Các nhân tố ảnh hưởng tới hành vi tuân thủ thuế thu nhập doanh nghiệp tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa

NGUYỄN THỊ NGỌC ĐIỆP - NGUYỄN HUY HOÀNG (Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Dữ liệu thu thập từ 177 phiếu tại quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Các phương pháp kiểm định Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phương pháp hồi quy tuyến tính đa biến được sử dụng trong nghiên cứu này. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 4 nhân tố ảnh hưởng đều tác động tích cực là: Khả năng bị kiểm tra thuế; Nhận thức về tính công bằng; Chi phí tuân thủ thuế; và Tình trạng tài chính doanh nghiệp.

Từ khóa: Tuân thủ thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa

1. Đặt vấn đề:

Thuế TNDN là một loại thuế trực thu, điều tiết trực tiếp vào thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp và thường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách nhà nước. Đây là loại thuế đã xuất hiện từ sớm trong quá trình phát triển thuế, đóng vai trò quan trọng cho nhà nước trong việc đảm bảo nguồn thu ngân sách, điều tiết kinh tế, điều tiết thu nhập. Tuy nhiên sắc thuế này phụ thuộc vào kết quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nên thường gây tình trạng thất thu ngân sách nhà nước, đòi hỏi các quốc gia cần có các biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Tại Việt Nam hiện nay, số DNNVV ngày càng tăng kéo theo đó là những lo ngại của nhà nước về tình trạng thất thu thuế, tránh thuế, trốn thuế vẫn còn tồn đọng, cán bộ thuế chưa được bồi dưỡng tốt để phát hiện ra gian lận thuế trong doanh nghiệp dù Nhà nước đã có những nỗ lực trong vấn đề quản lý thuế. Việc tập trung thực hiện chính sách, chiến lược và giải pháp cải tạo mới đang được chú trọng thực hiện nhằm giảm thiểu những khiếm khuyết và nâng cao khả năng tuân thủ thuế.

Theo các báo cáo từ năm 2017 đến năm 2019, thực trạng thất thu thuế vẫn là một vấn đề nan giải. Đã có một số nghiên cứu trước ở nước ngoài và Việt Nam về hành vi tuân thủ thuế tuy nhiên đa số các nghiên cứu chỉ tập trung vào các sắc thuế nói chung. Đồng thời, xét theo phạm vi trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là quận Tân Bình, một trong những quận tập trung nhiều DNNVV, chưa có nghiên cứu nào về hành vi tuân thủ thuế TNDN. Để xác định được hành vi của doanh nghiệp trong việc tuân thủ thuế, nhóm tác giả đưa ra nghiên cứu xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ thuế TNDN tại quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Kết quả là cơ sở để nhóm tác giả đưa ra đề xuất các khuyến nghị, nhằm tăng cường việc tuân thủ thuế TNDN của doanh nghiệp.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Lý thuyết hành vi dự định

Lý thuyết hành vi dự định được Ajzen xây dựng vào năm 1991, cho rằng yếu tố quan trọng nhất quyết định hành vi là ý định thực hiện hành vi đó, bị ảnh hưởng bởi 3 yếu tố là thái độ đối với hành vi, các chuẩn chủ quan và nhận thức kiểm soát hành vi đó. Điều này khẳng định mối liên kết giữa thái độ, chuẩn chủ quan với nhận thức kiểm soát hành vi có thể dự báo và giải thích cho ý định thực hiện hành vi.

Trong nghiên cứu tuân thủ thuế, lý thuyết này giúp các nhà nghiên cứu giải thích các mối quan hệ các hành vi dẫn tới việc tuân thủ thuế, giúp cơ quan thuế quản lý sự tuân thủ thuế của doanh nghiệp bằng việc dự báo hành vi của doanh nghiệp khi nhìn vào tình trạng của họ.

2.2. Lý thuyết triển vọng

Lý thuyết triển vọng được Daniel Kahnerman & Amos Tversky đưa ra vào năm 1979 và giành giải Nobel Kinh tế (2002). Lý thuyết này đưa ra luận điểm con người không thích rủi ro ở phần lãi và thích rủi ro ở phần lỗ. Phần lãi hay phần lỗ không nhắm vào mức thu nhập, mà là sự thay đổi của mức thu nhập đó.

