Nâng cao hiệu quả tổ chức công tác kế toán trong doanh nghiệp tại các công ty vừa và nhỏ trên địa bàn Thành phố Biên Hòa

NGUYỄN THỊ THU HOÀI (Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai)

TÓM TẮT:

Kế toán có vai trò quan trọng trong hệ thống công cụ quản lý của doanh nghiệp, là một bộ phận không thể thiếu trong mỗi doanh nghiệp. Thông tin do bộ phận kế toán cung cấp rất cần thiết cho nhà quản trị đưa ra các chiến lược và quyết định kinh doanh. Một bộ máy kế toán mạnh, sổ sách kế toán rõ ràng, phân tích thấu đáo sẽ giúp cho người điều hành đưa ra các quyết định kinh doanh đạt hiệu quả. Mặt khác, sổ sách rõ ràng thì việc quyết toán về thuế đối với cơ quan chức năng sẽ mau lẹ, giúp tiết kiệm thời gian, tạo điều kiện tốt cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Do đó, bài viết này sẽ bàn về việc nâng cao hiệu quả tổ chức công tác kế toán trong doanh nghiệp tại các công ty vừa và nhỏ trên địa bàn Thành phố Biên Hòa.

Từ khóa: công tác kế toán, doanh nghiệp, Thành phố Biên Hòa, hỗ trợ doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Thành phố công nghiệp Biên Hòa là đô thị trung tâm của tỉnh Đồng Nai, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với quy mô hơn 30 phường, xã và số dân gần 1,1 triệu người, Biên Hòa hiện là thành phố trực thuộc tỉnh có số phường, xã nhiều nhất trong cả nước.

Bên cạnh thế mạnh về công nghiệp với nhiều KCN lớn như: Biên Hòa 1, Biên Hòa 2, Loteco, Amata, Agtex Long Bình, Tam Phước,… thành phố còn có một số CCN như: cụm gốm Tân Hạnh, cụm Dốc 47, Phước Tân,… Giai đoạn 2016-2020, Thành phố có thêm 2 TTTM (Vincom Biên Hòa, Big C Tân Hiệp) đi vào hoạt động, nâng tổng số lên 9 TTTM, siêu thị đang hoạt động. Bên cạnh đó, các dịch vụ kinh doanh bất động sản, giáo dục đào tạo, y tế, tín dụng ngân hàng, vận tải, cảng, kho bãi, bưu chính viễn thông tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu hoạt động của các thành phần kinh tế và người dân.

Trong những năm gần đây, hàng năm, số lượng doanh nghiệp tăng thêm của Đồng Nai từ 3.000 đến 4.000. Theo thời gian, số lượng doanh nghiệp ở Đồng Nai thành lập mới ngày càng nhiều hơn. Mặc dù vậy, qua kết quả điều tra thực trạng doanh nghiệp Đồng Nai trong các năm 2019, 2020, Cục Thống kê Đồng Nai nhận định, hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp ở Đồng Nai vẫn còn nhiều thách thức. Theo đó, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn khá lớn nhưng xét về quy mô lao động và quy mô vốn phổ biến vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa do vốn đầu tư cho sản xuất - kinh doanh thấp, trình độ quản lý còn hạn chế, khả năng cạnh tranh thấp... nên hiệu quả mang lại không cao, số doanh nghiệp thua lỗ, ngưng hoạt động, giải thể hằng năm khá lớn.

Ngoài ra, đại đa số các nhà quản trị doanh nghiệp còn hạn chế về trình độ quản lý, chưa coi trọng đúng mực về vấn đề tổ chức công tác kế toán những quyết định kinh doanh chủ yếu được đưa ra dựa trên cảm tính, ít khi có căn cứ cụ thể dựa trên tình hình tài chính của doanh nghiệp, tình hình thị trường, từ đó ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh và vị thế của các doanh nghiệp trên thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay.

Đứng trước bối cảnh này đòi hỏi nhà quản trị doanh nghiệp cần chú trọng đến tổ chức công tác kế toán trong doanh nghiệp. Để phát huy vai trò của công tác này, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải có sự thích ứng, linh hoạt với điều kiện về quy mô, đặc điểm tổ chức sản xuất - kinh doanh gắn với những yêu cầu quản lý cụ thể tại đơn vị mình.

