Phát triển du lịch biển của Thành phố Huế - tiềm năng, khó khăn đặt ra và giải pháp

Bài báo Phát triển du lịch biển của Thành phố Huế - tiềm năng, khó khăn đặt ra và giải pháp do Hồ Thị Thu Hương (Trưởng Khoa Lý luận cơ sở - Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh, Thành phố Huế) thực hiện.

Tóm tắt:

Nghị quyết số 130/NQ-HĐND, ngày 11/12/2024 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định: Chương trình phát triển văn hóa, du lịch - dịch vụ là 1 trong 6 chương trình trọng điểm [1]. Theo đó, Thành phố Huế, với vị thế Cố đô và trung tâm di sản văn hóa thế giới, đang đứng trước cơ hội lớn để phát huy tiềm năng du lịch biển, một yếu tố chiến lược bổ sung cho các giá trị văn hóa lịch sử vốn có. Bài viết này đánh giá toàn diện hiện trạng, tiềm năng, thách thức của du lịch biển Huế và đề xuất các giải pháp chiến lược nhằm phát huy tối đa tiềm năng này một cách bền vững, đưa du lịch biển Huế phát triển xứng tầm, trở thành điểm đến "di sản và biển xanh bền vững" trên bản đồ du lịch quốc tế.

Từ khóa: Thành phố Huế, du lịch biển, đầm - phá, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

1. Hiện trạng và tiềm năng du lịch biển của Thành phố Huế

Du lịch Huế đã chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tổng lượt khách đến Huế năm 2023 đạt 2,1 triệu lượt, tăng 12% so với năm 2022; doanh thu du lịch đạt 4.585 tỷ đồng, tăng 186% so với cùng kỳ [2]. Trong năm 2024, Thừa Thiên Huế đón hơn 3,9 triệu lượt khách, trong đó, có gần 1,45 triệu lượt khách quốc tế, 2,5 triệu lượt khách nội địa. Doanh thu từ du lịch ước đạt 7.900 tỷ đồng [3]. Tiếp tục đà tăng trưởng, tính đến hết tháng 6/2025, Huế đã đón khoảng 3,33 triệu lượt khách du lịch, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 1,16 triệu lượt, tăng 42%. Doanh thu từ du lịch ước 6.370,9 tỷ đồng, tăng 59% [4].  

Những số liệu này cho thấy sự phục hồi và tăng trưởng rất mạnh mẽ của du lịch Huế, đặc biệt là trong năm 2024 và nửa đầu năm 2025. Mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao, quy mô và hiệu quả kinh tế của du lịch Huế, đặc biệt là du lịch biển (vốn là loại hình có doanh thu cao), vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng vốn có và chưa đạt được vị thế cạnh tranh mong muốn trong khu vực. Việc này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc chuyển đổi từ tăng trưởng số lượng sang tăng trưởng chất lượng và giá trị, để du lịch biển Huế có thể đóng góp một cách ý nghĩa hơn vào tổng thể ngành du lịch địa phương.  

Huế sở hữu một đường bờ biển dài 120km cùng nhiều bãi biển đẹp, hoang sơ và đa dạng loại hình, tạo nên một bức tranh thiên nhiên phong phú với các bãi biển nổi bật như Lăng Cô, Thuận An, Cảnh Dương, Hàm Rồng, Hải Dương, Vinh Thanh, Vinh Hiền, Tân Cảnh Dương, Bình An, Lộc Bình, Phú Diên. Mỗi bãi biển mang một nét đẹp riêng, từ hoang sơ, yên bình đến sôi động, thu hút giới trẻ với các góc "check-in" độc đáo.  

Huế còn là trung tâm di sản với Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận, bao gồm Đại Nội, các lăng tẩm cổ kính (Lăng Khải Định, Lăng Minh Mạng, Lăng Tự Đức), chùa Thiên Mụ và Cầu Tràng Tiền. Các di tích này mang đậm dấu ấn của triều Nguyễn và là điểm đến không thể bỏ qua khi ghé thăm xứ kinh kỳ.  