Lý thuyết triển vọng được áp dụng trong nghiên cứu tuân thủ thuế bởi Chang (1984), nhằm kiểm tra mối quan hệ giữa hình phạt và kiểm tra để xử lý hành vi tuân thủ thuế.

2.3. Mô hình tuân thủ thuế ATO

Mô hình tuân thủ thuế được Braithwaite & Grabosky đề xuất vào năm 1986 nhằm quản lý thuế và được cơ quan quản lý thuế tại Úc vào năm 1990 nên còn được gọi là mô hình tuân thủ ATO. Mô hình gồm 2 phần: các nhân tố ảnh hưởng đến tuân thủ thuế bao gồm (1) đặc điểm kinh doanh (2) đặc điểm ngành (3) đặc điểm xã hội (4) đặc điểm tâm lý (5) đặc điểm kinh tế và chiến lược của cơ quan thuế đối với từng cấp độ tuân thủ, từ tạo điều kiện thuận lợi đến áp dụng toàn bộ biện pháp theo pháp lý.

Trong nghiên cứu này, mô hình tuân thủ thuế ATO là khuôn mẫu để xây dựng các nhân tố ảnh hưởng đến tuân thủ thuế và là cơ sở để hình thành các phương pháp quản lý thuế cho cơ quan thuế.

2.4. Mô hình tuân thủ thuế Allingham & Sandmo

Mô hình tuân thủ thuế Allingham & Sandmo (1972) được xây dựng dựa trên lý thuyết tội phạm của Becker (1968). Theo mô hình này, mức thu nhập mà đối tượng kê khai với cơ quan thuế chịu ảnh hưởng bởi 4 yếu tố là thu nhập, khả năng bị phát hiện, mức phạt và thuế suất. Sau này mô hình được phát triển thêm yếu tố chính phủ. Mô hình giả thuyết rằng một cá nhân khi đóng thuế và nộp thuế là vì kết quả về mặt kinh tế của việc trốn thuế và vì sợ bị phát hiện và bị phạt. Tuy nhiên, để xác định hành vi tuân thủ hay không tuân thủ thì cần phải xem xét thêm các nhân tố tài chính tiềm tàng khác.

3. Giả thuyết và mô hình nghiên cứu

3.1. Giả thuyết nghiên cứu

3.1.1. Khả năng bị kiểm tra thuế

Khả năng bị kiểm tra thuế là nhân tố được chứng minh trong các nghiên cứu của Alm & cộng sự (1992), Dubin & cộng sự (1990) về tác động mạnh mẽ đối với hành vi tuân thủ thuế. Tần suất và sự kĩ lưỡng trong công tác kiểm tra khiến doanh nghiệp kĩ lưỡng trong việc kê khai, báo cáo thu nhập đúng với nghĩa vụ thuế, đồng thời làm gia tăng tuân thủ tự nguyện. Tuy nhiên, nghiên cứu của Togler (2003) cho thấy sự ép buộc không có tác động tích cực với tuân thủ thuế mà còn gây ra mối tương quan nghịch với tuân thủ thuế. Vì vậy, giả thuyết đặt ra là:

H1: Tần suất kiểm tra thuế càng cao thì doanh nghiệp sẽ tích cực thực hiện hành vi tuân thủ thuế TNDN.

3.1.2. Nhận thức về tính công bằng

Nghiên cứu của Murphy & Nagel (2002) cho biết công bằng là tiêu chuẩn để đánh giá sự khác biệt trong cách hành xử thuế của các cá nhân với nhau. Tính công bằng là sự đòi hỏi khách quan trong suốt quá trình phát triển thuế. Việc người nộp thuế không hài lòng với sự công bằng của hệ thống thuế là nguyên do chính khiến họ không tuân thủ nộp thuế. Theo Jackson & Milliron (1986), có 2 khía cạnh công bằng về thuế là công bằng trong giao dịch và công bằng giữa gánh nặng thuế. Các nghiên cứu của Mc, Graw & Scholz (1991), Moser, Evans & Kim (1995) đều cho thấy kết quả tác động tích cực của tính công bằng về thuế tác động tích cực đến hành vi tuân thủ thuế. Từ những vấn đề nêu trên, giả thuyết nghiên cứu được đề xuất là:

H2: Doanh nghiệp nhận thức được tính công bằng thì sẽ tích cực thực hiện hành vi tuân thủ thuế TNDN.

