Kết nối cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh, thành phố

Với mục tiêu đẩy mạnh xúc tiến thương mại các sản phẩm đặc trưng, OCOP của tỉnh, Sở Công Thương Sóc Trăng đã ký kết bản ghi nhớ với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về liên kết, duy trì và phát triển các sàn thương mại điện tử. Đồng thời thực hiện ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng với siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Sóc Trăng là tỉnh nằm ở cuối lưu vực sông Hậu, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích 3.298 km2; dân số trên 1,2 triệu; có ba dân tộc Kinh - Khmer- Hoa sống đen xen. Nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản.

Tận dụng thế mạnh của nền nông nghiệp, hàng năm, sản lượng lúa đạt trên 2 triệu tấn (trong đó, lúa đặc sản chiếm trên 53%); tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 400.000 tấn; cây ăn trái trên 300.000 tấn; hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày trên 250.000 tấn (trong đó Hành tím 120.000 tấn). Toàn tỉnh có 12 làng nghề; trên 3.500 doanh nghiệp, cơ sở chế biến sản xuất công nghiệp; trên 35.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thương mại; 215 hợp tác xã đang hoạt động.

Kết nối cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh, thành phố
Sở Công Thương các tỉnh ký biên bản ghi nhớ hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm, liên kết hợp tác, duy trì và phát triển sản phẩm trên sàn thương mại điện tử

Với nhiều tiềm năng và lợi thế, lãnh đạo tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP, tạo thương hiệu cho địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao và được nhiều thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Điển hình như các loại Gạo đặc sản: ST, Gạo Tài nguyên, Gạo Sữa; Hành tím Vĩnh Châu; Bánh Pía, Lạp xưởng; Tôm đông; Trái cây các loại (Nhãn, Bưởi, Cam, Xoài, Sầu riêng, Vú sữa, Dừa, Chuối,…). Đặc biệt Gạo ST25 của Sóc Trăng đã được công nhận là Gạo ngon nhất, nhì thế giới vào năm 2019 và năm 2020.

Bên cạnh đó, qua triển khai thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030; đến nay, toàn tỉnh có 174 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của 95 chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trong đó, có 01 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 29 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 144 sản phẩm đạt hạng 3 sao); các sản phẩm OCOP của tỉnh tập trung vào 4 nhóm: Thực phẩm, Đồ uống, Thảo dược, Lưu niệm - Trang trí - Nội thất.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các Bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tỉnh, địa phương chủ động, tích cực tổ chức triển khai thực hiện nhiều giải pháp đột phá tháo gỡ khó khăn, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm của tỉnh.

“Các giải pháp đã mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp trong tỉnh, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập thị trường quốc tế, liên doanh, liên kết, mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy các quan hệ thương mại trong và ngoài nước, góp phần tích cực vào chiến lược phát triển kinh tế chung của cả nước nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng”, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song hoạt động xúc tiến thương mại của Sóc Trăng còn rất thấp so với nhu cầu. Đại diện Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cho hay, trong thời gian tới, để hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm tại thị trường trong nước và định hướng xuất khẩu, Sở Công Thương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, thế mạnh, sản phẩm OCOP của tỉnh.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương tạo kênh thông tin chuyên nghiệp, ổn định để trao đổi, chia sẻ thông tin thị trường; kịp thời thông tin các cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại của Trung ương và tỉnh; các tiêu chuẩn, quy định, thị hiếu tiêu dùng của các thị trường trong và ngoài nước, nhằm giúp cho doanh nghiệp tỉnh tạo thế chủ động, nâng cao nâng lực cạnh tranh.

Mặt khác, tổ chức, tham gia các hoạt động hội chợ triển lãm, hội nghị giao thương, kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh, ưu tiên sản phẩm OCOP, hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng theo quy trình VietGap, GlobalGap,... vào các thị trường trọng điểm trong nước và thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại ra nước ngoài. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà cung cấp, cơ sở sản xuất của tỉnh được gặp gỡ các hệ thống phân phối, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các nhà mua hàng trong nước và quốc tế.

Đáng chú ý, lãnh đạo Sở Công Thương Sóc Trăng khuyến cáo các doanh nghiệp cần tăng cường quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, mở rộng kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa thuộc các lĩnh vực đạt tiêu chuẩn chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… trên sàn thương mại điện tử.

Kết nối cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh, thành phố
Các doanh nghiệp ký biên bản ghi nhớ hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm

Đặc biệt, với mục tiêu đẩy mạnh xúc tiến thương mại các sản phẩm đặc trưng, OCOP của tỉnh, trong khuôn khổ Hội nghị “Kết nối cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh, thành phố gắn với việc ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử năm 2022”, tỉnh Sóc Trăng ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử và ký kết 13 biên bản ghi nhớ hợp tác về liên kết, duy trì và phát triển các sàn thương mại điện tử giữa Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sàn; 8 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng với 2 siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Việc ký kết sẽ giúp các sản phẩm hàng hóa đặc trưng hay OCOP của tỉnh ổn định đầu ra, giúp người nông dân yên tâm sản xuất; giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội liên kết, hợp tác, tạo thêm nhiều kênh phân phối khác giúp tiêu thụ sản phẩm.

[Quảng cáo]

Nguyên Vỵ