Huyện Minh Long Duy trì tốc độ tăng trưởng gắn với xây dựng nông thôn mới

Năm 2022 tổng giá trị sản xuất của huyện Minh Long (Quảng Ngãi) đạt trên 732 tỷ đồng, tăng 8,53% so với năm trước và đạt 103,5% kế hoạch. Tổng thu ngân sách trên 375 tỷ đồng, đạt 194,31% dự toán huyện giao.

Minh Long là huyện miền núi nằm về phía Tây tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng huyện đã chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn huyện tương đối khá.

Duy trì đà tăng trưởng kinh tế khá

Theo đó, tổng giá trị sản xuất năm 2022 huyện Minh Long đạt trên 732 tỷ đồng, tăng 8,53% so với năm trước và đạt 103,5% kế hoạch. Tổng thu ngân sách trên 375 tỷ đồng, đạt 194,31% dự toán huyện giao. Công tác giải ngân cơ bản đảm bảo đúng tiến độ.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Giá trị sản xuất khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản năm qua đạt gần 252 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm trước và đóng góp 33,18% vào tổng giá trị kinh tế; khu vực Công nghiệp – xây dựng cũng đạt gần 252 tỷ đồng, tăng 9,25% so với năm trước; và lĩnh vực Dịch vụ đạt gần 230 tỷ đồng, tăng 12,47%.

Để đạt kết quả đó, Huyện Minh Long đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tiếp tục khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, nguồn lực để phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp; phát triển các vùng trồng cây chuyên canh tập trung dựa vào lợi thế của huyện như: chú trọng phát triển cây cây chè, cây keo và các loại  cây có giá trị kinh tế…; triển khai thực hiện tốt các mô hình nuôi heo bản địa; phát triển vùng chăn nuôi theo hướng tập trung như nuôi trâu cải tiến ở Minh Long…

huyện Minh Long
Trung tâm huyện Minh Long

Với thế mạnh về lĩnh vực lâm nghiệp, trong năm qua, Minh Long đã duy trì và giữ ổn định diện tích rừng tự nhiên hiện có là 8.776,7ha, tỷ lệ độ che phủ rừng 65%; trồng rừng mới tập trung được 1.842,4ha; khai thác gỗ rừng 128.750m3, tăng 7,86% so với cùng kỳ và đạt 105,39% kế hoạch giao.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về đất đai và nguồn lao động dồi dào, huyện Minh Long đã đẩy mạnh phát triển cây keo nhằm tạo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, góp phần xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Mặt khác, khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa, rau màu năng suất thấp sang trồng các loại cây trồng có giá kinh tế cao hơn.

Bên cạnh đó, huyện Minh Long tiếp tục thực hiện giao đất, giao rừng cho dân sản xuất; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về rừng, đất rừng theo hướng đảm bảo các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đều có đất, có rừng sản xuất. Đồng thời tiếp tục kêu gọi đầu tư một số cơ sở công nghiệp chế biến nông lâm sản ở những nơi có điều kiện, cũng như chú trọng phát triển các làng nghề truyền thống

Ngoài ra, huyện còn thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; có cơ chế chính sách hỗ trợ có điều kiện cho các hộ nghèo, trong đó ưu tiên hỗ trợ sản xuất phù hợp đối với người dân, tạo sinh kế bền vững cho hộ nghèo và cận nghèo. Công tác chăm lo cho các đối tượng diện chính sách và người nghèo được quan tâm chu đáo. Xây dựng và củng cố quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh; đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Chú trọng xây dựng nông thôn mới

Kinh tế - xã hội của huyện đã có nhiều khởi sắc, song huyện Minh Long đã xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là động lực để Minh Long tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã góp phần nâng cao đáng kể đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn. Kết cấu hạ tầng giao thông, trường học, các thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở đã được đầu tư tương đối đồng bộ. Các tuyến đường phần lớn đã được bê tông; đường làng, ngõ xóm được mở rộng, khang trang, sạch đẹp.

huyện Minh Long
Hạ tầng giao thông huyện Minh Long được quan tâm đầu tư.

Năm 2022, kết quả thực hiện Bộ tiêu chí NTM có xã Long Sơn và xã Thanh An đạt 19/19 tiêu chí, xã Long Mai 15/19 tiêu chí, xã Long Môn 10/19 tiêu chí, nâng tổng số tiêu chí NTM đến cuối 2022 đạt bình quân 16,8 tiêu chí/xã; 3 xã đạt chuẩn NTM là Long Sơn, Thanh An và Long Hiệp, đạt 60% số xã trên địa bàn huyện.

Cùng với đó, các công trình, dự án cấp thiết, các công trình thuộc các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của huyện được quan tâm chỉ đạo, đôn đốc thực hiện. Theo đó, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công 10 công trình chuyển tiếp và thực hiện khởi công mới 23 công trình, đến cuối năm 2022 thi công hoàn thành, tổ chức nghiệm thu và đưa vào sử dụng 18 công trình. Đối với 12 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022, tổng kế hoạch vốn giao năm 2022 là 105,824 tỷ đồng, thực hiện giải ngân đạt 100%.

huyện Minh Long
Thác Trắng huyện Minh Long là điểm đến hấp dẫn nhiều du khách.

Phát huy những thành quả đạt được, năm 2023, UBND huyện Minh Long phấn đấu đạt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra; chú trọng xây dựng NTM đi liền với phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng từ 7% - 7,5%; tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Nguyên Khang