Thực trạng và giải pháp phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch tại tỉnh Sóc Trăng

PGS. TS. NGUYỄN ĐỨC NHUẬN1 - THS. VŨ VĂN BIÊN2 (1Giảng viên Trường Đại học Thương mại - 2Học viên Trường Đại học Thương mại )

TÓM TẮT:

Đề án Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng gắn kết văn hóa 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Với đề án này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ kết nối và xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, phong phú và đa dạng hòa hợp với thiên nhiên, sông nước và kết hợp đưa các sản phẩm đặc trưng từng địa phương trong tỉnh của chương trình OCOP gắn vào hoạt động du lịch. Tuy nhiên, việc phát triển chương trình OCOP của quốc gia lại triển khai không đồng bộ, chưa phát huy hết năng lực kết nối giữa sản phẩm OCOP vào chương trình tham quan du lịch tại tỉnh Sóc Trăng. Bài viết đã nêu rõ thực trạng, đồng thời đưa ra giải pháp nhằm phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch tại tỉnh Sóc Trăng.

Từ khóa: mỗi xã một sản phẩm, du lịch Sóc Trăng, giải pháp OCOP.

1. Đặt vấn đề

Chương trình OCOP - Mỗi xã một sản phẩm là Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất. Sóc Trăng là một tỉnh thuộc khu vực duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tham gia vào chương trình OCOP trong những năm trở lại đây. Các sản phẩm OCOP của Sóc Trăng có những năng lực cạnh tranh nhất định để thu hút khách hàng. Các mặt hàng thể hiện nét đặc trưng của văn hóa dân tộc Khmer, Hoa, Kinh nhưng vẫn còn tồn tại một số các vấn đề cần giải quyết.

2. Thực trạng sản phẩm OCOP tại tỉnh Sóc Trăng

2.1. Một số nét về tỉnh Sóc Trăng

Tọa lạc tại vùng hạ lưu sông Hậu thuộc ĐBSCL, Sóc Trăng là một tỉnh có sự kết hợp độc đáo của yếu tố lịch sử và địa lý. Sóc Trăng có diện tích hiện tại là 3.311,87 km2, rộng gấp 1,5 lần so với Thành Phố Hồ Chí Minh và lớn hơn thủ đô Hà Nội . Theo yếu tố lịch sử, Sóc Trăng là nơi hội tụ của ba dân tộc: Khmer - Hoa - Kinh. Người Khmer là những cư dân bản địa đã xuất hiện tại vùng đất Nam Bộ nói chung cũng như tại tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Qua những sát nhập những vùng lãnh thổ mới thông qua việc kết hôn giữa các hoàng tộc, việc dâng đất… người dân Khmer dần dà trở thành một bộ phận dân tộc lớn tại Nam Bộ. Sóc Trăng hiện nay có 1 thành phố, 2 thị xã và 8 huyện, với 109 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 17 phường, 12 thị trấn và 80 xã, với dân số là 1.621.000 người. Với số lượng đơn vị hành chính cấp xã là 109, việc đưa sản phẩm OCOP đến với Sóc Trăng vừa là cơ hội, nhưng đồng thời cũng là thách thức đối với tỉnh. Việc triển khai thực tế chương trình có những thực trạng nhất định và cần một số các giải pháp tương xứng với các thực trạng đó.

2.2. Chương trình OCOP tại tỉnh Sóc Trăng

Trong giai đoạn 2018 - 2020, đã có 2.961 chủ thể đăng kí tham dự chương trình OCOP với 6.210 sản phẩm. Trong đó có 4.759 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao (62,05%), 2.776 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao (36,2%) và 132 sản phẩm đạt chất lượng 5 sao (1,72%). Như vậy, sau 2 năm triển khai, chương trình nhận được sự tham gia tích cực từ phía các chủ thể. Kết quả đem lại là sự gia tăng đáng kể về thu nhập, tạo ra được nhiều công việc, phát huy giá trị văn hóa các làng nghề.

Đến thời điểm hiện tại, sau 2 năm thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã có 99 sản phẩm được xếp hạng (so với chỉ tiêu Đề án lúc đầu là 35 sản phẩm, đạt và vượt 282,85%), trong đó có 24 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 75 sản phẩm đạt hạng 3 sao của 52 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Bên cạnh đó, Hội đồng cấp tỉnh Sóc Trăng cũng đã tổ chức đánh giá thăng hạng 8 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hoàn chỉnh hồ sơ gửi Hội đồng đánh giá xếp hạng Trung ương đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia (sản phẩm OCOP 5 sao).

