đó giúp cho kế toán viên có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
4.2. Tổ chức áp dụng chính sách kế toán
Các DNNVV hiện nay có xu hướng áp dụng CSKT ngày càng phổ biến và thường xuyên hơn, nhằm thực hiện các mục tiêu khác nhau của nhà quản trị. Tuy nhiên về bản chất, việc áp dụng CSKT để điều chỉnh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp chỉ là kỹ thuật chuyển đổi lợi nhuận từ kỳ này sang kỳ khác phù hợp với chuẩn mực và CĐKT quy định, nhưng thực trạng cho thấy, các DNNVV khi lựa chọn CSKT chỉ chú ý đến lợi ích trong ngắn hạn như tối ưu hóa lợi ích về thuế, thu hút các nhà đầu tư và tiếp cận vốn vay ngân hàng, chưa quan tâm đến tác động tiêu cực đến dài hạn. Do vậy, để đảm bảo hiệu quả của doanh nghiệp cả trong dài hạn và ngắn hạn, khi tổ chức lựa chọn áp dụng CSKT, các doanh nghiệp cần hoàn thiện các nội dung cơ bản về chứng từ, tài khoản kế toán đáp ứng nhu cầu quản trị nội bộ cũng như xu hướng đầu tư.
4.3. Hoàn thiện tổ chức hệ thống chứng từ và quy trình luân chuyển chứng từ kế toán
Hệ thống chứng từ cần phải xác định cụ thể cho từng hoạt động, từng loại hình nghiệp vụ và từng bộ phận liên quan. Xác định trách nhiệm của từng bộ phận trong quá trình lập và tiếp nhận chứng từ. Chứng từ phải phản ánh đầy đủ các yếu tố bắt buộc như: tên gọi, tên và địa chỉ của bên lập và nhận chứng từ, nội dung nghiệp vụ phát sinh... Chứng từ phải quy định rõ về mẫu chứng từ, nội dung chỉ tiêu cần phản ánh, quy định rõ bộ phận và từng cá nhân lập loại chứng từ nào... Khi thiết kế hệ thống chứng từ cho việc ghi chép của kế toán phải đảm bảo chi tiết đến từng đối tượng nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm soát của nhà quản trị. Khi thiết kế mẫu chứng từ phải đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin cho KTTC và KTQT. Do đó, chứng từ phải có tính so sánh với dự toán, định mức... làm cơ sở so sánh giữa thực hiện với định mức.
4.4. Tổ chức lập Báo cáo tài chính
Các doanh nghiệp cần lập đầy đủ và nâng cao chất lượng thông tin trên thuyết minh BCTC. Hiện nay phần lớn các DNNVV Thuyết minh BCTC nội dung rất sơ sài, hầu như không đáp ứng được mục tiêu của Thuyết minh BCTC là giải thích và bổ sung thông tin về tình hình thực hiện các nhiệm vụ cơ bản của đơn vị mà các báo cáo tài chính khác không thể trình bày rõ ràng và chi tiết được.
4.5. Về kiểm tra, giám sát trong công tác tổ chức kế toán
Việc kiểm tra, giám sát công tác tổ chức kế toán trong doanh nghiệp, nhằm đảm bảo cho công tác kế toán trong các doanh nghiệp thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ và chức năng của mình trong công tác quản lý, đặc biệt là công tác kiểm tra về phân công, phân nhiệm, lề lối làm việc của bộ máy kế toán cũng cần được sát sao và hoàn chỉnh hơn. Đây là việc làm thường xuyên và đòi hỏi bắt buộc tại doanh nghiệp nhằm đảm bảo công tác tổ chức kế toán thực hiện đúng quy định của pháp luật gắn với việc tổ chức hướng dẫn các cán bộ, nhân viên trong đơn vị hiểu và chấp hành chế độ quản lý kinh tế, tài chính nói chung và CĐKT nói riêng và tổ chức kiểm tra kế toán nội bộ doanh nghiệp.
5. Kết luận
Tổ chức công tác kế toán là một trong những nội dung quan trọng trong tổ chức quản lý ở doanh nghiệp đặc biệt là các DNNVV. Việc tổ chức công tác kế toán tại doanh nghiệp cần gắn với tổ chức thực hiện các phương pháp kế toán, các nguyên tắc kế toán và CĐKT hiện hành, tổ chức vận dụng hình thức kế toán hợp lý, CĐKT, chuẩn mực kế toán, thông lệ kế toán và các phương tiện kỹ thuật tính toán hiện có nhằm đảm bảo chất lượng của thông tin kế toán của đơn vị. Vì vậy, việc thực hiện tốt tổ chức công tác kế toán trong doanh nghiệp là việc làm cần thiết, giúp tổ chức tốt quá trình quản lý kinh tế, cung cấp thông tin kế toán trong quá trình hội nhập của doanh nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Tài chính (2016). Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Bộ Tài chính (2018). Thông tư số 132/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 hướng dẫn chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ.
- Đào Ngọc Hà (2018). Tổ chức công tác kế toán doanh nghiệp theo quy định của Luật Kế toán năm 2015.
- Đào Thị Hương, Đào Thị Thanh, Nguyễn Thị Giang, Đỗ Thị Thảnh, Trần Thị Lan Anh (2020). Giáo trình Kế toán Tài chính trong doanh nghiệp (Quyển 1), Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. NXB Khoa học và Kỹ thuật.
- Đào Thị Hương, Đào Thị Quỳnh, Trần Thị Lan Anh, Hoàng Văn Huệ, Đào Thị Thanh (2022). Giáo trình Kế toán Tài chính trong doanh nghiệp (Quyển 2), Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. NXB Khoa học và Kỹ thuật.
- Đoàn Vân Anh, Phạm Đức Hiếu (2021). Tổ chức công tác kế toán. Trường Đại học Thương mại, NXB Thống kê.
- Quốc hội (2015). Luật Kế toán số 88/2015/QH13.
- Chu Thanh Hải (2020). Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay. Truy cập tại: https://www.vass.gov.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van/phat-trien-doanh-nghiep-nho-va-vua-o-viet-nam-hien-nay-96.
- Đào Ban, (2018). Gỡ “nút thắt” cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Truy cập tại: https://baohungyen.vn/giai-bao-chi-toan-quoc-lan-thu-2/201809/go-nut-that-cho-doanh-nghiep-vua-va-nho-815434/
- Nguyễn Thị Giang (2020). Các nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức công tác kế toán trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/cac-nhan-to-anh-huong-den-to-chuc-cong-tac-ke-toan-trong-cac-doanh-nghiep-nho-va-vua-68018.htm
The alignment of accounting systems in small and medium-sized enterpises in Hung Yen province
DAO THI QUYNH
Hung Yen University of Technology and Education
ABSTRACT:
Organizing accounting is an important task and it affects all stages of processing accounting information in a business. An appropriate alignment of accounting system will enhance the quality of accounting tasks and accounting information. This study explores the current alignment of accounting systems in small and medium-sized enterpises in Hung Yen province, and proposes some solutions to help these enterpises improve its accounting systems.
Keywords: alignment of accounting system, accounting, small and medium-sized enterprises, Hung Yen province.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1 tháng 1 năm 2023]