Báo cáo định kỳ hàng tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, mặc dù giá dầu thô tăng vọt và triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu nhưng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm 2023 được dự báo sẽ tăng thêm 2,2 triệu thùng/ngày tương đương tăng 2% so với năm 2022, chạm mức cao kỷ lục 101,6 triệu thùng/ngày. Mức này cũng vượt ngưỡng nhu cầu sử dụng dầu của toàn cầu trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Theo IEA, Trung Quốc sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu tăng lên trong năm 2023 khi nước này dỡ bỏ các biện pháp phong toả phòng chống dịch Covid-19. Trong hơn hai tháng vừa qua, Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã áp dụng các biện pháp phong toả diện rộng để kiểm soát dịch bệnh, khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại nước này suy giảm đáng kể. Trong năm 2022, tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu chủ yếu sẽ đến từ các nền kinh tế Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
IEA cho biết thị trường đang trong tình trạng căng thẳng nguồn cung dưới tác động của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây nhắm vào Nga. Việc nhu cầu sử dụng dầu thô tăng vọt khi các nền kinh tế lớn tái mở cửa kết hợp với sự suy giảm nguồn cung từ Nga và sản lượng khai thác thấp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã khiến giá dầu thô tăng vọt trong thời gian qua.
Trong đầu tháng 3/2022, đã có lúc giá dầu thô Brent đạt 139 USD/thùng - mức cao nhất kể từ năm 2008. Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 16/6, giá dầu thô Brent giao dịch quanh mức 119 USD/thùng.
Tuy nhiên, IEA nhận định thị trường dầu mỏ thế giới sẽ sớm đạt trạng thái cân bằng. “Sau bảy quý liên tiếp thị trường ghi nhận lượng tồn trữ dầu thô suy giảm, tăng trưởng nhu cầu sử dụng dần chậm lại và sản lượng khai thác dầu tăng vào cuối năm nay thì thị trường dầu mỏ thế giới sẽ cân bằng trở lại”, theo IEA.
IEA lưu ý tình trạng cân bằng trên thị trường dầu mỏ thế giới có thể bị xáo trộn bởi các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn từ phương Tây nhắm vào Nga, sự phục hồi nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Trung Quốc mạnh hơn dự báo, rủi ro đứt gãy nguồn cung từ Libya, và năng lực khai thác dự phòng của OPEC và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh (liên minh OPEC+) bị hạn chế.
Sản lượng của liên minh OPEC+ được IEA dự báo sẽ tăng 2,6 triệu thùng/ngày trong năm nay nhưng có thể giảm khoảng 0,52 triệu thùng/ngày trong năm 2023 khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga có hiệu lực hoàn toàn.