Giá các loại lương thực, thực phẩm trên toàn cầu như lúa mì, thịt, trứng và dầu ăn đều đã tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua, gây ra rủi ro an ninh lương thực và gia tăng sức ép lạm phát tại nhiều quốc gia.
Trong hai năm vừa qua, nguồn cung lương thực ra thị trường quốc tế vốn đã đối mặt nhiều thách thức nghiêm trọng như tắc nghẽn chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động trong thu hoạch dưới tác động của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, sản lượng nông nghiệp của một số quốc gia nông nghiệp lớn còn suy giảm vì biến đổi khí hậu. Cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine hiện nay không chỉ gây đứt gãy dòng chảy lương thực mà còn đẩy giá năng lượng tăng vọt, kéo theo đó là giá các loại phân bón, trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động canh tác nông nghiệp.
Tình trạng giá lương thực liên tục tăng đã khiến hàng loạt quốc gia áp dụng các biện pháp siết chặt hoặc hạn chế xuất khẩu lương thực, điển hình như Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì, Ukraine cấm xuất khẩu ngũ cốc và đường, Argentina cấm xuất khẩu thịt bò và Indonesia tạm ngưng xuất khẩu dầu cọ. Điều này càng khiến giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng cao hơn nữa.
Và gạo có thể loại lương thực tiếp theo bị cuốn vào cơn sốt giá này. Dữ liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho thấy giá gạo thế giới đã có mạch tăng giá kéo dài 5 tháng liên tiếp, tính đến tháng 5 vừa qua, và hiện chạm mức cao nhất trong vòng 12 tháng trở lại đây.
Nhiều chuyên gia cho biết hiện sản lượng gạo trên thế giới vẫn ở mức dồi dào. Tuy nhiên, việc giá lúa mì tăng cao cũng như chi phí sản xuất nông nghiệp bị đẩy lên đang khiến giá gạo trở thành vấn đề cần được chú ý. Bà Sonal Varma, Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng đầu tư Nomura (Nhật Bản), cho biết “Chúng ta cần theo dõi giá gạo trong thời gian tới, vì giá lúa mì tăng có thể khiến nhu cầu sử dụng gạo để thay thế lúa mì tăng lên, khiến lượng dự trữ gạo hiện có giảm xuống”.
Các biện pháp bảo hộ lương thực đang được một số quốc gia áp dụng “đang làm trầm trọng thêm áp lực giá cả trên toàn cầu”, bà Sonal Varma nhận định. Trong khi đó, hãng tư vấn thị trường Fitch Solutions cảnh báo “Chủ nghĩa bảo hộ lương thực chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay, tăng dần trong những tháng tới”.
Hãng tin Reuters cho biết nhiều khách hàng quốc tế đang cấp tốc thu mua gạo từ Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, trong những tuần gần đây do lo ngại quốc gia này có thể siết chặt xuất khẩu như đã làm với mặt hàng lúa mì và đường. Chỉ riêng trong tuần cuối cùng của tháng 5 và tuần đầu tiên của tháng 6, các doanh nghiệp gạo Ấn Độ đã ký được các đơn hàng xuất khẩu với tổng khối lượng lên tới 1 triệu tấn, giao từ tháng 6 đến tháng 9/2022.
“Ở thời điểm hiện tại, tôi cảm thấy lo lắng về khả năng Ấn Độ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gạo trong vài tuần tới đây, sau khi họ đã cấm xuất khẩu lúa mì và đường”, nhà nghiên cứu cấp cao David Laborde thuộc Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế cho biết. Theo ông David Laborde, giá gạo tên thị trường quốc tế càng tăng thì khả năng một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo cũng tăng lên theo.
Ông Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành hãng xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn Độ Satyam Balajee, cho biết “Các khách hàng quốc tế đã đặt trước đơn hàng giao hàng cho 3 đến 4 tháng tới và mọi đối tác đều đã mở Thư tín dụng (L/C) nhằm đảm bảo việc giao hàng được thực thi”.
Thông thường, các khách hàng nhập khẩu gạo của Ấn Độ chỉ ký hợp đồng trước thời điểm nhập từ 1 – 2 tháng và sẽ chỉ mở L/C khi họ đã chắc chắn có đơn vị nhận vận chuyển hàng.
Tuy nhiên, bà Sonal Varma cũng cho biết rủi ro xảy ra một cơn sốt giá gạo hiện nay chưa quá cao nhờ lượng gạo dự trữ trên toàn cầu còn dồi dào và dự báo sản lượng gạo vụ Hè năm nay của Ấn Độ sẽ ở mức tích cực.
Ấn Độ hiện là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với sản lượng xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 21,4 triệu tấn trong năm 2021, tăng 46% so với năm 2020. Tính từ đầu năm đến nay, nước này đã xuất khẩu được 9,6 triệu tấn gạo tương đương với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Thái Lan, quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, giá gạo đã tăng 25% kể từ đầu năm đến nay khi nhu cầu đối với gạo của nước này tăng mạnh. Philippines, quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, vừa qua đã quyết định gia hạn việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng gạo nhập từ các quốc gia ngoài khu vực Đông Nam Á cho đến cuối năm nay nhằm tăng cường nguồn cung gạo cho thị trường nội địa.
Giá gạo tăng cao được nhận định sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều quốc gia châu Á - khu vực tiêu thụ gạo nhiều nhất thế giới. “Ở Đông Nam Á, những quốc gia như Đông Timor, Lào, Cambodia và thậm chí cả Indonesia, nước có dân số rất đông, an ninh lương thực sẽ chịu tác động tiêu cực nếu giá gạo tiếp tục tăng và giữ ở mức cao”, ông Nafees Meah đại diện khu vực Nam Á của Viện Nghiên cứu lúa gạo, cho biết.
Ông Nafees cũng cảnh báo tình trạng giá năng lượng và giá phân bón ở mức cao lịch sử sẽ càng đẩy giá gạo tăng lên. Chi phí năng lượng và phân bón vốn chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí sản xuất lúa gạo.