Hiện nay, các sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đồng thời, được các đơn vị phân phối, bán lẻ, sàn giao dịch thương mại điện tử (Trung tâm thương mại BigC, Coop Mart, VinMart, PostMart,...) ký kết hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn.

3. Thực trạng sản phẩm OCOP gắn với du lịch tại tỉnh Sóc Trăng

3.1. Gắn nhãn OCOP lên sản phẩm đạt chuẩn

Theo ghi nhận của nhóm tác giả về tình hình thực tế bao bì nhãn mác của một số sản phẩm, việc đưa nhãn hiệu OCOP chưa được thực hiện một cách triệt để. Cụ thể: ngày 26/03/2022, nhóm tác giả đến trạm dừng chân Mekong Rest Stop Tiền Giang, thấy sản phẩm bánh pía Mỹ Hiệp Thành của Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Duy Tân có địa chỉ tại thành phố Sóc Trăng không có ký hiệu, dù sản phẩm này được công nhận 4 sao.

Mặc dù chưa có quy định về việc gắn nhãn thương hiệu lên bao bì sản phẩm, nhưng việc không gắn các nhãn này sẽ ảnh hưởng tới sự nhận biết, tới sự cảm nhận và niềm tin của khách hàng về chất lượng sản phẩm. Sản phẩm sẽ không phát huy hết lợi ích đem lại từ phía thương hiệu OCOP vì chứng nhận OCOP là chứng chỉ uy tín, đảm bảo chất lượng của sản phẩm và giúp khách hàng phân biệt sản phẩm đó với các mặt hàng khác trên thị trường. Hơn nữa, việc không gắn thương hiệu OCOP sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Mỗi sản phẩm OCOP được đánh giá dựa trên 3 tiêu chí: sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị sản phẩm, chất lượng sản phẩm. Vì vậy, khi đã đạt OCOP, nghĩa là năng lực cạnh tranh của nội tại sản phẩm sẽ được phát huy, tăng khả năng bán hàng nhằm tạo thêm doanh thu.

3.2. Kinh doanh sản phẩm OCOP trên cung đường du lịch

Hiện nay, chương trình du lịch đi về Tây Nam bộ được các công ty lữ hành chào bán rất nhiều, đa dạng và phong phú nhằm đáp ứng số lượng lớn khách du lịch cả nước, đặc biệt từ các khu vực miền Bắc và miền Trung vào tham quan trải nghiệm. Các sản phẩm du lịch có thể có thời gian từ 1 ngày đến những chương trình 4 ngày hoặc thậm chí là 7 ngày. Thông thường, các điểm đến trong chương trình du lịch đều có ghé các trạm dừng chân hoặc đến các cơ sở sản xuất, trưng bày và bán các đặc sản địa phương, nhưng việc bán sản phẩm OCOP chưa thực sự hiệu quả. Theo tìm hiểu tại một số trạm dừng chân quen thuộc như: Trạm dừng chân Minh Tâm trên quốc lộ 1, Trạm dừng chân Út Thẳng trên quốc lộ 80, Trạm dừng chân Phú An Khang trên quốc lộ 1A,... Tại các điểm này, phần lớn các sản phẩm OCOP chưa được tổ chức, sắp xếp riêng tại những khu vực thuận lợi cho nhận biết, mà thường được bày chung như đa số các sản phẩm khác. Nhân viên bán hàng tại các địa điểm trên giải thích có hiện tượng như vậy là bởi chiết khấu hoa hồng cho việc bán các sản phẩm này không cao, nên không được đặt ở các quầy hàng ưu tiên. Bên cạnh đó, theo quan sát từ nhóm tác giả, việc không bán được sản phẩm còn bởi nhiều các lý do khác, trong đó có lý do nhiều khách du lịch là đến đây với mục đích chính là dừng nghỉ và để thỏa mãn các nhu cầu cá nhân,  nên thời gian dừng nghỉ thường ngắn trung bình từ 10 - 15 phút, vì thế chưa đủ thời gian để du khách quan tâm nhiều đến các sản phẩm trưng bày và mua các sản phẩm này.