3.1.3. Chi phí tuân thủ thuế

Chi phí tuân thủ thuế là chi phí phát sinh của người nộp thuế do nghĩa vụ của mình để tuân thủ luật thuế có liên quan của một quốc gia (Fischer & cộng sự,1992). Thường liên quan tới hai khía cạnh là tiền và thời gian đầu tư vào trong tuân thủ thuế. Chi phí tuân thủ thuế cao sẽ khiến người chủ doanh nghiệp không hài lòng và tránh các chi phí đó, bằng việc nhờ các chuyên gia bên ngoài để trốn thuế và tránh thuế một cách tinh vi. Vì vậy, giả thuyết đặt ra là:

H3: Chi phí tuân thủ thuế càng thấp thì doanh nghiệp sẽ tích cực thực hiện hành vi tuân thủ thuế TNDN.

3.1.4. Tình trạng tài chính của doanh nghiệp

Tình trạng tài chính của doanh nghiệp phản ánh tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Phần lớn những doanh nghiệp thiếu nguồn lực tài chính là lý do khiến họ không kê khai thuế đầy đủ. Theo Allingham & Sandmo (1972), tuân thủ thuế thay đổi theo mức thu nhập và giảm theo mức độ rủi ro. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên thế giới đều có kết quả khác nhau như Slemrod (1985), Baldry (1987) cho thấy người thu nhập cao thì lại tuân thủ thuế thấp còn Fishlow & Friedman (1994) lại cho thấy sự tuân thủ thuế gia tăng theo mức độ thu nhập. Để tìm hiểu rõ hơn, giả thuyết đặt ra là:

H4: Tình trạng tài chính của doanh nghiệp càng tốt thì doanh nghiệp sẽ tích cực thực hiện hành vi tuân thủ thuế TNDN.

3.1.5. Sự phức tạp của chính sách thuế

Là nhân tố được đề xuất từ nghiên cứu định tính của tác giả, hệ thống thuế phức tạp được hiểu là hệ thống có quá nhiều quy trình tính toán và thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho cán bộ thuế trong việc thực thi và doanh nghiệp trong việc kê khai thuế. Trong nghiên cứu của Jackson & Milliron (1986), hệ thống thuế phức tạp chính là một nguyên nhân dẫn tới việc không tuân thủ thuế. Từ đó, giả thuyết đặt ra là:

H5: Chính sách thuế TDNN phức tạp khiến doanh nghiệp không thực hiện hành vi tuân thủ thuế TNDN.

3.2. Giả thuyết nghiên cứu

Từ các cơ sở lý thuyết và nghiên cứu có liên quan, tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu hồi quy tuyến tính ban đầu như tại Hình 1.

4. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu, nhóm tác giả sử dụng cách tiếp cận suy diễn, tức là dựa vào lý thuyết trước đây và kết quả nghiên cứu định tính thông qua phỏng vấn chuyên gia đề xuất mô hình. Đồng thời, nhóm tác giả kết hợp với phương pháp quy nạp để kiểm chứng, dựa vào kết quả nghiên cứu định tính sẽ điều chỉnh, bổ sung các biến quan sát trong bảng hỏi để thực hiện nghiên cứu định lượng. Kế thừa nhiều kết quả nghiên cứu, nhóm xác định có 5 nhân tố ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ thuế TNDN của DNNVV bao gồm: khả năng bị kiểm tra thuế, nhận thức về tính công bằng, chi phí tuân thủ thuế, tình trạng tài chính của doanh nghiệp và sự phức tạp của hệ thống chính sách thuế.

Phương pháp thu thập số liệu thông qua việc khảo sát, đối tượng khảo sát là những người chịu trách nhiệm nộp thuế TNDN cho các DNNVV tại quận Tân Bình. Số mẫu khảo sát phát ra là 208 phiếu, thu về 185 phiếu. Sau khi kiểm tra thông tin trên các phiếu, có 177 phiếu có đầy đủ thông tin để nhập dữ liệu và thực hiện phân tích.