Sự giao thoa độc đáo giữa di sản văn hóa và tiềm năng biển - đầm phá là lợi thế cạnh tranh khác biệt của Huế. Khác với các điểm đến biển thuần túy, Huế có một "tài sản kép" là di sản văn hóa cung đình và hệ sinh thái biển - đầm phá đa dạng. Các bãi biển đẹp, hệ đầm phá rộng lớn với đa dạng sinh học và văn hóa làng chài, cùng với các di tích lịch sử tạo nên một sản phẩm du lịch tổng thể mà ít nơi nào có được. Hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có tính đa dạng sinh học cao và gắn liền với nhiều lễ hội dân gian truyền thống như lễ hội Cầu ngư, lễ hội Nghênh Ông, lễ hội Cầu an, cùng với hệ thống di tích phong phú (30 di tích được xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt). Tuy nhiên, việc khai thác hiện tại còn có mặt chưa khai thác hết mọi tiềm năng vốn có, sản phẩm du lịch còn ít, có phần còn "đơn điệu" chưa thực sự hấp dẫn du khách. Điều này cho thấy Huế chưa thực sự tạo ra các sản phẩm du lịch tích hợp, liên kết chặt chẽ giữa các điểm đến di sản và biển/đầm phá để tạo ra trải nghiệm độc đáo, có giá trị cao cho du khách. Tiềm năng lớn nhất nằm ở việc tạo ra các tour du lịch đa chiều, kết nối "kinh thành" với "biển" và "đầm phá", mang lại trải nghiệm văn hóa sâu sắc và thiên nhiên hoang sơ, từ đó nâng cao giá trị và sức hấp dẫn của điểm đến. 

Chính quyền địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch biển. Nhiều dự án đã và đang được triển khai nhằm cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ. Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng (giai đoạn 2), được tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đang được triển khai tại thành phố Huế. Dự án này bao gồm nâng cấp hạ tầng giao thông, du lịch và xây mới các bến thuyền trên sông Hương và đầm phá. Đến nay, nhiều hạng mục đã cơ bản hoàn thành, với 6 bến thuyền đã được bàn giao và đưa vào sử dụng, bao gồm: Thanh Tiên, Bến Than, Voi Ré - Hổ Quyền, số 5 Lê Lợi, Vĩnh Tu, và Cồn Tộc. Hệ thống bến thuyền mới được thiết kế đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy trên sông Hương và khu vực đầm phá Cồn Tộc. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là UBND thành phố Huế) đã phê duyệt quy hoạch phân khu Khu đô thị ven biển Thuận An (tỷ lệ 1/2000) với quy mô diện tích khoảng 260,46 ha [5]; Khu du lịch nghỉ dưỡng, thương mại dịch vụ vui chơi thể thao Lộc Bình nằm trên địa phận xã Lộc Bình và xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, có quy mô diện tích 328,43ha (diện tích thuộc xã Lộc Bình 245,10ha và diện tích thuộc xã Vinh Hiền 83,33ha); quy mô khách du lịch và nhân viên phục vụ là 9.500 người/ngày đêm [6]. Khu vực này giáp với Khu du lịch Laguna, hứa hẹn tạo ra một quần thể du lịch nghỉ dưỡng lớn.  

2. Thách thức và hạn chế trong phát triển du lịch biển Huế

Mặc dù sở hữu tiềm năng to lớn, du lịch biển Huế vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức và hạn chế, kìm hãm sự phát triển xứng tầm. Cụ thể như sau:

Hạn chế về sản phẩm và dịch vụ du lịch

Du lịch biển Huế hiện tại còn đơn điệu, chủ yếu tập trung vào các hoạt động tắm biển và ăn uống thông thường. Du khách thường nhận xét biển Huế sạch và đẹp, nhưng chưa nổi bật so với các điểm đến như Đà Nẵng hay Nha Trang, do thiếu dịch vụ bổ trợ và sản phẩm vui chơi giải trí đa dạng. Các hoạt động phụ trợ còn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu các hoạt động thể thao trên biển và chương trình về đêm. Các hoạt động lễ hội, tour khám phá, trải nghiệm hầu như vắng bóng. Bên cạnh đó, việc thiếu các tour liên kết giữa biển và các điểm lân cận cũng làm giảm sức hấp dẫn tổng thể của điểm đến.  