3.3. Sử dụng OCOP như một điểm đến du lịch

Hiện nay có hơn 100 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, chủ yếu đến từ các nhóm ngành hàng nông sản, hoặc các sản phẩm có nguồn gốc từ nông sản ở địa phương đạt chuẩn OCOP, nhóm các sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn đạt chuẩn OCOP còn thiếu vắng, ở nhóm này chưa có những sản phẩm đạt chuẩn OCOP được giới thiệu tại địa phương. Hiện nay, chỉ có 2 sản phẩm du lịch đang được xây dựng để gắn vào thương hiệu OCOP là Làng văn hóa du lịch chợ nổi Ngã Năm và Khu du lịch cộng đồng Farmstay Sân Tiên. Tuy nhiên, cả 2 điểm du lịch này hiện không thu hút du khách và cũng chưa là các điểm đến được đưa vào các chương trình du lịch một cách thường xuyên.

Theo khảo sát một số nhân viên kinh doanh tour du lịch tại Công ty TSTTourist, số 10 Tú Xương, phường Võ Thị Sáu, quận 3, một số lý do được đưa ra để giải thích cho việc không đưa vào các sản phẩm phục vụ du lịch. Trước hết, Khu du lịch farmstay Sân Tiên nằm tại Cù Lao Dung, hạ tầng giao thông đường bộ còn khó khăn, các xe du lịch rất khó để tiếp cận, thường phải di chuyển bằng phà nên mất rất nhiều thời gian. Thứ 2 là không thuận tiện trên các cung đường du lịch, các tour du lịch thường chỉ ghé tỉnh Sóc Trăng tham quan từ 1 đến 2 điểm tại địa phương và thường ít lưu trú lại đây. Khách hàng thường sẽ chọn lưu trú tại Cần Thơ hoặc đi thẳng xuống tỉnh Cà Mau. Đối với Làng Văn hóa du lịch chợ nổi Ngã Năm, nhân viên kinh doanh cho biết: “nên đi chợ nổi Cái Bè hoặc Cái Răng vì tham quan chợ nổi thường phải dậy sớm để đi tham quan, bởi vậy việc lưu trú ở Cái Bè hoặc Cần Thơ sẽ thuận tiện hơn vì đêm trước du khách thường có nhiều khám phá cuộc sống về đêm của các điểm dừng chân”.

Tóm lại, việc sử dụng sản phẩm OCOP như một điểm du lịch tại Sóc Trăng gặp phải vấn đề khó khăn là không nằm trên các cung đường du lịch nên kém thuận lợi cho việc tiếp cận, năng lực cạnh tranh không bằng so với các điểm đến du lịch khác tại địa phương.

3.4. Chương trình tham quan tại Sóc Trăng gắn với sản phẩm OCOP

Hầu hết các tour tham quan tại Sóc Trăng đi trong ngày khởi hành từ Cần Thơ - Sóc Trăng hoặc Bạc Liêu - Sóc Trăng hoặc tour dài ngày hơn với sự kết nối các tỉnh thành như TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Sóc Trăng,... Nhìn chung, chương trình tham quan tại Sóc Trăng chủ yếu tập trung vào các điểm đến có tính chất tâm linh như: Chùa Som Rong, Chùa Dơi, chùa K’leng hay Chùa Chén Kiểu; hoặc các điểm đến thương mại như chợ nỗi Ngã Năm. Sau đó sẽ tham quan khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, là quần thể tiêu biểu, độc đáo của hệ sinh thái đất ngập nước, báu vật của vùng Tây sông Hậu. Vườn Cò Tân Long, hay khám phá Cù Lao Dung là một trong những điểm mà khách muốn tham quan và đang được nhiều công ty du lịch chào cho khách. Nhưng thì các công ty du lịch chưa tận dụng việc kết nối các sản phẩm OCOP vào du lịch cộng đồng.Từ những vấn đề nêu trêncho thấy một số thực trạng chính là nguồn vốn đầu tư đổi mới kỹ thuật, do đại bộ phận người dân nơi đây sản xuất mang tính tự phát, trình độ sản xuất vẫn theo lối cũ lạc hậu, cơ sở vật chất thô sơ, tay nghề hạn chế, thiếu sự nắm bắt thông tin thị trường, các mẫu mã sản phẩm chưa được cải tiến và nâng tầm nên sẽ khó khăn trong việc gắn sao theo chương trình OCOP. Công tác tuyên truyền, vận động ý nghĩa của sản phẩm OCOP gắn với Du lịch cộng đồng còn yếu kém,các sản phẩm du lịch cộng đồng chưa đặc sắc và có dấu ấn riêng.