5. Kết quả nghiên cứu

5.1. Kiểm định thang đo

Kiểm định thang đo các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ thuế TNDN của DNNVV được thực hiện bằng hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha và phân tích EFA. Kết quả kiểm định cho thấy hệ số Cronbach’s Alpha đều lớn hơn 0.6; hệ số tương quan biến tổng của thang đo đều lớn hơn 0.3. Sau khi loại bỏ 4 biến quan sát bao gồm KT04, CB04, TT04, CS02, CS05 còn lại 18 biến quan sát đều đạt độ tin cậy, được sử dụng để phân tích EFA.

Phân tích EFA được thực hiện với phương pháp trích hệ số là Component Analysis và phép xoay Varimax, kết quả phân tích có 18 biến quan sát của thang đo các biến độc lập đạt kiểm định KMO = 0.685, kiểm định Barlett’s test có Sig. = 0.000; số lượng các nhân tố trích được là 5, tương đương với mô hình lý thuyết ban đầu xây dựng, tổng phương sai trích đạt 61.616% (1 nhân tố giải thích cho 61.616% biến thiên của dữ liệu), trong số các nhân tố đều lớn hơn 0.5. Như vậy, phân tích EFA thích hợp với dữ liệu và các biến quan sát có tương quan với nhau trong tổng thể, nên được sử dụng trong phân tích tiếp theo.

Thực hiện phân tích EFA của biến phụ thuộc “hành vi tuân thủ thuế TNDN” thì hệ số KMO = 0.838 và kiểm định Barlett có Sig. = 0.000 thích hợp với các dữ liệu, các biến có tương quan với nhau trong tổng thể. Hệ số tải nhân tố của các biến thang đo hành vi tuân thủ thuế đều lớn hơn 0.5; giá trị Eigenvalue là 3.384 và phương sai trích 67.670% .

5.2. Phân tích tương quan giữa các biến

Phân tích tương quan cho kết quả hệ số tương quan giữa các biến, mục đích của kiểm tra mối tương quan chặt chẽ giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc để loại bớt các nhân tố có thể dẫn đến hiện tượng đa cộng tuyến trước khi chạy mô hình hồi quy. Trong 5 nhân tố thì nhân tố CS có hệ số Sig. > 5% nên bị loại, nhân tố này không tương quan với biến phụ thuộc. Hệ số tương quan của 4 nhân tố còn lại bao gồm: KT (0.528), CB (0.201), CP (0.451), TT (0.443. Điều này cho thấy biến phụ thuộc có sự tương quan tuyến tính với 4 nhân tố, các biến này có phân phối chuẩn.

5.3. Phân tích hồi quy

Để xác định, đo lường và đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến hành vi tuân thủ thuế TNDN của DNNVV, tác giả sử dụng phương pháp hồi quy tuyến tính bội giữa 4 nhân tố ảnh hưởng thu được từ phần phân tích EFA ở trên. (Bảng 1)

Bảng 1. Kết quả hồi quy đa biến

 

Hệ số chưa chuẩn hóa

Hệ số chuẩn hóa

Giá trị t

Sig

Đa cộng tuyến

B

Độ lệch chuẩn

Beta

Độ chấp nhận

VIF

Hằng số

-.177

.357

 

-.496

.620

   

KT

.353

.056

.373

6.333

.000

.869

1.150

CB

.089

.040

.122

2.205

.029

.985

1.015

CP

.326

.057

.324

5.718

.000

.943

1.060

CS

.339

.079

.254

4.312

.000

.875

1.143

R2

0.480

R2 hiệu chỉnh

0.468

Sig. F Change

0.000

Hệ số Durbin - Watson

1.917

Nguồn: Kết quả phân tích từ SPSS

Theo kết quả hồi quy Enter, ta thu được kết quả ở Bảng 1, kết quả này cho giá trị R2 = 0.561; giá trị R2 cho biết rằng các biến độc lập trong mô hình có thể giải thích 48,0% sự thay đổi của biến phụ thuộc, còn lại 52,0% là những nhân tố không được đưa vào mô hình. Đồng thời, kết quả phân tích cho thấy hệ số phóng đại phương sai VIF nhỏ, đều nhỏ hơn 2, cho thấy các biến độc lập không có quan hệ chặt chẽ với nhau nên không có xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến.