2. Ý nghĩa và nguyên tắc của tổ chức công tác kế toán trong doanh nghiệp

2.1. Về ý nghĩa

Kế toán là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin giúp nhà quản lý có thể nắm bắt mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh của đơn vị. Do vậy, tổ chức công tác kế toán trong đơn vị hợp lý, khoa học có ý nghĩa quan trọng đối với công tác quản lý và điều hành hoạt động của đơn vị. Việc tổ chức công tác kế toán có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp, thể hiện trên các khía cạnh sau:

- Cung cấp chính xác, kịp thời và đầy đủ các thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị cho lãnh đạo đơn vị và các đối tượng quan tâm để có các quyết định đúng đắn, kịp thời.

- Đảm bảo ghi chép, theo dõi, phản ánh và giám sát chặt chẽ các loại tài sản, nguồn vốn kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nguồn vốn trong đơn vị.

- Là công cụ thiết yếu để phân tích, đánh giá, tham mưu cho nhà quản trị đưa ra các quyết định quản lý phù hợp.

- Góp phần thực hiện chấp hành chính sách, chế độ về thu ngân sách nhà nước của cơ quan thuế trong công tác quản lý thu thuế.

2.2. Về nguyên tắc

Để phù hợp với các yêu cầu, các quy định có liên quan và tổ chức công tác kế toán phát huy vai trò của mình thì tổ chức công tác kế toán tại doanh nghiệp phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc, các chính sách, chế độ, thể lệ và các quy định của pháp luật hiện hành. Hiện nay, chế độ kế toán doanh nghiệp cần thực hiện theo Luật Kế toán sửa đổi 2015, Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán; và 3 Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính (Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp; Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 về chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thông tư số 132/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 hướng dẫn chế độ kế toán đối với doanh nghiệp siêu nhỏ). Các doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định để áp dụng đúng với loại hình doanh nghiệp của mình.

- Đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, theo đó tổ chức bộ máy kế toán là sự sắp xếp, phân công công việc cho từng kế toán viên và tổ chức luân chuyển chứng từ trong phòng kế toán của doanh nghiệp. Việc tổ chức bộ máy kế toán phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản sau:  

+ Tổ chức bộ máy kế toán phải phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động quản lý với quy mô và địa bàn hoạt động của doanh nghiệp.

+ Tổ chức bộ máy kế toán phải gọn nhẹ, hợp lý, đúng năng lực và hiệu quả, tổ chức bộ máy kế toán phải phù hợp với yêu cầu và trình độ nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý.

+ Ứng dụng công nghệ thông tin đến hệ thống thông tin kế toán. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hệ thống thông tin kế toán ngày càng cần thiết, góp phần giảm thời gian xử lý dữ liệu và cung cấp thông tin kế toán.

3. Nội dung tổ chức công tác kế toán doanh nghiệp hiện nay

Hiện nay, Luật Kế toán số 88/2015/QH13 của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính đã quy định cụ thể các nội dung cơ bản liên quan đến tổ chức công tác kế toán tại doanh nghiệp như sau:

- Tổ chức bộ máy kế toán: Tổ chức bộ máy kế toán là sự sắp xếp, phân công công việc cho từng kế toán viên và tổ chức luân chuyển chứng từ trong phòng kế toán của doanh nghiệp. Một bộ máy kế toán được tổ chức tốt sẽ giúp cho các thủ tục hành chính của doanh nghiệp hoạt động hiệu. Việc lựa chọn hình thức tổ chức bộ máy kế toán khoa học, hợp lý sẽ làm giảm bớt khối lượng công việc kế toán, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

- Tổ chức vận dụng chứng từ kế toán: Tổ chức hệ thống chứng từ kế toán là ban hành, ghi chép chứng từ, kiểm tra, luân chuyển và lưu trữ tất cả các loại chứng từ kế toán sử dụng trong doanh nghiệp, nhằm đảm bảo tính chính xác của thông tin, kiểm tra thông tin đó phục vụ cho ghi sổ kế toán và tổng hợp kế toán.