4. Nhóm giải pháp sản phẩm OCOP gắn với du lịch tại tỉnh Sóc Trăng

4.1. Giải pháp tăng cường nhận diện và quảng bá thương hiệu OCOP

Hiện nay, việc tuyên truyền lợi ích của thương hiệu OCOP đến các chủ thể hiện chưa được phát huy một cách tối đa nên không tạo được năng lực cạnh tranh để thúc đẩy sản phẩm tiếp cận được với khách hàng. Giải pháp cần thiết đó là các sản phẩm của các chủ thể được công nhận cần gắn nhãn hiệu OCOP không chỉ ở bao bì sản phẩm mà còn cần gắn lên các thùng đóng hàng. Việc gắn thương hiệu OCOP lên bao bì giúp khách hàng dễ dàng nhận ra được các giá trị: Chất lượng sản phẩm, yếu tố cộng động của sản phẩm và yếu tố quảng bá sản phẩm.

Ngoài ra, các cán bộ triển khai OCOP từ cấp xã có thể tuyên truyền và đưa ra các giá trị tối ưu đến với các chủ thể. Việc mở các lớp tuyên truyền sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa đến các chủ thể khác, đưa ra các yếu tố bất lợi nếu như chủ thể không đưa thương hiệu OCOP. Cụ thể: việc không đưa OCOP lên bao bì có thể làm cho khách hàng đánh đồng chất lượng của sản phẩm mình với các sản phẩm khác không đạt chất lượng.

Bên cạnh đó, việc gắn logo OCOP lên sản phẩm cần được quan tâm, đặt ở vị trí để khách hàng có thể dễ dàng thấy được logo và số sao trên sản phẩm. Các chủ thể cần có một đội ngũ chuyên thiết kế bao bì, sản phẩm bắt kịp xu hướng kèm theo logo của OCOP. Có thể chi phí thiết kế sẽ tăng lên nhưng đồng nghĩa với việc sản phẩm bắt mắt hơn. Cuối cùng, việc tái thiết kế bao bì sản phẩm với logo OCOP cũng là một biện pháp tạo sự khác biệt với sản phẩm khách nhằm tăng năng lực cạnh tranh, nâng cấp cao giá trị thương hiệu sản phẩm.

Như vậy, việc tăng cường nhận diện và quảng bá thương hiệu OCOP bao gồm: gắn logo lên sản phẩm và bao bì, nâng cao ý thức về giá trị thương hiệu OCOP với chủ thể, chủ thể cần tái thiết kế bao bì để bắt kịp xu hướng. Các giải pháp đưa ra nhằm hướng đến việc tăng cường quảng bá và xúc tiến thương hiệu OCOP gắn với chương trình du lịch.

4.2. Giải pháp tăng cường hệ thống bán hàng thông qua tuyến du lịch

Một là, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm liên kết với các hệ thống trạm dừng chân trên các tuyến quốc lộ có cung đường du lịch chính. Việc liên kết này là một mối quan hệ tương hỗ, doanh nghiệp sản xuất OCOP có thêm một cánh tay nối dài đến với khách hàng và tăng được doanh thu. Ngoài ra, các đơn vị đối tác có thể thu thêm được một khoản chiết khấu từ khách du lịch. Các tuyến quốc lộ chính có cung đường du lịch đi qua: Quốc lộ 1A kết nối từ Sài Gòn đến tỉnh Cà Mau, Quốc Lộ 80 từ Vĩnh Long kéo dài đến cửa khẩu Xà Xía, tỉnh Hà Tiên, quốc lộ 91 đoạn từ thành phố Cần Thơ đi đến cửa khẩu Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Với 3 cung đường trên thì sản phẩm OCOP của tỉnh Sóc Trăng có thể đến tay khách du lịch.

