Thừa Thiên - Huế: Triển khai mạnh công tác khuyến công

Từ năm 2000, chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế được triển khai, bước đầu tạo điều kiện phát triển sản xuất công nghiệp - TTCN, khôi phục và phát triển một số nghề và làng nghề
Với chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp địa phương và các văn bản quy phạm pháp luật về khuyến khích, ưu đãi phát triển công nghiệp địa phương như: Quy hoạch tổng thể các cụm công nghiệp - TTCN trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2006 - 2015; Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh đến 2015 và định hướng đến 2020; Danh mục các sản phẩm công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên- Huế giai đoạn 2008-2010, tầm nhìn đến năm 2020; Đề án khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề và ngành nghề TTCN Thừa Thiên-Huế đến năm 2015; Quy chế tạm thời quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế; Kế hoạch khôi phục và phát triển một số nghề, làng nghề truyền thống và sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu năm 2009 - 2010;

Đặc biệt, UBND tỉnh phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Thừa Thiên- Huế đến năm 2012, tổng kinh phí 42.680 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 5.015 triệu đồng, ngân sách các huyện 4.695 triệu đồng; đồng thời huy động các nguồn vốn từ Trung ương thông qua các đề án khuyến công quốc gia và các nguồn vốn khác. Từ khi có Nghị định số 134/2004/NĐ-CP và Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg về hoạt động khuyến công, từ tháng 7/2007, Trung tâm Khuyến công trực thuộc Sở Công Thương đã được thành lập với nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh.

Từ đó đến nay, hoạt động khuyến công dần ổn định và được triển khai với nhiều nội dung sát thực, đi vào chiều sâu, nguồn kinh phí phân bổ hàng năm đều được sử dụng hết cho các nội dung hoạt động. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở và sự phối hợp của các phòng, ban liên quan thuộc sở, công tác tổ chức triển khai chương trình khuyến công tại địa bàn các huyện, thành phố chủ yếu thực hiện trên cơ sở dựa vào sự phối hợp của phòng công thương/kinh tế các huyện/thành phố trong công tác quản lý hành chính nhà nước và triển khai các hoạt động khuyến công. Tuy nhiên, do điều kiện về biên chế và nguồn ngân sách dành cho hoạt động khuyến công còn hạn chế, nên đến nay vẫn chưa hình thành được hệ thống khuyến công viên và cộng tác viên cấp huyện, xã.

Bên cạnh sự phối hợp của phòng công thương/kinh tế các huyện và thành phố Huế, trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến công đã tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể như hội nông dân, hội phụ nữ, các hiệp hội ngành nghề, ... để thông tin tuyên truyền các chính sách của nhà nước về chương trình khuyến công và triển khai các hoạt động khuyến công đến các thành viên của các tổ chức này. Ví dụ: Qua triển khai đề án khuyến công năm 2009, “Hội thi nông dân tìm hiểu chính sách phát triển nghề và làng nghề trong nông thôn” của Trung tâm Giới thiệu việc làm- Hội Nông dân tỉnh đã đưa các chính sách, nội dung hoạt động khuyến công của Trung ương và của tỉnh Thừa Thiên- Huế đến các thành viên hội nông dân các huyện, thành phố trên địa bàn ....

Theo kế hoạch, năm 2010, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế phê duyệt hoặc uỷ quyền cho Sở Công Thương ban hành Quy chế xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh; quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm khuyến công tỉnh.