Sự đơn điệu của sản phẩm du lịch biển tạo ra một khoảng cách lớn giữa tiềm năng và sản phẩm thực tế, dẫn đến giảm sức cạnh tranh và khả năng chi tiêu của du khách. Huế có tiềm năng tự nhiên và văn hóa vô cùng phong phú, nhưng sản phẩm du lịch biển lại chưa được "chế biến" thành sản phẩm hấp dẫn. Du khách không có nhiều lựa chọn để mua sắm, thời gian lưu trú ngắn. Vì thế, Huế khó cạnh tranh với các điểm đến đã phát triển mạnh về du lịch biển. Điều này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến doanh thu du lịch biển ở Huế chưa cao so với tiềm năng.

Thách thức về hạ tầng giao thông và kết nối

Mặc dù có các dự án nâng cấp bến thuyền, đầu tư các tuyến đường kết nối ra biển, nhưng đánh giá tổng thể hạ tầng giao thông hiện còn nhiều hạn chế, đặc biệt là giao thông kết nối du lịch biển. Hạ tầng giao thông không thuận lợi là một nút thắt cổ chai, cản trở việc tiếp cận và phát triển các khu vực biển tiềm năng. Điều này có nghĩa dù có bến thuyền, việc đi lại đến các bãi biển hoặc giữa các điểm du lịch biển và trung tâm Thành phố vẫn chưa thuận tiện, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách và khả năng phát triển các tour liên tuyến. Hạ tầng yếu kém cũng là rào cản lớn cho việc thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, bởi các nhà đầu tư cần sự kết nối đồng bộ để đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Vấn đề môi trường và tác động của biến đổi khí hậu

Tình trạng ô nhiễm rác thải tại một số bờ biển thành phố Huế vẫn còn, chủ yếu do rác thải từ khách du lịch và rác thải sinh hoạt của người dân, công tác thu gom rác chưa hiệu quả. Tình trạng xói lở, xâm thực bờ biển diễn biến ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hơn 20km bờ biển. Mỗi mùa mưa bão, đặc biệt là từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, bờ biển bị xâm thực sâu vào đất liền từ 3 đến 7 m có nơi từ 10-15m, gây hư hại nhiều công trình và tài sản công, tư nhân, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của hàng nghìn hộ dân. Ví dụ như năm 2024, biển ăn sâu vào đất liền tại bãi tắm giáp phường Thuận An với chiều dài 300m, xâm thực vào 30-40m; đoạn từ Tân An đến Xuân An dài 1.420m, ăn sâu vào đất liền 20-30m; đoạn giáp xã Phú Hải (nay là phường Thuận An) với chiều dài 180m, ăn sâu vào đất liền từ 20-30m. Khu vực từ Tân An đến Xuân An là trọng điểm của sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 860 hộ, 4.087 khẩu, gây nguy cơ mất nơi ở, ảnh hưởng sản xuất [7]. Cơn bão số 6 cuối năm 2024 đã đánh tan 300m đường bê-tông dọc bờ biển Phú Thuận, minh chứng cho sự nghiêm trọng của vấn đề này. 

Nếu không nhanh chóng được giải quyết triệt để, những vấn đề này sẽ làm suy giảm nghiêm trọng sức hấp dẫn của du lịch biển Huế, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách và khả năng thu hút đầu tư dài hạn. Điều này cũng đi ngược lại định hướng phát triển du lịch xanh và bền vững của quốc gia và tỉnh.  

Thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch

Chất lượng nguồn nhân lực được xem là yếu tố cốt lõi để phát huy tiềm năng du lịch. Sau đại dịch Covid-19, ngành Du lịch Huế đối mặt với thách thức lớn về chất lượng và số lượng nhân lực. Quy mô nhân lực du lịch giảm mạnh, từ 14.600 lao động (năm 2019) giảm xuống còn 12.100 lao động  (năm 2020) và 6.600 lao động (năm 2021), do dịch chuyển sang các ngành kinh tế khác [8]. Mặc dù ngành Du lịch của tỉnh (nay là thành phố Huế) đã phục hồi và thu hút người lao động quay trở lại, nhưng so với yêu cầu về cả số lượng và chất lượng, nguồn nhân lực du lịch vẫn là một bài toán cần nghiên cứu giải pháp. Dự báo năm 2025, du lịch Huế sẽ đón khoảng 4,8-5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 38 - 40% tổng lượt khách; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 10.800 - 11.200 tỷ đồng [9] và cần hơn 41.300 người lao động (trong đó có gần 13.800 lao động trực tiếp và hơn 27.500 lao động gián tiếp). Đến năm 2030, du lịch Huế dự kiến đón khoảng 8,2 triệu lượt khách và cần hơn 62.800 lao động trong ngành du lịch, gồm hơn 20.900 lao động trực tiếp. Vì vậy, du lịch Huế rất cần thu hút và tăng cường đào tạo, bổ sung đội ngũ lao động trong ngành du lịch [10].  