Hai là, cần thương lượng với các đối tác để việc trung bày sản phẩm OCOP trên các gian hàng một các hiệu quả. Cụ thể, vị trí đặt sản phẩm của OCOP cần phải tách bạch và rõ ràng so với các sản phẩm khác không đạt chuẩn. Cần sự phân loại theo tỉnh để khách du lịch nhận biết sản phẩm OCOP của tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh khác, thậm chí cần phân loại sao để khách hàng có sự lựa chọn tốt nhất.

Ba là, các chủ thể có thể hợp tác với nhau thành một chủ thể liên kết và xây dựng các trạm dừng chân chuyên bán các sản phẩm OCOP. Từ đó tạo thành tiền đề xây dựng một chuỗi bán hàng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng.

4.3. Giải pháp tăng cường phát triển sản phẩm OCOP du lịch

Có tổng cộng 6 nhóm ngành nghề để phát triển theo tiêu chuẩn OCOP, nhưng hiện nay, Sóc Trăng chỉ có các sản phẩm trong nhóm ngành Thực phẩm, Đồ uống, Thảo dược, Lưu niệm - Nội thất - Trang trí, còn thiếu 2 nhóm ngành Vải & may mặc và Dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.

Sóc Trăng là vùng đất có nền văn hóa đa dạng của 3 tộc người cùng với tiến trình lịch sử lâu dài, vì vậy đây sẽ là một nguồn tài nguyên du lịch to lớn. Chính vì thế, cần có những chính sách phù hợp để phát triển 2 nhóm ngành còn lại gắn với thương hiệu OCOP.

Trước hết, các chủ thể đăng ký phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái hoặc du lịch khám phá. Có thể sử dụng mô hình của Cù Lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ làm mô hình mẫu để phát triển du lịch theo hướng cộng đồng và nhờ cán bộ chuyên trách hỗ trợ thực hiện việc đánh giá OCOP vào sản phẩm đó. Mô hình cù lao Tân Lộc là một hình kép kín với chương trình tham quan 1 ngày bao gồm: dịch vụ ăn uống với các món ăn đặc sản như gỏi ổi, rượu ổi; dịch vụ vận chuyển như xe điện, xe ôm, xe đạp; khu vực team building, tham quan nhà cổ. Như vậy, Cù lao Dung là một ví dụ điển hình để có thể phát triển theo hướng đó. Hiện nay, Cù Lao Dung có thể liên kết các hộ gia đình có nhà vườn để cung cấp dịch vụ lưu trú homestay, cung cấp dịch vụ ăn uống với trái cây đặc trưng. Trong tour du lịch đó có thể sử dụng các sản phẩm OCOP thuộc ngành khác như thực phẩm, đồ uống để tạo điểm nhấn. Ví dụ: trong bữa cơm có thể sử dụng gạo ST24, tráng miệng bằng bánh Pía (các sản phẩm đều đạt chuẩn OCOP 4 sao).

Sau khi đã có chương trình OCOP về sản phẩm du lịch, Xã có thể đem sản phẩm đến các hội chợ du lịch, công ty du lịch để chào bán và gắn thương hiệu OCOP vào điểm đến du lịch đó. Cần có chính sách hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch, chủ thể có sản phẩm OCOP ngành hành Du lịch và cơ quan xúc tiến thương mại tỉnh Sóc Trăng.

4.4. Giải pháp gắn các sản phẩm OCOP với điểm du lịch

Nhu cầu của khách du lịch hiện nay không chỉ dừng ở việc tham quan, khám phá, tìm hiểu, nghĩ dưỡng, thư giãn, học tập ở điểm đến mà còn là việc mua sắm. Thực trạng hiện nay của các điểm du lịch tại Sóc Trăng là du khách không biết mua gì. Khi được khảo sát một số du khách tại các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Sóc Trăng thì khách hàng đa số trả lời sẽ mua bánh Pía, và ngoài bánh Pía thì khách du lịch đa số không biết các sản phẩm OCOP và thậm chí không có khái niệm gì về OCOP. Việc cần làm là gắn sản phẩm OCOP với các điểm du lịch và nâng cao nhận thức của du khách về thương hiệu OCOP.

Trước hết, các địa điểm du lịch có thể bán các sản phẩm OCOP thuộc các nhóm ngành: Thực phẩm, Đồ uống, Thảo dược, Vải và may mặc, Hàng lưu niệm. có thể xây dựng những kios bán sản phẩm OCOP tại các khuôn viên điểm du lịch nhưng cần đảm bảo không được phá vỡ cấu trúc của khuôn viên, không ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn. Ngoài ra, nhân viên bán sản phẩm OCOP tại điểm du lịch cần được đào tạo và tuyên truyền thông tin OCOP đến với khách hàng để nâng cao nhận thức của khách du lịch.