Về kiểm định độc lập của phần dư chính là đại lượng thống kê Durbin - Waston của hàm hồi quy có giá trị 1.917 < 3 cho thấy không có hiện tượng tự tương quan chuỗi bậc 1. Hay nói cách khác, các phần dư ước lượng của mô hình độc lập không có mối quan hệ tuyến tính với nhau. Giá trị t tương ứng với Sig. của các biến độc lập đều nhỏ hơn 0.05 nên có ý nghĩa thống kê. Từ Bảng 1 cho thấy trong 4 nhân tố tương quan đến tính tuân thủ thì cả 4 nhân tố đều tác động cùng chiều đến hành vi tuân thủ thuế TNDN. Phương trình hồi quy đối với các biến có hệ số chuẩn hóa có dạng như sau:

Y= 0.373X1 + 0.122X2 + 0.324X3 + 0.254X4 + ε1

Trong đó:       Y: Hành vi tuân thủ thuế TNDN.

                        X1: Khả năng bị kiểm tra thuế (KT).

                        X2:  Nhận thức về tính công bằng (CB).

                        X3: Chi phí tuân thủ thuế (CP).

                        X4: Tình trạng tài chính của doanh nghiệp (TT).

Bảng 2. Tổng hợp mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố

đến tính tuân thủ thuế TNDN của DNNVV

STT

Nhân tố

Giá trị

Tỷ lệ

1

KT: Khả năng bị kiểm tra thuế (KT)

0.373

34,7%

2

CB: Nhận thức về tính công bằng (CB)

0.122

11,4%

3

CP: Chi phí tuân thủ thuế (CP)

0..324

30,2%

4

TT: Tính trạng tài chính của doanh nghiệp (TT)

0.254

23,7%

 

1.073

100%

Nguồn: Kết quả phân tích từ SPSS

Theo Bảng 2, trong các nhân tố ảnh hưởng, nhân tố khả năng bị kiểm tra thuế có ảnh hưởng lớn nhất và thuận chiều với hành vi tuân thủ thuế TNDN. Cụ thể: khả năng bị kiểm tra thuế (KT) chiếm 34,7%; đứng thứ hai là chi phí tuân thủ thuế (CP), chiếm 30,2%; đứng thứ 3 là tình trạng tài chính của doanh nghiệp (TT), chiếm 23,7%; đứng thứ tư là nhận thức về tính công bằng (CB), chiếm 11,4%.

6. Hàm ý chính sách

6.1. Thiết lập tần suất kiểm tra thuế hiệu quả

Thiết lập tần suất kiểm tra theo tháng/quý, xen lẫn là những lần kiểm tra đột xuất, tăng cường phối hợp liên ngành, không cho doanh nghiệp có cơ hội thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, không tuân thủ thuế. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế, đặc biệt là vi phạm về hóa đơn.

Đẩy mạnh đào tạo chuyên môn về nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thuế. Thẳng tay loại bỏ các cán bộ yếu kém, không đáp ứng được nhu cầu công việc đạo đức, giảm thiểu trường hợp kiểm tra không hiệu quả. Ngoài ra, tích cực kiểm tra hồ sơ thuế làm cơ sở động viên doanh nghiệp tuân thủ thuế. Yêu cầu doanh nghiệp kê khai số tạm nộp hàng quý phù hợp với tốc độ tăng trưởng.

6.2. Giảm chi phí tuân thủ thuế

Thực hiện quản lý thuế theo tuân thủ tự nguyện, không tạo ra những chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp ở những lần kiểm tra đột xuất. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ trong quy trình đăng kí thuế, kê khai, nộp thuế TNDN bằng cách ứng dụng công nghệ tin học tiên tiến, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thành thủ tục một cách nhanh chóng.

Áp dụng các chính sách quản lý thuế riêng cho doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp mới thành lập, đơn giản hóa các điều kiện cho các doanh nghiệp loại này, tạo điều kiện tuân thủ thuế cho họ.