Sự thiếu hụt về số lượng và chất lượng nhân lực chưa cao đang là rào cản cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp. Du lịch là ngành dịch vụ, chất lượng nhân lực quyết định trực tiếp đến trải nghiệm của du khách và khả năng cung cấp các dịch vụ cao cấp. Để đạt được mục tiêu phát triển du lịch đẳng cấp, Huế cần một chiến lược phát triển nguồn nhân lực toàn diện, không chỉ về số lượng mà quan trọng hơn là về chất lượng và kỹ năng chuyên môn, đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ mới và cao cấp. Điều này đòi hỏi sự phối hợp giữa Nhà nước, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Khó khăn trong thu hút đầu tư và công tác xúc tiến, quảng bá

Du lịch biển ở Huế vẫn còn thiếu các dịch vụ đẳng cấp, sản phẩm hấp dẫn; thiếu các điều kiện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật để tạo sức hút với loại hình du lịch này. Điều đặt lên hàng đầu của nhà đầu tư là phải nghiên cứu thị trường, nhìn vào dung lượng và khả năng thị trường để thu hồi vốn. Phải có nhiều khách du lịch đến với Huế thì mới có nhiều nhà đầu tư tìm đến đầu tư cho du lịch thành phố phát triển.  

Sự thiếu hụt sản phẩm và hạ tầng chưa đảm bảo trực tiếp dẫn đến việc khó thu hút khách du lịch có khả năng chi tiêu cao và thời gian lưu trú dài. Điều này lại khiến các nhà đầu tư e ngại rót vốn vào các dự án quy mô lớn, cao cấp, bởi họ không nhìn thấy "dung lượng, khả năng thị trường" đủ lớn để đảm bảo lợi nhuận. Vòng lặp này cản trở sự phát triển đột phá của du lịch biển Huế. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch cần đổi mới để thu hút khách mạnh mẽ hơn, tập trung vào các thị trường trọng điểm và tiềm năng. Tuy nhiên, công tác xúc tiến, quảng bá dù có nỗ lực, nhưng nếu không có sản phẩm "đẳng cấp" để quảng bá thì hiệu quả sẽ vẫn hạn chế.  

3. Giải pháp phát triển du lịch biển Huế bền vững

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều văn bản quan trọng đến phát triển du lịch biển; trong đó có Kế hoạch 156/KH-UBND ngày 20/6/2020 về thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám, BCH Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đề ra là: “Đưa Thừa Thiên Huế thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước, kinh tế biển ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thể nền kinh tế của tỉnh; phấn đấu đạt các chỉ tiêu về phát triển bền vững kinh tế biển theo quy định của Chính phủ[11].

Để phát huy tối đa tiềm năng du lịch biển của Thành phố Huế và vượt qua các thách thức hiện tại và đạt được mục tiêu đề ra, cần có một chiến lược phát triển toàn diện, bền vững và đồng bộ. Chúng tôi đề xuất một số giải pháp căn bản cho sự phát triển du lịch biển Huế trong thời gian tới như sau:

Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

Để khắc phục sự "đơn điệu" của sản phẩm du lịch biển hiện tại, Huế cần một chiến lược đa dạng hóa sản phẩm toàn diện. Điều này đòi hỏi chuyển dịch từ "du lịch tắm biển" sang "du lịch trải nghiệm đa dạng, đẳng cấp và bền vững", lấy bản sắc làm cốt lõi.  

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp: khuyến khích đầu tư các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế tại các bãi biển tiềm năng như Lăng Cô, Tân Cảnh Dương và Vinh Thanh. Việc này sẽ tạo ra các điểm đến sang trọng, thu hút phân khúc khách hàng có khả năng chi tiêu cao.  

