Indonesia siết chặt việc xuất khẩu dầu cọ nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa

Bộ Thương mại Indonesia vừa công bố các quy định mới về xuất khẩu dầu cọ nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa. Trên thị trường hàng hoá thế giới, giá dầu cọ và các loại dầu ăn thay thế dầu cọ như dầu đậu nành và dầu hạt hướng dương đã tăng lên sau thông tin này.
Dầu cọ Indonesia
 Việc Indonesia siết chặt nguồn cung dầu cọ xuất khẩu có thể khiến các quốc gia nhập khẩu dầu cọ lớn như Ấn Độ, Trung Quốc và EU tăng cường nhập khẩu các loại dầu ăn thay thế, đẩy giá dầu ăn thế giới tăng lên (Ảnh: Reuters)

Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu dầu cọ Indonesia sẽ phải kê khai lượng sản phẩm đã phân phối trong nước, lượng sản phẩm xuất khẩu và nơi xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ phải xin thêm giấy phép xuất khẩu từ Bộ Thương mại Indonesia, ngoài Thông báo Xuất khẩu của Hàng hoá (PEB) như trước đây. Indonesia hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới.

Các doanh nghiệp kê khai thiếu trung thực có thể đối mặt với việc bị thu hồi giấy phép xuất khẩu. Cơ chế quản lý mới về hoạt động xuất khẩu dầu cọ của Indonesia tương tự như Nghĩa vụ thị trường nội địa mà Indonesia đang áp dụng đối với việc xuất khẩu than. Bên cạnh đó, giới chức Indonesia được cho là đang thảo luận về các biện pháp siết chặt quản lý xuất khẩu các loại dầu ăn.

Giá dầu cọ giao tháng 4/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá phái sinh Bursa Malaysia (BMDE) trong ngày 24/1 đã có lúc chạm mức cao nhất mọi thời đại 5.380 Ringgit (1.286,1 USD)/tấn; trong tuần trước, giá dầu cọ đã ghi nhận 5 phiên tăng giá liên tiếp. Giá dầu cọ trên Sàn BMDE được xem là mức giá tham khảo chuẩn cho các hợp đồng giao dịch dầu cọ trong khu vực và trên toàn cầu.

Việc Indonesia siết chặt nguồn cung dầu cọ cho hoạt động xuất khẩu có thể khiến những quốc gia nhập khẩu dầu cọ lớn như Ấn Độ và Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu các sản phẩm thay thế như dầu đậu nành và dầu hạt hướng dương. Tại Trung Quốc, giá dầu đậu tương trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) đã tăng 0,84% và giá dầu cọ tăng 1,14%.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia ông Muhammad Lutfi cho biết việc siết chặt việc quản lý hoạt động xuất khẩu dầu cọ nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nội địa với mức giá phù hợp. Dù đây là chính sách bắt buộc đối với các doanh nghiệp nhưng ông Muhammad Lutfi khẳng định đây không phải là lệnh cấm xuất khẩu đối với mặt hàng dầu cọ và các sản phẩm liên quan.

Trước đó, vào ngày 1/1, Indonesia đã bất ngờ ra thông báo cấm xuất khẩu than kéo dài 1 tháng nhằm ngăn chặn tình trạng khan hiếm nguồn cung và đảm bảo than cho sản xuất điện trên thị trường nội địa. Sau đó, giới chức Indonesia đã bắt đầu nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu đối với 139 doanh nghiệp cam kết cung ứng ít nhất 25% sản lượng khai thác hàng năm cho thị trường nội địa với mức giá do chính phủ Indonesia đưa ra.

Hiện Chính phủ Indonesia đang tăng cường giám sát việc giao hàng cho các nhà máy nhiệt điện nước này với mục tiêu đảm bảo lượng than tồn trữ vào cuối tháng 1 này đủ cho các nhà máy hoạt động trong vòng ít nhất 20 ngày.

Duy Quang