6.3. Chú ý đến tình trạng tài chính doanh nghiệp

Tăng cường kiểm tra hồ sơ thuế của doanh nghiệp, phân loại doanh nghiệp dựa trên mức độ thu nhập để dễ dàng kiểm tra. Có hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp có ý định trốn thuế, gian lận thuế. Ngoài ra, có những chính hỗ trợ những doanh nghiệp mới hoạt động, đang gặp tình trạng khó khăn như ưu đãi thuế suất, số ngày nộp thuế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tuân thủ thuế.

6.4. Tăng cường nhận thức về tính công bằng

Hoàn thiện hoạt động tuyên truyền - hỗ trợ các doanh nghiệp nộp thuế, giúp nâng cao ý thức xã hội trong vấn đề tuân thủ thuế, giúp doanh nghiệp nhận thức về tính công bằng rõ ràng hơn. Thiết lập các đại lý thuế để hỗ trợ doanh nghiệp nộp thuế, hỗ trợ thủ tục tố cáo lên cơ quan chức năng khi cần thiết, tích cực kiểm tra các khiếu nại liên quan đến cung cấp dịch vụ thuế, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp.

7. Kết luận

Bài viết phân tích để nhận diện được 4 nhân tố ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ thuế TNDN của DNNVV tại quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh bao gồm: Khả năng bị kiểm tra thuế; Nhận thức về tính công bằng; Tình trạng tài chính doanh nghiệp; Chi phí tuân thủ thuế. Nhóm hi vọng với kết quả nghiên cứu đạt được sẽ giúp cơ quan thuế có những chính sách và những giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới nhằm nâng cao tuân thủ thuế TNDN trong cộng đồng doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Allingham, M.G., and Sandmo, A. (1972). Income tax evasion: A theoretical analysis. Journal of Public Economics, 1 (34), 323-38.
  2. Alm, J., McClelland, G. H., & Schulze, W. D. (1992). Why do people pay taxes? Journal of public Economics, 48 (1), 21-38.
  3. Braithwaite, J., Walker, J., & Grabosky, P. (1987). An enforcement taxonomy of regulatory agencies. Law & Policy, 9 (3), 323-351.
  4. Slemrod, J. (1985). An empirical test for tax evasion. The review of Economics and Statistics, 232-238.
  5. Chang Otto H. (1984). Tax avoidance behavior: a prospect theory perspective. Ph.D. diss. USA: University of Illinois.
  6. Jackson Betty và Valerie C Milliron. (1986). Tax compliance research: findings, problems and prospects. Journal of Accounting Literature, Số 5.
  7. Fishlow, A., & Friedman, J. (1994). Tax evasion, inflation and stabilization. Journal of Development Economics, 43 (1), 105-123.
  8. Moser, D. V., Evans III, J. H., & Kim, C. K. (1995). The effects of horizontal and exchange inequity on tax reporting decisions. Accounting Review, 619-634.
  1. Torgler, B. (2003). Tax morale: Theory and empirical analysis of tax compliance. Doctoral dissertation, Switzerland: University_of_Basel.
  2. Fischer CM, Wartick M, Mark M (1992). Detection Probability and Taxpayer Compliance: A Review of the Literature. J. Acc. Lit., 11, 1-46

Factors affecting the tax compliance of small and

medium-sized enterprises

Nguyen Thi Ngoc Diep 1

Nguyen Huy Hoang 1

1 Ho Chi Minh City Open University

ABSTRACT:

This study determines the factors affecting the corporate income tax compliance of small and medium-sized enterprises (SMEs) in Tan Binh District, Ho Chi Minh City. The study’s data sets were collected from 177 SMEs in Tan Binh Distric. Cronbach's alpha, exploratory factor analysis (EFA) and multivariate linear regression analysis were used in this study. The study finds out that there are four factor positively affecting SMEs’ corporate income tax compliance. These factors are the possibility of tax examination, perception of tax fairness,  tax compliance cost; and corporate financial status.

Keywords: tax compliance, corporate income tax, small and medium-sized enterprises.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 3 năm 2021]