- Tổ chức hệ thống sổ kế toán: Các hình thức ghi sổ kế toán hiện nay gồm: Nhật ký chung; Kế toán Nhật ký - Sổ cái; Kế toán chứng từ ghi sổ; Sổ kế toán Nhật ký - Chứng từ; Kế toán trên máy tính; Tổ chức hệ thống báo cáo kế toán. Doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định chung về mở sổ kế toán, ghi chép sổ kế toán; sửa chữa sai sót; khoá sổ kế toán; lưu trữ, bảo quản sổ kế toán; xử lý vi phạm.

- Tổ chức hệ thống tài khoản kế toán: Theo quy định của Luật Kế toán, tài khoản kế toán dùng để phân loại và hệ thống hóa các nghiệp vụ kinh tế, tài chính theo nội dung kinh tế, mỗi đơn vị kế toán chỉ được sử dụng một hệ thống tài khoản kế toán cho mục đích kế toán tài chính theo quy định của Bộ Tài chính. Để thực hiện đúng quy định, doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định tại các thông tư quy định chế độ kế toán doanh nghiệp của Bộ Tài chính, như: Thông tư số 200/2014/TT-BTC, Thông tư số 133/2016/TT-BTC, Thông tư số 132/2018/TT-BTC.

- Lập và phân tích báo cáo kế toán: Nhà nước có quy định thống nhất về nội dung, phương pháp, thời gian lập và gửi đối với các báo cáo tài chính. Ngoài BCTC, hệ thống báo cáo kế toán của doanh nghiệp còn bao gồm các báo cáo kế toán quản trị, không mang tính chất bắt buộc, nhằm cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu quản lý nội bộ ngành, nội bộ đơn vị. Do vậy, nội dung, hình thức trình bày, kỳ báo cáo được quy định tùy theo yêu cầu quản trị trong từng doanh nghiệp.

- Tổ chức công tác kiểm tra kế toán: Việc kiểm tra kế toán nhằm đảm bảo việc thực hiện đúng đắn các phương pháp kế toán, các chế độ kế toán hiện hành; Tổ chức công tác chỉ đạo công tác kế toán tại doanh nghiệp đảm bảo thực hiện đúng vai trò của kế toán trong quản lý kinh tế, tài chính. Việc kiểm tra kế toán sẽ tăng cường tính đúng đắn, hợp lý, khách quan của thông tin kế toán được cung cấp. 

- Ứng dụng công nghệ xử lý thông tin trong công tác kế toán: Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kế toán của doanh nghiệp không chỉ giải quyết được vấn đề xử lý và cung cấp thông tin nhanh chóng, thuận lợi, mà nó còn làm tăng năng suất lao động của bộ máy kế toán, tạo cơ sở để tinh giảm bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác kế toán.

4. Giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức công tác kế toán trong doanh nghiệp

Nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức công tác kế toán trong doanh nghiệp, trong thời gian tới, công tác này cần chú ý một số nội dung sau:

  • Về tổ chức bộ máy kế toán: Hiện nay, trong các doanh nghiệp việc tổ chức công tác, bộ máy kế toán có thể tiến hành theo một trong 3 hình thức: Tổ chức bộ máy kế toán tập trung; Tổ chức bộ máy kế toán phân tán và Tổ chức bộ máy kế toán hỗn hợp (vừa tập trung vừa phân tán). Thông thường, việc tổ chức bộ máy kế toán cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản sau: Phù hợp với yêu cầu và trình độ nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kế toán; Gọn nhẹ, hợp lý, đúng năng lực và hiệu quả; Phù hợp với đặc điểm, điều kiện tổ chức sản xuất kinh doanh, điều kiện hoạt động của doanh nghiệp trên cơ sở tổ chức phân cấp và phân công rõ ràng nhiệm vụ thực hiện các phần hành kế toán cho từng cán bộ kế toán cụ thể của đơn vị.
  • Về hệ thống chứng từ kế toán: Hiện nay, hệ thống chứng từ kế toán hiện hành do Bộ Tài chính quy định, doanh nghiệp có thể tự thiết kế chứng từ kế toán nhưng phải đảm bảo các yếu tố để thu nhận và cung cấp thông tin kế toán đảm bảo rõ ràng, minh bạch, dễ kiểm tra, kiểm soát.
  • Về hệ thống tài khoản kế toán:Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp có thể lựa chọn hệ thống tài khoản do Bộ Tài chính ban hành kèm theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC, Thông tư số 133/2016/TT-BTC, Thông tư số 132/2018/TT-BTC. Như vậy, doanh nghiệp cần dựa vào hệ thống tài khoản kế toán do Bộ Tài chính ban hành, doanh nghiệp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tính chất hoạt động, cũng như đặc điểm sản xuất - kinh doanh và yêu cầu quản lý để nghiên cứu, lựa chọn các tài khoản kế toán phù hợp để hình thành một hệ thống tài khoản kế toán cho đơn vị mình.
  • Về kiểm tra, giám sát trong công tác tổ chức kế toán: Việc kiểm tra, giám sát công tác tổ chức kế toán trong doanh nghiệp, nhằm đảm bảo cho công tác kế toán trong các doanh nghiệp thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ và chức năng của mình trong công tác quản lý. Đây là việc làm thường xuyên và đòi hỏi bắt buộc tại doanh nghiệp nhằm đảm bảo công tác tổ chức kế toán thực hiện đúng quy định của pháp luật gắn với việc tổ chức hướng dẫn các cán bộ, nhân viên trong đơn vị hiểu và chấp hành chế độ quản lý kinh tế, tài chính nói chung và chế độ kế toán nói riêng và tổ chức kiểm tra kế toán nội bộ tổ chức.
  • Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức kế toán: Để ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào công tác kế toán, doanh nghiệp cần tổ chức trang bị thiết bị, phương tiện kỹ thuật, kiến thức tin học cho bộ phận kế toán để vận hành được các chương trình trên thiết bị từ đó phục vụ tốt công tác kế toán. Hệ thống thông tin kế toán cần thường xuyên thay đổi, cập nhật và hoàn thiện theo từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp tuy nhiên cần hoàn thiện hệ thống thông tin kế toán theo hướng sau:

+ Thứ nhất, tiết kiệm thời gian xử lý thông tin: Chứng từ kế toán là một phương tiện quan trọng trong việc thu thập các dữ liệu đầu vào của hệ thống thông tin kế toán. Với hệ thống thương mại điện tử tất cả các hoạt động liên quan đến chứng từ kế toán từ khâu lập, luân chuyển và lưu trữ chứng từ kế toán đều được số hóa hoàn toàn và được thay thế bằng hóa đơn điện tử. Với chứng từ điện tử, việc ghi chép và hạch toán và xét duyệt được thực hiện thông qua việc nhập các mật mã hay chữ ký điện tử giúp giảm thiểu thời gian xử lý thông tin.

+ Thứ hai, nâng cao bảo mật thông tin kế toán: Hệ thống thông tin kế toán có thể chứa các thông tin nhạy cảm về kế toán tài chính, như: dòng tiền, nhân sự, chiến lược kinh doanh,… Do vậy, bảo mật hệ thống thông tin kế toán sẽ giúp ngăn chặn tình trạng rò rỉ thông tin. Thực hiện tổ chức phân quyền hạn và trách nhiệm cho các nhân viên giúp doanh nghiệp theo dõi, giám sát tất cả các hoạt động truy cập vào hệ thống thông qua nhật ký truy cập, kiểm soát thời gian đăng nhập, mã người truy cập, loại yêu cầu truy cập và dữ liệu truy cập.

+ Thứ ba, nâng cao trình độ và phẩm chất đội ngũ cán bộ nhân viên: Doanh nghiệp nên tập trung đào tạo nhân lực theo hướng phát triển năng lực quản lý, năng lực chuyên môn để nắm bắt kỹ thuật, phân tích dữ liệu; vận dụng sự tiến bộ của khoa học công nghệ vào chu trình của hệ thống thông tin kế toán.