Khai thác du lịch sinh thái đầm phá và văn hóa cộng đồng: phát triển các tour khám phá hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, kết hợp trải nghiệm cuộc sống làng chài, câu cá cùng ngư dân, và thăm rừng ngập mặn Rú Chá. Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với văn hóa bản địa và sinh kế của người dân, học hỏi từ các mô hình thành công ở Thanh Hóa với việc khai thác văn hóa truyền thống, đời sống ngư dân và đặc sản địa phương, cũng như Bình Thuận (nay là tỉnh Lâm Đồng) với thiết kế độc đáo kết hợp cảnh quan tự nhiên và vật liệu tái chế. Đề án mô hình du lịch sinh thái cộng đồng Rú Chá - Cồn Tè và mô hình du lịch cộng đồng biển tại Hải Dương đã được thông qua, cần đẩy nhanh triển khai.  

Phát triển du lịch thể thao biển và mạo hiểm: đẩy mạnh các hoạt động hấp dẫn như chèo thuyền du lịch, kéo dù bằng ca nô, lướt ván, đua thuyền, bóng đá, bóng chuyền bãi biển; Nghiên cứu các loại hình ngắm biển hiện đại hơn, như: dù lượn, khinh khí cầu, máy bay mô hình, trực thăng để tạo điểm nhấn và thu hút du khách. 

Gắn kết du lịch biển với di sản và lễ hội: Hình thành các tour liên kết giữa di sản Cố đô và các điểm du lịch biển/đầm phá. Gắn du lịch biển với các hoạt động lễ hội địa phương như Lăng Cô vịnh đẹp hay sóng nước Tam Giang để tạo ra trải nghiệm văn hóa sâu sắc và thiên nhiên hoang sơ.  

Phát triển kinh tế đêm và ẩm thực địa phương: Hình thành các bãi biển cộng đồng với không gian ẩm thực địa phương kết hợp sản phẩm OCOP, giới thiệu bản sắc văn hóa từng địa phương gắn với những câu chuyện để tăng trải nghiệm và chi tiêu của du khách.  

Phát triển du lịch xanh và sự kiện thể thao xanh: Khuyến khích các hoạt động du lịch thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu rác thải nhựa.

 Tổ chức các sự kiện thể thao biển xanh để thu hút du khách, tạo ra giá trị đổi mới, giáo dục và bảo tồn, đồng thời giảm thiểu tác động môi trường.  

Các giải pháp đề xuất không chỉ dừng lại ở việc thêm các hoạt động giải trí, mà còn đi sâu vào các loại hình có giá trị gia tăng cao hơn. Điều quan trọng là phải tích hợp các yếu tố di sản văn hóa và thiên nhiên độc đáo của Huế vào các sản phẩm này, tạo ra một "thương hiệu" riêng biệt, không trùng lặp với các điểm đến khác. Việc này sẽ thu hút phân khúc khách hàng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, thay vì chỉ có du khách tắm biển thông thường. Địa phương cần chuyển hóa tiềm năng thành sản phẩm cụ thể, cung cấp một lộ trình hành động rõ ràng cho việc đa dạng hóa du lịch biển Huế.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tăng cường kết nối

Hạ tầng giao thông và kỹ thuật chưa đồng bộ, hoàn thiện là một trong những "điểm nghẽn" lớn nhất. Để phát triển du lịch biển đẳng cấp, không thể chỉ dựa vào vẻ đẹp tự nhiên. Huế cần ưu tiên nâng cấp và xây mới các tuyến đường kết nối từ trung tâm thành phố đến các bãi biển và khu du lịch ven biển, đặc biệt là các tuyến giao thông ven biển. Xây dựng các tiện ích công cộng đạt chuẩn quốc tế (nhà vệ sinh, khu vực thay đồ, cứu hộ), hệ thống xử lý nước thải và rác thải hiện đại tại các khu du lịch biển; Tiếp tục hoàn thiện các bến thuyền đã được nâng cấp và xây mới, đồng thời phát triển các dịch vụ vận chuyển đường thủy chất lượng cao, kết nối sông Hương, đầm phá và biển. Chính quyền địa phương và ngành Du lịch cần nỗ lực hơn nữa trong việc kêu gọi đầu tư vào các khu nghỉ dưỡng, khách sạn 4-5 sao, homestay và các cơ sở vui chơi giải trí quy mô lớn.  

Các dự án hiện có đã là bước khởi đầu, nhưng để phát triển hơn nữa trong tương lai, Huế cần một chiến lược tổng thể, ưu tiên các dự án có tác động lan tỏa và tạo ra sự khác biệt rõ rệt về chất lượng, thay vì chỉ là những cải thiện nhỏ lẻ.

Bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu

Các vấn đề rác thải và xói lở là mối đe dọa hiện hữu đối với du lịch biển Huế. Nếu không giải quyết, chúng sẽ hủy hoại tài nguyên tự nhiên, làm mất đi sức hấp dẫn và ảnh hưởng đến sinh kế của cộng đồng. Việc bảo vệ môi trường không phải là một lựa chọn mà là một điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững.

Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của du khách và cộng đồng về bảo vệ môi trường, hạn chế và tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy. Triển khai các dự án và mô hình quản lý rác thải nhựa như “Nâng cao năng lực cộng đồng trong quản lý rác thải nhựa gắn với phát triển du lịch biển, đầm phá” và “Ngôi nhà xanh trên biển”. Đảm bảo hệ thống thu gom và xử lý rác thải tại các bãi biển và khu du lịch đạt chuẩn, tránh tình trạng quá tải và ô nhiễm.

Triển khai các giải pháp chống xói lở bờ biển một cách bài bản và bền vững, bao gồm xây dựng kè chắn sóng và các giải pháp sinh thái. Nghiên cứu và áp dụng các mô hình bảo vệ bờ biển thích ứng với biến đổi khí hậu, như phục hồi rừng ngập mặn.

Lồng ghép các tiêu chí "xanh" vào mọi hoạt động du lịch, từ quy hoạch, đầu tư đến vận hành. Việc áp dụng các mô hình "du lịch xanh" không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh, thu hút phân khúc du khách có ý thức về môi trường. Học hỏi kinh nghiệm từ Khánh Hòa về việc dán nhãn du lịch xanh và chuyển đổi xanh toàn diện, đặt mục tiêu 80% điểm du lịch được dán nhãn xanh đến năm 2030.

Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao

Nguồn nhân lực là "yếu tố cốt lõi". Sự thiếu hụt và chất lượng chưa cao của đội ngũ lao động trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp và cao cấp. Để đạt được mục tiêu phát triển du lịch đẳng cấp, Huế cần một chiến lược phát triển nguồn nhân lực toàn diện. Triển khai các giải pháp đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ người lao động trong ngành Du lịch, đặc biệt là các vị trí lễ tân tại các khách sạn 4-5 sao, lao động trong lĩnh vực quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch. Có chính sách thu hút người lao động quay trở lại ngành sau đại dịch, đảm bảo chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc hấp dẫn. Tập trung đào tạo nhân lực có khả năng quản lý và vận hành các loại hình du lịch mới như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch thể thao biển và du lịch thông minh. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.  

Tăng cường xúc tiến, quảng bá và thu hút đầu tư

Công tác xúc tiến quảng bá là cần thiết, nhưng sẽ kém hiệu quả nếu không có sản phẩm "đẳng cấp" để quảng bá. Tập trung hướng tới các thị trường trọng điểm và tiềm năng ở châu Âu, châu Mỹ, Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Úc. Tăng cường quảng bá xúc tiến kết nối các hãng lữ hành lớn ở các thị trường truyền thống và tiềm năng. Sử dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số trong quảng bá. Định vị thương hiệu du lịch Huế gắn với bản sắc di sản, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững. Tận dụng các giải thưởng, danh hiệu quốc tế mà Huế đã đạt được (ví dụ, sẽ là 1 trong 25 điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới, theo Travelers' Choice Best of the Best Destinations, Thành phố Du lịch sạch ASEAN 2024) để truyền thông. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong nhóm liên kết miền Trung (Đà Nẵng, Quảng Trị) để tạo tour liên vùng và sức mạnh tổng hợp.

Nghiên cứu kỹ thị trường, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, minh bạch để thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các dự án du lịch biển quy mô lớn, đặc biệt là các khu nghỉ dưỡng cao cấp và khu vui chơi giải trí hiện đại. Xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phù hợp với định hướng phát triển du lịch xanh và bền vững. Việc chỉ kêu gọi chung chung sẽ không hiệu quả; cần có nghiên cứu thị trường sâu rộng để chứng minh "dung lượng, khả năng thị trường" cho nhà đầu tư, cùng với các chính sách ưu đãi cụ thể và môi trường kinh doanh thuận lợi.

