Trước đó, vào ngày 1/1, Indonesia đã bất ngờ ban hành lệnh cấm xuất khẩu than kéo dài 1 tháng nhằm ngăn chặn tình trạng khan hiếm nguồn cung và đảm bảo than cho sản xuất điện trên thị trường nội địa. Các nhà máy nhiệt điện than tại Indonesia đã cảnh báo lượng than tồn kho ở mức rất thấp.
Với vai trò là quốc gia xuất khẩu than nhiệt lượng cao lớn nhất thế giới, lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia đã khiến hàng loạt quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines lo ngại khan hiếm nguồn cung than trên thị trường quốc tế.
Sau đó, giới chức Indonesia đã bắt đầu nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu đối với các doanh nghiệp cam kết cung ứng ít nhất 25% sản lượng khai thác hàng năm cho thị trường nội địa với mức giá do chính phủ Indonesia đưa ra. Hiện Chính phủ Indonesia đang tăng cường giám sát việc giao hàng cho các nhà máy nhiệt điện nước này với mục tiêu đảm bảo lượng than tồn trữ vào cuối tháng 1 này đủ cho các nhà máy hoạt động trong vòng ít nhất 20 ngày.
Giới quan sát cho rằng ngay cả khi Indonesia tạm thời dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu thì giá than giao ngay trên thị trường Châu Á sẽ còn neo ở mức cao trong bối cảnh tình trạng mưa lớn vẫn đang cản trở hoạt động khai thác than tại Indonesia và Australia. Các khách hàng nhập khẩu than nếu muốn được ưu tiên giao hàng sẽ cần trả mức giá cao hơn mặt bằng chung.
Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts (Anh) cho thấy giá than loại 4.200 kcal/kg GAR của Indonesia đạt 68/tấn (giá FOB) vào ngày 20/1, tăng mạnh so với mức 63,45 USD/tấn ghi nhận trong ngày 31/12/2021. Đồng thời, giá than loại 5.500 kcal/lg NAR của Australia đã tăng từ 103,5 USD/tấn (giá FOB) vào ngày 31/12/2021 lên 136,05 USD/tấn (giá FOB) vào ngày 19/1 vừa qua.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ Indonesia siết chặt kiểm soát hoạt động xuất khẩu than cũng như áp dụng giám sát mức cung than của các doanh nghiệp cho thị trường nội địa dựa theo sản lượng hàng tháng, thay vì dựa theo sản lượng hàng năm cũng khiến các doanh nghiệp phải tăng tỷ lệ dự trữ nguồn cung cho thị trường nội địa.
Một hãng khai thác than tại Indonesia cho biết đang điều chỉnh tăng dự báo giá cho mọi loại than. Trong khi đó, S&P Global Platts dẫn lời một hãng khai thác than khác nhận định lượng than hiện có dành cho xuất khẩu sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu vốn sẽ tăng mạnh trong tháng 2 tới đây. Điều này sẽ tạo ra tình trạng khan hiếm nguồn cung và đẩy giá than tăng lên cao hơn nữa.
Dữ liệu hiện cho thấy lượng tồn trữ than nhiệt lượng tại các cảng lớn của Trung Quốc hiện đang sụt giảm nhanh sẽ khiến nhu cầu thu mua than của Trung Quốc tăng lên trong thời gian tới. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu than lớn nhất thế giới và là khách hàng mua than lớn nhất của Indonesia.