Bên cạnh đó, các cơ quan xúc tiến thương mại, ban quản lý các điểm du lịch, cán bộ OCOP và chủ thể OCOP cần đưa ra chính sách hợp lý để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm OCOP với các sản phẩm khác trên thị trường. Điều quan trọng hơn nữa là cần làm thế nào để khách hàng biết rõ Sóc Trăng không chỉ có bánh Pía, mà còn có các đặc sản khác.

5. Kết luận

Sóc Trăng là một tỉnh thuộc khu vực duyên hải miền Tây Nam bộ, có lợi thế lớn về địa hình nên tạo ra các nguồn đặc sản địa phương. Việc phát triển các sản vật địa phương theo tiêu chuẩn OCOP đem lại những mặt tích cực cho sự phát triển không chỉ của từng hộ gia đình mà còn cho cả tỉnh Sóc Trăng. Bằng chứng là số lượng sản phẩm OCOP ngày càng tăng, thu nhập từ các chủ thể có sản phẩm OCOP tăng, phát huy được giá trị truyền thống của các làng nghề, bảo tồn giá trị văn hóa dần mai một của một số làng nghề, nâng cao nhận thức của người dân, tạo ra công việc cho người dân địa phương, giảm việc chuyển dịch cơ cấu dân số lên các đô thị lớn và thực hiện được tiêu chí phát triển nông thôn mới theo như đề xuất từ phía Chính phủ.

Không phủ nhận còn tồn tại một số hạn chế còn tồn đọng tại Sóc Trăng với các sản phẩm OCOP. Nhưng những thực trạng đó cũng chính là động lực để các chủ thể, cơ quan xúc tiến thay đổi để sản phẩm đến được với tay người tiêu dùng.

Nhóm tác giả đưa ra 4 giải pháp tương ứng với 4 thực trạng, nhằm giải quyết các vấn đề. Tuy nhiên, cần có sự hợp tác và hỗ trợ từ phía các cơ quan xúc tiến địa phương, cán bộ chuyên trách về sản phẩm OCOP, doanh nghiệp du lịch và đặc biệt nhất là chủ thể có sản phẩm OCOP. Việc kết hợp sẽ tạo ra tiền đề và động lực để các sản phẩm đến với khách hàng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (06/2021), Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội.
  2. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2020), Tài liệu tuyên truyền Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2018 - 2020, Định hướng đến năm 2025 (Chương trình OCOP), Hưng Yên.
  3. Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng (2020), Quyết định về việc Phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Sóc Trăng, Đợt 2 năm 2020, Sóc Trăng.
  4. Thiện Hải (2020), Sóc Trăng: Tăng cường xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP,truy cập tại: http://ocop.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-tieu-diem/soc-trang-tang-cuong-xuc-tien-thuong-mai-cho-san-pham-ocop.html.
  5. Lý Thị Phương (2020), Phát triển du lịch gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Sóc Trăng. truy cập tại: http://ocop.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tin-tieu-diem/phat-trien-du-lich-gan-voi-chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham-.html.

Current situation and solutions to develop OCOP products in association with the tourism development in Soc Trang province

Assoc.Prof.Ph.D Nguyen Duc Nhuan1

Master. Vu Van Bien2

1Lecturer, Thuongmai University

2Student, Thuongmai University

Abstract:

Soc Trang province’s the “One commune, One product” (OCOP) program in the period of 2018 – 2020, with vision to 2030 is to strengthen the cultural integration of Kinh, Khmer, and Hoa ethnic groups. In this program, the provincial Department of Agriculture and Rural Development will build unique tourism products which harmonize with the province’s nature, and introdue local OCOP specialities via tourism activities. However, the implementation of the national OCOP program is not asynchronously and not fully promoting the connection capacity between OCOP products and tourism products in Soc Trang province. This paper points out the current situation and proposes some solutions to develop OCOP products in association with the development of tourism products in Soc Trang province.

Keywords: “one commune, one product”, Soc Trang province’s tourism sector, solutions for the OCOP program.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20 tháng 8  năm 2022]