+ Thứ tư, bảo vệ sự xâm nhập bất hợp pháp vào các thiết bị xử lý: Để hạn chế nguy cơ mất máy tính hay bị tiết lộ, phá hoại thông tin thì phòng máy tính và cơ sở dữ liệu cần được bảo vệ chặt chẽ, thực hiện sao lưu dự phòng các dữ liệu kế toán bằng các thiết bị lưu trữ ngoại vi như ổ cứng, đĩa cứng, đĩa mềm, đĩa nén, đĩa CD, băng từ,… Đồng thời, doanh nghiệp cần tăng cường thủ tục bảo trì, sử dụng các kỹ thuật công nghệ tương ứng để chống được virut và các phần mềm độc hại, ngăn chặn hành vi phá hoại dữ liệu.

  • Tiếp cận những chính sách hỗ trợ từ ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai: Đồng Nai hiện có trên 38 ngàn doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 86%. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, UBND Tỉnh đang xây dựng đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2025.
  • Mục tiêu của đề án hỗ trợ là nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, địa phương nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trên địa bàn. Phát huy nội lực của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển về số lượng và chất lượng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho tỉnh.

Theo đó, đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đề cập đến 9 nhóm vấn đề với rất nhiều nội dung. Trong đó, nhóm chính sách hỗ trợ chung bao gồm: hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, quản trị nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng lao động, hỗ trợ sử dụng các dịch vụ tư vấn, đăng ký thành lập doanh nghiệp miễn phí, tư vấn, hướng dẫn thủ tục về thuế và hỗ trợ về các vấn đề pháp lý.

  • Tiếp cận những hỗ trợ từ phía hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh: Tỉnh Đồng Nai thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển. Cùng với đó, tỉnh cũng đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp tích cực hợp tác, chủ động trao đổi, phản ánh thông tin để cơ quan quản lý nhà nước kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ chế thông tin hiệu quả nhằm góp phần xây dựng bộ máy nhà nước thân thiện, thực hiện tốt chủ trương chính quyền đồng hành với doanh nghiệp.

5. Kết luận

Kế toán có vai trò quan trọng trong hệ thống công cụ quản lý của doanh nghiệp. Trong khoa học quản lý, kế toán được nhìn nhận là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động. Tuy nhiên, vai trò quan trọng của kế toán chỉ được phát huy khi đơn vị kế toán tổ chức công tác kế toán khoa học và hiệu quả.

Việc tổ chức công tác kế toán tại doanh nghiệp cần gắn với tổ chức thực hiện các phương pháp kế toán, các nguyên tắc kế toán và chế độ kế toán hiện hành, tổ chức vận dụng hình thức kế toán hợp lý, chế độ kế toán, chuẩn mực kế toán, thông lệ kế toán và các phương tiện kỹ thuật tính toán hiện có nhằm đảm bảo chất lượng của thông tin kế toán của đơn vị.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Quốc hội (2015), Luật Kế toán số 88/2015/QH13.
2. Chính phủ (2016), Nghị định số 174/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán năm 2015.
3. Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.
4. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa.
5. Đào Ngọc Hà (2018), Tổ chức công tác kế toán doanh nghiệp theo quy định của Luật Kế toán 2015.
6. Kế toán Đức Minh (2019), Làm thế nào để nâng cao hiệu quả công tác kế toán doanh nghiệp?.



IMPROVING THE ACCOUNTING EFFICIENCY

OF SMALL AND MEDIUM-SIZED ENTERPRISES IN BIEN HOA CITY

NGUYEN THI THU HOAI

Dong Nai University of Technology

ABSTRACT:

Accounting plays an important role in the business management and it is an indispensable part of every business. Accounting information is essential for managers to make business strategies and decisions. A strong and effective accounting system would help managers to make good business decisions. On the other hand, an effective accounting system would help tax agencies make quick tax settlement, creating good conditions for production and business activities. This paper proposes some solutions to improve the accounting efficiency of small and medium-sized enterprises in Bien Hoa City.

Keywords: accounting, enterprise, Bien Hoa City, support enterprises.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 9, tháng 4 năm 2021]