Việc triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp, khuyến nghị này sẽ giúp Thành phố Huế phát huy tối đa tiềm năng du lịch biển, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế - xã hội và khẳng định vị thế là một điểm đến du lịch độc đáo, đẳng cấp và bền vững của Việt Nam và Thế giới.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (2024). Nghị quyết số 130/NQ-HĐND, ngày 11/12/2024 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

[2]. Lê Hoài Nhân (2023). Du lịch Huế “thắng lớn”. Truy cập tại https://thanhnien.vn/du-lich-hue-thang-lon-185231221164340901.htm

[3]. Võ Thạnh (2024). Huế đặt mục tiêu thu hơn 11.000 tỷ đồng trong năm du lịch quốc gia. Truy cập tại https://vnexpress.net/hue-dat-muc-tieu-thu-hon-11-000-ty-dong-trong-nam-du-lich-quoc-gia-4834103.html

[4]. Thúc Phương (2025). TP. Huế đón 3,33 triệu lượt khách du lịch trong 6 tháng đầu năm 2025. Truy cập tại https://lsvn.vn/tp-hue-don-3-33-trieu-luot-khach-du-lich-trong-6-thang-dau-nam-2025-a160445.html

[5]. Thái Hòa (2024), Thừa Thiên Huế phê duyệt quy hoạch Khu đô thị ven biển 260 ha. Báo Đầu tư. Truy cập tại https://baodautu.vn/batdongsan/thua-thien-hue-phe-duyet-quy-hoach-khu-do-thi-ven-bien-260-ha-d223114.html

[6]. Thanh Xuân (2024). Thừa Thiên Huế quy hoạch thêm khu du lịch nghỉ dưỡng hơn 328ha. Tạp chí điện tử vneconomy. Truy cập tại https://vneconomy.vn/thua-thien-hue-quy-hoach-them-khu-du-lich-nghi-duong-hon-328ha.htm

[7].  Hồng Trang (2024). Xây kè ứng phó sạt lở bờ biển ở Thừa Thiên - Huế. Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Truy cập tại https://moitruong.net.vn/xay-ke-ung-pho-sat-lo-bo-bien-o-thua-thien-hue-75099.html

[8]. Phạm Thái Anh Thư, Phạm Thị Thương, Nguyễn Việt Thiên (2024). Phát triển nguồn nhân lực du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế trước bối cảnh chuyển đổi số. Truy cập tại  https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/05/21/phat-trien-nguon-nhan-luc-du-lich-cua-tinh-thua-thien-hue-truoc-boi-canh-chuyen-doi-so/

[9]. Lê Chung (2024). Huế kỳ vọng thu hơn 11.000 tỷ đồng khi đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2025. Truy cập tại https://bvhttdl.gov.vn/hue-ky-vong-thu-hon-11000-ty-dong-khi-dang-cai-nam-du-lich-quoc-gia-2025-20241231135831095.htm

[10]. Hữu Phúc (2024). Nguồn nhân lực cho ngành du lịch. Truy cập tại https://huengaynay.vn/du-lich/nguon-nhan-luc-cho-nganh-du-lich-148515.html

[11]. Hồ Thị Thu Hương (2023). Phát huy tiềm năng kinh tế biển gắn với du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tạp chí Tài chính. Truy cập tại https://tapchitaichinh.vn/phat-huy-tiem-nang-kinh-te-bien-gan-voi-du-lich-cua-tinh-thua-thien-hue.html

 

Developing marine tourism in Hue City: Potential, challenges, and solutions

Ho Thi Thu Huong

Head of Fundamental Theory Department, Nguyen Chi Thanh Political School, Hue City

Abstract:

Resolution No.130/NQ-HĐND (December 11, 2024) of the People’s Council of Thua Thien Hue Province identifies the cultural–tourism–services development program as one of six key provincial priorities. Positioned as Vietnam’s former imperial capital and a UNESCO World Cultural Heritage center, Hue City now faces a significant opportunity to leverage marine tourism as a strategic complement to its entrenched historical and cultural assets. This study provides a comprehensive assessment of the current status, potential, and challenges of Hue City’s marine tourism sector and proposes strategic, sustainability-oriented solutions to unlock this potential. The goal is to position Hue City as a “heritage and sustainable blue sea” destination on the international tourism map, ensuring that marine tourism development aligns with environmental stewardship, cultural preservation, and long-term socio-economic objectives.

Keywords: Hue City, sea tourism, lagoon, community tourism, eco-tourism.

Tạp chí Công Thương